Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-10-2018

Thỏa thuận thương mại với Mỹ khiến thủ tướng Canada mất điểm ở Québec

trade-nafta

Hoa Kỳ, Canada và Mêhicô đạt được một thỏa thuận thương mại mới, ngày 01/10/2018.
REUTERS/Edgard Garrido/File Photo

Thỏa thuận trao đổi thương mại Bắc Mỹ - USMCA (the United States-Mexico-Canada Agreement) ngày 01/10/2018 được các nhật báo Pháp chú ý phân tích trong số ra hôm nay, 02/10.

Le Monde đánh giá cuộc đàm phán gay go đến phút chót qua hàng tựa trên trang nhất : « Trump giật được một thỏa thuận tự do thương mại mới từ Canada ».

Le Figaro và La Croix đồng loạt nêu sự lấn át của tổng thống Mỹ với hàng tựa : « Trump áp đặt Canada một thỏa thuận mới ».
Les Echos đánh giá : « Donald Trump vẽ lại thỏa thuận tự do mậu dịch Bắc Mỹ ».

Tranh luận căng thẳng bên phía Canada kéo dài đến phút chót. Chỉ khoảng 30 phút trước khi tối hậu thư của tổng thống Mỹ hết hạn, các nghị sĩ Canada mới chấp nhận gia nhập thỏa thuận thương mại đã được Mỹ và Mêhicô ký kết để thay thế NAFTA có hiệu lực từ 25 năm qua.
Ottawa đành nhân nhượng một số điểm, nhưng tiếp tục duy trì được một số điều khoản khác mà tổng thống Trump muốn xoá bỏ, như cơ chế xử lý tranh chấp song phương.

Năm điểm chính trong thỏa thuận

Vậy thỏa thuận thương mại mới nói gì ?
 Nhật báo kinh tế Les Echos điểm lại một số nội dung chính trong thỏa thuận USMCA, tập trung vào nông nghiệp và công nghiệp, và sẽ có hiệu lực từ năm 2019.

Thứ nhất, nông phẩm Mỹ được đảm bảo đầu ra. Đây là điểm không thể thương lượng được của tổng thống Mỹ, vì ông muốn giữ số cử tri nông dân đang bị tác động vì chiến tranh thương mại.

Canada đã phải nhân nhượng, mở thị trường sữa nước này qua việc nới lỏng hệ thống kiểm tra sản xuất, hạn ngạch và mức thuế có thể lên đến 275%.
 Canada sẽ mua nông phẩm Mỹ nhiều hơn và mở thêm 3,4% thị trường nước này.

Điểm thứ hai liên quan đến lĩnh vực xe hơi. Thuế hải quan sẽ không bị áp dụng với các loại xe được lắp ráp từ ít nhất 75% phụ tùng được sản xuất tại Bắc Mỹ (thay vì 62,5% theo NAFTA).

Thêm vào đó, từ 40% đến 45% số phụ tùng trên phải do công nhân có mức lương « ít nhất là 16 đô la/giờ » sản xuất.
Điều khoản này có lợi cho Mỹ và Canada, buộc Mêhicô phải tăng cường đàm phán với các nghiệp đoàn của nước này vì nhân công Mêhicô luôn có giá rẻ và quyền lợi của người lao động ít được bảo vệ.
Canada và Mêhicô sẽ thoát được đe dọa của Mỹ đánh thêm 25% thuế trong lĩnh vực xe hơi.

Thứ ba, tòa giải quyết xung đột, được thành lập trong khuôn khổ thỏa thuận NAFTA hiện hành, sẽ tiếp tục hoạt động.
Washington muốn xóa cơ chế độc lập này, trong khi đó với Ottawa, đây là điểm không nhân nhượng được vì là công cụ đáng tin cậy duy nhất để phản đối các biện pháp thuế mà Hoa Kỳ áp đặt.

Thứ tư, cứ sáu năm (thay vì 5 năm như yêu cầu của tổng thống Trump), ba nước sẽ họp bàn về tương lai của thỏa thuận thương mại.
 Thỏa thuận này sẽ mất hiệu lực sau 16 năm, nếu không được thương lượng lại hoặc không tiếp tục triển khai.

Cuối cùng, mức thuế đánh thêm nhắm vào nhôm và thép được chính quyền Mỹ áp dụng hồi tháng 03/2018, tiếp tục được duy trì « cho tới khi ấn định một hệ thống mới », có thể là áp dụng hạn ngạch, theo như phát biểu ngày 01/10 của tổng thống Mỹ.

Thỏa thuận với Washington khiến Trudeau yếu thế ở Québec

Với thủ tướng Trudeau, « đây là một ngày tốt đẹp cho Canada » ngay sau khi thỏa thuận thương mại với Mỹ được thông qua.
Tuy nhiên, theo Le Figaro, chỉ vài giờ sau, thỏa thuận USMCA đã khiến các nhà nông Québec phẫn nộ, vì Canada sẽ phải mở thêm 3,59% thị trường sữa, vẫn được bảo hộ, cho các nhà sản xuất Mỹ.

Ngành sản xuất sữa sử dụng 220.000 lao động, trong đó một nửa số này sống tại vùng Québec, với doanh thu 16 tỉ đô la trên quy mô quốc gia.
Sự phẫn nộ của nông dân Canada còn chưa nguôi, vì vào năm 2016, nước này đã phải mở cửa thị trường cho các nhà nông châu Âu.

 Nông dân Québec chỉ trích chính phủ bỏ rơi nhà nông để cứu lĩnh vực sản xuất xe hơi, tập trung chủ yếu ở vùng Anh ngữ Ontario.
Việc thông qua thỏa thuận mới với Mỹ diễn ra chỉ vài giờ trước cuộc bầu cử nghị viện vùng Québec.

 La Croix đánh giá liên minh chính trị của thủ tướng Trudeau tại Québec có nguy cơ bị tác động.
 Đảng Tự do Québec (PLQ), nắm quyền ở Québec từ 15 năm nay, có thể sẽ bị Liên minh vì Tương lai Québec (CAQ), một đảng trung tả chủ trương tự trị, đánh bại.
Còn theo Le Figaro, trong cuộc bầu cử năm 2019, có thể người dân Québec sẽ bỏ phiếu chống thủ tướng Justin Trudeau.

Bị chỉ trích « xa dân », tổng thống Pháp Macron muốn « điều chỉnh »

Thời sự Pháp được Le Monde đề cập là chuyến thăm Antilles, lãnh thổ hải ngoại Pháp ở vùng Caribê, của tổng thống Emmanuel Macron.

Ông thể hiện gần gũi với người dân để phản đối những cáo buộc « ngạo mạn» và « xa dân », trong khi ông cũng đang phải đối mặt với nền kinh tế thiếu kết quả khả quan, bị mất điểm trong các cuộc thăm dò.

Trả lời nhật báo Le Monde, tổng thống Emmanuel Macron muốn nhấn mạnh đến việc giải thích về các chính sách của chính phủ hiện chưa thực sự hiệu quả : « Nếu không giải thích, mọi người sẽ không thấy được những gì đang được tiến hành ».

Nguyên thủ Pháp cũng muốn thể hiện là người « quan sát, nghe và lắng nghe » vì ông tự nhận là « có rất nhiều điều phải sửa chữa, phải giải thích một cách khác, vì khi có những chuyện mà người dân không hiểu, thì đó là lỗi của chúng tôi ».
Ông cũng khẳng định mong muốn tiếp tục cải cách vì « được bầu dựa trên một sứ mệnh, một nghĩa vụ phải làm ».
Vì vậy, « Emmanuel Macron cố nối lại liên hệ với công chúng. Các bộ trưởng cũng được yêu cầu xông xáo hơn nữa », theo thông tin của Les Echos.

 Có lẽ trong bối cảnh này, đơn xin từ chức của bộ trưởng Nội Vụ Gérard Collomb đã bị tổng thống Macron từ chối.
Le Figaro đánh giá, « với cử chỉ mạnh mẽ đó, nguyên thủ Pháp tiếp tục tin tưởng vào một cộng sự thân cận ».

Indonesia : Tang thương và hỗn loạn sau động đất

Thời sự châu Á được chú ý trên hai chủ đề chính : Thiệt hại ngày càng nặng nề sau trận động đất gây sóng thần ở Indonesia và kết quả bầu thống đốc Okinawa khiến thủ tướng Nhật Bản lâm vào thế khó.

Le Monde đưa tin « Tại Indonesia, đau buồn và hỗn loạn sau sóng thần » với tổng kết mới có hơn 1.200 người chết và con số này sẽ còn tăng thêm.
Thành phố Palu tan hoang, xác người chết được xếp dài trên đường phố đổ nát.
 Cảnh hôi của tiếp diễn vì người dân không còn gì và « bắt đầu tuyệt vọng ».
Hơn 1.000 tù nhân đã vượt ngục.

Chính quyền bị chỉ trích vì thiếu các biện pháp cảnh báo hiệu quả dù « từ 5 năm qua đã có phao cảnh báo sóng thần, nhưng không còn hoạt động » vì không được bảo trì.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia Pháp về hệ thống cảnh báo sóng thần ở Địa Trung Hải, phao cảnh báo sóng thần « có lẽ cũng không hiệu quả trong trường hợp này » vì khoảng cách ngắn giữa khu vực động đất và vùng duyên hải bị nạn.

Trong bài : « Sau sóng thần, công tác cứu hộ trước hết phải từ Indonesia », nhật báo Công Giáo La Croix cho biết người dân của quần đảo lớn nhất thế giới thường xuyên luyện tập về cảnh báo sóng thần vì Indonesia nằm quanh « vành đai lửa » và ý thức được mối nguy hiểm thường trực.

Tuy nhiên, họ chưa đạt được trình độ phòng ngừa mà người Nhật có được.
Tại Nhật Bản, một quốc gia thường xuyên bị thiên tai, ngay cả « một đứa trẻ 6 tuổi biết chính xác phải làm gì trong trường hợp sóng thần », theo nhận định của ông Michel Maietta, giám đốc nghiên cứu của Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (Iris).

Brexit : Hải quan Pháp chuẩn bị đối phó với kịch bản đen

Anh sẽ chính thức ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu vào đêm 29/03/2019.
Trong trường hợp Luân Đôn không đạt được thỏa thuận với Bruxelles, hải quan Anh và Pháp, trong bỗng chốc, sẽ phải kiểm tra thêm vài triệu tấn hàng hóa.

Theo nhật báo kinh tế Les Echos, để phòng ngừa khả năng các cảng biển và đường hầm dưới biển Manche bị tắc nghẽn, hải quan Pháp bắt đầu chuẩn đối phó với kịch bản « Brexit cứng ».

Theo bộ trưởng Ngân sách công Gérald Darmanin, khi trả lời Les Echos, thách thức thực sự đối với Pháp là thời điểm bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp cho đến năm 2020 vì cần phải nhanh chóng thích ứng.

Charles Aznavour : Một thế kỷ, một số mệnh

Hình ảnh ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên Charles Aznavour (1924-2018) hiện trên nền đen trang nhất của ba nhật báo Le Figaro, La Croix và Libération.

Sự ra đi đột ngột, dù đã 94 tuổi, của Charles Aznavour khiến công chúng Pháp bất ngờ vì ông vừa từ Nhật Bản trở về và còn hai chương trình lưu diễn ở Bruxelles và Paris.« Nước Pháp nằm trong trái tim » Charles Aznavour, xuất thân từ một gia đình nhập cư gốc Armenia, là hàng tựa của bài xã luận trên trang nhất Le Figaro.

Năm trang báo được Le Figaro dành trọn để lược lại sự nghiệp của người nghệ sĩ đa tài, thành công từ âm nhạc đến điện ảnh.
Tổng thống Pháp Macron cũng nghiêng mình trước « một trong những giọng ca đầy cảm xúc nhất của làng nhạc ».

La Croix nhắc đến « một thế kỷ, một định mệnh » gắn liền với bức hình Charles Aznavour mỉm cười.
Libération đăng hình ảnh ông hoàng sân khấu, vẻ ngạc nhiên, với hàng tựa « Hier encore » (tạm dịch : Hôm qua vẫn còn đấy) để bày tỏ sự bất ngờ.

« Đỉnh cao » là hàng tựa của xã luận trên Libération vì Charles Aznavour không có một đặc điểm nào có thể giúp ông nổi tiếng : từ giọng hát đến hình thể hay vẻ điển trai. Khi hơn 30 tuổi, ông vẫn đứng sau cánh gà và chỉ thật sự nổi tiếng sau khi trình diễn ca khúc Je m’voyais déjà, do chính ông sáng tác, mà Yves Montand từ chối hát.

Các chủ đề khác

Le Monde, do phát hành từ chiều hôm trước, đưa tin về thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ và Canada.
Còn nhật báo kinh tế Les Echos, đưa nhận định của tổng giám đốc tập đoàn Renault-Nissan-Mitsubishi Carlos Ghosn rằng tương lai của ngành xe hơi chính là xe chạy 100% bằng điện.

Switch mode views: