Mỹ và Bắc Triều Tiên đều xem thượng đỉnh Hà Nội là thành công
- Thứ Hai, 04 tháng Ba năm 2019 16:59
- Tác Giả: Thanh Phương
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (T) và tổng thống Mỹ Donald Trump (P) trong cuộc họp song phương tại thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên lần thứ hai, Hà Nội, ngày 28/02/2019.
REUTERS/Leah Millis
Cuộc họp thượng đỉnh tại Hà Nội ( 27-28/02/2019 ) đã kết thúc sớm hơn dự kiến và không đưa ra một tuyên bố chung nào, nhưng Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên không xem đó là một thất bại.
Cả Washington và Bình Nhưỡng đều mô tả cuộc gặp thứ hai giữa tổng thống Donald Trump với chủ tịch Bắc Triều Tiên là một thành công.
Giới phân tích cho rằng khẳng định này chủ yếu là nhằm mục đích đối nội của mỗi nước.
Ngày 03/03, cố vấn an ninh của tổng thống Mỹ, ông John Bolton, đã xem thượng đỉnh Hà Nội là một « thành công », bởi vì theo ông, tổng thống Trump đã « bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích của Hoa Kỳ ».
Vẫn theo ông Bolton, trong cuộc họp thượng đỉnh vừa qua với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, tổng thống Mỹ đã làm theo đúng quan điểm của ông, đó là thà không có thỏa thuận hơn là ký một thỏa thuận tồi với Bắc Triều Tiên.
Mặt khác, tuy không đạt thỏa thuận, nhưng ông Donald Trump đã nhân thượng đỉnh Hà Nội thắt chặt thêm quan hệ cá nhân với ông Kim Jong Un.
Ông Bolton cho rằng đề nghị của phía Bắc Triều Tiên tháo dỡ « vĩnh viễn và hoàn toàn » cơ sở hạt nhân Yongbyon là « một nhân nhượng rất hạn chế » và ông nhắc lại là tổng thống Trump chỉ đồng ý bãi bỏ toàn bộ các trừng phạt kinh tế khi nào mà Bình Nhưỡng tháo dỡ toàn bộ các cơ sở hạt nhân.
Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ còn nhắc thêm là chính ông Kim Jong Un trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore tháng 6/2018 đã tuyên bố là hai bên sẽ trải qua nhiều giai đoạn trước khi đạt đến thỏa thuận.
Như vậy, theo ông Bolton, thượng đỉnh Hà Nội chỉ là một trong những giai đoạn đó và tổng thống Trump sẵn sàng tiếp tục đàm phán với Bình Nhưỡng.
Những tuyên bố nói trên của ông John Bolton chính là nhằm đáp lại những chỉ trích trong chính giới Mỹ đối với tổng thống Trump về cuộc họp thượng đỉnh Hà Nội.
Theo quan điểm của ông Adam Schiff, chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, trong cuộc họp thượng đỉnh vừa qua, tổng thống Trump chỉ làm tăng thêm uy tín của Kim Jong Un trên trường quốc tế và chẳng đạt được gì từ phía Bắc Triều Tiên trước việc Washington từ bỏ các cuộc tập trận chung Mỹ- Hàn.
Ông Adam Schiff cho rằng thất bại của thượng đỉnh Hà Nội là kết quả của một vị tổng thống « không hề được chuẩn bị cho những đàm phán kiểu như vậy », của một êkíp « không được chuẩn bị tốt ».
Trong khi đó, bên phía Bắc Triều Tiên, báo chí chính thức của nước này cũng ca ngợi thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai là một thành công, cho dù « có những trở ngại và khó khăn không thể tránh khỏi trên con đường xây dựng mối quan hệ mới giữa hai nước », sau hơn 7 thập niên thù nghịch và đối đầu.
Hãng tin KCNA, không hề nói đến chi tiết là thượng đỉnh Hà Nội đã kết thúc sớm hơn dự kiến và không có tuyên bố chung, mà chỉ nhấn mạnh là, trong cuộc gặp lần này, hai lãnh đạo đã có những trao đổi « thẳng thắn và mang tính xây dựng ».
Việc trình bày thượng đỉnh Hà Nội như là một thành công chính là nhằm chứng tỏ chính sách ngoại giao của ông Kim Jong Un là đúng đắn.
Tuy tuy lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng không bị chỉ trích công khai trong nước, nhưng dường như chính sách ngoại giao của ông cũng gặp chống đối từ trong nội bộ.
Theo báo cáo của một tổ chức phi chính phủ được công bố vào tuần trước, từ năm 2018, nhiều quan chức bất đồng với chính sách ngoại giao của ông Kim Jong Un đã bị thanh trừng.
Tuy vậy, riêng đối với cá nhân ông Kim Jong Un, dù thượng đỉnh đỉnh lần này chưa đạt kết quả nhưng ít ra đã giúp củng cố vị thế của ông như là lãnh đạo một cường quốc hạt nhân được quốc tế coi trọng, gần như đứng ngang hàng với tổng thống Mỹ, chứ không còn là lãnh đạo của một quốc gia « bất hảo », bị thế giới cô lập như trước đây.
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-3-2019 - 06/03/2019 18:38
- Xe hơi chạy điện có thực sự « sạch » ? - 06/03/2019 16:55
- Mỹ lại điều pháo đài bay B-52 đến thị uy trên Biển Đông - 06/03/2019 15:35
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-3-2019 - 06/03/2019 01:12
- Algeri: Boutflika, từ con người của hòa bình đến tổng thống tham quyền cố vị - 05/03/2019 20:24
- A380, một thất bại của công nghiệp hàng không châu Âu - 05/03/2019 17:29
- Hạ Viện Mỹ mở một cuộc điều tra rầm rộ về TT Donald Trump - 05/03/2019 17:06
- Cánh hữu châu Âu khởi sự thủ tục khai trừ đảng Fidesz của thủ tướng Hungary - 05/03/2019 16:46
- Quan hệ Việt Nam – Anh Quốc sau Brexit - 05/03/2019 00:13
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-3-2019 - 04/03/2019 17:46
Các tin khác
- Thái Lan : Biểu tình toàn quốc ủng hộ đảng đối lập Thai Raksa Chart - 04/03/2019 02:17
- Cocain: Nguồn sống của quan chức và nền kinh tế Venezuela - 04/03/2019 01:57
- Mỹ-Hàn bỏ tập trận Key Resolve để duy trì đối thoại với BTT - 04/03/2019 00:54
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-3-2019 - 02/03/2019 23:48
- Thanh trừng nội bộ tại Bình Nhưỡng - 02/03/2019 22:34
- Phó TT Mỹ kêu gọi đảng Cộng Hòa ủng hộ tình trạng khẩn cấp - 02/03/2019 16:44
- Canada khởi động thủ tục dẫn độ giám đốc tài chính Hoa Vi sang Mỹ - 02/03/2019 16:19
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-3-2019 - 02/03/2019 00:05
- Mỹ cam kết giúp Philippines tự vệ nếu bị tấn công trên Biển Đông - 01/03/2019 22:17
- Ba Lan dự trù 43 tỷ euro để vũ trang từ nay đến 2026 - 01/03/2019 21:21