Điểm Báo Pháp Quốc ngày 22-01-2014
- Thứ Tư, 22 tháng Giêng năm 2014 19:09
- Tác Giả: Anh Vũ
Khủng hoảng Ukraina : Chính quyền trấn áp báo chí
Theo Phóng viên không biên giới, đã có 36 nhà báo bị thương trong đợt biểu tình tại Kiev từ hai ngày qua - REUTERS /Vasily Fedosenko
Kéo dài cả tháng qua, cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraina đang trở nên trầm trọng thêm trong những ngày qua, nhất là từ khi chính quyền cho thông qua bộ luật bóp nghẹt các quyền tự do, khoanh vùng giám sát báo chí thông tin.
Truyền thông đang ngày càng trở thành mục tiêu tấn công của chính quyền Ukraina.
Những chiếc xe bus bị đốt, chiến lũy dựng lên trước các trụ sở công quyền, lựu đạn cay và đạn cao su được cảnh sát bắn ra liên hồi, người biểu tình trang bị gậy gộc, gạch đá sẵn sàng tấn công lực lượng giữ gìn trật tự. Cảnh tượng bạo lực đó đã được các báo mô tả tại thủ đô Kiev trong vòng 3 ngày qua.
Nhật báo Công giáo La Croix quan tâm đến những phóng viên nhà báo đang tác nghiệp tại Kiev qua bài : « Tại Ukraina, giới truyền thông bị lấy làm mục tiêu » trấn áp.
Phóng viên của La Croix có mặt tại hiện trường cuộc biểu tình đang làm rung chuyển Kiev cho biết : Phóng viên ảnh, các biên tập viên báo, quay phim, phóng viên điều tra.... nói chung là tất cả các nhà báo có mặt trong đoàn biểu tình đều có thể là mục tiêu tấn công.
Tổ chức Phóng viên không biên giới hôm qua ghi nhận có 36 nhà báo bị thương trong cuộc biểu tình tại Kiev từ hai ngày qua. Theo ông Johann Bihr, chuyên gia về Ukraina của tổ chức này thì trong số đó có những người bị tấn công vô tình, nhưng đa số là mục tiêu có chủ đích của lực lượng giữ gìn trật tự. Nhiều cơ quan báo chí thâm chí còn khuyến cáo các nhà báo không nên đeo biển hiệu khi tác nghiệp ở khung vực xô xát.
Theo tác giả bài báo, tại Ukraina làm báo là một nghề nguy hiểm, nhất là khi muốn thực hiện các bài điều tra về hệ thống tài phiệt hay những người có chức có quyền giàu có. Họ luôn phải đối mặt với các đe dọa bị ngồi tù, đánh đập. Các vụ tấn công nhà báo đã tăng mạnh từ khi bùng phát phong trào phản kháng chính phủ tại quảng trưởng Maidan hôm 21/11/2013 vừa qua.
Trong khoảng thời gian từ 29/11 đến 01/12 năm ngoái đã có 40 nhà báo bị thương vì cảnh sát. Điển hình nhất là vụ Tetiana Tchornovel, nữ phóng viên nổi tiếng với loạt bài tố cáo quan chức tham nhũng, bị những kẻ lạ mặt đánh đập tàn bạo hôm 24/12 ở ngoại ô Kiev.
Tiếp sức thêm cho việc trấn áp nhà báo, chính quyền Kiev đưa vào áp dụng từ ngày hôm nay hàng loạt các biện pháp nhằm răn đe, thu hẹp các hoạt động báo chí và thông tin muốn đánh động dư luân về những tiêu cực trong xã hội và trong chính quyền.
Hy vọng đối thoại xa dần
Về cuộc đọ sức giữa chính quyền Ukraina và đối lập, nhật báo L’Humanité đặt vấn đề : Liệu có thể đối thoại giữa chính quyền và đối lập tại Kiev ?
Theo nhận định của tờ báo thì hai tháng sau khi bùng lên cuộc phản kháng chính quyền tại Ukraina, phong trào này đang trở nên cực đoan. Hy vọng đối thoại giữa chính quyền và đối lập nhằm tìm ra một lối thoát chính trị cho cuộc khủng hoảng đang ngày càng trở nên xa vời.
Tờ báo trích lời một phụ nữ về hưu tại Kiev, tên là Olga nhận định « Tổng thống Voktor Ianoukovitch không lắng nghe phong trào phản kháng và từ chối mọi cuộc thảo luận thực sự với đối lập và hơn nữa ông có cho thông qua luật hạn chế các quyền tự do ».
Theo tờ báo nếu không có đối thoại thì phong trào đấu tranh sẽ biến thái thành các cuộc bạo động mà ngay cả đối lập cũng không kiểm soát được.
Liên hiệp châu Âu phải hành động
Trước tình hình ngày càng trở nên trầm trọng ở Ukraina, báo Le Monde có bài xã luận kêu gọi : « Châu Âu không được quay lưng lại với Ukraina ».
Nhận định đây là cuộc khủng hỏang chính trị lớn nhất kể từ khi Ukraina tách ra độc lập khỏi Liên bang Xô Viết năm 1991, Le Monde kêu gọi « Liên hiệp châu Âu không thể không hành động » và UE phải đi xa hơn nữa, trực tiếp gây áp lực với ông Ianoukovitch.
Vì chính tổng thống Ukraina là người phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng hiện nay, chính ông là người đã châm ngòi thùng thuốc súng với việc ép thông qua hàng loạt điều luật triệt tiêu các quyền tự do.
Điều nghiêm trọng hơn, theo Le Monde, văn kiện pháp lý vừa được thông qua đánh dấu bước rẽ đưa Ukraina sang chế độ chuyên quyền sao chép từ các luật lệ của chế độ của ông Vladimir Putin.
Xã luận của tờ Le Monde kết luận : Hoa Kỳ đã sẵn sàng đưa ra các biện pháp trừng phạt một số cá nhân trong chính quyền Ianoukovitch ... Châu Âu cũng phải làm tương tự , tức là cũng đe dọa trừng phạt để làm chỗ dựa cho những đòi hỏi của đối lập Ukraina.
Syria : Genève 2 chưa khai mạc mà đã thất vọng
Sự chú ý của cộng đồng quốc tế hôm nay đều hướng về thành phố Montreux, Thụy Sĩ, nơi khai mạc hội nghị quốc tế dưới sự bảo trợ của Liên hiệp quốc có tên gọi Genève 2 nhằm tìm một lối thoát chính trị cho cuộc xung đột đẫm máu tại Syria kéo dài đến nay đã được 3 năm.
Những hình ảnh về cuộc chiến khốc liệt tại Syria phủ kín trang nhất nhiều tờ báo Pháp. Tuy nhiên, hầu như không có tờ báo nào tỏ ra lạc quan về cơ may hội nghị Genève 2 tìm ra được giải pháp chính trị ổn thỏa cho cả hai bên đối lập và chính quyền của Bachar al-Assad.
Trang nhất của La Croix chạy tựa « Syria : Đối mặt ngoại giao » . Tờ báo ghi nhận « khoảng ba chục nước được mời tham gia vào ngày thảo luận đầu tiên, ngoại trừ Iran do bị đối lập Syria phản đối ». La Croix bình luận « Hội nghị này xếp xung quanh cùng một bàn những đại diện của chế độ Damas và đối lập Syria, được phương Tây và đa số các nước Ả Rập thừa nhận.
Nhưng các đoàn tới hội nghị với những mục tiêu hoàn toàn đối lập nhau. Tình hình tại hiện trường xung đột cũng không mấy thúc đẩy tới được thỏa hiệp. Chế độ Damas năm ngoái đã giành lại phần đất.
Còn đối lập thì lại quá chia rẽ bởi các nhóm cực đoan » cho nên không thể có được lập trường thống nhất ở bàn hội nghị này.
Cùng chung nhận định như trên, nhật báo Libération chạy tựa chính trang nhất : « Syria : Nền hòa bình không thể ».
Theo nhận định của tờ báo : « Dù cho cuộc chiến đã làm 130 nghìn người chết, nhưng thời gian vẫn chưa gọi là chín muồi để đối lập và chế độ (Damas) chấp thuận hòa bình. Hai bên vẫn còn tin là mình có thể chiến thắng bằng vũ khí, còn các đồng minh của bên này hay bên kia thì vẫn tiếp tục kìm giữ chiến hữu của mình trong vòng ảo tưởng nguy hiểm ».
Đặc biệt là Ryad, cũng như một số vương quốc vùng Vịnh vẫn tiếp tục nuôi dưỡng những lực lượng thánh chiến cực đoan nhất. Mặt khác, Iran hậu thuẫn Al-Assad bằng vũ khí, bằng con người thông qua phong trào Hezbollah »
Nhưng điều đáng tiếc là Teheran đã bị loại khỏi bàn hội nghị quan trọng này trong khi Iran có phần trách nhiệm không nhỏ trong cuộc khủng hoảng Syria.
Tờ báo kết luận, Lúc này, rất tiếc là người ta đã có thể nói trước rằng các hội nghị sắp tới bên bờ hồ Genève rồi cũng sẽ thất bại ».
Báo L’Humanité chạy tựa trang nhất : Hội nghị hòa bình về Syria : Buộc phải có kết quả » bởi vì cuộc xung đột Syria bị trầm trọng bởi sự can dự của các nước trong vùng và nhân dân Syria đang trở thành con tin giữa một bên là trế độ độc tài và một bên là bạo lực của các tổ chức thánh chiến.
Người dân Syria đang cần có hòa bình. Tuy nhiên tờ báo cũng không mấy lạc quan rằng hội nghị Genève 2 sẽ đạt được giải pháp chính trị.
Mỹ tự bảo vệ vận động viên tại Sotchi
Nhìn sang quan hệ Nga-Mỹ, trang quốc tế báo le Figaro có bài chạy tựa : « Trò chơi an ninh của Lầu năm góc tại Sotchi là Matxcơva khó chịu » .
Lý do là để giúp Nga bảo đảm an ninh cho Thế vận hội Olympic mùa đông Sotchi khai mạc tại vào ngày 07/02/2014 tới, Hoa Kỳ đã đề nghị triển khai thêm nhiều đơn vị không quân và hải quân trên biển Đen. Tất nhiên, Nga không thể hài lòng và hôm qua tổng thống Putin và Obama đã phải trực tiếp thảo luận vấn đề này qua điện thoại.
Lực lượng vũ trang được chính quyền Nga huy động bảo vệ an ninh cho Thế vận hội Sotchi dường như không đủ tầm mức theo đòi hỏi của Mỹ. Chính vì thế mà từ nhiều ngày qua, Washington thẳng thắn gây áp lực mạnh mẽ với Matxcơva để được đồng ý tham gia triển khai một lực lượng quân đội cùng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho sự kiện thể thao lớn này.
Hôm qua, bộ Quốc phòng Mỹ tiến thêm một bước, đơn phương thông báo gửi hai tàu chiến đến vùng Biển Đen, sát với thành phố Sotchi.
Theo phía Mỹ thì hành động này chứng tỏ Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ chính quyền Nga bảo vệ an ninh cho Thế vận hội.
Tuy nhiên Matxcơva tỏ ra khó chịu với hành động này của Washington.
Theo Le Figaro, trong chừng mực hiến chương của phong trào Olympic cho phép mỗi quốc gia bảo đảm an ninh cho vận động viên của mình thì Matxcơva không thể có phản kháng chính thức nào về động thái nói trên của Washington.
Giải Úc mở rộng : Djokovic bị loại ở tứ kết
Bất ngờ lớn đã xảy ra ở giải quần vợt Úc mở rộng hôm qua, tay vợt Serbia Novak Djokovic bị tay vợt Thụy Sĩ thức hạng thấp hơn rất nhiều lật đổ tại tứ kết.
Tay vợt Thụy Sĩ Wawrinka xếp hạng 8 đã hạ tay vợt số 2 thế giới người Serbia Djokovic sau 5 ván đấu cực kỳ căng thẳng và nhiều cảm xúc tại tứ kết giải Úc mở rộng : 2-6, 6-4, 6-2, 3-6 và 9-7.
Chiến thắng của tay vợt Thụy Sĩ đã khiến tay vợt Serbia phải dừng mạch thành tích 15 lần liên tiếp vào bán kết ở các giải Grand Chelem.
Djokovic cũng mất luôn tham vọng giành được danh hiệu vô địch Úc mở rộng lần thứ 5.
Với chiến thắng này, tay vợt Thụy Sĩ, 28 tuổi, giữ chắc vị trí trong tốp 10 thế giới. Thách thức lớn của Wawrinka lúc này là vượt qua tay vợt Séc Tomas Berdych tại bán kết để đi tới trận chung kết Úc mở rộng đầu tiên trong sự nghiệp mà anh mong chờ từ lâu nay.
Related news items:
Tin mới
- Tổng thống Pháp Hollande lần đầu tiên gặp Giáo hoàng Phanxicô - 24/01/2014 21:01
- Tẩu tán tài sản : «Lãnh đạo Trung Quốc bị bắt quả tang» - 24/01/2014 17:42
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 24-01-2014 - 24/01/2014 17:32
- Nhiều thành phố ở Mỹ bị đe dọa phá sản - 23/01/2014 21:35
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 23-01-2014 - 23/01/2014 21:22
- Trung Quốc bắn thử tên lửa liên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân - 23/01/2014 17:30
- Hải quân Trung Quốc tập trận ở Biển Đông - 23/01/2014 17:15
- Lãnh đạo Áo đỏ Thái bị bắn tại nhà riêng - 22/01/2014 21:18
- Hội nghị Geneve 2 về Syria khai mạc tại Thụy Sĩ - 22/01/2014 19:49
- Châu Á : Ô nhiễm không khí khiến bão mạnh hơn - 22/01/2014 19:38
Các tin khác
- Đức Giáo hoàng Phanxicô dự tính thăm Hàn Quốc - 22/01/2014 18:55
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 21-01-2014 - 21/01/2014 22:07
- Tàu Trung Quốc sẽ tuần tra thường xuyên từ đảo Phú Lâm-Trường Sa - 21/01/2014 17:16
- Diều hâu Trung Quốc và hội chứng đánh chiếm Trường Sa - 20/01/2014 19:07
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 20-01-2014 - 20/01/2014 18:24
- Việt Nam: Tuyên 30 án tử hình trong đại án buôn ma túy - 20/01/2014 18:16
- Trưng cầu dân ý Ai Cập về Hiến pháp mới : Tỷ lệ ủng hộ hơn 98% - 20/01/2014 06:35
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 19-01-2014 - 20/01/2014 06:18
- Taliban tấn công một nhà hàng ở Kaboul, 21 người chết - 20/01/2014 00:49
- Hà Nội : Tập hợp tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh ở Hoàng Sa - 20/01/2014 00:06