Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-07-2013
- Thứ Ba, 16 tháng Bảy năm 2013 15:50
- Tác Giả: Thu Hằng
Xung đột sắc tộc làm suy yếu tổng thống Miến Điện
Tổng thống Miến Điện,Thein Sein dự thượng đỉnh ASEM 2013. Ảnh 06/11/2012.
Reuters/Damir Sagolj
Tổng thống Miến Điện, Thein Sein, thăm chính thức Vương quốc Anh bắt đầu từ hôm qua. Dưới tiêu đề : « Người khởi xướng Mùa xuân Miến Điện bị suy yếu vì xung đột sắc tộc », nhật báo Libération quan tâm tới các biện pháp của ông nhằm giảm căng thẳng trong nước.
Tờ báo ghi nhận tổng thống Thein Sein đã làm nên cách mạng tại đất nước mình. Một chuyên gia độc lập bình luận rằng : « Sự sợ hãi đã biến mất, chính phủ rộng mở cho xã hội dân sự và các cuộc tranh luận ».
Dù chưa hoàn chỉnh, các quyền lập hội, biểu tình hay tự do báo chí cũng đã được thực thi. Hơn 800 tù chính trị đã được trả tự do dưới chế độ của ông.
Sau một loạt chuyến viếng thăm lịch sử tới Hoa Kỳ hay châu Âu thời gian gần đây của tổng thống, phương Tây bắt đầu dỡ bỏ trừng phạt đối với quốc gia Đông Nam Á này.
Thế nhưng, tổng thống Miến Điện cũng phải đối mặt với những kết quả đầu tiên không lạc quan như mong muốn. Ông cũng chịu nhiều chỉ trích từ ngay nội bộ Đảng của mình.
Nhiều chương trình được coi là ưu tiên hàng đầu còn chưa được xúc tiến, như chương trình giảm nghèo (chỉ đang diễn ra tại một số vùng), hay các chương trình cải cách giáo dục và y tế.
Nghiêm trọng hơn chính là sự chia rẽ tôn giáo và sắc tộc hoành hành từ một năm trở lại đây, với hơn 200 người chết và khoảng 140 000 người phải di tản.
Các nhà cầm quyền và lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi chưa bao giờ lên án những tuyên bố phân biệt sắc tộc. Họ cũng chẳng có động thái để chấm dứt các hành động bạo lực do dân chúng và giới tăng sư gây ra. Về tình trạng này, một giáo sư Pháp nhận định : « Tự do ngôn luận đã giải phóng tự do hận thù ».
Tổng thống Thein Sein đã đạt được hiệp định ngừng bắn với các phiến quân. Thế nhưng, ông gặp khó khăn để chấm dứt các cuộc xung đột đẫm máu tại bang Kachin, ở phía đông bắc đất nước. Chính các biến động tại đây cho thấy hạn chế của tổng thống.
Phải chăng đây sẽ là cơ hội cho những đối thủ của ông trong cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra năm 2015 ? Do tuổi tác và bệnh tim, Tổng thống Thein Sein có thể không ra ứng cử. Cơ hội sẽ giành cho chủ tịch Quốc hội Shwe Mann và bà Aung San Suu Kyi.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm
Đây là chủ đề được các nhật báo Le Monde, Le Figaro và Libération quan tâm trong số ra ngày hôm nay.
Báo Le Monde đưa tin : « Kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm, Bắc Kinh công bố loại trừ mọi kế hoạch kích thích nền kinh tế ». Theo tờ báo, trong quý hai, tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc chỉ tăng 7,5%, trong khi đó, quý một đầu năm là 7,7% và ba tháng cuối năm 2012 là 7,9%.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc trong chuyến công du tại Washington cho rằng : « Đây không phải là vấn đề lớn ».
Chính phủ hứa sẽ có các biện pháp cải cách, nhưng không theo các « phương thức cũ », như kích thích nền kinh tế bằng đầu tư công hay nới lỏng chính sách tiền tệ. Tiêu chí chính đóng góp cho tăng trưởng GDP sẽ là tăng mức tiêu dùng của các hộ gia đình.
Nhật báo kinh tế Les Echos cũng quan tâm tới thông tin với tiêu đề : « Cú hãm mới cho tăng trưởng Trung Quốc ».
Tờ báo cho rằng không có gì ngạc nhiên, vì Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tại châu Âu và Hoa Kỳ.
Chính phủ Trung Quốc quyết định cân bằng kinh tế nhờ sức tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, tờ báo tỏ ra hoài nghi chính sách này, vì trong quý hai năm nay, mức đóng góp của tiêu dùng nội địa cho GDP giảm từ 4,3% xuống còn 2,5%. Chính phủ Trung Quốc quyết định hạn chế giúp đỡ các công ty quốc doanh làm ăn không hiệu quả và thắt chặt tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
Tờ báo kết luận, nếu động cơ chính của nền kinh tế Trung Quốc vẫn tập trung ở đầu tư, thì sự bất cân bằng sẽ trầm trọng hơn.
Báo Libération cũng đồng quan điểm cho rằng tiêu dùng nội địa khó mang lại kết quả như mong muốn cho tăng trưởng GDP của Trung Quốc.
Phóng viên của tờ báo tại Bắc Kinh phân tích nguyên nhân của sự suy giảm này, cũng như những chính sách mà chính phủ Trung Quốc có thể đưa ra.
Tờ báo dẫn lại công bố của thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng ưu tiên hàng đầu hiện nay là : « kích thích tăng trưởng, chống tham nhũng và đảm bảo rằng tỉ lệ thất nghiệp không vượt quá một ngưỡng nào đó".
Cuối cùng, tờ báo kết luận một cách dí dỏm, trong trường hợp khẩn cấp, Trung Quốc còn thừa quỹ để khởi động một chương trình kích thích kinh tế mới.
Trung Quốc tạm giam các cán bộ cao cấp của công ty dược GSK
Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm tới Trung Quốc ở khía cạnh tham ô và hối lộ trong lĩnh vực dược phẩm sau vụ xì căng đan công ty dược GSK bị phanh phui. « Trung Quốc tạm giam các cán bộ cao cấp của công ty dược GSK », phóng viên của báo tại Bắc Kinh thông tin chi tiết vụ việc.
Bốn cán bộ cao cấp của tập đoàn dược GSK (GlaxoSmithKline) của Anh bị tạm giam do tình nghi tham ô và hối lộ.
Hai mươi người bị thẩm vấn, trong đó có một số công chức Trung Quốc. Nhà sản xuất này lọt vào tầm ngắm của các nhà điều tra, vì bị nghi ngờ có thỏa thuận về giá dược phẩm và tham ô trong mạng lưới bán Botox trị liệu.
Bắc Kinh có trong tay các bằng chứng về việc tập đoàn này hối lộ các bác sĩ và công chức, đồng thời duy trì một hệ thống tham ô thông qua mạng lưới 700 văn phòng du lịch. Từ năm 2007, công ty này bị nghi ngờ đã đưa 375 triệu euro cho các văn phòng trên.
Sau vụ việc này, các phương tiện truyền thông Trung Quốc và các nhà quan sát cho rằng cần phải xem xét lại hệ thống y tế, nơi mà tiền mặt bị lạm dụng một cách thái quá : bác sĩ và bệnh viện tham ô, giá dược phẩm cao ngất ngưởng. Trong khi đó, các nhà sản xuất dược phẩm cho rằng Bắc Kinh muốn gây áp lực với các công ty nước ngoài đủ mọi loại hình kinh doanh. Đối với vấn đề sức khỏe, mục tiêu là giảm giá thuốc men, vì người dân thường xuyên không hài lòng với lợi nhuận khổng lồ của các nhà sản xuất dược phẩm.
Thành phố Giang Môn phản đối điện hạt nhân
Vẫn liên quan tới tình hình Trung Quốc, nhật báo Le Monde thông tin dưới tựa đề : « Tại Trung Quốc, đường phố chặn đứng dự án nhà máy điện hạt nhân », nhằm ám chỉ cuộc biểu tình của người dân thành phố Giang Môn, tỉnh Quảng Đông, chống dự án nhà máy làm giàu uranium.
Chỉ mất một ngày, tiếng nói phản đối của người dân đã được chính phủ chấp nhận. Dự án khu công nghiệp Hạc Sơn Longwan trải dài trên 229 ha cho phép biến 1000 tấn uranium thành nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân trong khu vực ngay từ năm 2020. Tổng số vốn đầu tư dự tính lên tới 37 tỉ nhân dân tệ (khoảng 4,6 tỉ euro).
Bản thân người dân địa phương cũng ngạc nhiên vì tuyên bố hủy bỏ nhanh chóng của chính phủ.
Theo phóng viên, quyết định này không phải là sự ngẫu nhiên. Vì, sự tăng trưởng của Trung Quốc đạt được kết quả quan trọng phần lớn là nhờ khu vực châu thổ Châu Giang, cửa ngõ với Hồng Kông và Ma Cao. Người dân ở đây khá giả hơn và cơ quan địa phương cũng cởi mở hơn.
Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) cho rằng : « Vùng Quảng Đông tiến trước một bước trên tiến trình hòa giải một cách văn minh hơn giữa người dân và chính quyền, sẵn sàng nhượng bộ để đổi lại ổn định xã hội. »
« Trồng cần sa kinh doanh » đe dọa hệ sinh thái California
Quay sang Hoa Kỳ, báo Le Monde đăng một bài phóng sự độc đáo liên quan tới việc trồng và kinh doanh cần sa tại California. Sự bùng nổ của ngành này làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái tại đây. « Hệ sinh thái California bị đe dọa bởi sự bùng nổ « trồng cần sa kinh doanh » », phóng viên của báo phản ánh rõ hơn thực trạng này.
Việc phát triển ngành trồng cần sa tại đây gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái. Một số loài cá bị chết do nguồn nước cạn không đúng mùa, hậu quả của việc tăng cường tưới các cánh đồng và nhà kính trồng cần sa.
Tại lưu vực suối Salmon Creek đổ ra sông Eel, chỉ trong phạm vi 100 km2 đã có gần 500 trang trại trồng cần sa và dùng nguồn nước từ suối này để tưới. Lượng nước tiêu thụ hàng ngày ước tính khoảng 500 000 lít và mỗi gốc cây cần từ 5 đến 25 lít.
Không thể kiểm soát được tình trạng trồng loại cây thuốc phiện này ở đây. Người trồng cần sa từ khắp nơi trên thế giới đổ xô về đây tìm kiếm cơ hội và hoạt động trái phép. Bang California sản xuất khoảng một phần ba lượng marijuana (một loại cần sa) tại Mỹ, với trị giá khoảng 14 tỉ đô la, vượt qua cả tổng giá trị các ngành nông nghiệp trồng nho, ngô hay chăn nuôi.
Bùng nổ trồng cần sa cũng kéo theo nạn phá rừng. Đường xá và hệ thống kè đập được xây dựng trái phép. Nguồn nước và nước ngầm thì bị ô nhiễm nghiêm trọng do tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu ngoài tầm kiểm soát, như thuốc diệt chuột và thậm chí một số thuốc trừ sâu bị cấm tại Mỹ.
Được biết, luật pháp trừng phạt 5 năm tù đối với những người trồng khoảng 100 gốc cần sa và 10 năm đối với 1000 gốc.
Một số người trồng cây này đang vận động hành lang để những nhà lập pháp thành phố Sacramento (bang California) hợp pháp hóa vấn đề trồng và phân phối cần sa dùng trong y tế. Một cảnh sát trưởng tại đây phẫn nộ trước tình trạng tội phạm gia tăng song song với sự bùng nổ marijuana. Ông tỏ ra đồng tình với ý kiến trên và cho rằng : « Nếu không có quy định nào, tình hình sẽ không được cải thiện. Cần phải bỏ hình sự hóa hoặc hợp pháp hóa trên quy mô quốc gia và coi chất marijuana như thuốc lá. »
Mai Lan, mầm nhạc pop tại liên hoan La Rochelle
Nhân dịp liên hoan nhạc Francofolies diễn ra hàng năm tại La Rochelle, trang văn hóa của báo Libération quan tâm tới tài năng nhạc pop mới gốc Việt, ca sĩ Mai Lan. Nữ ca sĩ trẻ sẽ có một buổi biểu diễn tối nay tại nhà hát Verdiere.
Tháng 9 năm 2012, Mai Lan ra album đầu tay « Les Huîtres » (tạm dịch là Những con hàu) với người bạn lâu năm Max Labarthe. Cô thích sự kì dị, điều vô lý và cả bóng tối. Có lẽ vì thế, nữ ca sĩ trẻ không ngại hóa mình vào những nhân vật khác nhau để thổi hồn vào các nhạc phẩm của mình (hầu hết bằng tiếng Anh).
Tờ báo đánh giá Mai Lan có một tương lai rộng mở ra trước mắt cô. Còn về phần mình, nữ ca sĩ hiểu rằng khó có thể tìm ra ngay phong cách riêng. Vì thế, cô muốn thử hết các dòng nhạc, như cô đang thử sức với dòng nhạc electro hiện nay. Dù vậy, ưu tiên hàng đầu của Mai Lan vẫn là chuẩn bị ra mắt album thứ hai mà cô thích phải « đanh thép hơn ».
Related news items:
Tin mới
- Cơm trường có thuốc trừ sâu: 25 học sinh Ấn chết vì ngộ độc - 18/07/2013 16:50
- Ấn Độ triển khai 50 000 quân đến biên giới Trung Quốc - 18/07/2013 16:42
- Các nhà sản xuất rượu vang California nhắm vào Trung Quốc - 18/07/2013 03:37
- Giáo Hoàng Francis không dùng ‘popemobile’ ở Brazil - 17/07/2013 21:17
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-07-2013 - 17/07/2013 20:34
- Matxcơva không muốn vụ Snowden làm tổn hại quan hệ Mỹ-Nga - 17/07/2013 18:14
- Đàm phán về việc mở rộng lãnh thổ Philippines đón quân đội Mỹ - 17/07/2013 15:55
- Tòa án Luật Biển đã họp bàn về vụ kiện đường lưỡi bò Trung Quốc - 17/07/2013 15:25
- Nội các lâm thời Ai Cập tuyên thệ nhậm chức - 16/07/2013 22:20
- Hy Lạp : Tổng đình công phản đối cải cách cắt giảm công chức - 16/07/2013 21:29
Các tin khác
- Con rể TT Nguyễn Tấn Dũng sẽ mở nhà hàng McDonald's ở Việt Nam - 16/07/2013 15:38
- Việt Nam lần đầu có nữ tướng công an - 15/07/2013 21:19
- Úc lo ngại làn sóng thuyền nhân VN - 15/07/2013 21:12
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-07-2013 - 15/07/2013 21:03
- Chiến tranh tin học, mục tiêu mới của giới quân đội - 15/07/2013 20:47
- Bộ Quốc phòng Hàn Quốc vô hiệu hóa điện thoại thông minh của nhân viên - 15/07/2013 19:55
- Đài Loan tập trận ảo đề phòng Trung Quốc tấn công - 15/07/2013 19:25
- Phát triển quan hệ Mỹ-Việt : Thời cơ đang thuận lợi - 15/07/2013 19:02
- Nhật Bản có thể quốc hữu hóa các đảo chưa có chủ - 15/07/2013 18:51
- Campuchia: Hàng vạn người chuẩn bị đón ông Sam Rainsy trở về - 14/07/2013 23:21