Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nord Stream II: Một mặt trận kinh tế khác của Donald Trump?

Nord Stream-Baltic

Một cơ sở trong công trình đường ống dẫn khí đốt Nord Stream dài 1.224 km xuyên qua biển Baltic. Ảnh tư liệu chụp tại Lubmin ngày 08/11/2011.AFP/ JOHN MACDOUGALL

Ngày 11-12/07/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những lời lẽ gay gắt nhắm vào nước Đức tại thượng đỉnh Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, diễn ra ở Bruxelles, Bỉ.

Giới phân tích cho rằng ẩn sau lời chỉ trích đó là một cuộc chiến thương mại khác : Khí đốt.
« Đức đã bị Nga kiểm soát hoàn toàn (…). Nước Đức là tù nhân của Nga. Nước này trả hàng tỷ đô la cho Nga để trữ khí đốt và Hoa Kỳ phải chi tiền để bảo vệ nước Đức chống lại Nga.

Làm thế nào giải thích điều này ? Đây quả thật là không công bằng ».

Tuyên bố này của ông Donald Trump đã nhắm thẳng vào một mục tiêu cụ thể : Đó chính là dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream II đi ngầm dưới lòng biển Baltic, cho phép chuyển tải mỗi năm 55 tỷ m3 khí đốt đi thẳng từ Nga sang Đức. Chi phí dự án là 9,5 tỷ euro.

Donald Trump chưa phải là tổng thống Mỹ duy nhất cảm thấy « bức bối » về vấn đề này.
Người tiền nhiệm, ông Barack Obama, đã từng lên tiếng quan ngại dự án tăng đôi lượng cung cấp khí đốt Nord Stream II, cho rằng rủi ro châu Âu lệ thuộc nhiều vào nguồn cung ứng khí đốt của Nga cũng tăng theo.

Phải chăng Liên Hiệp Châu Âu phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung năng lượng của Nga ?

 Nhà nghiên cứu Thierry Bros, cộng tác viên Viện Nghiên Cứu Năng Lượng Oxford giải thích với báo La Croix rằng mức độ lệ thuộc của châu Âu vào Nga không cao như chỉ trích của tổng thống Mỹ :
« Nếu căn cứ vào số liệu của năm 2017, chỉ có 31% lượng khí đốt tiêu thụ ở 28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu là đến từ Nga, tức là từ Gazprom.

Toàn châu Âu, không kể Anh Quốc, mức độ phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga là 33%.
Đây là một tỷ lệ hoàn toàn có thể chấp nhận được và không cho thấy có biểu hiện rủi ro đặc biệt nào ».

Ông Thierry Bros lưu ý là quan hệ đối tác giữa châu Âu và Nga trong lĩnh vực năng lượng đã có từ lâu.
« Nga luôn luôn nhắc lại rằng họ là một đối tác đáng tin cậy của châu Âu. Ngay cả trong những lúc tồi tệ nhất của thời chiến tranh lạnh, van khóa chưa bao giờ bị đóng.

Đợt cung ứng khí đốt đầu tiên từ Nga sang châu Âu có từ năm 1968, vừa đúng 50 năm, vào thời điểm những chiến xa Liên Xô đầu tiên tiến vào Praha…
Hơn nữa, Gazprom cũng phụ thuộc vào châu Âu, vốn dĩ là đầu ra chính cho xuất khẩu của Nga, bất chấp các nỗ lực bán khí đốt cho châu Á.
Chính vì điều đó mà Nga đã có những nhượng bộ đáng kể như hạ giá và chào mời nguồn cung cấp khí đốt giá rẻ nhất ».

Đức: Mắt xích yếu của Liên Hiệp Châu Âu ?

Vậy tại sao Donald Trump lại nhắm thẳng vào Đức ?
Giới quan sát cho rằng tổng thống Mỹ phần nào có lý trong việc này. Chính quyền Donald Trump đã yêu cầu Berlin phải có những giải thích rõ ràng:

Làm thế nào nước Mỹ có thể vừa bảo vệ một đường lối cứng rắn chống lại Matxcơva sau vụ sáp nhập bán đảo Crimée vào Nga năm 2014, vừa phải chấp nhận một thỏa thuận như thế giữa Đức với Gazprom, vốn dĩ là cánh tay đắc lực của chính quyền Nga?

Theo giải thích của ông Thierry Bros, trong hồ sơ này, nước Đức là một « yếu huyệt » của Liên Hiệp Châu Âu trong mặt trận chung chống Nga.
Bởi vì, 50% lượng khí đốt nhập khẩu vào châu Âu là được tiêu thụ tại Đức.

« Đức vốn đã lệ thuộc đến 55% lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga và nước này sẽ còn lệ thuộc nhiều hơn nữa trong tương lai với Nord Stream II, dự án tăng đôi công suất đường ống dẫn đi ngầm dưới lòng biển Baltic để cung cấp khí đốt cho Đức.
Một khi dự án hoàn thành, người ta có thể hình dung ra 100% lượng khí nhập khẩu, và được tiêu thụ tại Đức sẽ là từ Nga.

Do vậy, vấn đề phụ thuộc này trước hết liên quan đến Đức. Nhưng đó cũng là một vấn đề của châu Âu, bởi vì điều này làm đảo lộn một trong những thành tựu đạt được của cộng đồng liên quan đến vấn đề an toàn cung ứng tập thể.

Nếu như người ta nằm trong một hệ thống mà ở đó Đức cố tình tự quyết, ai sẽ chấp nhận đảm đương vai trò bảo đảm trong trường hợp có vấn đề ?
 Ai dám đòi hỏi hay bắt buộc những nước khác trong châu Âu giảm tiêu thụ khí đốt để chia sẻ bớt một phần cho Đức ? »

Nord Stream II chia rẽ Đông – Tây

Hợp tác xây dựng đường ống Nord Stream II không đơn thuần mang tính kinh tế mà còn là một vấn đề địa chính trị khu vực. « Khi đề cập đến việc châu Âu lệ thuộc vào khí đốt của Nga, Donald Trump đã điểm trúng vào "yếu huyệt" ».

Bởi vì, dự án Nord Stream II lại tiếp tục chia rẽ Liên Hiệp Châu Âu thành hai khối Đông-Tây.
Mười ba nước thành viên châu Âu, chủ yếu là khối các nước Đông Âu cũ, vào tháng 06/2017 đã chính thức phản đối lên Ủy Ban Châu Âu chống việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt.

Những nước đó cho rằng dự án này chẳng khác gì là một công cụ chính trị của tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm làm suy yếu hơn nữa Ukraina.
Với 1.200 km chiều dài, Nord Stream II cho phép Matxcơva tránh ngả trung chuyển Ukraina, đường ống dẫn khí đốt xuất khẩu truyền thống của Nga có từ thời Xô Viết và như vậy, Matxcơva giảm bớt được chi phí trung chuyển, vốn dĩ cũng là một nguồn thu quan trọng của Ukraina, mỗi năm mang về cho nước này gần 2 tỷ đô la.

Bên cạnh đó, dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream II còn cho phép Nga lẩn lách các lệnh trừng phạt của châu Âu nhắm vào Nga do việc sáp nhập Crimée năm 2014.
Một mặt, với dự án hợp tác Nga – Đức này, điện Kremlin có thể củng cố hơn nữa vị trí quốc gia cung cấp khí đốt hàng đầu cho châu Âu.
Mặt khác, Gazprom mong muốn nhìn thấy một ngày giấc mơ của họ thành hiện thực : Thay thế những con đường dẫn khí hiện nay đang đi qua Trung Âu.

Hiện tại, một phần lớn khí đốt Gazprom bán sang châu Âu không chỉ trung chuyển qua Ukraina, mà cả Ba Lan và Belarus, làm dội chi phí trung chuyển.
Chính vì những lý do này mà tập đoàn khí đốt của Nga đang thực hiện một dự án khác có tên là Turkish Stream, qua ngã Thổ Nhĩ Kỳ.

Tấn công Đức về Nord Stream II: Lợi ích kinh tế của Trump ?

Câu hỏi đặt ra : Khi chỉ trích nước Đức về dự án Nord Stream II, phải chăng tổng thống Mỹ Donald Trump đã thật sự là vì tình liên đới với Ukraina và một số đồng minh Đông Âu ?
 Giới phân tích cho rằng « không hẳn là thế ».
Ông Donald Trump trước hết muốn đề xuất một giải pháp khác cho vấn đề khí đốt tại châu Âu : Nhập khẩu khí đốt từ Mỹ bằng đường biển.

Trong 10 năm gần đây, lượng sản xuất khí đá phiến tại Mỹ tăng vọt đến 50%. Hoa Kỳ đi từ vị thế nhập khẩu nhiên liệu sang xuất khẩu.
Nhờ vào phương pháp hóa lỏng khí ga tự nhiên, khí đá phiến của Mỹ có thể vận chuyển bằng đường biển sau khi đã được làm lạnh.
Trước sức tăng trưởng này, tổng thống Donald Trump mong muốn tìm kiếm một đầu ra cho ngành khai thác khí đá phiến.

 Theo khẳng định của một lãnh đạo ngành năng lượng Pháp với báo Le Monde, « Hoa Kỳ hy vọng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, đó mới là lý do thật sự về thái độ nóng nảy của tổng thống Mỹ ».

Ngày 15/06/2017, Thượng Viện Mỹ đã thông qua một dự luật đe dọa trừng phạt, nghiêm cấm các ngân hàng và cấm dự đấu thầu các dự án tại Mỹ những doanh nghiệp châu Âu nào có tham gia vào việc xây dựng đường ống dẫn Nord Stream II.

Chính quyền Donald Trump biết rõ là tuy dự án sẽ do phía Nga xây dựng hoàn toàn, nhưng vốn góp của một số tập đoàn châu Âu trong dự án chiếm đến 50%, chủ yếu đến từ tập đoàn năng lượng Engie của Pháp, hãng Shell của Anh và Hà Lan, OMV của Áo cũng như là hai hãng năng lượng Đức là Uniper và Wintershall (nhánh của BASF).

Trước những lời chỉ trích của chủ nhân Nhà Trắng nhắm vào thủ tướng Đức về vấn đề phụ thuộc năng lượng Nga, điện Kremlin ngày 12/07/2018 đã lên tiếng phản đối, ví những lời lẽ tấn công này của Hoa Kỳ là « cạnh tranh không lành mạnh ».
Vào thời điểm nguồn dự trữ nhiên liệu ở Biển Bắc đang sắp cạn dần, thị trường khí đốt châu Âu là một thách thức chính cho lĩnh vực này.

Theo những dự báo từ công trình Nord Stream II, mà cựu thủ tướng Đức Gerhard Schroder giữ cương vị chủ tịch hội đồng giám sát, châu Âu sẽ phải tìm cách bù đắp khoảng thiếu hụt 120 tỷ m3 nhiên liệu từ đây đến năm 2035.

Trong bối cảnh này, rõ ràng Mỹ và Nga là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
Tổng thống Nga, Vladimir Putin biết rõ thâm ý này của đồng nhiệm Mỹ.

Tháng 5/2018, khi tiếp thủ tướng Đức Angela Merkel, có tuyên bố : « Tôi hiểu tổng thống Mỹ : Ông ấy bảo vệ lợi ích ngành công nghiệp và muốn bán sản phẩm của mình sang châu Âu. Điều đó hoàn toàn có thể, nhưng sẽ đắt.
Thậm chí giá bán khí đốt của Mỹ cho châu Âu có thể cao hơn từ đường ống dẫn của Nga từ 25-30% »

Liệu cuộc chiến lạnh khí đốt có diễn ra hay không, điều này còn lệ thuộc vào tổng thống Mỹ và khả năng kháng cự của các tập đoàn châu Âu.
Và nhất là, sau cuộc gặp thượng đỉnh Helsinki với đồng nhiệm Nga, chủ nhân Nhà Trắng đã cho rằng đôi bên đã có cuộc trao đổi « thẳng thắn, cởi mở và rất hiệu quả... Và đó mới chỉ là bước khởi đầu ».
Của một cuộc chiến tranh lạnh năng lượng ?

Switch mode views: