Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-08-2013

Các thành phố Trung Quốc đua nhau xây nhà chọc trời

shanghaitower


Băng-rôn hình các công nhân xây dựng tại tòa nhà chọc trời Shanghai Tower. Ảnh chụp ngày 21/01/2013.
REUTERS/Carlos Barria/Files


Báo Le Monde qua bài viết : "Các thành phố Trung Quốc đều muốn có các tòa nhà chọc trời khổng lồ " cho biết cấu trúc chính của tòa nhà Thượng Hải (Shanghai Tower) đã hoàn thành vào ngày 03/08/2013.
 Với chiều cao 632 mét, tòa nhà khổng lồ này có thể trở thành tòa nhà cao nhất của châu Á.

Bài báo điểm lại danh sách các tòa nhà cao nhất thế giới như tòa nhà Burj Khalifa ở Dubai cao 832m, tòa nhà Abraj al Bait ở Ả Rập Xê Út cao 601m, tòa One World Trade Center ở New York cao 541m, được hoàn thành vào năm 2013.


Tòa Thượng Hải Tower sẽ được hoàn tất vào năm 2015. Nơi này sẽ được dùng làm văn phòng, trung tâm thương mại và một khách sạn lớn.
 Giám đốc thiết kế tại châu Á cho văn phòng kiến trúc Hoa Kỳ Gensler nhận định : « Trào lưu bây giờ không còn là xây nhiều nhà chọc trời nữa mà xây những tòa nhà tốt ».

Nhiều thành phố tại Trung Quốc đua nhau xây dựng tòa nhà chọc trời của mình. Ví dụ, tòa nhà chọc trời tại Thâm Quyến, miền Nam Trung Quốc, khi hoàn thành sẽ cao đến 660m. 

Nam Kinh cũng đã có tòa nhà của riêng mình, cao 450m, hoàn tất vào năm 2009. Tại Thiên Tân, « trung tâm tài chính » được khánh thành vào năm 2011, cao 336m.
 Một tòa nhà khác sẽ được khánh thành vào năm 2015 cũng tại thành phố này và vượt mặt tòa « trung tâm tài chính », với chiều cao là 597m.

Bài báo nhận định, hiện nay Trung Quốc xây dựng hơn phân nửa số tòa nhà chọc trời của hành tinh.

Mark Thornton, nhà kinh tế học và tác giả của các công trình nghiên cứu về mối quan hệ lịch sử giữa cuộc chạy đua xây nhà chọc trời và sự lên ngôi của các cuộc khủng hoảng lớn, tiên đoán :
 « Việc xây các tòa nhà chọc trời là sự kiện báo trước và dấu hiệu của các biến loạn kinh tế trong khu vực ».

Báo Le Monde minh chứng bằng một số ví dụ như hai tòa nhà tại Mỹ Empire State Building và Chrysler được khánh thành trong hoàn cảnh nước Mỹ chìm trong suy sụp kinh tế.
 Hay như tòa tháp đôi Petronas tại Kuala Lumpur được hoàn thành sau cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1997 tại Đông Nam Á.

Đối với ông Thornton, các tòa nhà chọc trời chỉ là triệu chứng của chính sách kinh tế ngông cuồng của chính phủ.
Tuy nhiên, các kiến trúc sư nổi tiếng nhất thì nghĩ rằng, sự phát triển của Trung Quốc là một sự kiện lịch sử không thể so sánh được.
Đây là đất nước đông dân nhất thế giới. Mức độ thành thị hóa và mật độ thành thị khá cao chính là những nền tảng cho thấy, tuy các tòa nhà chọc trời tại một số vùng thành thị duyên hải phía Đông đã bão hòa, nhưng vẫn còn khoảng chục thành phố phía Trung đất nước cần được phát triển.

Hoa Kỳ và châu Âu trước mối đe dọa của Al Qaida

Al Qaida đe dọa tấn công phương Tây là tâm điểm trên các báo ra ngày hôm nay.

Báo Le Monde có bài viết mang tựa : « Đóng cửa các tòa lãnh sự Mỹ do đe dọa khủng bố ».

Báo Le Figaro đăng bài : « Mỹ và châu Âu đang báo động trước đe dọa của Al Qaida ».

Báo kinh tế Les Echos cũng không bỏ qua sự việc này qua bài viết : « Lợi ích phương Tây bị Al Qaida đe dọa ».

Theo báo Le Figaro, nối gót Mỹ, Pháp, Anh, Đức cũng phải tạm thời đóng một số tòa đại sứ tại Bắc Phi và các nước Hồi giáo để tránh bị mạng lưới Al Qaida tấn công. Ngoài ra, theo nguồn tin từ Hoa Kỳ thì « những thông tin hiện nay cho thấy Al Qaida có thể tấn công từ nay đến cuối tháng Tám » và « nhắm vào giao thông, cơ sở hạ tầng du lịch khác ».

Thủ lãnh Al Qaida Zawahiri là một người Ai Cập. Ông cáo buộc Hoa Kỳ đã « âm mưu » với quân đội Ai Cập và thiểu số người Thiên Chúa Giáo Cốp để loại bỏ Tổng thống Mohammed Morsi.

Tổng thống Pháp François Hollande nhận định : « Các yếu tố cho phép chúng ta nghĩ rằng những đe dọa này là hoàn toàn nghiêm trọng ». Ông Hollande kêu gọi kiều dân Pháp sống tại Yemen, nơi được xem là « sào huyệt » của Al Qaida phải thận trọng khi di chuyển.

Tại Luân Đôn, Bộ Ngoại giao đặc biệt quan ngại trước tình trạng an ninh trong những ngày cuối của tháng Ramadan kết thúc vào thứ Tư này.
Theo báo Les Echos thì nhiều cuộc khủng bố đã xảy ra vào tháng Tám như vụ ở Nairobi ở Kenya, Dar es Salam tại Tanzania vào năm 1998 làm cho hơn 200 người chết.

Seoul và Bình Nhưỡng bên bờ vực cắt đứt liên hệ

Trở lại tình hình châu Á, Bắc Triều Tiên lần đầu tiên đang phải đối đầu với một đối thủ lợi hại tại Seoul.

Từ tháng 4 đến nay, Bắc Triều Tiên giả điếc trước đề nghị của Hàn Quốc, làm cho khu công nghiệp Kaesong, biểu tượng cuối cùng của mối quan hệ liên Triều, không mở lại được. Báo Le Figaro hôm nay cũng đặc biệt quan tâm đến hồ sơ này qua bài viết : « Seoul và Bình Nhưỡng bên bờ vực cắt đứt liên hệ ».

Theo báo Le Figaro, sau 6 lần hội đàm căng thẳng, Bình Nhưỡng từ chối những điều kiện mới từ phía Hàn Quốc nhằm mở hoạt động trở lại khu công nghiệp. Tổng thống Park Guen Hye đề nghị cam kết không bao giờ đình chỉ việc sản xuất trong tương lai do các lý do chính trị như chủ tịch Kim Jong Un đã làm vào tháng Tư vừa rồi, khi hai bên lo sơ tán công nhân vì căng thẳng với Mỹ dâng cao.

Thương lượng lần này thất bại có thể làm cho Seoul thông báo đóng cửa chính thức khu công nghiệp, gây thiệt thòi cho các chủ doanh nghiệp, khi họ đã chịu tổn hại đến một tỉ đô la do đã để lại máy móc tại khu công nghiệp. Cách giải quyết khá « rắn » lần này đánh dấu một lần nữa tính nghiêm trọng trong mối quan hệ liên Triều, xóa đi vết tích cuối cùng của mối quan hệ liên Triều từ năm 2000.

Để tránh phải lãnh trách nhiệm về quyết định khá nặng nề này và giữ một lối mở cho đàm phán, Seoul có thể lựa chọn một giải pháp ít cực đoan hơn, đó là cắt nước và điện của khu công nghiệp.

Sự kiên quyết của Tổng thống Park làm rối loạn chiến lược của chủ tịch Kim Jong Un, người đã đưa ra chính sách ngoại giao phá vỡ thế cô lập sau cuộc khủng hoảng mùa xuân vừa rồi.

Một chuyên gia đại học Dongseo tại Busan nhận định : « Họ cảm thấy ngạc nhiên vì chiến lược thường dùng là chia rẽ ý kiến công chúng Hàn Quốc không còn tác dụng nữa. Đa số dân chúng bây giờ lại ủng hộ thái độ cứng rắn của bà Park ».

Ngoài giá trị mang tính biểu tượng, Bình Nhưỡng còn phải trả một cái giá đắt về vật chất và chính trị khi đóng cửa Kaesong, vì Bắc Triều Tiên đang thiếu nguồn tài chính. Từ nay, Bắc Triều Tiên phải nuôi 52.000 công nhân thất nghiệp, trong khi khu công nghiệp mang lại nguồn lợi quý báu cho đất nước.

Thái Lan : Tràn dầu nghiêm trọng tại đảo du lịch Ko Samet

Trong bối cảnh mùa hè, lúc hàng ngàn người Pháp đổ sang châu Á, nhật báo Le Monde nhắc lại sự kiện tràn dầu xảy ra ngày 27/07 vừa qua tại đảo Ko Samet, Thái Lan qua bài viết : « Phản ứng tức giận khi thủy triều đen lan ra tại một đảo du lịch ». Khoảng 50.000 lít dầu đã tràn ra biển và biến dòng nước ở đây thành màu đen.

Theo tờ báo, công ty quốc doanh, nguồn gốc gây ô nhiễm cho đảo Ko Samet bị cáo buộc là thiếu sự phòng bị. Hòn đảo vốn được người dân Bangkok rất ưu ái. Một tuần sau khi đường ống dẫn rò rỉ khiến dầu loang trong vịnh Thái Lan, những lời công kích vẫn tiếp tục đổ lên tập đoàn Thái Lan PTT Global Chimical (PTTGC), công ty chịu trách nhiệm về vụ tràn dầu.

Ngày 2/8 vừa qua, gần một nửa du khách khu nghỉ mát đã rời khỏi đảo. Bộ trưởng bộ Du lịch nhận định rằng ông không nghĩ là vụ rò rỉ này lại có tác hại như vậy đến ngành du lịch.

Công ty điều hành đường ống dẫn dầu gặp sự cố, trực thuộc tập đoàn PTT cho biết « 80% hoạt động dọn sạch dầu tràn đã kết thúc ». Greenpeace đã cáo buộc công ty này đánh giá thấp tính nghiêm trọng của thiệt hại do vụ dầu loang gây ra. Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace còn khẳng định rằng « thật sai lạc khi nói rằng tất cả hoặc gần như đã được giải quyết ».

Đẳng đối lập tại Nghị viện cũng chỉ trích mạnh mẽ về sự cố này. Một dân biểu phát biểu như sau : « Công ty thu hàng tỉ bath hàng năm lại thất bại trong việc giải quyết vấn đề. Tôi sẽ không nói gì nếu đó là lần đầu, đằng này đây lại là lần thứ tư xảy ra sự cố ».

Theo nhận định của giám đốc tổ chức phi chính phủ (ONG) Stop Global Warning, « PTTGC không hề chuẩn bị trước tình hình nguy cấp này và không hề tỏ ra thẳng thắn trước tác hại của vụ tràn dầu. Đặc biệt là san hô và dây chuyền thức ăn cho cá sẽ bị tác hại. »

Theo một chuyên gia sinh học biển tại đại học Bangkok, « vào thời điểm này rất khó đánh giá hậu quả thực của dầu tràn lên môi trường ». Tuy nhiên, sau khi xét nghiệm mẫu nước biển thì chất lượng nước vẫn đáp ứng được chuẩn cho phép.

Pháp muốn trấn an du khách

Nhìn lại tình hình nước Pháp, cũng đang mùa du lịch và du khách, nhật báo Công giáo La Croix hôm nay đặc biệt quan tâm đến an ninh tại Pháp đối với du khách nước ngoài qua bài viết : « Pháp cam kết chống tình trạng mất an ninh mùa hè ».

Bộ trưởng Nội vụ Manuel Valls đã đưa ra một loạt các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh cho du khách ngoại quốc tại Paris sau một loạt các vụ tấn công, cướp giật du khách, được giới truyền thông đăng tin.

Một trong những biện pháp đặc biệt là tăng cường lực lượng cảnh sát tại Paris, các thành phố lớn và trên các bãi biển. Người Pháp đi du lịch nước ngoài có thể đăng ký năm đầu tiên trên trên một trang mạng cho phép có thể đến trợ giúp khi họ cần. Tờ báo còn cho biết Bộ Ngoại giao Pháp muốn liên lạc được với kiều dân của mình tại nước ngoài. Có gần 13 triệu người Pháp di chuyển hàng năm khắp thế giới.

Ngoài ra, tờ báo còn đặc biệt quan tâm đến du khách Trung Quốc tại Pháp. Đối với thành phần này thì « giấc mơ » về đất Pháp đã tan thành mây khói.

Những vụ trộm cắp hay tấn công người Trung Quốc tại Paris đã gây nhiều lo ngại. Báo La Croix còn miêu tả dân Trung Quốc du lịch sang Pháp khá đông và là khách sộp của các cửa hàng bán giỏ xách, giầy dép, nước hoa cao cấp của những hãng nổi tiếng… vì những mặt hàng này bị đánh thuế khá cao tại Trung Quốc. Hơn nữa, người Trung Quốc lại hay dùng tiền mặt, nên trở thành miếng mồi ngon của bọn trộm cắp.

« Mùa xuân Sofia »

Báo Le Figaro hôm nay cũng quan tâm đến đất nước Bulgari, nơi mà từ 52 ngày nay, người biểu tình bao vây tòa nhà Quốc hội để lên án giai cấp chính trị tham nhũng qua bài viết : « Mùa xuân Sofia » làm lung lay chính thể đầu sỏ Bulgari.

Báo Le Figaro thuật lại trong vòng 52 ngày, người chống đối đã thử nhiều cách. Họ đã biểu tình bằng đồ tắm, phong tỏa Nghị viện, giương bức tranh nổi tiếng của Delacroix về cuộc cách mạng Pháp… Tất cả những điều đó để lên án « chế độ đầu sỏ mafia » đang hoành hành trên đất nước Bulgari. Đây là cuộc huy động lớn chưa từng thấy. Theo nhận định của một giảng viên đại học Sofia thì « thế hệ này tuyệt vời hơn thế hệ chúng tôi, vì họ biết chính xác những gì mình muốn : đó là đạo đức và minh bạch chính trị hơn ».

Theo một người biểu tình thì có lẽ họ không lật đổ chính phủ nhưng họ muốn chứng tỏ rằng tại Sofia, có một làn sóng người dân lên án chính phủ và có khả năng huy động lực lượng vì một mục tiêu nào đó.

Đặc biệt, bài báo nhắc lại một số vụ việc chính phủ bổ nhiệm những người thân cận và có máu mặt trong xã hội Bulgari, làm cho người dân ngày càng phẫn nộ. Người dân cảm thấy đã bị dồn đến đường cùng và một là họ phản ứng, hai là tiếp tục để cho đất nước rơi vào tay mafia.

Cuối cùng, tờ báo cho biết các cuộc biểu tình vẫn diễn ra suốt mùa hè, một số còn quấy rối các bộ trưởng tại nơi nghỉ hè. Một số khác bày mưu tính kế tiếp tục đấu tranh sau kỳ nghỉ hè. Mục đích vẫn là : lật đổ chính phủ và làm cho Bulgari trở lại « bình thường ».


Switch mode views: