Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-06-2013

 Pin mặt trời đấu rượu vang

CHINA-EU-SOLAR



Một nhà sản xuất rượu nho Côtes de Bourg của Pháp tại Bắc Kinh 05/06/2013 (REUTERS)


Kinh tế, đề tài chính trên các trang báo Paris hôm nay. Trong đó, cuộc chiến thương mại giữa châu Âu với Trung Quốc là chủ đề nóng bỏng nhất.

Le Monde chạy tựa « Chiến tranh EU – Trung Quốc, pin năng lượng mặt trời chống rượu vang ».

Trang nhất phụ san kinh tế Le Figaro đưa tít « Trừng phạt Trung Quốc : Paris và Berlin xâu xé lẫn nhau ».

Còn trên trang 6 mục Quốc tế của Les Echos cũng có bài nhận định đề tựa « Bắc Kinh nhắm vào Pháp khi tấn công rượu châu Âu ».

Về phần mình, nhật báo công giáo La Croix lại chạy tít lớn trên trang nhất ủng hộ Bruxelles « Đối mặt với Trung Quốc, châu Âu cao giọng ».

Theo thuật lại của các báo, hôm thứ ba 04/06 vừa qua, châu Âu tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu lên mặt hàng pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc kể từ ngày hôm nay 06/06/2013, với mức thuế tạm thời là 11,8%. Và trong thời hạn hai tháng, nếu như đàm phán với Bắc Kinh không đạt được kết quả, mức thuế này sẽ tăng lên đến 47,6%.

Vài giờ sau đó, Trung Quốc cũng đã có hành động đáp trả lại. Bắc Kinh thông báo mở điều tra « chống phá giá và chống trợ giá » lên mặt hàng rượu của châu Âu xuất sang nước này.

Đồng thời Bắc Kinh chỉ trích mạnh mẽ biện pháp do Bruxelles công bố, cho đấy là một « thứ thuế bất công ».

Tân Hoa xã cũng hùa theo cho rằng châu Âu « thay vì tìm kiếm một giải pháp đôi bên cùng có lợi nhằm giải quyết vấn đề nội bộ của mình, lại đùn đẩy trách nhiệm ra bên ngoài ».

Như vậy, đối với báo Le Monde, cuộc chiến giữa châu Âu và Trung Quốc đã chính thức khơi mào khi đưa tít lớn trên trang nhất của phụ san kinh tế « Pin năng lượng mặt trời : châu Âu tấn công, Trung Quốc trả đũa ».

Tờ báo cho biết, các biện pháp trừng phạt có thể sẽ được kéo dài thêm 5 năm nữa trong trường hợp rào cản thương mại giữa đôi bên vẫn tiếp tục.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, Ủy ban châu Âu phải đạt được sự đồng thuận của đại đa số các nước thành viên trong Hội đồng.

Le Monde đánh giá rằng đây quả là một cuộc chơi khó có thể thắng được: hiện nay đã có 15 trên tổng số 27 nước, đứng đầu là Đức, kịch liệt phản đối các biện pháp trừng phạt trên.

Theo điều tra của Bruxelles, các tấm pin mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc bán tại thị trường châu Âu rẻ hơn đến gần 90% so với giá trị thực.

Châu Âu cho rằng Bắc Kinh đã trợ giá cho các nhà sản xuất trong nước, gây thiệt hại cho nền công nghiệp châu Âu, khiến 60 nhà máy phải đóng cửa và hơn 25000 nhân công mất việc làm.

Về phía Trung Quốc, trước mắt các nhà sản xuất trong nước vẫn còn cảm thấy nhẹ nhõm trước mức thuế áp tạm thời ban đầu.

Tổng thư ký Hiệp hội công nghiệp năng lượng tái tạo nhận thấy là mức thuế do Bruxelles đề ra thấp hơn so với dự kiến ban đầu . Đối với ông, đây là « một tín hiệu tốt ». Ông còn cho rằng đã đến lúc « cả hai bên phải ngồi lại thương lượng ».

Trừng phạt Trung Quốc : Pháp - Đức xâu xé lẫn nhau

Khi mở điều tra chống phá giá mặt hàng rượu vang của toàn châu Âu xuất sang Trung Quốc, Bắc Kinh đã khôn khéo chọn lựa mục tiêu tấn công, đó chính là Paris, chứ không phải Berlin. Đó cũng chính là nhận định chung của hai tờ báo Le Figaro và Les Echos.

Le Figaro cho rằng Bắc Kinh chọn các ruộng nho của Pháp để đánh chứ không phải là các xưởng sản xuất Airbus, là vì Pháp đã công khai ủng hộ đề xuất trừng phạt của Liên hiệp châu Âu, trong khi đó Đức lại phản đối.

Ngay khi Trung Quốc tuyên bố mở điều tra « chống phá giá và chống hỗ trợ » mặt hàng rượu, tổng thống Hollande đề nghị cuộc họp khẩn cấp 27 nước thành viên.

Cú phản công của Bắc Kinh cho thấy rõ là rượu của châu Âu nói chung và của Pháp nói riêng đã biến Pháp cũng như các nước có liên quan thành « nạn nhân đền tội » cho chính hành động tấn công mạnh bạo do châu Âu tung ra.

Theo cả hai tờ báo, trong cú phản công này, Pháp là quốc gia bị thiệt hại nhiều nhất. Bởi vì, với 140 triệu lít rượu vang, Pháp là nhà xuất khẩu rượu châu Âu hàng đầu sang Trung Quốc.

Nhất là, mặt hàng rượu vang đỏ Bordeaux chiếm đến 20% thị phần tại quốc gia đông dân nhất hành tinh này.

Chỉ riêng rượu vang Pháp đã chiếm đến 83% kim ngạch xuất khẩu nông sản.

Qua việc đánh mạnh vào các mặt hàng rượu châu Âu, Trung Quốc muốn trả đũa tất cả nhưng quốc gia nào có thái độ thù nghịch chống lại quyền lợi của Bắc Kinh, trong đó có ba nước hàng đầu là Pháp, Ý và Tây Ban Nha.

Động thái này của Bắc Kinh đang gây lo ngại cho các nhà trồng nho của Pháp.

Hiện tại, Trung Quốc là trị trường lớn thứ ba cho các nhà xuất khẩu rượu của quốc gia này. Họ lấy làm tiếc là tranh chấp thương mại xảy ra không đúng thời điểm do tăng trưởng kinh tế trong nước quá èo uột.

Trung Quốc bảo hộ ngành sản xuất rượu trong nước ?

Mặt khác, Les Echos còn cho rằng hành động trả đũa của Bắc Kinh lên mặt hàng rượu châu Âu có lẽ còn nhằm bảo hộ cho ngành sản xuất rượu trong nước. Hiện Trung Quốc là quốc gia đứng hàng thứ năm trên thế giới với các thương hiệu nổi tiếng như Dynasty hay Great Wall.

Bên cạnh lý do thương mại, tờ báo còn đưa ra lý do an toàn sức khỏe. Chính phủ Bắc Kinh khuyến khích tiêu thụ rượu vang hơn là các loại rượu cồn mạnh.

Theo các chuyên gia kinh tế, « qua việc sản xuất rượu, Trung Quốc cũng tạo ra một thị trường tiêu thụ ».

Theo ước tính, thị trường này dao động trong khoảng từ 100 đến 150 triệu người tiêu thụ. Và con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên giống như Hoa Kỳ cách đây 30 năm.

Các chuyên gia này cho rằng, đây có thể là một trong những nguyên do của đòn phản công.

Chính quyền trong nước nhận thức được rằng mức tăng trưởng của thị trường tiêu thụ loại mặt hàng này ngày càng tăng. « Nhưng nó lại mang nhiều lợi nhuận cho hàng rượu nhập khẩu hơn là rượu sản xuất trong nước. Do đó, lẽ hiển nhiên là Bắc Kinh đã chọn rượu để phản công ».

Châu Âu tìm cách tái cân bằng trao đổi mậu dịch với Trung Quốc

Tuy nhiên, đối với nhật báo Công giáo La Croix, việc công bố các biện pháp trừng phạt thương mại chống Trung Quốc còn cho thấy « châu Âu đang tìm cách tái cân bằng trao đổi mậu dịch với Trung Quốc ».

Theo tờ báo, đã đến lúc chấm dứt kiểu tự do mậu dịch « ngây thơ ». Trong hoạt động giao dịch giữa đôi bên, phần thiệt bao giờ cũng nghiêng về phía châu Âu. Khu vực nhập khẩu nhiều hơn là xuất khẩu.

Khi công bố các biện pháp trừng phạt, Bruxelles kêu gọi « một chính sách công nghiệp mới » trong khu vực. Bởi vì, chỉ trong khoảng thời gian 15 năm, sản xuất công nghiệp so với tổng sản phẩm nội địa châu Âu giảm đến gần 5% (từ 20% xuống còn 15,2%).

Khủng hoảng xảy ra đã làm cho hơn 3 triệu người mất việc, chủ yếu trong các ngành sản xuất.

Ủy viên châu Âu Michel Banier nhận định rằng « khả năng cải tiến kỹ thuật tại châu Âu đang suy giảm ».

Nhận định về phản ứng của Trung Quốc, nhật báo trích dẫn nhận định của giáo sư François Godement, thuộc trường đại học Sciences-Po Paris, cho rằng Bắc Kinh đã có hành động « thô bạo » khi liên kết quyền lợi kinh tế với đối ngoại. Một hành động vốn đang bị các nước châu Á lên án trong các vụ tranh chấp lãnh thổ.

Thế nhưng, Trung Quốc và châu Âu đều có chung quyền lợi. Do đó, tờ báo cho rằng Bắc Kinh nên dàn xếp với khách hàng lớn của mình. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, tăng trưởng kinh tế của quốc gia đông dân nhất này chưa đạt đến 8%. Trong khi mà cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các nước mới trỗi dậy tại châu Á, nơi có nguồn nhân công rẻ và ít đòi hỏi hơn so với Trung Quốc.

Về phần mình, các doanh nghiệp lớn châu Âu cũng muốn thâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Nhưng đây lại là một việc không dễ dàng do các quy định thường xuyên thay đổi tùy theo từng quyền lợi.

Pháp tái khẳng định vị trí của mình tại châu Á

Chuyến đi thăm Nhật Bản cấp nhà nước của tổng thống Pháp François Hollande cũng là chủ đề thời sự nổi bật hôm nay. Theo hai tờ báo Le Figaro và Les Echos, ông Hollande đến Tokyo nhằm tìm cách thúc đẩy kinh tế và tái khẳng định vị trí của Pháp tại châu Á.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, Paris liên tiếp có những chuyến đi thăm hay gặp gỡ các nhà lãnh đạo châu Á.

Les Echos cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế châu Âu suy kiệt, Pháp dường như nhận thức được rằng cần phải tái khẳng định lại vị thế của mình tại khu vực đông dân nhất hành tinh này.

Chính tại nơi đây cũng đã và đang diễn ra cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm tranh giành ảnh hưởng lên khu vực.

Nhìn trong tương lai xa, tỷ trọng thương mại tại châu Á sẽ chiếm đến 52% tổng sản phẩm nội địa của cả thế giới.

Cũng trong viễn cảnh đó, mức thu nhập bình quân của người dân trong khu vực cũng sẽ tăng lên gấp sáu lần, theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Thế nhưng, sự chuyển trục này của Pháp chỉ mới là một sự khởi đầu, và còn lắm mơ hồ. Hiện tại, Paris tạm hài lòng về chính sách ngoại giao trên phương diện thương mại hơn là chiến lược.

Dù vậy, trong chuyến đi thăm Nhật Bản lần này, tổng thống Pháp sẽ phải ra sức trấn an chính quyền Tokyo.

Việc Paris gần đây bán cho đội tuần duyên Trung Quốc các tấm lưới giúp trực thăng hạ cánh trên các chiến hạm đang gây lo ngại cho chính quyền của ông Shinzo Abe.

Mặc dù phía Pháp khẳng định rằng đó không phải là những thiết bị quân sự, nhưng Tokyo vẫn cho rằng chúng có thể giúp tăng cường sức mạnh cho hải quân Trung Quốc, trong khi giữa hai quốc gia này đang tranh chấp quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư.

Ngoài ra, theo dự tính, nhân chuyến viếng thăm này, Nhật Bản và Pháp sẽ ký kết một thỏa thuận khung về việc bán các thiết bị dân sự có thể sử dụng cho mục tiêu quân sự. Lãnh đạo hai quốc gia cũng sẽ đề cập đến việc phát triển chung các loại trang thiết bị phòng thủ.

Chỉ số tiêu thụ cá ngừ tăng, tăng trưởng Nhật Bản cũng tăng ?

Trong bầu không khí cuộc gặp gỡ cấp nhà nước giữa Nhật Bản và Pháp, báo Le Figaro có bài phóng sự cho hay là « Nhật Bản đang thoát khỏi trì trệ ».

Theo lý thuyết của một nhà kinh tế nổi tiếng, để đo lường sức khỏe kinh tế Nhật Bản thì chỉ cần theo dõi chỉ số « Cá ngừ - Cá nục ».

Nếu sức tiêu thụ cá ngừ tốt, kinh tế đất nước đang mạnh. Vì sao ?

Bởi một lẽ rất đơn giản, :giá cá nục rẻ hơn rất nhiều giá cá ngừ, nhất là loại cá ngừ « maguro », một đặc sản nổi tiếng không thể thiếu cho món sushi.

Hễ sức mua cá ngừ càng nhiều, thì các tín hiệu đều có màu xanh. Từ hai tháng nay, chỉ số này tăng đều đều.

Như vậy, trong năm 2013, niềm tin dần khôi phục lại, và cá ngừ lại lên ngôi.

Quả đúng như vậy, sự lạc quan có vẻ như đang quay trở lại. Một loạt các biến cố xảy ra trong mấy năm gần đây, như nỗi ám ảnh dân số già, cái bóng ngày càng lớn của Trung Quốc, cho đến các thảm họa sóng thần và hạt nhân đã làm cho tin thần người dân Nhật xuống thê thảm.

Thế nhưng, kể từ khi quay lại cầm quyền vào cuối năm 2012, với các chính sách kinh tế được mệnh danh là « Abenomics », thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang dần đưa đất nước thoát khỏi cảnh trì trệ, ít nhất trong những khoảng thời gian đầu.

Tăng trưởng kinh tế nhảy vọt lên theo nhịp độ 3,5%/ năm. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OCDE) đã không đưa Nhật Bản vào danh sách các nền kinh tế lớn được dự đoán sẽ tiếp tục trì trệ.

Sự tăng trưởng ngoạn mục của Nhật Bản khiến nhiều nước châu Âu, trong đó có Pháp, không khỏi thán phục.

Le Figaro tin chắc rằng trong chuyến đi công du Tokyo lần này, tổng thống Pháp cũng sẽ phải quan tâm đến hồ sơ này.

Cuối cùng, Le Figaro trích dẫn nhận xét của chủ tịch tập đoàn sản xuất xe ô tô Pháp Renault « Cứ như là Nhật Bản được đặt lại vào trung tâm thế giới.

Nhưng có rất nhiều người đã quên rằng Nhật Bản vẫn là nền kinh tế thứ ba của thế giới ».

Switch mode views: