Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-11-2013

Pháp : Nguy cơ sa lầy tại Mali

Mali-Phap


Một trạm kiểm soát trên đường vào Kidal, Mali, do lực lượng Liên Hiệp Quốc Minusma đảm nhiệm
Claude Verlon / RFI


Chiều thứ Bảy 02/11/2013, hai nhà báo của Đài phát thanh quốc tế Pháp-RFI, Ghislaine Dupont và Claude Verlon, đã bị bắt cóc và bị sát hại tại miền bắc Mali.

 Sự việc này tiếp tục là để tài nóng trên các báo Pháp hôm nay. Các tờ báo dành nhiều bài phân tích và có nhận định chung : Sự việc cho thấy tình hình Mali vẫn chưa ổn định, và Pháp có nguy cơ sa lầy ở đất nước này.

Hai nhà báo nói trên bị bắt cóc và bị sát hại tại thành phố Kidal, cách thủ đô Bamako 1 500 km về phía tây bắc.
Khu vực này đang còn nằm trong vòng kiểm soát của nhiều lực lượng Hồi giáo cực đoan khác nhau.

Tình hình thực địa vô cùng phức tạp, bởi vậy để xác định nhóm nào là hung thủ quả là điều không dễ dàng.

Các tờ báo đưa ra nhiều giả thuyết về nguyên nhân của vụ việc. Có giả thuyết cho rằng, đó chỉ là một vụ bắt cóc tống tiền bình thường như các nhóm Hồi giáo cực đoan vẫn thường làm.

Có giả thuyết nói đến việc các lực lượng Hồi giáo cực đoan muốn trả thù nước Pháp vì đã can thiệp quân sự vào Mali và muốn gửi thông điệp rằng họ vẫn còn đó.

Cũng có giả thuyết cho rằng, sự việc liên quan đến vụ bốn con tin người Pháp được phóng thích và trở về Pháp cách đây bốn ngày.

Cách thức giải cứu bốn con tin này đến hiện tại vẫn chưa được nhà cầm quyền Pháp tiết lộ rõ ràng. Thế nhưng, có người lại nêu ra là có thể chính phủ Pháp đã trả tiền chuộc cho bọn bắc cóc.
Và việc trả tiền chuộc không đơn giản, mà phải qua nhiều trung gian, đến nhiều nhóm khác nhau.
 Bởi thế, rất có thể những nhóm cảm thấy thua thiệt vì không được tiếp nhận hoặc nhận quá ít tiền chuộc, đã ra tay sát hại hai nhà báo Pháp để cảnh báo.

Và còn nhiều giả thuyết khác nữa…Thế nhưng, dù nguyên nhân là gì đi nữa, thì các tờ báo đều có chung nhận định: Tình hình Mali chưa ổn định, cuộc chiến của quân đội Pháp tại Mali sẽ còn dài.

Nhật báo Le Figaro đăng tựa lớn trên trang nhất nhận định : « Pháp chuẩn bị ở lại dài lâu tại Mali ». Theo tờ báo, vụ sát hại hai nhà báo RFI « buộc chính phủ Pháp phải tăng cường sự hiện diện nhiều hơn dự kiến ở miền bắc Mali », địa bàn hoạt động của các lực lượng Hồi giáo cực đoan.

Nhật báo Libération cũng dành trang nhất chạy tựa : « Báo chí bị sát hại » để ám chỉ những nguy cơ đối với nhà báo tác nghiệp trên chiến trường Mali. Trong bài xã luận, Libération nhận định, Tổng thống Pháp François Hollande đã quyết định đúng khi muốn diệt trừ khủng bố ở khu vực. Thế nhưng, vụ sát hại hai nhà báo RFI hồi cuối tuần rồi cho thấy « con đường hòa bình » vẫn còn xa. Tờ báo nhấn mạnh, dù trên thực địa có mặt của quân đội Pháp, quân đội Mali và lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, nhưng Kidal vẫn là « một nơi vô pháp vô thiên », vẫn là « cái nôi » của những lực lượng Touareg đòi ly khai và của nhiều lực lượng Hồi giáo cực đoan khác nhau.

Về phần mình, nhật báo La Croix dành gần trọn trang nhất đăng ảnh chiến binh của một phong trào ly khai tại Mali đang tuần tra trên phố Kidal, với dòng tựa cảnh báo : « Bạo lực không hồi kết ở miền bắc Mali ». Tờ báo cũng cho rằng, vụ sát hại hai nhà báo RFI tại Kidal cho thấy miền bắc Mali vẫn còn rất bất ổn, bất chấp sự hiện diện của quân đội Pháp và lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.

Ai Cập : Chủ nghĩa quân phiệt đang trở lại ?

Hôm nay, tại Ai Cập, Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi cùng 14 thủ lĩnh của Phong trào Huynh Đệ Hồi Giáo phải ra hầu tòa trong bối cảnh đất nước chìm trong không khí trấn áp đối lập.

Nhật báo Le Figaro đăng bài nhận định : « Phiên tòa xét xử Morsi bắt đầu trong sự căng thẳng cao độ ».

Lần xuất hiện trước tòa của ông Morsi cũng là lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng, kể từ khi ông bị phế truất hồi ngày 03/7 vừa qua.

Ông Morsi bị đưa ra tòa trong bối cảnh tình hình đất nước hết sức căng thẳng. Những người ủng hộ ông Morsi đã kêu gọi cùng nhau xuống đường biểu tình. Hôm thứ Sáu này, ở hàng chục thành phố Ai Cập, cũng đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình ủng hộ ông Morsi.

Le Figaro cảnh báo : Quá trình « hậu cách mạng » này tại Ai Cập quá mong manh, và có nhiều nguy cơ làm trầm trọng thêm sự chia rẽ chính trị trong một đất nước vốn có nền kinh tế quá èo uột do bất ổn từ mấy năm qua.

Nhật báo Libération thì nhấn mạnh đến nguy cơ Ai Cập trở lại thời kỳ quân phiệt.

Tờ báo cho rằng, dù một chính phủ lâm thời được cho là « dân sự » đã được thành lập và đang điều hành quá trình chuyển tiếp, nhưng nhiều yếu tố đang diễn ra ở nước này cho thấy nguy cơ trở về thời chế độ cũ. Đó là sự sùng bái cá nhân như dưới thời Mubarak : Các phương tiện truyền thông Ai Cập không ngừng ca ngợi tướng Al-Sissi, Bộ trưởng Quốc phòng-người cầm đầu trong vụ truất phế ông Morsi ; thậm chí hình ảnh ông al-Sissi còn xuất hiện thường trực ở các cửa hàng, trên bao bì đựng chocolat ; truyền thông ca ngợi tướng Al-Sissi là « người cứu quốc » như tướng Nasser trước kia, ca ngợi một số tướng lĩnh thời Mubarak.

Đặc biệt, truyền thông Nhà nước đang hô hào theo kiểu cho rằng, chỉ có một cuộc cách mạng duy nhất đó là cách mạng ngày 30/6/2013 dẫn đến sự kiện lật đổ Tổng thống Morsi.

Ngược lại, các thế lực đối lập luôn bị triệt hạ thẳng tay. Những kênh truyền hình Hồi giáo thân Huynh Đệ Hồi Giáo bị cấm cửa ; quảng trường Tahrir, biểu tượng của cuộc cách mạng 2011, đã bị bao vây bởi quân đội và xe bọc thép ; một dự luật hạn chế quyền biểu tình cũng đang được chuẩn bị….

Về phần mình, nhật báo La Croix quan tâm đến số phận của một bộ phận thanh niên ly khai của phong trào Huynh Đệ Hồi Giáo.

Tờ báo cho biết, sau cuộc cách mạng năm 2011, một bộ phận tuổi trẻ của phong trào này đã ly khai để phản đối việc Phong trào hợp tác với quân đội. Rồi sau đó, họ lại xuống đường phản đối việc lật đổ ông Morsi.

Hiện tại, họ đang ra sức phản đối sự độc tôn của quân đội trên chính trường. Tuy nhiên, trước làn sóng đàn áp dữ dội của nhà cầm quyền, những thanh niên này và cũng như Phong trào Huynh Đệ Hồi Giáo, đang yếu đi.

Đất nước Ai Cập đang bị phân cực sâu sắc, có người thì chọn con đường bạo lực, có người thì bị lún ngày càng sâu vào chủ nghĩa cực đoan.

Mỹ-Ả Rập Xê Út : Bất hòa vì Syria

Trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, nhật báo La Croix có bài đáng chú ý : « Căng thẳng dữ dội giữa Washington và đồng minh Ả Rập Xê Út».

Nhân chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Ả Rập Xê Út, báo La Croix bình luận về quan hệ giữa hai đồng minh này.

Tờ báo nhắc lại, mối quan hệ đồng minh giữa hai nước đã được thiết lập hồi năm 1945 thông qua Hiệp ước Quincy thời Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt. Thời hạn có hiệu lực của hiệp ước là 60 năm.

Rồi năm 2005, hai bên đã kéo dài hiệp ước thêm 60 năm nữa dưới thời Tổng thống Mỹ Georges Bush. Hiệp ước ghi rõ, sự ổn định của Ả Rập Xê Út nằm trong « lợi ích cốt lõi » của Hoa K ỳ, và Mỹ cam kết bảo vệ Hoàng gia và chế độ tại Ả Rập Xê Út chống lại mọi đe dọa bên trong lẫn bên ngoài. Đổi lại, Ả Rập Xê Út cam kết đảm bảo cung cấp năng lượng cho Mỹ.

Thế nhưng, quan hệ đồng minh gần 70 năm nay đang bị thử thách trên hồ sơ Syria và Iran. Ả Rập Xê Út trách Mỹ đã không can thiệp quân sự vào Syria để lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad, bởi thế, nước này ủng hộ phe nổi dậy tại Syria và phản đối việc chính quyền Assad và Iran tham gia đàm phán Geneve II về vấn đề Syria do Nga và Mỹ khởi xướng.

Ả Rập Xê Út không hài lòng về thái độ cởi mở của Mỹ đối với Iran trên hồ sơ hạt nhân.

Tờ báo nói rõ, Iran là nước do nhánh Hồi Giáo Chiite lãnh đạo còn Ả Rập Xê Út lại là nước do nhánh Sunnite cầm quyền. Ả Rập Xê Út trách Iran ủng hộ Assad và việc Iran là đồng minh của lực lượng Hezbollah tại Liban.

Mối quan hệ đồng minh giữa hai nước có đổ vỡ hay không ?

La Croix dẫn nhận định của một nhà xã luận Ả Rập Xê Út như sau : Giữa Ả Rập Xê Út và Mỹ hiện có những bất đồng, nhưng sẽ không dễ gì dẫn đến đổ vỡ.

Nhà báo này nhấn mạnh đến hồ sơ Syria khi cho rằng : Syria có thể sẽ « là điểm gặp gỡ » hoặc là « nơi tạo khoảng cách» trong quan hệ hai nước.

Tỷ giá hối đoái thế giới : Bê bối mới

Trong hồ sơ kinh tế, nhật báo kinh tế Les Echos đăng bài: “Bảy ngân hàng bị nghi ngờ đã thông đồng điều khiển tỷ giá hối đoái thế giới”, Le Figaro cũng chạy tựa: “Những nghi ngờ về việc điều khiển tỷ giá trên thị trường hối đoái”.

Số là vừa rồi tại Mỹ, bảy ngân hàng cỡ lớn đã bị kiện ra tòa án Manhattan vì bị nghi ngờ thông đồng điều khiển tỷ giá hối đoái trên thế giới. Bảy ngân hàng đó là : Barclays, Citigroup, Credit Suisse, UBS, JPMorgan Chase, Deutsche Bank và Royal Bank Of Scotland.

