Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thách thức kinh tế đối với tân Tổng thống Indonesia

Jakarta

Tại Jakarta, các khu phố ổ chuột và trung tâm tài chính sang trọng thể hiện cho chênh lệch giàu nghèo - AFP /Bay Ismoyo


Vào hôm nay, 09/07/2014, cả hai ông Widodo và Prabowo đều tuyên bố là mình đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống tại Indonesia.
Tuy nhiên, dù kết quả chọn lựa của cử tri Indonesia có ra sao chăng nữa, vị Tổng thống mới của quốc gia này sẽ phải đối phó với nhiều thách thức kinh tế.

Về mặt ưu điểm, phải nói rằng Indonesia hiện nay là một trong những nền kinh tế hàng đầu của vùng Đông Nam Á.
Tăng trưởng kinh tế của quốc gia này rất vững chắc trong một chục năm gần đây, với tỷ lệ bình quân 6% một năm.

Thị trường đông người tiêu thụ của Indonesia, với nhân công đông đảo và giá còn tương đối hạ càng lúc càng thu hút giới đầu tư ngoại quốc.
Trong những năm gần đây, các tập đoàn muốn rời Trung Quốc do các khó khăn tại đấy, đặc biệt là do chi phí nhân công tăng cao, hoặc muốn bỏ Thái Lan vì khủng hoảng chính trị triền miên, thường nhìn sang Indonesia trong tư cách một nơi thay thế.

Thế nhưng chàng "khổng lồ" Đông Nam Á này có nhiều chỗ yếu to lớn làm người ta e ngại.
Nổi bật nhất là hạ tầng cơ sở - đường xá, bến cảng - cũng như các phương tiện chuyên chở - đường hàng không, đường thủy - rất yếu kém, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn.

Thiếu sót về mặt hạ tầng cơ sở này bắt nguồn từ hai yếu tố then chốt. Trước tiên hết là khả năng tài chính hạn hẹp so với một đất nước rất rộng bao gồm 17.000 hòn đảo lớn nhỏ, với một nhu cầu to lớn.

Nhưng một vấn nạn khác khiến Indonesia gặp khó khăn trong việc phát triển hạ tầng cơ sở của mình : Đó là tệ nạn hành chính, quan liêu, với hệ quả tất yếu là tham nhũng.
Một ví dụ thường được nhắc đến là công trình xây dựng đường tàu điện ngầm Jakarta hầu giảm nạn kẹt xe.

Là một trong những thành phố thuộc diện đông dân nhất thế giới, vấn đề chuyên chở công cộng rất cần thiết, và ngay từ năm 1985, đề án metro Jakarta đã được đưa ra.
Tuy nhiên, công trình này đã liên tục bị trở ngại, và có lẽ mãi đến năm 2018 tới đây thì tuyến metro đầu tiên của Jakarta mới có thể đi vào hoạt động, tức là hơn 30 năm sau !

Một thách thức thứ hai liên quan đến chênh lệch giàu nghèo ngày càng sâu rộng.
 Tăng trưởng nhanh của Indonesia trong mấy năm qua đã cải thiện phần nào cuộc sống người dân, nhưng hưởng lợi nhiều lại là thành phần trung lưu đã giàu lên đáng kể.

Tuy nhiên cùng lúc, sự cách biệt giàu nghèo ngày càng lớn, bất bình đẳng ngày rõ hơn : 12% người Indonesia phải sống với 1,25 đô la một ngày, và gần 40% dân chúng phải sống với không đầy 2 đô la/ngày, với công ăn việc làm tạm bợ.

Đối với giới phân tích, vấn đề công ăn việc làm sẽ là một thách thức lớn đối với tân Tổng thống nước này.
 Lý do rất đơn giản : Tỷ lệ tăng trưởng bình quân 6% mỗi năm của Indonesia, tuy rất đáng khích lệ, nhưng không đủ để tạo thêm công ăn việc làm cho một dân số trẻ, đang trên đà tăng nhanh.


Switch mode views: