Điểm Báo Pháp Quốc ngày 12-01-2014
- Thứ Hai, 13 tháng Giêng năm 2014 03:12
- Tác Giả: Lê Phước
Giải mã căng thẳng Nhật-Trung
Tàu hải giám Trung Quốc chạy gần các tàu tuần duyên Nhật tại vùng biển Senkaku/Điếu Ngư.
REUTERS/Kyodo/Files
Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ ý đồ trở thành bá chủ khu vực Thái Bình Dương. Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền gần trọn vùng Biển Đông, gây căng thẳng với các nước trong khu vực. Trên biển Hoa Đông, Bắc Kinh cũng muốn lấn chiếm.
Quan hệ Trung-Nhật đang trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng mà nguyên nhân chính là hồ sơ Senkaku/Điếu Ngư. Tạp chí Le Monde Diplomatique số đầu tiên năm 2014 quan tâm đến chủ đề này với bài viết chạy tựa trên trang nhất : « Căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh : Trận chiến mới trên Thái Bình Dương ».
Senkaku/Điếu Ngư có gì quý giá mà có thể gây sóng gió cho quan hệ Nhật-Trung đến như vậy ?
Tờ báo cho biết, khu vực này chỉ có 3 bãi đá và 5 đảo nhỏ không người ở, nằm ngoài khơi biển Hoa Đông. Giá trị của khu vực này bỗng được nâng lên khi mà vào năm 1968 người ta phát hiện có một trữ lượng dầu khổng lồ ở đó. Và từ đó, cuộc tranh chấp Nhật-Trung bắt đầu gia tăng cường độ bởi hai đại gia kinh tế này luôn khát dầu hỏa và khí đốt để phục vụ cho công cuộc phát triển của đất nước.
Thế nhưng, Le Monde Diplomatique nhấn mạnh, nguyên nhân nói trên không đủ cân lượng để đẩy quan hệ Nhật-Trung rơi vào tình trạng căng thẳng như hiện tại. Theo tờ báo, Trung Quốc đang ra sức theo đuổi bốn mục tiêu chiến lược : sáp nhập Đài Loan ; giữ vai trò quyết định trong hồ sơ thống nhất hai miền Triều Tiên ; yêu sách chủ quyền trên Biển Đông ; và đòi chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, thì đây là một trong những vòng vây mà Trung Quốc phải bứt phá nếu muốn tiến xa ra Thái Bình Dương. Và hồ sơ Senkaku/Điếu Ngư, theo tờ báo, cũng là một chủ đề quan trọng được Bắc Kinh sử dụng để thổi bùng lên chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc nhằm lái dư luận trong nước hướng về câu chuyện tranh chấp lãnh thổ, bởi vì chính phủ Bắc Kinh đang đối mặt với nhiều vấn đề xã hội hóc búa trong nước.
Tờ báo nhắc lại, hồi năm 1978, khi thương thảo hiệp ước hòa bình và hữu nghị với Nhật Bản, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã tuyên bố rằng, hồ sơ tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước có thể tạm gác lại để cho thế hệ sau giải quyết. Khi ấy, Trung Quốc còn chưa mạnh về kinh tế lẫn hải quân.
Thế nhưng, hiện tại tình hình đã khác, Trung Quốc đã không ngừng hiện đại hóa quân đội, đã có tàu sân bay, đã vượt Nhật Bản để trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới. Và bởi thế, hồ sơ Senkaku/Điếu Ngư lại được Bắc Kinh đặc biệt quan tâm trong chiến lược phá vòng vây trên Thái Bình Dương.
Nhật : Ưu tiên phát triển hải quân
Liên quan đến Nhật Bản, Le Monde Diplomatique cho hay, chính phủ Shinzo Abe đã toan sửa bản hiến pháp hiếu hòa do các nước chiến thắng áp đặt sau thế chiến thứ hai, và đã không ngừng tăng cường hiện đại hóa quân đội.
Ngày 17/12/2013, chính phủ Abe đã tuyên bố tăng 5% ngân sách quốc phòng cho giai đoạn 2014-2019. Trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản, tờ báo nhấn mạnh, chính phủ Abe ưu tiên tăng cường sức mạnh hải quân, và xem Senkaku/Điếu Ngư thuộc về mặt trận địa chính trị mới của Nhật Bản.
Để đối phó với Trung Quốc, chính phủ Abe đã thắt chặt quan hệ đồng minh với Mỹ. Thêm vào đó, chính phủ Shinzo Abe cũng đang so kè về chủ nghĩa dân tộc với Bắc Kinh.
Le Monde Diplomatique nhận định : trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế với nhiều vấn đề xã hội phát sinh, thì việc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trở thành một chiêu bài hữu dụng, giúp chính phủ Abe tập hợp sức mạnh quần chúng bằng việc thổi bùng lên ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa.
Việt Nam và hồ sơ cải cách doanh nghiệp nhà nước
Courrier International số ra tuần này quan tâm đến làn sóng chống tham nhũng đang diễn ra tại Việt Nam với bài trích dịch của tờ báo Vietweek tại thành phố Hồ Chí Minh. Bài viết chạy tựa : « Việt Nam : không nhân từ với tham nhũng ».
Courrier International nói rõ, Vietweek là tuần san tiếng Anh của nhật báo Thanh Niên, còn nhật báo Thanh Niên là cơ quan ngôn luận của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, một trong những tờ báo được đọc nhiều nhất ở Việt Nam.
Bài viết nhắc lại một loạt các vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua tại Việt Nam, và đã có những bị cáo phải lãnh án tử hình. Tuy nhiên, bài viết cho biết, theo giới quan sát thì những hình phạt nặng nề này chỉ có “công dụng răn đe nhất thời” trong bối cảnh mà tham nhũng lan tràn.
Bài viết nhấn mạnh, tại Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước hưởng quá nhiều ưu đãi, nếu không thay đổi hiện trạng này thì tham nhũng sẽ tiếp tục có đất để phát triển.
Bài viết cho hay, theo các nhà phân tích, thì ở Việt Nam các doanh nghiệp nhà nước hoạt động hoàn toàn thiếu minh bạch. Các nhà đầu tư nước ngoài chờ đợi Việt Nam có những cải tổ mới đối với doanh nghiệp nhà nước.
Bài viết trích dẫn lời một nhà kinh tế tại Việt Nam, cho rằng: Nếu không cải cách về mặt cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước, thì công cuộc phòng chống tham nhũng sẽ không thể có hiệu quả.
Bài viết cũng trích dẫn lời một nhà ngoại giao đang làm việc tại Việt Nam, cho rằng: trong bối cảnh kinh tế thế giới đang ngày càng trở nên năng động, thì Việt Nam cần nhanh chóng cải tổ doanh nghiệp nhà nước.
Vladimir Putin và chính sách cương nhu
Nhìn sang nước Nga, tuần san L’Express đăng bài thời luận chạy dòng tựa châm biếm: “Vladimir Putin, người có dạ khoang dung”.
Bài viết lược lại những hành động có tính tùy thời của tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo đó, hồi năm 2013, ông Putin đã dành thắng lợi to lớn trên hồ sơ Syria trước Mỹ và Châu Âu khi đề nghị đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế.
Bài viết nhận định, đây là một hành động “khéo léo” của ông Putin.
Trước khi thực hiện hành động khéo léo này, ông Putin đã có một hành động cứng rắn là “đối đầu trực diện” với Mỹ khi cấp quy chế tị nạn cho Edward Snowden, cựu nhân viên CIA, người bị chính quyền Obama truy đuổi gắt gao.
Đối với Châu Âu, bài viết cho rằng, ông Putin cũng đã chiến thắng. Mà sự chiến thắng lớn nhất vừa qua là trên hồ sơ Ukraina khi mà nước này bỏ vào giờ chót cuộc thương thảo ký thỏa thuận hợp tác với EU.
Bài viết nhấn mạnh, Nga muốn rằng, mọi sự liên kết hợp tác với các nước thuộc Liên Xô cũ trước hết phải thông qua mối quan hệ “xây dựng và hòa dịu” giữa Bruxelles và Maxcơva.
Rồi đến trước thềm thế vận hội Olympic tại Sotchi, theo bài viết, tổng thống Putin đã tỏ ra “bao dung” khi trả tự do cho hàng trăm tù nhân, ân xá cho trùm Mikhail Khodorkovski, thả hai thành viên của nhóm nhạc Pussy Riot…Bài viết cho rằng, hành động này là nhằm làm dịu căng thẳng với làn sóng đối lập, đề phòng bị chỉ trích bởi các nhóm bảo vệ nhân quyền.
Chính sách cương nhu đã giúp cho ông Putin chiến thắng trên nhiều mặt trận. Ngay cả các vụ tấn công khủng bố ở Nga trước thềm thế vận hội Sotchi cũng chỉ giúp tổng thống Putin củng cố thêm “vai trò người bảo vệ quốc gia chống lại các thế lực gây bất ổn”.
Cuộc chiến chống nghèo đói trên thế giới
Liên quan đến tình trạng nghèo đói trên thế giới, Courrier International chạy tựa lớn trên trang nhất: “Kết thúc sự đói nghèo”. Tựa đề là một niềm hi vọng đẩy lùi hoàn toàn nạn nghèo đói vào năm 2030. Điều này được thể hiện trong bài mà Courrier International trích dịch của tạp chí The Economist tại Luân Đôn với hàng tựa: “Bước ngoặt thiên niên kỷ”.
Bài viết nhắc lại, hồi năm 2000, đại diện của 147 quốc gia trên thế giới đã đặt bút ký cam kết giảm phân nửa tỷ lệ người “nghèo đói cùng cực” vào năm 2015.
Mốc thời gian để tính cho sự bắt đầu là năm 1990, và mức “nghèo đói cùng cực” khi ấy được định ở ngưỡng một người sống dưới 1 đô la/ngày.
Kết quả là mục tiêu chống đói nghèo đã được đạt trước thời hạn 5 năm, tức vào năm 2010. Cụ thể như sau: vào năm 1990, có 43% người ở các nước đang phát triển sống dưới mức 1 đô la/ngày, thế nhưng vào năm 2010, con số này giảm xuống còn 21%. Như vậy, trong vòng 20 năm, số người nghèo đói cùng cực đã giảm đi phân nửa.
Trong hiện tại, mục tiêu là nhắm đến việc đẩy lùi hoàn toàn tình trạng nghèo đói cùng cực vào năm 2030, tức trong vòng 20 năm phải xóa bỏ hẳn con số 21% nói trên. Mục tiêu này có thể đạt được bởi tăng trưởng ở các nước đang phát triển đang rất mạnh, bởi các nước đã có kinh nghiệm trong công tác chống đói nghèo thời gian qua.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, các nước cần tiếp tục phát huy các biện pháp đã mang lại hiệu quả, cần tiếp tục tăng trưởng, và cần nhận định được rằng, việc giảm nghèo đói không chỉ lệ thuộc vào con số tăng trưởng kinh tế.
Tờ báo Luân Đôn cho biết, theo một nhận định, thì 2/3 việc giảm nghèo đói lệ thuộc vào con số tăng trưởng GDP, còn 1/3 lại tùy thuộc vào sự bình đẳng trong thu nhập. Kinh nghiệm cho thấy, các nước đảm bảo tốt bình đẳng thu nhập giảm nghèo đói hiệu quả hơn và nhanh hơn những nước khác.
Làn sóng phân biệt chủng tộc tại Pháp
Nước Pháp có phân biệt chủng tộc hay không? Để trả lời cho câu hỏi này, tạp chí Le Nouvel Observateur số ra tuần này đăng bài chạy tựa lớn trên trang nhất: “Hận thù”, cho biết làn sóng phân biệt chủng tộc đang tràn lan tại Pháp.
Tờ báo cho biết, nạn phân biệt chủng tộc hiện có mặt khắp nơi và ở mọi tầng lớp tại Pháp. Những người Hồi giáo thì không thích người Thiên Chúa giáo nên đã có nhiều hành động thể hiện sự bất bình.
Tờ báo dẫn ra một số trường hợp cho thấy có người bất mãn cho rằng: Pháp không phải là nước thế tục, mà là một nhà nước của Thiên Chúa giáo.
Tuy nhiên, tờ báo cũng nêu ra nhiều chi tiết cho thấy sự kỳ thị Hồi giáo tại Pháp. Tờ báo đăng ảnh một cuộc biểu tình vào ngày 8/12/2013 tại Paris trong đó người biểu tình đeo bảng có hàng chữ: “Cũng vì Hồi giáo…”. Hay như trước nơi ở của người Hồi giáo, thường bị dán hay vẽ lên biểu tượng của chế độ Hitler, ý muốn lên án chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan bạo lực.
Những người dân nhập cư nói chung cũng bị kỳ thị. Tờ báo trích dẫn lời hăm dọa được dán trên cổng nhà của một luật sư chuyên bào chữa cho người nhập cư không hợp pháp như sau: “Hãy chấm dứt việc bảo vệ chúng, nếu không sẽ chuốc lấy phiền phức”.
Le Nouvel Observateur đăng ảnh cuộc biểu tình đòi đảm bảo an ninh của người Trung Quốc tại Pháp hồi năm 2010.
Tờ báo còn dẫn lời của người Pháp bản địa tỏ ra bức xúc khi nhìn thấy ngày càng có nhiều người Trung Quốc trên đất Pháp. Người này bức xúc : “Người Trung Quốc chiếm tất cả, kể cả các tiệm bán thuốc lá”, ý muốn phản đối việc ngày càng có nhiều cửa hàng thuốc lá do người Trung Quốc làm chủ trên đất Pháp.