Hai tờ báo cho biết, trước khi xảy ra vụ kiện này, thì nhiều ngân hàng ở Mỹ, Thụy Sỹ, Anh và các nước Châu Á đã bị nghi ngờ và bị điều tra.

Citigroup, JPMorgan Chase, Deutsche Bank và UBS cũng vừa cho biết đã hợp tác làm việc với các nhà điều tra.

Hồi tuần rồi, Barclays cũng cho biết đã bị nhà chức trách điều tra, và bản thân cũng đã mở một cuộc điều tra nội bộ.

Hồi mới năm ngoái đã xảy ra vụ tai tiếng thao túng tỷ giá liên ngân hàng Libor tại Mỹ, làm điêu đứng thị trường tài chính. Vụ việc đã khiến cho một Tổng giám đốc của tập đoàn Barclays bị mất chức, và số tiền phạt lên đến 4 tỷ đô la.

Việc cũ chưa qua thì việc mới đã đến. Và vụ việc lần này cũng không kém phần nghiêm trọng khi mà lượng giao dịch hối đoái trên thế giới mỗi ngày lên đến 5 300 tỷ đô la.

Cầu nguyện cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

Nhìn sang bán đảo Triều Tiên, nhật báo Công Giáo La Croix quan tâm đến Đại hội lần thứ 10 của Hội đồng đại kết các Giáo hội (COE) diễn ra ở Busan Hàn Quốc. Tờ báo đăng bài chạy dòng tựa đáng chú ý : « Các chức sắc Thiên Chúa giáo cầu nguyện hòa bình cho hai miền Triều Tiên ».

Tờ báo cho biết, nhân đến Hàn Quốc dự đại hội lần này, các đại biểu đã đến khu vực ranh giới phi quân sự của hai miền Triều Tiên và nhiều địa điểm gắn liền với lịch sử chiến tranh Liên Triều khác để cầu nguyện cho hòa bình và cho tương lai thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.

Tờ báo trích dẫn ý kiến của một giám mục Đan Mạch như thể hiện cho khát vọng hòa bình và thống nhất : « Thật đau xót khi mà dân tộc này bị chia cắt từ 60 năm nay, và đến hiện tại vẫn chưa thể xích lại gần nhau ».

Một giám mục đến từ Ấn Độ thì thẳng thắn : « Sự chia cắt này không chỉ phụ thuộc vào người Triều Tiên, mà còn cả vào Trung Quốc và Mỹ ».

Một giám mục Úc thì kêu gọi : « Những người Thiên Chúa giáo tại Hàn Quốc có thể đóng vai trò then chốt » trong hồ sơ hòa bình và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.

Hút thuốc: mặt mau già

Cuối cùng là một thông tin y tế đáng chú ý được đăng trên tờ Le Figaro với hàng tựa : « Thuốc lá làm gương mặt mau già ».

Số là các nhà khoa học Hoa K ỳ đã tiến hành một nghiên cứu về ảnh hưởng của thuốc lá đối với sự lão hóa trên gương mặt.

Nghiên cứu được tiến hành trên 79 cặp sinh đôi (cả trai lẫn gái). Điều kiện được chọn là trong mỗi cặp sinh đôi, phải có một người hút thuốc, và một người không hút thuốc, hoặc đã từng hút nhưng cai thuốc ít nhất từ 5 năm.

Mỗi năm các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sẽ chụp hình họ. Hình ảnh được chuyến đến một « ban giám khảo » bao gồm những chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ. Ban giám khảo sẽ không được báo trước ai trong từng cặp sinh đôi có hút thuốc hoặc không hút thuốc, mà chỉ có nhiệm vụ là nhìn vào ảnh xem gương mặt ai già hơn.

Kết quả là, những người hút thuốc có gương mặt già hơn so với người không hút thuốc.

Điều đáng chú ý là, nếu ngừng hút thuốc 5 năm cũng đủ để đem lại tuổi thanh xuân cho gương mặt.


Switch mode views: