Quân đội Ai Cập chuẩn bị bám trụ lâu dài
- Chúa Nhật, 01 tháng Mười Hai năm 2013 04:02
- Tác Giả: Tú Anh
Biểu tình ủng hộ chỉ huy quân đội Ai Cập, tướng Abdel Fattah al-Sisi, tại quảng trường Tahrir, Cairo, ngày 19/11/2013
REUTERS
Hiến pháp Ai Cập do chính quyền Hồi giáo ban hành sau Cách mạng mùa Xuân đã bị hủy bỏ.
Dự thảo Hiến pháp mới nhấn mạnh đến « Nhà nước dân chủ, tân tiến do chính quyền dân sự lãnh đạo ».
Tuy nhiên, thực tế ra sao ?
Những vụ đàn áp thô bạo gần đây đã gây bất bình ngay trong hàng ngũ những người ủng hộ quân đội cho thấy phe tướng lãnh muốn thống trị lâu dài ít ra là trong 10 năm tới.
Ủy ban soạn thảo Hiến pháp Ai Cập, gồm 50 ủy viên do Tổng thống lâm thời Adly Mansour bổ nhiệm sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Morsi hồi tháng 7 năm nay, thông báo đã hoàn tất văn kiện.
Tuy nhiên, vào đêm hôm qua 28/11/2013, một nguồn tin nội bộ khẳng định với báo chí là còn một số vấn đề cần được thảo luận thêm trong ngày hôm nay.
Theo lịch trình, bản Hiến pháp sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý và mở đường cho tổng tuyển cử bầu Quốc hội mới và Tổng thống, lật qua trang sử ngắn ngủi của chính quyền Hồi giáo mà các hành động phản dân chủ trong chính trị và bất tài trong kinh tế đã gây bất bình trong dân chúng dẫn đến cuộc đảo chính hồi tháng 7 .
Vấn đề là bản Hiến pháp mới có tốt hơn văn kiện cũ hay không ?
Công luận Ai Cập rất lo ngại một chế độ độc tài đang quay trở lại Ai Cập ba năm sau ngày tướng Hosni Mubarak phải từ chức, dưới sức ép của đường phố và 4 tháng sau khi Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi bị đảo chính.
Theo AFP, quân đội Ai Cập vẫn còn được một bộ phận dân chúng ngưỡng mộ và tin tưởng đem lại ổn định cho đất nước, chận đứng một chế độ giáo quyền.
Từ khi lật đổ Tổng thống Morsi, quân đội và cảnh sát đã mở một chiến dịch truy quét phe Huynh Đệ Hồi Giáo, giải tán tổ chức này và bắt giam hơn 1000 thành viên Hồi giáo mà không gây ra một phản ứng lo ngại nào trong báo chí và dư luận Ai Cập.
Tuy nhiên, Chủ nhật vừa qua, chính quyền dân sự do quân đội hậu thuẫn đã ban hành một đạo luật hạn chế quyền tự do biểu tình, buộc phải xin phép Nhà nước.
Tổng Thư ký liên Hiệp Quốc và nhiều tổ chức phi chính phủ tỏ ý quan ngại.
Thế nhưng, hai ngày sau, dựa theo luật trấn áp mới này, cảnh sát đã thẳng tay đàn áp một cuộc biểu tình phản kháng ôn hòa do thanh niên cách mạng tổ chức.
Tiếp theo đó, hai khuôn mặt biểu tượng của phong trào Mùa Xuân Ai Cập là Alaa Abdel Fattah và Ahmad Maher bị tư pháp ra lệnh bắt giam và quy cho họ tội kêu gọi biểu tình và vi phạm luật biểu tình.
Công việc soạn thảo Hiến pháp kết thúc trong bầu không khí chính trị căng thẳng với sự kiện hai nhà lãnh đạo đối lập biểu tượng cho công cuộc lật đổ nhà độc tài Hosni Mubarak sau những cuộc biểu tình khổng lồ năm 2011 vừa bị bắt và một sinh viên Hồi giáo bị cảnh sát bắn chết tại đại học Cairo ngày hôm qua.
Theo AFP, đạo luật hạn chế biểu tình và hai vụ trấn áp này đã gây xúc động không những trong giới tranh đấu chính trị và nhân quyền mà còn làm bất bình ngay trong thành phần ủng hộ quân đội.
Trong khi đó, nội dung dự thảo Hiến pháp lại cho phép tòa án quân sự xét xử thường dân không khác gì tư pháp thời nhà độc tài Mubarak.
Bản Hiến pháp do chính quyền hồi giáo Morsi soạn ra trước đây đã cho quân đội một số ưu đãi để mua chuộc lòng trung thành.
Thế mà dự thảo Hiến pháp mới lại cho quân đội can thiệp sâu rộng hơn vào sinh hoạt chính trị. Cụ thể là việc bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng, chức vụ mà theo truyền thống dành cho Tổng Tham mưu trưởng quân đội, phải được Hội đồng tướng lãnh chấp thuận và ít ra là trong thời kỳ 8 năm sau ngày Hiến pháp có hiệu lực.
Như vậy, trong vòng 10 hay 12 năm tới đây, nếu không phải là tướng lãnh có thế lực, Tổng thống Ai Cập tương lai sẽ không có thực quyền.
Theo tổ chức Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group), chính sách công an trị hiện nay sẽ làm suy yếu liên minh cầm quyền tại Cairo, gây chia rẽ giữa phe « diều hâu » và « bồ câu » và là nguồn cội cho vòng khủng hoảng luân hồi trong tương lai.
Tin mới
- Thủ tướng Thái Lan bác bỏ yêu sách buộc từ chức - 02/12/2013 20:34
- Vũ khí : Trọng tâm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Việt - 02/12/2013 20:18
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-12-2013 - 02/12/2013 20:05
- VN xây chùa Khmer ở HN vì tôn trọng tự do tín ngưỡng? - 02/12/2013 03:28
- Trang mạng Obamacare đến hạn phải hoàn chỉnh - 02/12/2013 01:39
- Ngày Thế giới chống Sida : 16 triệu bệnh nhân thiếu thuốc - 02/12/2013 00:57
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-12-2013 - 02/12/2013 00:27
- Ấn Độ: Tên lửa đẩy vệ tinh thăm dò Sao Hỏa rời quỹ đạo trái đất - 02/12/2013 00:15
- Chiến thuật lấy nhu thắng cương của Thủ tướng Thái Lan liệu có thành công? - 02/12/2013 00:07
- Nhật nhờ LHQ phân giải về "vùng phòng không" Trung Quốc - 01/12/2013 23:57
Các tin khác
- Mỹ hủy vũ khí hóa học Syria trên biển - 01/12/2013 03:54
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30-11-2013 - 30/11/2013 18:40
- Bình Nhưỡng khởi động lại việc xây dựng tại địa điểm phóng hỏa tiễn - 30/11/2013 18:29
- Mỹ-Nhật tiếp tục các phi vụ trên vùng phòng không Trung Quốc - 30/11/2013 18:20
- Nạn thiếu ăn, suy dinh dưỡng vẫn lan rộng tại Bắc Triều Tiên - 30/11/2013 00:25
- Chiến đấu cơ Trung Quốc tuần tiễu vùng phòng không - 30/11/2013 00:19
- Kinh tế Nhật trên đường thoát giảm phát - 30/11/2013 00:11
- Việt Nam phạt tiền nặng những ai chỉ trích chính quyền trên mạng xã hội - 29/11/2013 06:25
- Hiến pháp : Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định độc quyền lãnh đạo - 29/11/2013 03:22
- Iran tuyên bố không bao giờ ngưng tinh luyện uranium - 28/11/2013 03:33