Biển Đông : Philippines mạnh dạn hơn trong đối sách chống Trung Quốc
- Thứ Sáu, 27 tháng Sáu năm 2014 22:20
- Tác Giả: Trọng Nghĩa
Chuẩn đô đốc Philippines Jaime Bernardino Philippine(t) với chuẩn đô đốc Mỹ Stuart Munsch, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Task Force 74, trong nghi thức khai mạc tập trận CARAT, vịnh Subic, 26/06/2014.
REUTERS/Erik De Castro
Tham gia tập trận hải quân với Mỹ gần vùng bãi cạn bị Trung Quốc cưỡng chiếm, tăng cường quan hệ an ninh với các đối thủ của Bắc Kinh như Việt Nam hay Nhật Bản, thúc đẩy liên kết giữa các nước ASEAN cùng có tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông…
Trong thời gian gần đây, Manila đã thể hiện một thái độ tự tin và mạnh dạn hơn trong việc tìm phương cách chống lại các động thái lấn lướt của Trung Quốc trên Biển Đông.
Yếu tố gần đây nhất thể hiện thái độ mạnh dạn hẳn lên của Philippines trong đối sách chống Trung Quốc là cuộc tập trận thường niên CARAT với đồng minh Mỹ, được khởi động từ hôm qua, 26/06/2014.
Mỹ và Philippines vẫn liên tục tập trận chung với nhau, nhưng hiếm khi mà hai bên lại tập trận hải quân gần khu vực đang tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh, cụ thể là gần bãi cạn Scarborough ở Biển Đông, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nhưng bị Trung Quốc mặc nhiên chiếm lấy từ tháng Tư năm 2012.
Việc tàu chiến, tàu quân sự Mỹ Phi hoạt động gần nơi có các tàu Trung Quốc túc trực quả là mang một ý nghĩa không nhỏ.
Theo một nguồn tin từ phía Mỹ vào hôm qua, các bài tập đổ bộ, tấn công… được thực hiện trong khuôn khổ cuộc tập trận, không nhắm vào một nước cụ thể nào.
Tuy nhiên trước đó ngày 20/06, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines không ngần ngại cho rằng cuộc tập trận có nguyên nhân từ những yêu sách của Trung Quốc đối với các nước láng giềng ngày càng quá đáng, khiến tình hình vùng Biển Đông càng thêm căng thẳng.
Thái độ mạnh dạn tự tin của Philippines còn thể hiện trong lãnh vực tìm kiếm đồng minh trong khu vực.
Trong chuyến công du chớp nhoáng qua Nhật Bản hôm 24/06, Tổng thống Philippines Aquino đã xuất hiện bên cạnh Thủ tướng Nhật Bản để yêu cầu tuân thủ luật pháp quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Lẽ dĩ nhiên, Trung Quốc không bị nêu đích danh, nhưng nếu căn cứ vào những lời chỉ trích Bắc Kinh coi thường luật quốc tế để tìm cách buộc các nước khác công nhận các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, thì đối tượng của lời kêu gọi không ai khác hơn là Trung Quốc.
Thậm chí Tổng thống Philippines còn thách thức Bắc Kinh khi công khai lên tiếng tán đồng một ý định của Thủ tướng Shinzo Abe thường xuyên bị Trung Quốc lớn tiếng tố cáo. Đó là ý muốn sửa đổi Hiến pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho quân đội Nhật can thiệp ở nước ngoài hay giúp đỡ đồng minh khi cần thiết.
Bên cạnh đó, lãnh đạo quân đội Philippines cũng ghé Việt Nam để bàn việc tăng cường hợp tác quân sự, nhất là hợp tác trên biển, một lãnh vực rõ ràng là nhắm vào Trung Quốc vốn đang dùng sức mạnh hải quân của họ lấn lướt các láng giềng Đông Nam Á.
Trong phạm vi khu vực, Philippines cũng đang thúc đẩy một cuộc họp giữa bốn nước ASEAN đòi chủ quyền trên Biển Đông (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei) để tìm lập trường chung chống lại các đòi hỏi thái quá của Trung Quốc.
Đây là một giải pháp nhằm đối phó với chiến lược chia để trị của Bắc Kinh nhắm vào ASEAN từng được Trung Quốc thực hiện khá thành công trong thời gian qua, khiến cho Hiệp hội Đông Nam Á bất lực trong việc thống nhất lập trường trước các hành động hung hăng của Trung Quốc.
Tin mới
- Ý đồ của Bắc Kinh qua chuyến thăm Seoul của Tập Cận Bình - 30/06/2014 18:24
- Hơn 1200 công nhân Trung Quốc tại Irak được sơ tán về Bagdad - 30/06/2014 12:06
- Ngân hàng Pháp BNP chuẩn bị nộp phạt 9 tỷ đô la cho Tư pháp Hoa Kỳ - 30/06/2014 12:00
- Gay Pride tại Pháp : Giới LGBT vận động cho luật nhận con nuôi - 30/06/2014 11:53
- Trưng cầu dân ý Hồng Kông : Phe ủng hộ dân chủ tuyên bố thắng lợi - 30/06/2014 11:47
- Tìm được mẹ thất lạc suốt 20 năm nhờ Facebook - 27/06/2014 23:31
- Google bắt đầu áp dụng ''quyền được lãng quên '' - 27/06/2014 23:19
- Hoa Kỳ ngưng sản xuất mìn chống cá nhân - 27/06/2014 23:09
- Một tàu cá Trung Quốc chìm gần Senkaku, 5 ngư dân mất tích - 27/06/2014 22:33
- Truyền hình dài tập Hàn Quốc, một chiêu quảng cáo của các mác lớn - 27/06/2014 22:28
Các tin khác
- Trung Quốc hồi hương công nhân bị kẹt ở Irak - 27/06/2014 22:14
- Quân đội Thái Lan khẳng định không bỏ quyền lực - 27/06/2014 22:06
- Bán phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc : Thêm một báo động - 27/06/2014 20:16
- Người không nhà ở New York ‘nổi giận’ với tỷ phú Trung Quốc - 27/06/2014 03:47
- Giới tranh đấu Hồng Kông chờ đợi biểu tình lớn nhất kể từ năm 1997 - 27/06/2014 03:34
- Mỹ giải tán đơn vị chống khủng bố ở Philippines - 27/06/2014 03:25
- Phương Tây tăng áp lực lên Nga trước khi hết hạn hưu chiến - 26/06/2014 20:24
- Pháp bổ nhiệm đặc sứ chuyên trách quan hệ kinh tế với ASEAN - 26/06/2014 20:09
- Mỹ lại tố cáo Trung Quốc gây bất ổn ở Biển Đông - 26/06/2014 20:04
- Thái Lan gây sức ép trên Lào về đập Don Sahong - 26/06/2014 19:58