Tình cảnh người nhập cư da đen còn thê thảm hơn. Tờ báo kể một mẫu chuyện minh chứng theo đó, trên xe buýt tại thủ đô Paris, khi hai phụ nữ da đen bước lên xe, thì lập tức tài xế xe buýt nhắc nhở bằng loa cho hành khách như sau: “Chú ý, mọi người hãy cẩn thận ví tiền”.
Sự phân biệt chủng tộc được thể hiện cao độ hơn nữa khi mà vừa rồi, một nữ bộ trưởng da đen của Pháp đã bị người biểu tình ví như là “con khỉ”.
Sự phân biệt chủng tộc không chỉ hiện diện ở người dân thường hay anh tài xế xe buýt như vừa kể, mà còn có cả ở các chính khách. Tờ báo nêu ra nhiều trường hợp các dân biểu Pháp có những lời lẽ phân biệt chủng tộc.
Nhận diện về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tại Pháp, Le Nouvel Observateur đăng ý kiến của một nhà xã hội học theo đó: Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tại Pháp đã thay đổi diện mạo. Theo nhà xã hội học này, ở Pháp hiện tại người ta không chỉ ghét nhau vì khác màu da, mà còn vì sự dị biệt văn hóa hay tôn giáo.
Người Nhật ngày càng cảm thấy cô đơn?
Trong hồ sơ xã hội, tạp chí hàng tuần của báo Le Monde nhìn sang Nhật Bản với bài chạy tựa: “Bạn bè bằng mọi giá”.
Tờ báo đề cập đến một dịch vụ tại Nhật Bản mà báo chí gần đây rất quan tâm: dịch vụ cho thuê tình bạn. Số là ngày càng có nhiều thanh niên cảm thấy cô đơn trong cuộc sống, trong khi lại sợ sự ràng buộc gia đình, nên đã chẳng ngần ngại bỏ tiền thuê một người làm bạn hoặc người yêu tạm thời để tâm sự, để đi mua sắm, để đi xem phim…
Tình trạng cô đơn này đã xâm nhập vào các trường đại học. Le Monde dẫn lời chuyên gia cho biết, ngày càng có nhiều sinh viên Nhật Bản không thích tham gia vào các hoạt động hội nhóm. Có nhiều sinh viên đã bỏ tiền thuê bạn mỗi khi cần thiết.
Dịch vụ cho thuê không chỉ dừng ở tình bạn, mà còn cả cho thuê người yêu, chồng vợ, cha, mẹ, anh, em… Không chỉ để tâm sự mà còn để phục vụ cho các buổi tiệc tùng.
Le Monde cho hay, các dịch vụ cho thuê này đang phát triển tại Nhật Bản và hiện đã có trên 10 công ty hoạt động trong lĩnh vực này, tức tăng gấp đôi so với cách đây 8 năm.
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 16-01-2014 - 17/01/2014 05:59
- TQ thử thành công tên lửa siêu tốc - 15/01/2014 22:35
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 15-01-2014 - 15/01/2014 22:11
- Nghị sĩ Mỹ đòi Washington tỏ lập trường cứng rắn về Biển Đông - 15/01/2014 21:41
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 14-01-2014 - 15/01/2014 01:15
- Trung Quốc : Chất độc hại được tìm thấy trong quần áo trẻ em - 14/01/2014 17:18
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 13-01-2014 - 13/01/2014 21:45
- Hoàng Sa: Hiến chương LHQ không cho phép thụ đắc lãnh thổ bằng bạo lực - 13/01/2014 21:36
- Một nhà tài phiệt Trung Quốc muốn phá vỡ thế độc tôn của kênh đào Panama - 13/01/2014 03:38
- Indonesia : Núi lửa Sinabung nổ bùng khiến hàng vạn người phải sơ tán - 13/01/2014 03:19
Các tin khác
- Cựu thủ tướng Israel Ariel Sharon qua đời sau 8 năm hôn mê - 12/01/2014 00:37
- 50% nghị sĩ Mỹ là triệu phú - 12/01/2014 00:29
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 11-01-2014 - 12/01/2014 00:23
- Tổng thống Pháp đòi kiện báo Closer vì tiết lộ người tình bí mật - 10/01/2014 21:43
- Một tu viện Tây Tạng nổi tiếng bị hỏa hoạn - 10/01/2014 21:24
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 10-01-2014 - 10/01/2014 20:47
- Biển Đông : Philippines, Việt Nam, Mỹ phản đối quy định mới của Trung Quốc về đánh cá - 10/01/2014 17:50
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 09-01-2014 - 09/01/2014 22:46
- Bạo loạn ở nhà máy Samsung Thái Nguyên - 09/01/2014 17:56
- Trung Quốc bắt tàu cá nước ngoài phải xin phép khi vào Biển Đông - 09/01/2014 17:09