Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

NATO còn có ích gì hay không ?

nicaragua politics 3


Binh sĩ NATO tại Kabul, Afghanistan. Ảnh chụp năm 2014.
AFP PHOTO/Staff Sgt. Perry Aston/US Air Force

Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, khi được hỏi « Ngài mong đợi gì ở NATO ? », Mikhail Gorbatchev, cha đẻ của chính sách cải tổ – perestroika Liên Xô, đã trả lời : « Khối này biến đi ! ».

Đương nhiên, NATO không giải thể nhưng đang phải đối mặt với những thách thức mới.
Ngày 04/04/2019, Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương sẽ tròn 40 tuổi.
Nhân dịp này, báo Le Figaro, ngày 17/03/2019, có bài tổng kết và đưa ra các triển vọng của khối. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.

NATO đã thực hiện thành công các nhiệm vụ của mình ?

Điều này tùy thuộc vào từng thời kỳ.
Năm 1949, Tổ chức Hiệp định Bắc Đại Tây Dương (NATO) được thành lập để đối phó với mối đe dọa của Liên Xô.

Trong 40 năm, Liên Minh đã thực hiện chính sách phòng thủ tập thể đối với các thành viên, giữ gìn hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ châu Âu, nhờ có mối liên kết chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và châu Âu.

Phó tổng thư ký NATO, Camille Grand nhấn mạnh :
« NATO đã hoàn thành nhiệm vụ, đánh thắng chiến tranh lạnh ».
Sau đó là giai đoạn hậu chiến tranh lạnh, từ lúc bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 đến cuộc khủng hoảng Ukraina năm 2014.

Liên Minh được mở rộng. Kể từ khi kết nạp Monténégro, năm 2017, NATO có 29 thành viên và phát triển các quan hệ đối tác với các láng giềng (ở vùng Địa Trung Hải, vùng Vịnh và Nga) trong bối cảnh không gian châu Âu được hợp nhất lại.

Ưu tiên được đề ra trong giai đoạn thứ hai này là quản lý khủng hoảng : tại Bosnia, Kosovo, Afghanistan – nơi có hơn 130 000 quân lính được triển khai – và Libya.
Xét cho cùng, các chiến dịch này thu được kết quả vừa phải. Các thắng lợi quân sự của NATO, cho dù là thực sự, thường không mang lại hòa bình, như tại Afghanistan hay ở Libya.

Năm 2014, với cuộc khủng hoảng Ukraina, một giai đoạn mới khởi đầu với sự phục hồi các nguyên tắc nền tảng của chính sách phòng thủ tập thể đối mặt với một nước Nga ngày càng đáng lo ngại.
Các biện pháp trấn an được đưa ra cho khu vực Đông Âu, các cuộc tập trận trên quy mô lớn được tiến hành và NATO phát triển khả năng quân sự cũng như phản ứng.

Từ nay, thành công hay thất bại của NATO sẽ được đánh giá tùy theo khả năng đối phó với ba thách thức lớn sau đây.

Trước tiên là khả năng sáng tạo đổi mới mối quan hệ của NATO với nước Mỹ của Donald Trump.
Nguyên thủ Hoa Kỳ có lập trường không nhất quán về Liên Minh này.

Tiếp theo là tái lập quan hệ cân bằng với Nga, bằng cách thuyết phục răn đe nhưng không đi tới mức lại rơi vào tình trạng chiến tranh lạnh vì « điều này không có ích gì » cho NATO, theo như nhận định của một nguồn thạo tin trong NATO.
Cuối cùng, Liên Minh phải xác định được vị trí của mình trong một thế giới mà các mối đe dọa biến chuyển một cách nhanh chóng, ví dụ như trong lĩnh vực tin học.

Thời của các chiến dịch quy mô lớn trên bộ đã qua.
 Tại trụ sở của NATO ở Bruxelles, người ta nói :
« Câu hỏi hiện nay đặt ra cho các đồng minh là các vị muốn sử dụng NATO như thế nào ? »
Việc Pháp quay lại cơ cấu chỉ huy hợp nhất của NATO được đánh giá ra sao ?

Có thể nói là tích cực. Khi tái hội nhập cơ cấu chỉ huy Liên Minh, Paris đã nắm được hai ban chỉ huy quan trọng, một ở Norfolk, Hoa Kỳ và một ở Lisboa, Bồ Đào Nha.
Nước Pháp đã gạt bỏ được mối nghi ngờ thường trực của tất cả các tổng thống Mỹ về các ý đồ của Paris trong hồ sơ này.

 Quyết định này cũng tạo thuận lợi cho việc xích lại gần với Anh Quốc, vốn luôn nghi ngờ về chính sách quốc phòng châu Âu trong khi Pháp lại coi đó là một mục tiêu.
Nhờ có sự tái hội nhập này, do tổng thống Nicolas Sarkozy đạo diễn nhưng thực ra đó là kết quả của một tiến trình lâu dài, nước Pháp đã có thêm được ảnh hưởng và lòng tin ở bên trong Liên Minh.

 Từ đó, Pháp có tiếng nói tại Hội Đồng Liên Minh và được thừa nhận như là một đồng minh chủ chốt.

Việc tái hội nhập cơ cấu chỉ huy hợp nhất không ngăn cản Paris có những quyết định đơn phương, ví dụ như việc tổng thống François Hollande ngay đầu nhiệm kỳ của ông đã quyết định rút quân sớm ra khỏi Afghanistan.

Giả sử như việc nước Pháp chống lại cuộc chiến tranh Irak do Hoa Kỳ tiến hành năm 2003 lại tái diễn thì giờ đây Paris vẫn có thể làm như vậy.
Ấy vậy mà Pháp vẫn dễ dàng có được máy bay và trực thăng của các nước đồng minh Hoa Kỳ trong chiến dịch « Serval » ở Mali.

Việc tái hội nhập cơ cấu chỉ huy hợp nhất của Liên Minh cũng giúp bình thường hóa lập trường của Pháp ở trong NATO và điều này được thể hiện qua việc giảm sự tham gia của Paris vào các chiến dịch của khối này.

Một nhà ngoại giao thông thạo hồ sơ này giải thích : « Để có được sự thừa nhận của các đồng minh, Pháp không cần phải thường xuyên đưa ra các bảo đảm nữa.
Mối quan hệ với Hoa Kỳ và Anh Quốc không nhất thiết phải thông qua NATO nữa.
Đối với Pháp, việc liên hệ với NATO trở thành một trong những mối quan hệ ».

Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thể ở lại trong NATO không ?

Về mặt quân số, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đứng hàng thứ hai trong NATO, là quốc gia Hồi Giáo duy nhất trong khối này và đã gia nhập NATO từ năm 1952.

 Thổ Nhĩ Kỳ đã khẳng định ý định mua pháo phòng không Nga, bất chấp các cảnh báo của bộ Quốc Phòng Mỹ.
Tên lửa địa đối không S-400 của Nga không chỉ không tương thích với hệ thống của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương mà còn làm cho khối này e ngại thông tin bị rò rỉ cho phía Nga.

Kể từ khi xẩy ra cuộc đảo chính hụt chống lại Recep Tayyip Erdogan năm 2016, quan hệ giữa Ankara và các đồng minh trong NATO đã xấu đi rất nhiều.
Nhiều sĩ quan liên lạc của NATO trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị chính quyền thanh trừng và bỏ tù.

 Tâm lý bài phương Tây phát triển tại Thổ Nhĩ Kỳ, giới lãnh đạo nước này cho rằng NATO và Hoa Kỳ đồng lõa với cuộc nổi dậy không thành của một nhóm quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy vậy, việc cắt đứt quan hệ khó có thể sớm xẩy ra. Việc là thành viên NATO cho phép Thổ Nhĩ Kỳ duy trì được sự kết nối với lục địa châu Âu.
Liên Minh vẫn là một trụ cột trong chính sách quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Về phần mình, Hoa Kỳ sử dụng các căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp tục có vai trò trong khu vực.
Washington cũng cần Ankara để đương đầu với Iran, kẻ thù của Mỹ.
 Cuối cùng, châu Âu, thông qua các hỗ trợ tài chính, trông cậy vào việc Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò biên phòng để ngăn cản dòng người tị nạn Syria hiện sinh sống tại nước này.

Một quan chức gần gũi với NATO bình luận :
 « Thổ Nhĩ Kỳ của Erdogan gần giống như là nước Pháp dưới thời De Gaulle. Quan hệ giữa Ankara và NATO không dễ dàng, nhưng nước này vẫn là một đồng minh thực sự ».
 Đương nhiên, việc mua tên lửa S-400 có nguy cơ đặt Thổ Nhĩ Kỳ ra bên lề NATO, nhưng không đẩy nước này ra khỏi Liên Minh.

Ngoài ra, NATO không trừng phạt các sai lệch trong lĩnh vực dân chủ.
Trong quá khứ, khối này đã chấp nhận chế độ quân sự độc tài Hy Lạp và chế độ chuyên quyền Salazar ở Bồ Đào Nha.

Phải chăng hệ thống phòng thủ châu Âu cạnh tranh với NATO ?

Không. Những nước cho rằng NATO vẫn là bảo đảm chủ chốt cho an ninh của họ, luôn đề cao nguyên tắc « không trùng lặp » về phương tiện giữa Liên Hiệp Châu Âu và NATO – có 22 nước đồng thời là thành viên của cả hai khối này.

Sự chia rẽ, khác biệt vẫn tồn tại giữa các quốc gia, một bên là Na Uy, các nước Baltic, Ba Lan…ưu tiên quan hệ với NATO và cho rằng Liên Hiệp Châu Âu không thể một mình đương đầu với mối đe dọa Nga và bên kia là những quốc gia ủng hộ cho việc châu Âu cần khẳng định vị thế của mình.

Phe này nói đến những tuyên bố của Donald Trump, người thường xuyên đe dọa rút nước Mỹ ra khỏi NATO đồng thời kêu gọi châu Âu phải tự gánh vác bảo đảm nhiều hơn cho an ninh của mình.

Vấn đề nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (Brexit) cũng làm cho tình hình thay đổi, bởi vì Luân Đôn vẫn luôn luôn là một yếu tố ngăn cản phát triển một chính sách phòng thủ châu Âu.

Nhiều sáng kiến, mà Pháp ủng hộ, gần đây được đưa ra theo hướng này như dự án hợp tác chặt chẽ thường xuyên, quỹ phòng thủ châu Âu, sáng kiến can thiệp của châu Âu…

Thế nhưng, những yếu tố bất biến của châu Âu (như thiếu vắng tầm nhìn chính trị chung hoặc Đức ưa thích quyền lực mềm hơn…) đã cản trở sự xuất hiện hệ thống phòng thủ châu Âu.

 Vừa qua, tại diễn đàn « Những thách thức chiến lược to lớn » của đại học Sorbonne, với chủ đề năm nay là châu Âu, ông Louis Gautier, cựu lãnh đạo ban tổng thư ký Quốc Phòng và An Ninh Quốc Gia đã nêu câu hỏi :
« Tại sao những gì có thể làm được trong NATO thì lại không khả thi trong Liên Hiệp Châu Âu ? »

Ông Jean-Pierre Maulny, phó giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS) đáp :
« NATO hoạt động được vì khối này tự tạo ra kẻ thù. NATO không nhất thiết chú ý đến yếu tố cộng tác tự nguyện, chủ động, có mục đích và bình đẳng.
Ngược lại, Liên Hiệp Châu Âu đã không tự tạo ra kẻ thù, thậm chí là hoàn toàn ngược lại ».

Liệu NATO có thể biến mất ?

Kể từ khi Donald Trump vào Nhà Trắng, NATO trở thành một tổ chức bấp bênh.

Các nhiệm vụ và mức độ khả tín của khối này đã bị suy yếu do chính sách của tổng thống Mỹ.
Lúc đầu, nguyên thủ Hoa Kỳ cho rằng Liên Minh đã « lạc hậu », rồi sau lại thay đổi ý kiến.
Sự hùng hổ trong chính sách của Mỹ đối với châu Âu đã làm cho một số người lo ngại là việc Washington rút ra khỏi NATO sẽ làm cho khối này tan biến.

Thế nhưng, NATO rất vững chắc. Nhiều ban chỉ huy và chiến dịch mới được thành lập và việc tái đầu tư của Mỹ vào châu Âu lại tăng lên - chứ không hề giảm đi - trong những năm gần đây.

Nhìn từ bên trong, NATO không hề là một tổ chức đang hấp hối.
Tuy vậy, điều này không ngăn cản có những câu hỏi về sự tồn tại của mối quan hệ với Hoa Kỳ trong NATO.
Phải chăng Donald Trump là biểu tượng cực đoan cho sự thờ ơ của Mỹ đối với an ninh của châu Âu và do vậy, với cả NATO ?

Hay đây chỉ là một « ngoại lệ tạm thời » cần kiên nhẫn chờ đợi, khi biết rằng hệ thống chính trị Mỹ, người dân và Quốc Hội Hoa Kỳ vẫn rất ủng hộ và gắn bó với NATO.
Rất có thể là vấn đề chia sẻ gánh nặng và những đòi hỏi của Mỹ đối với các đồng minh châu Âu cần chi nhiều hơn cho quốc phòng sẽ tiếp tục tồn tại sau thời Donald Trump.

 Nhưng đối với các vấn đề khác, khi phải đối mặt với việc Nga và Trung Quốc ngày càng khẳng định vai trò chiến lược của mình một cách hung hăng, thì Hoa Kỳ và châu Âu lại là những đồng minh tự nhiên.

Cuối cùng, có một câu hỏi : liệu châu Âu có một giải pháp thay thế cho NATO ?.
Cho đến lúc này, câu trả lời của Liên Hiệp Châu Âu rõ ràng là không.

Một nhà ngoại giao cao cấp khẳng định : Đó chỉ là một cuộc tranh luận hão huyền, bởi vì « không có kế hoạch B thay thế ».

Switch mode views: