Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tử thần rình rập bầu cử Tổng thống Afghanistan

afghanistan vote

Cuộc bầu cử tổng thống diễn ra trong một bối cảnh đầy rủi ro bất trắc - REUTERS /Parwiz


Hàng chục triệu cử tri Afghanistan được mời đi bầu Tổng thống vào ngày mai 05/04/2014 trong niềm hy vọng lật qua một trang sử mới pha lẫn với lo âu bị Taliban khủng bố.

Với kế hoạch triệt thoái của liên minh NATO vào cuối năm nay, cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan vào ngày mai thứ bảy 05/04/2014 trên nguyên tắc sẽ đóng lại trang sử can thiệp của quân đội nước ngoài và hai nhiệm kỳ lãnh đạo của Tổng thống Hamid Karzai kể từ khi Taliban sụp đổ vào năm 2001.

Trong bối cảnh quân đội đồng minh triệt thoái trao lại nhiệm vụ cho quân đội quốc gia đang được phát triển, tình hình lãnh thổ đồi núi rộng hơn 650.000 cây số vuông với 28 triệu dân có vẻ không được khả quan.

Taliban liên tục mở nhiều cuộc tấn công tự sát vào tận trung tâm thủ đô Kabul, sát hại công chức chính phủ, nhân viên Liên Hiệp Quốc, nhà báo quốc tế.

Phần lớn các quan sát viên quốc tế đã rời Afghanistan sau khi một khách sạn tại trung tâm Kabul bị tấn công ngày 20/03 vừa qua mà trong số nạn nhân có vợ chồng một phóng viên thường trực của AFP.

Ngay hôm nay, một nữ phóng viên Đức của hãng AP bị một cảnh sát bắn chết, đồng nghiệp người Canada bị thương.
 Cho đến hôm nay chỉ có phái bộ quan sát viên bầu cử của Liên Hiệp Châu Âu còn bám trụ.
Tuy nhiên, mặc dù khủng bố hồi giáo gia tăng tấn công trong giai đoạn gần bầu cử nhiều cử tri Afghanistan vẫn giữ được niềm tin.

Hãng Reuters đương cử trường hợp nhà giáo Abdul Wali hiệu trưởng một trường trung học tại Kandahar, mà hàng chục năm trước đây là sào huyệt của Taliban.
Hiệu trưởng ngôi trường được chọn làm phòng phiếu tuyên bố : Tôi rất sung sướng chờ ngày bầu cử. Điều lo ngại nhất là gian lận nhưng chúng tôi sẽ làm mọi cách để ngăn chận.

Theo mạng lưới quan sát Afghanistan Analysts Network, con số cử tri được thẩm định từ 10 đến 12 triệu người nhưng chính phủ cho in đến 21 triệu thẻ cử tri.
 Nếu không có ai trong số 8 ứng cử viên đắc cử, thì phải qua vòng chung kết giữa hai người về đầu vào ngày 28/05/2014.

Tuy thời gian kéo dài lê thê, phải chờ các đoàn lừa đưa các thùng phiếu từ những vùng núi xa xôi về đến các trung tâm kiểm phiếu, nhưng sự chậm trễ này, theo giới phân tích cũng có một điểm lợi là giúp cho Kabul và Washington thêm thời gian để đúc kết một thỏa thuận về an ninh quốc phòng duy trì một đạo binh 10 ngàn quân Mỹ đề phòng Taliban chọn giải pháp vũ lực.

 Thiếu hiệp ước an ninh này, quân đội Afghanistan sẽ một mình đối phó với lực lượng hồi giáo cực đoan Taliban trên một địa bàn rộng lớn bằng hai lần nước Việt Nam.
Tổng thống mãn nhiệm bác bỏ yêu sách của Mỹ nhưng ba ứng cử viên có cơ may đắc cử đã chấp thuận. Đó là các ông Abdula Abdula, Zalmai Rassoul và Ashraf Ghani.
Bác sĩ Abdula Abdula,53 tuổi, nguyên Ngoại trưởng trong chính phủ đầu tiên của Tổng thống Karzai, lẽ ra đã đắc cử Tổng thống năm 2009 nếu không bị gian lận.

Nhà lãnh đạo đối lập có tính cương nghị này rất được giới lãnh đạo tây phương kính trọng. Ông từng là phát ngôn viên của tướng Massoud, người hùng trong cuộc chiến chống Liên Xô cũ, trước khi bị ám sát năm 2001, vài tuần trước khi Hoa Kỳ tấn công triệt hạ chế độ Taliban.

Người thứ hai là Zalmai Rassoul, 70 tuổi, thân cận với Tổng thống mãn nhiệm, cố vấn về an ninh quốc gia, từng học tại Pháp và nói bốn thứ tiếng Pháp, Anh, Ý và Ả rập.

Ứng cử viên thứ ba là chuyên gia kinh tế Ashraf Ghani, 64 tuổi, một giáo sư đại học được quốc tế mến mộ.

Tuy nhiên, dù trang sử Karzai, nhà lãnh đạo mà Tổng thống Mỹ trước đây là George Bush áp đặt, có lật qua thì một vị Tổng thống mới cũng khó mà mở ra một chương mới đầy hy vọng.
 Áp lực của Taliban kiên quyết chiếm chính quyền bằng vũ lực và người dân bình thường sẽ trả giá bằng chính xương máu.


Switch mode views: