Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26-07-2013
- Thứ Sáu, 26 tháng Bảy năm 2013 16:31
- Tác Giả: Mai Vân
Du khách Châu Á tại Paris : Mồi ngon của giới trộm cắp
Du khách Trung Quốc trên đồi Montmartre, Paris (Nguồn : Flickr Creative Commons)
Trong không khí mùa hè, và với Paris vẫn quyến rũ du khách, Le Figaro số ra hôm nay, 26/07/2013 đưa ra lời cảnh báo : « Những kẻ lừa đảo và móc túi đến định cư ở thủ đô ».
Các du khách Châu Á đặc biệt trở thành con mồi ngon, đến nỗi họ được khuyên là không nên đi tàu điện ngầm hay rời khách sạn vào ban tối.
Tác giả mở đầu bài viết với lời của một nhân viên an ninh ở Viện bảo tàng Louvre : « Với dịp hè, người đến đây đông đảo, họ cũng đang trở lại ! » Họ đây là những kẻ ăn cắp, móc túi, đã trở lại ở chung quanh và cả bên trong viện bảo tàng.
Ngay vào tháng Tư vừa qua, nhân viên tại Louvre đã chặn các ngõ ra vào phản đối nạn ăn cắp liên tục xẩy ra. Sự vụ đã khiến cảnh sát Paris loan báo 26 biện pháp đối phó với tinh hình và triển khai 200 cảnh sát ở những nơi thu hút du khách ở thủ đô Pháp. Le Figaro công nhận là chủ trương này cũng có một số hiệu quả, với việc triển khai đội cảnh sát đi roller hay xe đạp mọi địa hình VTT để tuần tra.
Thế nhưng tờ báo cũng hóm hỉnh cho là cứ đi dạo ở Paris thì thấy ngay là không chỉ có du khách là thích Paris, mà thủ đô nước Pháp cũng được giới móc túi ưa chuộng, bị đuổi nơi này, thì chúng chạy ngay đến nơi khác.
Ở bảo tàng Louvre, giờ đây chúng hoạt động theo từng cặp, thường nhắm vào du khách Trung Quốc, vì những người này có thói quen đi sát nhau, cho nên khi bị một người áp sát trong một nhóm thì họ không để ý, nghi ngờ gì cả. Du khách Trung Quốc cũng không chú ý vì mải mê xem tranh, nghe lời thuyết minh.
Nhưng không phải chỉ có Louvre mà du khách đến Paris khó thể bỏ qua, bài báo còn chỉ ra một số nơi khác mà cảnh sát không mấy đông đảo, như khu phố Saint-Germain-des-Prés, các bến dọc sông Seine, hay những chiếc cầu nổi tiếng. Đấy cũng là những điểm ưa chuộng của các giới, từ móc túi cho đến bán hàng, nữ trang giả.
Cảnh sát rất vất vả nhưng cũng hoài công : Đuổi chúng đi vào lúc này thì chẳng mấy chốc sau đó chúng đã quay trở lại.
Bài báo cũng nhắc lại rằng du khách Châu Á là những con mồi béo bở, vì nổi tiếng là luôn có nhiều tiền mặt trên người.
Một nhân viên du lịch cho biết là anh luôn căn dặn khách hàng Trung Quốc là không nên tập trung tiền một nơi mà phải phân tán ra, và nhất là không sử dụng loại giấy bạc lớn, như không nên trả tiền một chai Coca với một tờ 100 euro chẳng hạn.
Nhân viên này cũng thường khuyên du khách tránh đi tàu điện ngầm, cũng không nên ra khỏi khách sạn ban đêm tại môt số khu vực vùng ngoại ô Paris. Nhân vật này còn cho Le Figaro biết là có một danh sách đen khách sạn nên tránh ở Paris.
Tờ báo tỏ vẻ tiếc nuối về sự kiện hình ảnh đẹp đẽ của Paris đã bị xóa đi phần nào trong mắt du khách, không còn là một điểm đến lý tưởng nữa.
Tờ báo còn kể lại chuyện một nhóm du khách Trung Quốc đã bị mất sạch hành lý để trong xe mini bus, trong lúc họ đang trong một nhà hàng tại trung tâm Paris. Các nhân chứng đã thấy hai người đến mở khoang hành lý, lấy hết đồ đạc, rồi gọi taxi chạy đi mất. Câu chuyện xẩy ra vào cuối tháng Sáu vừa qua.
Tác hại của hạt nhân trên sức khỏe chưa được đánh giá đúng mức
Mới đây, tập đoàn Tepco - điều hành nhà máy hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản - loan báo đã có 1.973 nhân viên của họ bị nhiễm xạ nặng nề sau tai nạn ngày 11/03/2011. Nhật báo Pháp Le Monde đã trích lời một chuyên gia nghiên cứu Pháp phê phán cách đánh giá rủi ro hạt nhân đối với con người, vốn vẫn chưa kể đến tác động của việc bị nhiễm xạ một cách lặp đi lặp lại và các yếu tố cá nhân của mỗi người.
Trả lời phỏng vấn báo Le Monde, nhà nghiên cứu Nicolas Foray, chuyên gia sinh vật học phóng xạ tại Viện Quốc gia Y tế và Nghiên cứu Y khoa INSERM và Trung tâm Nghiên cứu Ung thư ở Lyon (miền nam nước Pháp), trước hết ghi nhận là con số gần 2.000 công nhân tại Fukushima bị nhiễm xạ vượt quá mức 100 millisieverts (mSv) đã được tính toán căn cứ vào liều lượng phóng xạ ghi nhận ở tuyến giáp (thyroide) chứ không phải là liều lượng tính trên toàn cơ thể, được gọi là liều lượng « hiệu quả », cơ sở dùng để đánh giá độ rủi ro cho sức khỏe con người.
Theo ông Foray, nếu xem xét kỹ số liệu do Tepco cung cấp về 28 000 nhân viên của họ và của các nhà thầu làm việc cho họ, thì từ tháng 3/2011 đến tháng 5/2013, chỉ khoảng 170 công nhân bị nhiễm một liều lượng hiệu quả trên 100mSv, với người bị nặng nhất đã phải chịu mức 679 mSv.
Đối với chuyên gia Foray, mức 100mSv thường được chọn là mức cần báo động là vì khi theo dõi tình trạng các nạn nhân của hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki, và sau đó là kiểm nghiệm nơi nạn nhân vụ nổ Chernobyl, giới nghiên cứu đã thấy rằng nguy cơ của bệnh bạch cầu tăng đáng kể khi con người bị liều hiệu quả từ 100mSv trở lên, còn các chứng ung thư khác thì tăng mạnh khi liều lượng vượt ngưỡng 200mSv.
Vấn đề, theo ông Foray, là các ngưỡng nói trên chỉ có giá trị trong trường hợp nạn nhân bị bức xạ một lần duy nhất, trong một vài giây hay vài phút, trong khi thực tế thì không phải lúc nào cũng như vậy. Chuyên gia Foray thẩm định rằng, cách đánh giá rủi ro cho người lao động trong lãnh vực hạt nhân hiện nay vẫn chưa thỏa đáng.
Ngày nay, người ta thường dựa trên việc tính toán liều lượng có hiệu quả được tích lũy, có nghĩa là cộng tất cả các mức bức xạ mà một nhân viên phải chịu, và cho người này thôi việc khi mức nhiễm xạ tổng cộng lên đến ngưỡng cho phép trong một năm.
Có điều là phương pháp đó có thể không tính đến tác động của việc bị nhiễm xạ ở mức thấp, nhưng rất nhiều lần. Bị nhiễm 100mSv một lần có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh bạch cầu. Nhưng khi bị nhiễm 1mSv mỗi ngày trong thời hạn một trăm ngày, người lao động có thể bị một số rủi ro khác.
Ông Foray dẫn chứng các nghiên cứu thực hiện năm 2011, theo đó, khi bị hai liều phóng xạ liên tiếp, cách nhau khoảng vài phút đồng hồ, ADN/DNA của một người có nguy cơ bị phá hoại nhiều hơn là khi họ bị hai liều đó tác động một lần duy nhất.
Một nhân tố khác cũng được chuyên gia Pháp nêu bật : Con người không bình đẳng trước hiện tượng nhiễm xạ. Vì nhiều lý do, đặc biệt là lý do di truyền, có một số người dễ bị ung thư hơn những người khác. Yếu tố cá nhân này hiện không được chú ý trong cách đánh giá rủi ro hạt nhân đối với sức khỏe con người.
Tệ nạn kỳ thị người Hàn Quốc tại Nhật Bản
Trong vùng Châu Á, Le Monde cũng chú ý đến Ấn Độ, nhân sự kiện hôm qua, một trong những kẻ cưỡng hiếp cô sinh viên hồi tháng 12 năm ngoái phải ra trước tòa. Cái chết của cô sinh viên 3 ngày sau khi bị hãm hiếp đã khiến hàng chuc ngàn người xuống đường. Tác giả bài báo nhận thấy là đến nay, tranh luận về hành vi cưỡng hiếp vẫn gây bức xúc ở Ấn Độ.
Ngoài Ấn Độ, tờ báo Pháp cũng nhìn sang Nhật, nơi mà tinh thần kỳ thị dâng cao đang làm cho cộng đồng Hàn Quốc tại đây lo ngại.
Tác giả bài báo đưa độc giả đến khu phố Shin-Okubo của người Hàn Quốc tại Tokyo, lẽ ra là một nơi hòa hợp các dân tộc, nhưng lại trở thành một nơi xung đột, người Hàn Quốc đã công nhận là họ rất lo sợ.
Nguyên do là một tổ chức bài người Hàn Quốc, mang tên Zaitokukai - tức « Hiệp hội công dân chống đặc quyền của người Hàn Quốc tại Nhật » - đã hoạt động rất năng nổ và tới khu phố này với những khẩu hiệu như « hãy giết người Hàn Quốc », « Người Hàn Quốc tự treo cổ đi »...
Nhóm này, theo người sáng lập, bao gồm hơn 13.500 thành viên. Họ tự nhận không phải những phần tử quá khích, mà chỉ là những người dân bình thường, bao gồm cả những bà nội trợ.
Theo bài báo, hoạt động của nhóm Zaitokukai đang làm toàn thể giới chinh khách Nhật quan ngại. Trước đây thì chỉ là những lời khích động trên internet, hay qua các ấn phẩm, nhưng giờ đây thì họ đã hành động ở những nơi công cộng, tại các khu vực có người Hàn Quốc cư ngụ - 600 000 nguời ở Nhật. Họ tố cáo người Hàn Quốc được hưởng quy chế đặc biệt về thuế, về trợ cấp xã hội.
Tại khu phố Shin-Okubo, giờ đây đã xẩy ra các vụ xung đột giữa nhóm này với những người chống kỳ thị, cảnh sát đã đến câu lưu người gây rối. Theo bài báo, ngay cả những nhóm cực hữu truyền thống tại Nhật cũng phải lo ngại. Các thành phần quá khích mới này được cho là sẽ có những hành động táo bạo hơn để có nhiều tiếng vang hơn.
Theo phân tích của bài báo, phong trào bài ngoại lại càng có ảnh hưởng vào lúc đất nước đang lo âu vì phải đối mặt với khó khăn kinh tế và chính trị dai dẳng. Quan hệ ngoại giao căng thẳng với Seoul và Bắc Kinh cũng làm tăng nỗi bức xúc của người Nhật.
Cam Bốt : Hun Sen vững như bàn thạch
Báo Le Figaro hôm nay, nhìn về Châu Á, đã quan tâm đến cuộc bầu cử Quốc hội Cam Bốt sắp tới đây, trong bài viết tựa đề : « Hun Sen chủ nhân bất di bất dịch của Cam Bốt ». Theo tờ báo, sau cuộc bầu cử Chủ nhật này, Thủ tướng Cam Bốt sẽ nắm chắc một nhiệm kỳ thứ 5.
Tác giả bài báo, Jack Thomson, từ Phnom Penh, nhắc lại một cách khó chịu lập luận của ông Hun Sen, cho rằng « chiến tranh sẽ bùng lên nếu họ (phe đối lập) được bầu ». Tóm lại, ông cảnh báo về nội chiến nếu ông và đảng của ông không được chọn.
Bài báo công nhận nỗ lực của ông Hun Sen trong cuộc vận động tranh cử lần này : Cho đến tận những vùng nông thôn xa xôi, đi đâu cũng thấy bức ảnh to lớn của Thủ tướng Hun Sen, Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin và Chủ tịch Thượng viện Chea Sim.
Tác giả cũng có phần mỉa mai và tội nghiệp cho lãnh đạo đối lập Sam Rainsy, về nước rốt cuộc chỉ là để chứng kiến lễ đăng quang mới của Hun Sen.
Bài báo nhắc lại rằng ông Hun Sen - năm nay 60 tuổi - đã từng nói là sẽ cầm cương Cam Bốt cho đến năm 74 tuổi. Đối với tác giả bài viết : Khó mà nghĩ đó chỉ là câu nói đùa.
Các chủ đề nổi bật khác
Tai nạn xe lửa tại Tây Ban Nha, là chủ đề được theo dõi hàng đầu hôm nay chiếm nhiều trang báo. Le Figaro và La Croix đều nhìn thấy là « Tây Ban Nha dưới cú sốc ».
Bên cạnh « Thảm kịch ở Tây Ban Nha » như tựa của Le Monde, Đại hội Thanh niên Công giáo tại Brazil, sự kiện đối lập Syria cầu cứu quốc tế cũng được các báo dành tít trang đầu.
Riêng báo Les Echos loan báo một tin đáng mừng : Lần đầu tiên " bầu trời kinh tế Châu Âu quang đãng " trở lại. Theo tờ báo nhiều chỉ dấu kinh tế cho thấy là Châu Âu ra khỏi suy thoái, một tình trạng mà vùng đồng euro đã chịu từ 4 quý qua.
Tin mới
- Gia đình ông Đoàn Văn Vươn yêu cầu được dự phiên xử phúc thẩm - 28/07/2013 22:56
- Thẩm phán Ai Cập ra lệnh tiếp tục câu lưu ông Morsi - 28/07/2013 00:13
- Đức Giáo Hoàng thúc đẩy các tu sĩ đến với người nghèo - 27/07/2013 23:52
- Phe hữu Mỹ bực vì Obama và Hồ Chí Minh - 27/07/2013 23:36
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-07-2013 - 27/07/2013 23:12
- Mỹ cam kết với Nga sẽ không kết án tử hình Snowden - 27/07/2013 22:53
- Xung đột làm 80 người Ai Cập ủng hộ Morsi thiệt mạng - 27/07/2013 22:46
- Du khách Trung Quốc bị lên án vì xâm hại sinh vật biển Hoàng Sa - 27/07/2013 17:39
- Tokyo tăng cường hợp tác trên biển với Manila, đối phó với Trung Quốc - 27/07/2013 17:06
- Nhật 'cần phát triển mạnh' quân đội - 26/07/2013 18:44
Các tin khác
- Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang bác bỏ yêu sách « đường 9 đoạn » của Trung Quốc tại Biển Đông - 26/07/2013 16:23
- Biểu tình chống ông Trương Tấn Sang ở Washington DC - 25/07/2013 22:06
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-07-2013 - 25/07/2013 20:12
- Giáo Hoàng cảnh báo chống lại việc "tự do hóa" ma túy - 25/07/2013 19:56
- Đẩy lùi ảnh hưởng của Bắc Kinh : Thủ tướng Nhật lại thăm Đông Nam Á - 25/07/2013 19:18
- Sợ Trung Quốc, Hà Nội tìm điểm tựa ở Washington - 25/07/2013 16:27
- Kinh tế, nhân quyền trong ngày đầu thăm Mỹ của Chủ tịch nước Việt Nam - 25/07/2013 16:18
- Thuốc chuột trong thịt nướng xiên que ở Trung Quốc - 24/07/2013 20:19
- Tàu Trung Quốc lại thâm nhập Senkaku/Điếu Ngư - 24/07/2013 20:09
- Ý tịch thu 18 triệu món hàng giả Trung Quốc - 24/07/2013 19:13