Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-09-2013

 Syria : Phương Tây lùi bước nhưng vẫn giữ được thể diện

fabius kerry 2

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và đồng nhiệm Pháp Laurent Fabius - REUTERS /Susan Walsh


Việc Syria đồng ý đặt vũ khí hóa học dưới sự kiểm soát của quốc tế và đổi lại Mỹ và Pháp hoãn đánh Syria là đề tài được báo chí Pháp ra ngày hôm nay đồng loạt quan tâm với nhiều dòng tựa khá sâu sắc trên các trang nhất.

Báo Le Monde chạy tựa trên trang nhất : « Syria : sáng kiến của Nga đã giúp Syria tránh khỏi các cú đánh của phương Tây ». Trang nhất báo Libération chơi chữ với dòng tựa « Syria : la ruse Russe » tức là « mưa mẹo của Nga ».

Báo Công giáo La Croix cũng nhận định trên trang nhất : « Một hướng mới trong cuộc khủng hoảng tại Syria ».

Ngoài ra, tờ Direct Matin cũng phân tích hồ sơ này qua bài viết : « Damas chấp nhận việc kiểm soát vũ khí hóa học : Một con đường ngoại giao ». Cả hai tờ Le Figaro và Direct Matin đều nhận định, đây là một động thái dàn xếp mang tính ngoại giao giữa hai phe : phương Tây và Syria, đứng phía sau là đồng minh Nga mà đôi bên đều giữ được thể diện.

Báo Direct Matin trích nhận định của Frédéric Encel, tác giả của cuốn sách De quelques idées reçues sur le monde contemporain, cho rằng : « Nga đề nghị Syria đặt vũ khí hóa học dưới sự kiểm soát của quốc tế giúp cho chế độ Damas tránh được sự trừng phạt của phương Tây.

Qua đó, Nga lấy lại được thể diện của một cường quốc vì nhờ có Nga mà Syria không bị đánh ».

Thế nhưng, Washington và Paris cũng không mất mặt trong vụ dàn xếp này. Hoa Kỳ và Pháp cho rằng Nga sẽ chẳng bao giờ đề nghị phương án này nếu Phương Tây không dọa đánh Syria.

Báo Libération nhìn nhận : « Putin đã hiểu rằng trước công luận Mỹ không chấp nhận cho tổng thống Obama can thiệp vũ trang vào Syria và một Quốc hội Mỹ ngập ngừng thì tổng thống Obama có thể xem đề nghị của Nga như một cách để cứu vãn thể diện ».

Cũng chung nhận định nhưng báo thiên hữu Le Figaro có bài xã luận mang tựa khá mỉa mai : « Lùi bước, ngẩng cao đầu ». Bài viết nhấn mạnh, nghệ thuật trong ngoại giao đôi khi là giữ thể diện cho nhau. Hiện nay, không còn là vấn đề « trừng phạt » quân sự chế độ sát nhân Assad mà chỉ có tác dụng phòng ngừa « cuộc tàn sát hóa học sắp tới » bằng cách kêu gọi chế độ Damas giải trừ vũ khí hóa học.

Bài báo nhận định, giữa một cuộc nội chiến mà kết cuộc vẫn chưa biết đi đến đâu thì hành động này là chưa từng thấy bao giờ. Nếu đề nghị của Nga thành công, việc vô hiệu hóa kho vũ khí hóa học Syria không phải chỉ tiến hành trong ngày một ngày hai.

Về mặt kỹ thuật, hoạt động này có thể kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Đó là chưa kể trước đó, còn phải khó khăn thương lượng với Damas để có thể kiểm kê đầy đủ tất cả các kho vũ khí hóa học của chế độ Assad.

Tóm lại, bài xã luận ví von tiến trình mà Nga đề nghị kiểm soát vũ khí hóa học của Syria chẳng khác nào trò chơi mèo đuổi chuột không có hồi kết mà phương Tây đã lao vào với Iran trong hồ sơ giải trừ hạt nhân quân sự của nước này.

Cuối cùng, bài xã luận nhận định nếu như tổng thống Obama và Hollande đều khéo léo trong việc lý giải cho sự lựa chọn phương án này thì cả hai tuy lùi bước nhưng vẫn ngẩng cao đầu.

Trung Quốc luôn khao khát thâu tóm trên thị trường quốc tế

Trên hồ sơ kinh tế, báo Le Monde hôm nay quan tâm đến các tập đoàn Trung Quốc trên thị trường quốc tế. Tờ báo nhìn nhận, các đầu tư của các tập đoàn thuộc nền kinh tế thứ hai thế giới tại nước ngoài đã tăng 17,6% vào năm 2012. Trung Quốc tiến từ vị trí thứ 6 lên vị trí thứ 3 trên thế giới về các đầu tư ngoài nước.

Báo Le Monde nhắc lại một số vụ thâu tóm các công ty trên thế giới gần đây của các nhà đầu tư Trung Quốc từ dầu hỏa cho đến mua lại tập đoàn sản xuất thị lợn Smithfied của Mỹ, hay gia nhập cổ phần vào công ty du lịch Club-Med của Pháp.

Một quan chức Trung Quốc trong ngành thương mại quốc tế nhận xét trên tờ China Daily như sau : « Các cuộc khủng hoảng nợ nần và tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế phát triển, cộng với việc đồng nhân dân tệ tăng giá đã tạo cơ hội cho các tập đoàn Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài ».

Tuy nhiên, trong các con số thống kê, đầu tư ra nước ngoài tập trung hầu hết vào Hồng Kông (58,4% trên tổng số). Đây là vùng hành chính đặc biệt bị sát nhập vào Trung Quốc vào năm 1997 nhưng có một hệ thống tiền tệ riêng biệt.

Đặc khu kinh tế Hồng Kông thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc nhờ vào chính sách thuế khóa có lợi hơn đại lục, nhờ vào việc tự do lưu chuyển nguồn vốn, an toàn pháp lý và thị trường chứng khoán ổn định.

Một số nguồn đầu tư đổ sang Hồng Kông, sau đó chuyển sang các nước khác và chạy ngược về Trung Quốc đại lục. Đây là một hình thức rất phổ biến được biết đến với tên gọi « round tripping », tạm dịch « đi-về ».

Chiến lược tăng cường đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn Trung Quốc được chính phủ ủng hộ và vai trò của ngân hàng nhà nước là không thể thiếu. Ví dụ, nhà sản xuất ô tô Volvo bị công ty Geely mua lại vào năm 2010. Geely đã được ngân hàng phát triển Trung Quốc cho vay 922 triệu euro vào tháng 12/2012 để tài trợ cho các dự án tái cơ cấu và tăng trưởng.

Các tập đoàn Trung Quốc tìm cách mua lại các công ty nổi tiếng và cố gắng đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ví dụ, khi tập đoàn Sông Hối mua lại công ty chế biến thị lợn Smithfied của Hoa Kỳ, tập đoàn này muốn làm lợi dựa vào giá thành sản xuất rẻ hơn nhưng vẫn đảm bảo một hình ảnh chất lượng tốt hơn.

Ấn Độ : Phạt nặng hơn thủ phạm hiếp dâm

Báo L’Humanité hôm nay trở lại vụ hiếp dâm tập thể trên xe buýt tại thủ đô New Delhi làm thiệt mạng một nữ sinh hồi tháng 12 năm ngoái.

Theo tờ báo, hình phạt dành cho thủ phạm của vụ án sẽ phải được đưa ra trong hai ngày tới.

Dưới làn sóng biểu tình và phẫn nộ của dân chúng, các nhà lập pháp Ấn Độ đã phải siết chặt luật lệ hơn vào tháng 3 vừa rồi. Xã hội Ấn Độ có ít tiến triển trong việc chống lại nạn bạo lực đối với phụ nữ. Tờ báo cho biết, 4 trong số các thủ phạm hiếp dâm tập thể có thể sẽ bị lãnh án tử hình. Thủ phạm thứ 5 vẫn còn là vị thành niên vào lúc gây án nên sẽ chỉ lãnh mức án 3 năm tù, mức án cao nhất cho tuổi vị thành niên.

Ngày nay, hễ xảy ra một vụ án hãm hiếp là người dân Ấn Độ đều tụ tập biểu tình. Dưới sức ép của công chúng, chính quyền buộc phải tăng án nặng hơn cho những thủ phạm hiếp dâm. Từ nay, thủ phạm lãnh án ít nhất là 20 năm tù, thậm chí là chung thân hay tử hình. Các tổ chức vì nữ quyền gọi đây là một « thay đổi mang tính hệ thống trong giáo dục và tác phong xã hội ».

Theo cảnh sát New Delhi, số đơn kiện về hành vi hiếp dâm sẽ ngày càng tăng, không phải vì sự gia tăng các hành vi cưỡng hiếp phụ nữ mà vì nạn nhân đã dám lên tiếng và không để bọn tội tội phạm nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Catalunna thách thức Madrid

Liên quan đến thời sự tại châu Âu, báo Le Figaro và báo Les Echos đồng quan tâm đến ngày 11/09-ngày lễ của xứ Catalunna.

Báo Le Figaro đăng bài viết : « Người dân vùng Cataluna thách thức Madrid ». Cũng bàn về đề tài này, báo Les Echos cho biết, xứ này hôm nay kỷ niệm ngày lễ lớn và đang đặt ra nhiều vấn đề về đòi hỏi quyền tự trị.

Cách đây một năm, cũng vào ngày này, người dân Catalonha đã xuống đường đông đảo đòi độc lập và yêu cầu có một cuộc trưng cầu dân ý nhưng đã bị chính quyền Tây Ban Nha bác bỏ. Tuy nhiên, vài ngày gần đây, cả chính quyền xứ Cataluna lẫn Madrid đều thể hiện thiện chí đối thoại.

Tầm quan trọng của các cuộc biểu tình sẽ nổ ra vào ngày hôm nay, vào lúc kỷ niệm lễ, sẽ là một lý lẽ nặng ký thuyết phục thủ tướng Mariano Rajoy chấp thuận cuộc trưng cầu dân ý.

Nhân ái hay ích kỷ tồn tại lâu hơn ?

Nhân ái hay ích kỷ có lợi hơn ? Đó là câu hỏi mà mục Khoa học-Y tế trên báo Le Monde hôm nay quan tâm đến. Kết quả của ba công trình nghiên cứu mới nhất cho thấy là trong quá trình phát triển của xã hội loài người, sự hợp tác sẽ mang lại lợi ích về lâu về dài hơn là sống ích kỷ, chỉ lo cho bản thân.

Tờ báo giới thiệu công trình thứ nhất liên quan đến hành vi chia sẻ thức ăn ở một số bộ linh trưởng, trong đó có con người. Kết quả này được đăng ngày 19/08 trong « Evolutionary Anthropology ». Công trình này kết luận như sau : tại các loài linh trưởng, sự tương hỗ là một yếu tố quan trọng trong việc chia sẻ thức ăn, mặc dù người cho và người nhận không hề có mối liên hệ gia đình.

Một giáo sư tại Mỹ nhận định : « Khám phá này rất quan trọng, bởi vì cho đến nay, các nhà kinh tế vẫn luôn tin rằng chỉ có con người mới có khả năng hợp tác với đồng loại không có cùng huyết thống. Thế nhưng, nhiều loại động vật khác cũng có thể làm được điều này. »

Một nghiên cứu gần đây được đăng trên tạp chí Nature Communications (1/08) và PNAS (2/09) đưa ra bằng chứng mới cho thấy quá trình tiến hóa không đứng về phía những người ích kỷ. Trong những năm 1950, trong một trò chơi toán học, hai người chơi nếu như hợp tác với nhau thì sẽ thua ít hơn là cả hai phản bội lẫn nhau.

Tuy sự ích kỷ có thể mang lại thành công ngắn hạn nhưng rốt cuộc những người ích kỷ sẽ bị tuyệt chủng vì không sớm thì muộn họ sẽ bị áp đảo bởi những đối thủ cạnh tranh biết hợp tác để đạt được mục tiêu chung.

Theo giáo sư đại học Pennsylvanie, đồng tác giả của công trình trên tạp chí PNAS (2013) thì « chiến lược vững chắc nhất cho sự tiến hóa là nhân ái và hợp tác ». Theo luận cứ này thì lòng nhân ái dựa trên sự vị tha : đối mặt với một kẻ phản trắc, người chơi chỉ trừng phạt nhẹ nhưng sau đó, theo thời gian sẽ liên kết lại với kẻ phản bội này.

Thế nhưng, Colin Camerer, giáo sư kinh tế học hành vi tại California nhận xét : « Trong xã hội loài người, sự hợp tác còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố : giao tiếp, sự đồng tiến hóa giữa gen-văn hóa, sự nổi tiếng xã hội của các cá nhân…Do đó, áp dụng kết quả này lên xã hội loài người xem ra hơi vội vàng ». Về tính triết lý, đạo đức hay khoa học, tranh cãi quanh chủ đề này vẫn chưa khép lại được.

Apple cũng sản xuất iPhone giá rẻ

Báo kinh tế Les Echos và báo Le Figaro đều quan tâm đến việc tập đoàn sản xuất điện thoại thông minh Apple vừa cho ra đời chiếc iPhone 5S và chiếc iPhone giá rẻ 5C. Báo Le Figaro đăng bài viết mang tựa: “Apple từ chối lao vào cuộc chiến giá cả”. Báo kinh tế Les Echos đăng bài: “ Apple tấn công các quốc gia mới trỗi dậy với chiếc iPhone giá rẻ”.

Trên trang nhất báo Les Echos đăng ảnh các chiếc iPhone với nhiều màu sắc khác nhau: xanh biển, hồng, vàng, lục… chứ không chỉ giới hạn ở hai màu truyền thống đen, trắng như trước đây. Đó là các game màu của chiếc điện thoại thông minh giá rẻ iPhone 5C.

Ngoài ra, chiếc iPhone 5S cải tiến mới màu champagne cũng sẽ được tung ra thị trường vào ngày 20/09/2013 tới.

Báo Les Echos đánh giá, việc tung ra thị trường chiếc iPhone giá rẻ 5C cho phép tập đoàn mang nhãn hiệu trái táo tăng cường tấn công các đất nước mới trỗi dậy, trong đó đặc biệt là Trung Quốc, nơi mà tập đoàn Apple khó khăn trong việc khẳng định thị phần của mình.


Switch mode views: