Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Ngân Hàng Thế Giới khó tin chi tiêu của chính quyền Việt Nam

HÀ NỘI (NV) .- Đó là nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) về chi tiêu của chính quyền các địa phương ở Việt Nam.
Mức độ tin cậy mà WB dành cho sự chi tiêu của hệ thống này là “thấp”.

xaycatVN
Gần như tất cả các công trình hạ tầng tại Việt Nam đều vượt dự toán đến 50%. (Hình: TBKTSG)



Lý do khiến WB không tin cậy chi tiêu của chính quyền các địa phương ở Việt Nam là vì chi tiêu thực tế luôn vượt xa mức chi tiêu đã dược phê duyệt (dự toán).

Chẳng hạn trong đầu tư hạ tầng, chi tiêu thực tế thường chênh lệch tới 50% so với dự toán, vượt xa thông lệ là duy trì chênh lệch chi tiêu ở mức không quá 5% dự toán.

Theo WB, sở dĩ có tình trạng vừa kể là vì hệ thống hành pháp được phép thay đổi dự toán mà không cần hệ thống dân cử xem xét, phê duyệt.

 Chưa kể, Luật Ngân sách hiện hành cho phép nới rộng chi tiêu so với dự toán bằng cách dùng thêm các dòng tiền cả trong lẫn ngoài ngân sách.
Đây cũng là lý do việc sử dụng ngân sách trở thành thiếu minh bạch và chi tiêu trở thành kém hiệu quả.

Tuần trước, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội CSVN từng cảnh báo về tình trạng nợ nần của chính quyền các địa phương đang tăng chóng mặt.
Trong bốn năm từ 2010 đến 2013, nợ nần của chính quyền các địa phương đã tăng gần 5 lần, từ 6,777 tỉ vào năm 2010 lên 30,016 tỉ đồng vào năm 2013.

 Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội CSVN dự đoán, đến cuối năm nay, khoản nợ này sẽ lên tới 33,500 tỉ và sang năm tới, con số đó sẽ là 38,000 tỉ vì chính quyền nhiều địa phương vẫn tiếp tục phát hành trái phiếu riêng để đầu tư vào các dự án hạ tầng.

Dẫn đầu về nợ nần tăng tăng cao và nhanh là Sài Gòn. Tính đến cuối năm ngoái, chính quyền thành phố Sài Gòn nợ 12,419 tỉ. Trong đó hơn 10,000 tỉ là nợ từ việc phát hành trái phiếu.  Số nợ còn lại là vay của Kho bạc Nhà nước.

Chính quyền các địa phương biện bạch, nợ riêng tăng cao và nhanh là chính quyền trung ương không cấp đủ tiền để họ đầu tư vào các dự án.
Cũng vì vậy, họ phải huy động vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau và trái phiếu là công cụ mượn nợ được sử dụng nhiều nhất.

Cũng theo chính quyền các địa phương thì những dự án đầu tư thực hiện bằng tiền bán trái phiếu đều vừa mới hoàn thành hoặc đang được thực hiện nên chưa thể xác định hiệu quả.

Trong khi đó, cả Quốc hội của chế độ lẫn nhiều chuyên gia, báo giới, liên tục chỉ trích việc sử dụng các nguồn tiền đi vay như ODA, trái phiếu,… luôn luôn kéo dài, khiến gánh nặng của nợ nần thêm trầm trọng.

Tháng 9 năm ngoái, Kiểm toán Nhà nước công bố một báo cáo, theo đó, do thực hiện chậm chạp, nhiều dự án giao thông và dự án thủy lợi không đáp ứng mục tiêu đầu tư là “giải quyết nhu cầu cấp bách”.

Tại Phú Thọ có 25 dự án như vậy. Còn tại Thanh Hóa có 5 dự án không đạt mục tiêu đầu tư...

Chưa kể tại nhiều địa phương, tình trạng nợ các nhà thầu chấp nhận ứng tiền trước để xây dựng các công trình hạ tầng càng ngày càng trầm trọng. Việc chính quyền các địa phương thi nhau phát hành trái phiếu với lãi suất cao, cạnh tranh với hệ thống ngân hàng có thể dẫn đến tình trạng vỡ nợ hàng loạt trong tương lai.

Mới đây, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư của Việt Nam, kể rằng, do Quốc hội yêu cầu ông ta phải cho biết những dự án nào kém hiệu quả hoặc không hiệu quả.

Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã gửi công văn đề nghị các địa phương trong toàn quốc khảo sát – đánh giá các dự án đầu tư bằng ngân sách.

Phản hồi trở lại từ các địa phương trong toàn quốc là “dự án nào cũng hiệu quả’. Khi bị ông Vinh chất vấn, yếu tố “hiệu quả” được đánh giá theo tiêu chí nào (?), lãnh đạo các địa phương trả lời “không hiệu quả chỗ này thì hiệu quả chỗ khác”.

Cuối năm ngoái, chế độ Hà Nội công bố một thống kê về việc sử dụng ngân sách để đầu tư vào các “dự án trọng điểm”. Theo đó, chỉ trong vòng mười năm, Việt Nam đổ tiền xây 20 cảng biển quốc tế, 22 phi trường (có 8 là phi trường quốc tế), 267 khu công nghiệp (trung bình một tỉnh có 4 khu công nghiệp), 18 khu kinh tế ven biển, 28 khu kinh tế cửa khẩu, 1,757 dự án trong các lãnh vực giao thông, thủy lợi và di dân.

Tổng vốn đầu tư cho tất cả các “dự án trọng điểm” ấy ngốn hết khoảng 444 ngàn tỉ đồng và gần như toàn bộ các “dự án trọng điểm” đều bỏ hoang sau khi hoàn tất. (G.Đ)

Switch mode views: