Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mỹ thử hỏa tiễn tầm trung mới, Nga, Trung Quốc phản đối

 San Nicolas.jpg



Mỹ thử tên lửa tầm trung ngày 18/08/2019 tại đảo San Nicolas (California).
@Scott Howe/Defense.gov

 

Lầu Năm Góc hôm 19/08/2019 loan báo đã thử nghiệm thành công một hỏa tiễn hành trình có tầm bắn trên 500 km, chưa đầy một tháng sau khi Hoa Kỳ chính thức rút khỏi Hiệp ước vũ khí nguyên tử tầm trung (INF).

Hôm nay, 20/08/2019, Nga và Trung Quốc chỉ trích Mỹ « leo thang quân sự ».

Hỏa tiễn được bắn đi từ đảo San Nicolas ngoài khơi California vào lúc 21 giờ 30 GMT, là một « phiên bản của hỏa tiễn hành trình địa-địa Tomahawk », và « đã đến đúng mục tiêu ».

 Thông cáo của bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết, các dữ liệu thu thập được và những bài học rút ra từ vụ bắn thử này rất cần thiết cho việc phát triển các loại vũ khí tầm trung mới.

Hiệp ước INF, cấm thử nghiệm và sử dụng các loại hỏa tiễn tầm trung (từ 500 km đến 5.500 km), như vậy đã thực sự bị khai tử, sau khi Hoa Kỳ rút lui hôm 02/08 và tiếp theo là Nga.

Washington tố cáo Matxcơva vi phạm hiệp ước, vì hỏa tiễn 9M729 của Nga có tầm bắn lên đến 1.500 km, nhưng theo phía Nga thì chỉ có 480 km.
Nga cũng chỉ trích việc Mỹ triển khai hệ thống chống hỏa tiễn Aegis Ashore tại Ba Lan và Rumani.

Thứ trưởng ngoại giao Nga Serguei Riabkov hôm nay 20/8 tuyên bố vụ bắn thử của Mỹ là « leo thang căng thẳng quân sự », và khẳng định « Matxcơva không nhường bước trước những khiêu khích ».

Theo ông Riabkov, « thời hạn hết sức ngắn » từ lúc rút khỏi INF cho đến lúc thử nghiệm cho thấy Washington từ lâu đã chuẩn bị khai tử hiệp ước.
Trong khi đó, Trung Quốc cáo buộc một sự « leo thang đối đầu quân sự, sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực cho an ninh khu vực và quốc tế », cho rằng Washington « đơn phương tìm kiếm ưu thế về quân sự ».

Hiện nay giữa Nga và Mỹ chỉ còn một thỏa thuận hạt nhân song phương là hiệp ước START, duy trì kho vũ khí nguyên tử của đôi bên ở dưới mức thời kỳ chiến tranh lạnh, sẽ hết hạn vào năm 2021.

Hiệp ước INF do tổng thống Mỹ Ronald Reagan và tổng bí thư đảng Cộng Sản Liên Xô Mikhail Gorbatchev ký kết năm 1987, loại bỏ các hỏa tiễn SS20 của Nga và Pershing của Mỹ.

Việc rút khỏi INF giúp Hoa Kỳ rảnh tay đối phó với Trung Quốc, vốn không phải là thành viên của hiệp ước và đang sở hữu nhiều loại tên lửa trong đó có hỏa tiễn đạn đạo tầm trung DF-26 với tầm bắn tối đa 4.000 km, có thể đe dọa cả đảo Guam của Mỹ.


Switch mode views: