Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-01-2019
- Thứ Năm, 17 tháng Giêng năm 2019 21:16
- Tác Giả: Anh Vũ
Brexit: Ly hôn trong sương mù
Cảnh trước Nghị viện Anh tại Luân Đôn, sau khi thỏa thuận về Brexit bị các nghị sĩ Anh bác bỏ, 16/01/2019.
REUTERS/Henry Nicholls
Vụ ly dị đình đám của nước Anh với Liên Hiệp Châu Âu lâm vào bế tắc sau khi thỏa thuận bị các nghị sĩ Anh bác bỏ đang làm xáo động báo chí Pháp.
Từ Brexit xuất hiện trên trên hầu hết các trang nhất các tờ báo ra tại Pháp hôm nay.
Le Monde chạy tựa nhận xét ngắn gọn : « Brexit của Theresa May sụp đổ ».
Le Figaro thì xoáy vào khía cạnh « Brexit : Vụ ly dị giằng xé người Anh ».
La Croix dành kín trang nhất cho bức ảnh bà thủ tướng Theresa May trên nền đen, nét mặt ngậm ngùi cùng hàng tựa « Đường hầm Brexit ».
Tựa lớn của Libération: « Brexit : Ngõ cụt ».
Thỏa thuận để nước Anh chia tay với Liên Hiệp Châu Âu bị bác bỏ đã đẩy chính phủ của bà Theresa May vào đường hầm không thấy lối ra.
Dư luận báo chí Pháp có chung một cảm nhận là không hiểu điều gì đang diễn ra ở bên kia bờ biển Manche, và Brexit rồi sẽ đi về đâu khi mà chỉ còn hơn 70 ngày nữa là đến hạn chót ra đi.
Hầu hết các tờ báo chính của Pháp đều dành một bài xã luận cho sự kiện. Le Monde nhận xét : « Như một chiếc xe Rolls-Royce mất phanh đang trượt trên con đường dốc hướng tới bờ vực, nước Anh đang lún sâu thêm vào cuộc khủng hoảng Brexit ».
Với Le Monde, việc các nghị sĩ Anh bác bỏ thỏa thuận chia tay Liên Hiệp Châu Âu đã được bà Theresa May mất bao công sức để ký với Bruxelles không phải là điều bất ngờ nhưng là điều nghiêm trọng.
Như vậy là « hơn hai năm sau khi 51,9% dân Anh bỏ phiếu để nước Anh ra đi và 18 tháng thương lượng căng thẳng giữa Luân Đôn và Bruxelles về cách thức ra đi, giờ đây Brexit trở lại gần như điểm xuất phát, không một viễn ảnh sáng sủa nào. », nhất là khi các nghị sĩ Anh bỏ phiếu chống thỏa thuận nhưng người ta không biết họ muốn gì.
Xã luận Le Monde nhấn mạnh : « câu trả lời cho Brexit giờ thuộc về người Anh và phải sớm nhất có thể ».
Cùng quan điểm với Le Monde, Le Figaro cũng nhận thấy câu chuyện Brexit đang trở nên rối ren, nước Anh đang trong mớ bòng bong :
« Brexit hay không có Brexit, Brexit cứng hay Brexit mềm, kế hoạch B hay không thỏa thuận, trưng cầu dân ý hay bầu cử trước thời hạn ?
Không còn ai có thể hiểu gì về vụ việc ».
Xã luận tờ báo viết tiếp : « Đúng là châu Âu vẫn có thể có vài cử chỉ. Nhưng trái bóng giờ đang ở bên sân các nhà chính trị Anh…. »
Đó là những người mà Le Figaro đánh giá là « hầu hết vô trách nhiệm … những người hàng ngày chống phá bà Theresa May nhưng chẳng đề xuất được gì. Suốt hai năm qua họ phá nhiều hơn là xây trong hồ sơ Brexit ».
Trong khi đó, xã luận Libération lấy hình ảnh « Sương mù » đặc trưng của nước Anh để đặt tựa cho bài xã luận. Tờ báo nhận xét :
« Một ngõ cụt bị bao phủ lớp sương mù của Anh dày đến mức khó có thể nhìn ra được lối thoát ».
Libération đặt câu hỏi : Làm sao có thể tin được là bà thủ tướng Anh trong vài ngày, sẽ tìm được một giải pháp mà bà đã phải tìm kiếm từ bao nhiêu tháng qua ? ».
Còn nhật báo Công Giáo La Croix, chạy tựa bài xã luận: « Giải cứu Vương Quốc Anh ».
Tờ báo nhận thấy sự kiện diễn ra thật sự là khó hiểu đối với nền chính trị nghị trường Anh, từng có truyền thống đoàn kết trong những thời điểm nước sôi lửa bỏng của đất nước.
Giờ đây các nghị sĩ Anh đang « lạc vào trong những tính toán không hiểu nổi » khi bác bỏ thỏa thuận Brexit của chính phủ Theresa May.
La Croix nhận định : « Tất cả những chuyện này vô cùng thất vọng vì không ai sẽ là người chiến thắng trong câu chuyện dài không hồi kết này ».
Kẻ chiến thắng sẽ « không phải là nước Anh, vốn từ hơn hai năm qua, lội bì bõm trong những hậu quả của cuộc bỏ phiếu cho Brexit, không phải là phần còn lại của Liên Âu, cũng đang phải tốn bao nhiêu năng lượng và thời gian để tìm ra con đường và cách thức chia tay trong danh dự.
Đã đến lúc chính khách Anh phải trấn tĩnh lại để đưa ra sự lựa chọn rõ ràng. Thách thức với Vương Quốc Anh giờ đây không phải là cứu châu Âu mà là tự cứu mình. »
Úc sực tỉnh với sự bành trướng của Trung Quốc
Nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến vòng công du của thủ tướng Úc trong vùng nam Thái Bình Dương mà mục tiêu chính là để nhắc lại vai trò lịch sử mà nước Úc từng giữ tại đó nhưng giờ đang có nguy cơ bị Trung Quốc lấn át.
Với tựa đề « Trước sự nổi lên của Trung Quốc, Úc muốn nắm lại Châu Đại Dương », Les Echos nhận định chắc như đinh đóng cột :
«Chuyến công du (trong vùng nam Thái bình Dương) vừa bắt đầu của thủ tướng Úc Scott Morrison không có mục đích nào khác là ngăn chặn đà gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc tại châu Đại Dương ».
Les Echos cho biết : Ông Scott Morrison sẽ là vị thủ tướng Úc đầu tiên đến Vanuatu từ nhiều thập kỷ nay.
Đây là quần đảo mà Trung Quốc đang muốn đặt căn cứ quân sự, dù dự án này chưa được xác nhận nhưng cũng đã gây lo ngại.
Ông Scott Morrison cũng sẽ là vị thủ tướng Úc đầu tiên có chuyến thăm Fidji, nền kinh tế đứng hàng thứ 4 trong vùng ».
Tờ báo nhắc lại, Úc là nước lớn trong khu vực nhưng lại không phải là đối tác thương mại chính với những quốc gia trong khu vực Châu Đại Dương.
Canberra gần đây đã ý thức được sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực này, sẽ gây tổn thất cho lợi ích kinh tế của Úc.
Thực tế là vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã bơm hàng tỷ đô la cho các đảo quốc ở nam Thái Bình Dương vay làm dự án.
Sự hào phóng của Bắc Kinh nhằm mục đích « mua » sự ủng hộ Trung Quốc của những quốc đảo nhỏ bé này tại những định chế đa phương như Liên hiệp Quốc chẳng hạn.
Thái Bình Dương là khu vực trắc nghiệm cho ảnh hưởng của Trung Quốc.
Les Echos trích dẫn chuyên gia Benoit de Tréglodé, thuộc viện nghiên cứu chiến lược của trường quân sự Pháp (Iserm) giải thích :
« Người khổng lồ châu Á thử nghiệm tại khu vực này chiến lược ngoại giao trước khi đem áp dụng vào những vùng nhạy cảm đang còn nằm trong ảnh hưởng của phương Tây như Trung Đông hay châu Phi ».
Một mục tiêu khác của Bắc Kinh là dựa vào các đảo quốc nhỏ trên châu Đại Dương, thực thi chính sách ngoại giao cô lập Đài Loan nhưng đồng thời cũng là để tận dụng nguồn tài nguyên, quạng mỏ, hải sản dồi dào ở đó. Đặc biệt trong lĩnh vực đánh bắt cá.
Theo Les Echos, « Trong vùng nam Thái Bình Dương, cũng như ở nhiều nơi khác trên địa cầu, Trung Quốc đã thực thi chính sách đánh bắt thủy sản rất hung hăng.
Các đội tàu lớn, hiện đại của họ đánh bắt với cường độ cao có nguy cơ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thủy sản, gây mất cân bằng và cả căng thẳng với các ngư dân địa phương.
Đó là những chủ đề mà ông Scott Morrison sẽ phải đề cập với các đối tác châu Đại Dương trong chuyến công du lần này.
Làm sao nuôi sống 10 tỷ dân trái đất năm 2050.
Nhật báo Libération đặt vấn đề mang tính sống còn : « Làm thế nào để 3 tỷ người thêm trên trái đất vào năm 2050 có đủ cái ăn mà vẫn bảo đảm giữ gìn được môi trường ?
Đó là câu hỏi hóc búa mà 37 nhà khoa học của 16 nước trong vòng 3 năm đã cố gắng tìm câu trả lời.
Tin vui là trái đất hoàn toàn có thể nuôi thêm 3 tỷ người mà vẫn không vượt qua giới hạn hệ sinh thái của chúng ta, với điều kiện chúng ta phải chấp nhận một chế độ thực phẩm lành mạnh hơn. »
Đó là nội dung nghiên cứu của nhà khoa học nói trên vừa được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế The Lancet hôm nay.
Chế độ thực phẩm lành mạnh mà các nhà khoa học khuyên cáo không có gì là cầu kỳ tinh vi. Trên bàn ăn của nhân loại trong tương lai sẽ chỉ gồm gấp đôi số lượng hoa quả, rau, ngũ cốc và các loại cây họ đậu. bên cạnh đó khẩu phần thịt sữa, khoai, đường …, không cần bỏ hẳn mà chỉ giảm đi đáng kể.
Đây là « chế độ thực phẩm tốt cho cả sức khỏe của hành tinh cũng như sức khỏe con người », Libération kết luận.
Con người không chỉ sẽ phải làm quen với cách ăn uống mới mà còn phải thay đổi cách sản xuất, đẩy mạnh với một số thực phẩm nhưng lại rút bớt cái khác, như chăn nuôi chẳng hạn.
Nhật : Sa thải nhân viên người máy
Khách sạn Henn-na tại Nagasaki, Nhật Bản lẽ ra sẽ là cơ sở đầu tiên trên thế giới hoàn toàn do các robot quản lý.
Thế nhưng mới đây, công ty đã phải cho nghỉ việc một nửa « nhân viên » máy trong tổng số 243 người máy đang làm việc bởi liên tục gặp sự cố cần có sự can thiệp của con người.
Dự án khách sạn Hann-na với 100% nhân viên người máy được bắt đầu từ năm 2015. Khách sạn đã giảm tối đa nhân sự chỉ giữ lại khoảng một chục người theo dõi sự vận hành của khách sạn qua màn hình kiểm soát.
Thế nhưng 3 năm hoạt động việc sử dụng người máy đã cho thấy có nhiều bất tiện.
Có một chuyện khá hài hước xảy ra với robot phục vụ trực trong phòng, có tên là Churi-chan.
Cô nhân viên này cứ liên tục nhắc lại câu « Xin lỗi, tôi không hiểu, Bạn có thể nhắc lại yêu cầu ? ».
Khách hàng phàn nàn là nửa đêm đang yên tĩnh cô người máy cứ thỉnh thoảng lặp lại câu nói trên làm khách thức giấc.
Sau khi bị đánh thức nhiều lần trong đêm vị khách này hiểu ra là chính tiếng ngáy của mình khiến cô người máy hiểu lầm là mệnh lệnh yêu cầu.
Cô « nhân viên » này cũng đã bị sa thải trong đợt vừa rồi.
Tin mới
- Chiến tranh mạng : Pháp công bố chiến lược mới - 19/01/2019 19:14
- Tiểu thuyết hài ‘‘Giấc mộng Trung Hoa’’ ra mắt tại Pháp - 19/01/2019 16:52
- Việt Nam cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng, gây bất mãn cho Công Giáo - 19/01/2019 02:07
- Đô đốc John Richarson: Hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ qua eo biển Đài Loan - 19/01/2019 01:58
- Vệ tinh đầu tiên do Việt Nam chế tạo được phóng tại Nhật - 19/01/2019 01:48
- Trung Quốc dùng trí thông minh nhân tạo kiểm soát Biển Đông - 19/01/2019 00:03
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-01-20198 - 18/01/2019 21:11
- Mỹ: Chiến lược phòng thủ tên lửa mới nhắm vào Iran và Bắc Triều Tiên - 18/01/2019 19:44
- Colombia : Ba ngày quốc tang sau vụ khủng bố khiến hơn 20 người chết - 18/01/2019 16:48
- Biển Đông: FONOP vô hiệu với Trung Quốc, Mỹ cần biện pháp mạnh hơn - 17/01/2019 21:45
Các tin khác
- Tư Pháp Mỹ mở điều tra hình sự về tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi (WSJ) - 17/01/2019 20:05
- Việt Nam sắp đón lãnh đạo BTT và chuẩn bị thượng đỉnh Trump–Kim - 17/01/2019 15:10
- Trung Quốc xây đập ngay núi lửa, Ecuador ôm nợ tỉ đô - 16/01/2019 21:23
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-01-2019 - 16/01/2019 18:38
- Anh và Mỹ lần đầu tiên tập trận chung tại Biển Đông - 16/01/2019 16:47
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-01-2019 - 15/01/2019 22:42
- Pháp tôn vinh Leonardo da Vinci nhân 500 năm ngày giỗ - 15/01/2019 20:08
- Ba Lan chấn động sau vụ sát hại thị trưởng Gdansk - 15/01/2019 17:23
- Ba sai lầm lớn của phương Tây tại Trung Đông - 15/01/2019 17:00
- Hàn Quốc không còn xem Bắc Triều Tiên là « kẻ thù » - 15/01/2019 15:30