Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Người dân Miến Điện tìm tự do trên mạng Internet


Internet Miendien

http://www.bi-plan.ru


Sau nửa thế kỷ sống dưới chế độ độc tài quân sự, cắt đứt hoàn toàn liên lạc với thế giới bên ngoài, nay người Miến Điện bắt đầu hưởng không khí tự do ít ra là trên mạng Internet.

Nhân « Diễn đàn về tự do trên Internet » được tổ chức tại Miến Điện ngày 01/06/2013, hãng tin AFP hôm nay có bài tường thuật về mạng Internet ở nước này.

Từ thành phố nhỏ miền núi Tedim của anh, sinh viên Kam Khan Cin đã phải mất bốn ngày mới đến được Răngun, nhưng anh đã quyết tâm dự cho bằng được Diễn đàn về tự do trên Internet, một sự kiện đang dấy lên nhiều hy vọng cho một quốc gia đang trên đường cải tổ dân chủ.

Đa số người dân ở thành phố Tedim không có điện thoại di động, nhưng ở đây có ba tiệm cà phê Internet.

 Mỗi khi rảnh rỗi, Kam Khan Cin đều vào đây để « lên mạng », cho dù thường khi phải mất 15 phút mới mở được một trang.
Anh nói : « Tôi muốn thấy những gì diễn ra ở những nơi khác nhờ Internet. Tôi cảm thấy như mình được kết nối với thế giới bên ngoài ».

Trước đây, chỉ mới có khoảng 1% dân số Miến Điện được nối mạng, nhưng những người may mắn này cũng thường xuyên khổ sở vì tình trạng cúp điện liên tục và tốc độ đường truyền chậm kinh khủng.

Nhưng từ khi tập đoàn quân phiệt giải thể, chính phủ dân sự lên thay thế đã tiến hành nhiều cải cách ngoạn mục.

 Tại Diễn đàn về tự do trên Internet hôm qua, Thứ trưởng Bộ Công nghệ Thông tin Miến Điện Thaung Tin khẳng định :
 « Thể chế đã thay đổi. Thay vì ra lệnh, nay chính phủ lắng nghe ý kiến của nhân dân. Chúng tôi muốn biết là mình có thể làm những gì để tạo sự tự do trên Internet mà người dân đòi hỏi ».

Vị Thứ trưởng này cũng nêu lên khả năng thiết lập một hệ thống Internet vừa nhanh, vừa rẻ trên toàn quốc cho người dân Miến Điện.
Ông mơ tưởng đến một đất nước Miến Điện mà trẻ em vùng nông thôn có thể dùng máy tính bảng (tablet) để làm bài tập mà không sợ bị cúp điện liên tục.

Dưới thời chế độ độc tài quân sự, cứ vào những thời điểm nhạy cảm, có tính biểu tượng, như kỷ niệm cuộc nổi dậy của nhân dân Miến Điện năm 1988, vận tốc đường truyền lại chậm hẳn.

Chính quyền thời ấy ngăn chận nhiều trang mạng như trang của đài BBC và trừng trị nghiêm ngặt các nhà bất đồng chính kiến sử dụng mạng.

Nhưng người dân Miến Điện đã biết khai thác thế mạnh của Internet, dùng mạng thông tin toàn cầu này để phát tán những hình ảnh vụ đàn áp phong trào biểu tình do các tăng ni khởi xướng năm 2007.

Là tổ chức bảo trợ cho Diễn đàn về tự do trên Internet, Freedom House mới năm ngoái còn xếp Miến Điện trong danh sách các quốc gia « không tự do ».

Nhưng trong hai năm qua, chế độ kiểm duyệt đã được bãi bỏ, các trang mạng ngoại quốc không còn bị ngăn chận nữa và hàng trăm tù chính trị đã được phóng thích, mặc dù một số đạo luật mang tính trấn áp vẫn còn đó.

Là người khởi xướng Diễn đàn, blogger Nay Phone Latt nói rằng :
 « Tự do không chỉ có nghĩa là tự do truy cập các trang mạng nước ngoài. Tốc độ và dung lượng đường truyền cũng phải tương ứng với các tiêu chuẩn quốc tế ».

Các tập đoàn Google, Yahoo và Microsoft đã mở thương lượng với chính quyền Miến Điện, thế nhưng hiện còn rất nhiều trở ngại, nhất là do vấn đề bản quyền phần mềm.

 Dầu sao, trong chuyến đi thăm Miến Điện tháng Ba vừa qua, chủ tập đoàn Google Eric Schmidt đã dự báo rằng nhờ Internet mà Miến Điện sẽ không thể nào quay trở lại như trước.


Switch mode views: