Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-04-2013

 Trò chơi nguy hiểm của Bắc Triều Tiên

kimjongun 2


Lãnh tụ Kim Jong Un chủ trì cuộc họp khẩn duyệt qua năng lực chiến đấu của đơn vị hỏa tiễn chiến lược Bắc Triều Tiên ngày 29/03/2013.( Ảnh do KCNA phổ biến.)
REUTERS/KCNA


Tình hình căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên vẫn tiếp tục làm hao tốn giấy mực trên các trang báo Pháp.

Đặc biệt, báo Le Monde có đăng bài chỉ trích gay gắt của ông Pascal Dayez-Burgeon, giáo sư lịch sử và cũng là chuyên gia về Bắc Triều Tiên thuộc trường Hành chính quốc gia Pháp cho rằng Bắc Triều Tiên đang thực hiện một « Trò chơi nguy hiểm ».

Với việc thực hiện vụ thử hạt nhân thứ ba hôm 12/02 năm nay, Bắc Triều Tiên đã khơi ngòi cho một cuộc khủng hoảng mới trên quốc tế.

 Ở một vị trí đặc biệt, bán đảo Triều Tiên còn là một giao lộ nơi ngự trị đến bốn cường quốc Trung Quốc, Nga, Nhật và Mỹ. Do đó, mọi căng thẳng tại đây đều có thể mang đến hậu quả nặng nề cho thế giới. Nhất là kể từ khi Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí nguyên tử.

Năm nào cũng vậy, một kiểu kịch bản vẫn lặp đi lặp lại. Cứ vào mùa xuân, phía Bắc lại cho tiến hành thử tên lửa, trong khi Hoa Kỳ và Hàn Quốc tiến hành tập trận chung. Rồi Bình Nhưỡng tuôn ra một tràng đả kích đế quốc Mỹ.

Washington và Seoul diễu võ đáp lại, Liên Hiệp Quốc lên án và công luận quốc tế nổi giận. Sau đó, căng thẳng lại hạ nhiệt.

Thế nhưng, theo tác giả, lần khủng hoảng này gây không ít ngạc nhiên vì kéo dài đã gần hai tháng nay. Kim Jong-un liên tục lên tiếng đe dọa , và không có ý định dừng lại.

Không chỉ đe dọa bằng quân sự, Bắc Triều Tiên còn nặng lời với người dân Hàn Quốc : từ là « con rối » trong tay đế quốc Mỹ, người dân phía Nam giờ bị đối xử là những « kẻ đần độn nghèo hèn ». Thậm chí đến Thủ tướng Chung Hong-won bị xem là « đồ cỏ dại cần phải nhổ ngay ».

Một vị giáo sư Hàn Quốc, đang giảng dạy tại đại học Georgia tại Hoa Kỳ, tự hỏi là « Liệu Kim Jong-un có nhận thức được về chính bản thân mình hay không ? ». Theo ông này, ông Kim Jong-il, cha của nhà lãnh đạo trẻ hiện nay, lúc đương thời lòe bịp thế giới rất điêu luyện để vơ vét tiền quyên góp của thế giới : hỗ trợ lương thực, nhận dầu hỏa từ các tập đoàn quốc tế có uy tín.

Tác giả cho rằng, giờ đây, nhà lãnh đạo trẻ dường như cũng đang trong vòng xoáy của trò lòe bịp mà ông ta ngày càng khó có thể thoát ra được. Bởi vì, theo ông, vấn đề không phải ở chỗ cách làm mà là ở chính người làm.

Kim Nhật Thành,  kẻ lãng phí

Tác giả nhắc lại rằng, khi đất nước bị phân chia vào năm 1953, ông Kim Nhật Thành đã làm bằng mọi giá để thu hết các hầm mỏ, các đập thủy điện, các nhà máy do Nhật để lại và công nhân tay lành nghề nhất về tay mình. Thế mà, Kim Nhật Thành đã làm hỏng tất cả.

Do thích chạy theo số lượng hơn là chất lượng, thích nền kinh tế kế hoạch hơn là thị trường, nền kinh tế Bắc Hàn đã suy sụp hoàn toàn.

Bên cạnh đó, môi trường bị phá hủy do nạn phá rừng hàng loạt. Kết quả, các trận lũ lụt thảm khốc giữa năm 1995 và 1996 đã nhấn chìm toàn bộ phía nam đất nước và nạn đói xảy ra giết chết hơn hai triệu người, tức gần 10% số dân. Kiệt quệ, đất nước phải sống nhờ vào sự viện trợ của thế giới.

Kim Chính Nhật (Kim Jong –il), kẻ lòe bịp siêu đẳng

Đến khi Kim Chính Nhật lên cầm quyền vào năm 1994, tình hình còn thêm tồi tệ. Thay vì mở cửa nền kinh tế giống như Trung Quốc, ông ta đã biến đất nước theo kiểu độc tài quân sự.

Quân độ duy trì trật tự và được hưởng mọi đặc quyền. Nền kinh tế thị trường có nguy cơ phá hỏng trật tự do giới đặc quyền dựng lên.

Đối với nhà cựu lãnh đạo, chỉ nên cho phép một số ít doanh nghiệp vừa và nhỏ và các chợ đô thị hoạt động là đủ.

Như vậy, để có thể nhận hỗ trợ quốc tế, ông ta đã dựa dẫm vào trò lừa bịp : khơi dậy lòng trắc ẩn nhân đạo khi cho phô bày cảnh nạn đói.

Ngay cả các trại tập trung, nỗi khiếp hãi của người dân cũng được dùng để thu lợi. Thế giới càng giận dữ bao nhiêu khi nghe lời thuật của những người sống sót, thì tiền của quyên góp lại tăng lên bấy nhiêu.

Vấn đề « hạt nhân » cũng được Bình Nhưỡng khôn khéo sử dụng để đánh đổi lấy lương thực, dầu hỏa và nhất là ngoại tệ. Có tiền rồi, nhanh chóng cải tiến kỹ thuật. Rồi lại đẩy căng thẳng lên. Sau đó, hạ giọng xuống. Cuối cùng nhận được hỗ trợ như mong muốn.

Vậy mà trò bịp đó cũng thu được kết quả từ suốt thập niên nay. Thêm vào đó, các đặc khu kinh tế của Trung Quốc và Hàn Quốc mọc lên giữa vùng biên giới còn giúp phía Bắc trụ được mà không cần chuyển sang kinh tế thị trường.

Chạy đua nguyên tử không những giúp hợp pháp hóa cho Kim Chính Nhật trong con mắt quân đội và ngồi chễm chệ trên sự nổi danh ngay trong lòng công luận bị mê muội bởi sự tuyên truyền.

Tuy nhiên, tác giả bài viết cho rằng với cái kiểu làm mưa làm gió như thế, nên độ xác tín của Bình Nhưỡng đang bị xói mòn dần.

Cựu tổng thống Mỹ George W. Bush xem chính quyền phía Bắc như là một « chế độ côn đồ ». Cựu tổng thống Hàn Quốc Lee Muyng-bak cắt đứt chính sách « Ánh Dương » được thiết lập giữa hai miền nhân hội nghị thượng đỉnh tháng 6/2000.

Các vụ thử hạt nhân vào tháng 10/2006 và vào tháng 5/2009 bị cộng đồng quốc tế lên án, còn làm cho đất nước thêm bị cô lập. Hệ quả là giờ đây, Kim Jong-un lên kế vị, thừa hưởng một thế cờ đã suy yếu từ cha của mình.

Theo nhận định tác giả, Kim Jong-un giờ đây trong tay không có phương cách gì để thay đổi.

Dù phía Bắc bắt đầu thoát ra khỏi lối mòn, họ vẫn bị lệ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ bên ngoài. Đó là chưa kể đến việc sở hữu công nghệ hạt nhân còn giúp cho quốc gia này thu được ngoại tệ, chủ yếu đến từ Iran.

Tác giả tự hỏi là ông Kim Jong un, để chứng tỏ là mình nghiêm túc, liệu ông ta đã đi quá xa và vẫn làm chưa đủ hay không ?

Theo tác giả, « chưa đủ » là vì những lời đe dọa cũng chỉ tạm thuyết phục. Ngoài việc leo thang trong lời lẽ, các hành động khác chỉ là một sự hâm nóng lại.

« Quá xa » là vì do quá khiêu khích, Washington và Seoul cũng bắt đầu leo thang theo.

Máy bay b-52 của Mỹ được triển khai trong đợt tập trận chung. Tổng thống Park của Hàn Quốc thành lập ban điều hành khủng hoảng.

Đến như Bắc Kinh cũng phải chau mày. Tệ hơn nữa, theo các nguồn tin thu thập được từ phía Nam, người dân Bắc Hàn cũng bắt đầu tỏ ra chán chường, mệt mỏi. Tóm lại, nhà lãnh đạo trẻ thiếu kinh nghiệm có lẽ khó mà lòe được người khác.

Giờ đây, Kim Jong-un đang trong thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu bỏ cuộc, chẳng khác những gì như câu ngạn ngữ Triều Tiên : « Chó sủa to là chó không cắn ». Nhưng nếu cứ tiếp tục gây căng thẳng sẽ dẫn đến nguy cơ khai hỏa.

Thế nhưng, tác giả cũng lưu ý rằng, cánh cửa tuy hẹp nhưng lối thoát vẫn còn đó. Nữ tổng thống Hàn Quốc cho đến giờ vẫn chưa đưa ra một lời chỉ trích nào : điều này có thể giúp khắc phục được hậu quả.

Từ nhiều ngày nay, các nhà phân tích nhận thấy sự tái xuất hiện của ông chú Jang Song-taek, một người được xem vừa là thân cận với Bắc Kinh và cũng vừa là người chủ trương ôn hòa. Không biết Kim Jong-un có chọn lựa giải pháp này hay không ?

Bắc Triều Tiên tạm ngưng hoạt động đặc khu kinh tế Kaesong

Dường như để chứng tỏ rằng lần này không phải là đe dọa suông, tối hôm qua Bắc Triều Tiên ra lệnh tạm ngừng các hoạt động tại kinh tế Kaesong.

Báo Les Echos nhận định rằng hành động trên đánh dấu một sự leo thang của Bình Nhưỡng.

Theo tờ báo, quyết định trên đã gây bất ngờ cho nhiều chuyên gia.

Những lần trước, dù có căng thẳng đến đâu, cả hai bên Bắc – Nam đều không muốn để ảnhh hưởng đến các hoạt động sản xuất trong khu vực này.

Ngay cả vào thời điểm Bắc Triều Tiên bắn chìm một chiếc tàu chiến của Hàn Quốc, làm thiệt mạng hơn 40 lính thủy, hay như phía Bắc pháo kích lên một đảo nhỏ của Seoul. Cả Bắc lẫn Nam đều không ra lệnh ngừng các hoạt động tại đây.

Vậy mà lần này, Bình Nhưỡng đã dấn sâu thêm một bước. Theo tờ báo, Bắc Triều Tiên đang mạo hiểm. Ít nhất, khu công nghiệp Kaesong phía nam đất nước có thể giúp cho hơn 200 000 người thoát cảnh đói khổ. Việc đóng cửa lâu dài có nguy cơ làm trỗi dậy làn sóng bất bình trong khu vực.

Tờ báo cho rằng, Kim Jong-un chấp nhận các rủi ro đó, vì ông ta muốn tăng thêm uy tín và buộc các chuyên gia phải nghiên cứu lại tính khả thi của các lời đe dọa khác nhất là các hành động quân sự. Họ sẽ phải xem xét lại việc gần đây, nhà lãnh đạo trẻ cho đặt dàn tên lửa Musudan trên bờ biển phía đông đất nước.

Một mặt, các quốc gia trong khu vực đánh giá rằng Bình Nhưỡng sẽ không dám chĩa tên lửa vào bất kỳ lãnh thổ nước nào khác, vì không muốn mạo hiểm đi đến sự tự hủy diệt. Nhưng mặt khác, khả năng thực hiện một vụ bắn ra biển trong những ngày sắp đến là rất có thể.

Đối với Le Figaro, sự việc cho thấy « căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên gia tăng ».

Việc Kim Jong-un tuyên bố đóng cửa khu công nghiệp đã đặt một dấu chấm hết cho mối quan hệ hợp tác Bắc – Nam.

Châu Á mới trỗi dậy đi tìm kiếm các nhà quản lý

Sự gia nhập của các doanh nghiệp Trung Quốc hay như Ấn Độ vào cuộc chơi toàn cầu hóa đòi hỏi nhiều năng lực mới. Trong bối cảnh đó, Singapore, một đảo quốc nhỏ thuộc khu vực Đông Nam Á muốn tự chứng tỏ là chốn hấp dẫn của các « business school ».

Chủ đề này được báo Le Monde đề cập đến qua hàng tựa « Châu Á mới trỗi dậy đang tìm kiếm nhà quản lý ».

Trong vòng môt hay hai thập niên nữa, hàng chục ngàn doanh nghiệp tư nhân tại Trung Quốc được thành lập vào năm 1992 dưới thời Đặng Tiểu Bình sẽ phải tìm kiếm một người kế thừa. Hiện tượng này cũng sẽ giống như những gì Pháp đã trải qua trong những năm 1980. Chỉ có điểm khác biệt là do « chính sách một con duy nhất và thiếu người để truyền nghề » đang tạo ra một nhu cầu đào tạo nhà điều hành, kể cả tại các công ty đa quốc gia, theo như nhận định của ông Andre Chieng, chủ tịch tập đoàn tư vấn thương mại Á – Âu.

Quả thật, chính toàn châu Á mới trỗi dậy đang đi tìm kiếm nhà quản lý để giúp doanh nghiệp đối đầu với sự cạnh tranh toàn cầu hóa.

Tờ báo cho biết, cách đây 15 năm, Ủy ban kế hoạch có tên gọi là Singapore Economic Development Board, đã đưa ra một chương trình tài trợ nhằm khuyến khích các đại học công nghệ và quản trị tốt nhất của phương Tây đến gầy dựng cơ sở trên đảo quốc.

Một loạt các trường lớn được hình thành Massachusetts Institute of Technology, Insead, Essec, Harvard … Mục tiêu : dựa vào sự hiểu biết nền kinh tế để biến đảo quốc không nguồn nhân công cũng như không sản phẩm nông nghiệp hay khai thác mỏ, thành một sàn giao dịch quan trọng trong mạng lưới tài chính, cảng biển, công nghệ thông tin và công nghệ sinh học trên toàn cầu.

Kết quả là vào năm 2012, Singapore trở thành sàn giao dịch tài chính thứ 4 và là cảng biển thứ hai trên thế giới. Xuất khẩu công nghệ sinh học vượt qua cả công nghiệp điện tử và đạt đến 25%.

Nhưng giờ đây, các nhà hoạch định Singapore đã thay đổi chiến thuật. Một nhiệm vụ quan trọng được giao cho Essec, một cơ sở đào tạo Pháp – Singapore.

Mục tiêu hàng đầu: đào tạo các nhân lực trong nước. Đối với Bộ trưởng giáo dục Singapore, đã đến lúc cần phải “đào tạo sinh viên trong nước các kỹ năng mà thế kỷ XXI đòi hỏi, về tri thức và giá trị. Những điều mà họ phải thích nghi trong suốt quãng đời”.

Đối với ông, “mô hình cũ kỹ, mà các nền kinh tế mới trỗi dậy phải sao chép hay áp dụng các kiểu thực hành tốt nhất từ các nền kinh tế phát triển không còn giá trị nữa. Việc đào tạo các nhà quản trị Singapore không nên dựa vào phương pháp nghiên cứu các trường hợp doanh nghiệp phương tây có từ xa xưa, mà cần phải dựa trên phân tích liên ngành trong bối cảnh khu vực”.

Quan điểm này cũng được một vị quan chức thuộc trường Essec đồng tán thành. Ngày nay, công tác đào tào nhà quản trị sao cho có đủ khả năng hiểu và quản lý được thực tế ở địa phương: không chỉ nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, nhưng cũng phải hiểu được thái độ của người làm công, đối tác kinh tế, các định chế xã hội và chính trị.

Ông này nhấn mạnh rằng, tại châu Á, các tập đoàn phương Tây lẫn châu Á đều mong muốn có thể tuyển dụng được các nhà điều hành châu Á được đào tạo bởi chính giảng viên và nhà nghiên cứu châu Á.

Bởi vì, theo giải thích của ông Ta-Wei Chao, giám đốc về châu Á của viện Nghiên cứu về thương thuyết của ESSEC, “mối quan hệ chủ - người làm tại châu Á không đơn thuần mang tính nghiệp vụ, mà nó gần giống như mối quan hệ gia đình […]. ở đó, sự trung thành được đảm bảo bằng các mối liên hệ xã hội hơn là bằng tiền thưởng”.

Cuối cùng, các nhà quản lý châu Á cũng nhìn nhận rằng, cũng như các đồng nghiệp phương Tây, chừng nào nền kinh tế vẫn còn mang đậm dấu ấn địa phương, chừng ấy doanh thu doanh nghiệp vẫn không đạt được kết quả trong khi việc điều hành doanh nghiệp nhất là trong thời buổi kinh tế toàn cầu hóa lại không đơn giản chút nào.

Sự ra đi cuả Margaret Thatcher để lại những cảm xúc trái chiều

Trở lại thời sự châu Âu, đa số các báo Pháp đều chạy tít lớn về sự ra đi của cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Bà ra đi để lại nhiều cảm xúc trái chiều nhau. Hầu như các báo thiên hữu tại Pháp đều bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với “Người đàn bà thép” này.

Les Echos cho rằng « Margaret Thatcher, người không thể chế ngự được ». Theo tờ báo, bà đã thay đổi sâu sắc đất nước. Chính vì vậy, tầm ảnh hưởng của bà vẫn còn mạnh mẽ trong chính trường Anh quốc.

Le Figaro dành nhiều trang báo để ca tụng sự can đảm của bà trong suốt thời gian cầm quyền qua hàng tựa « Margaret Thatcher : Sự dũng cảm lúc cầm quyền ».

Cũng giống như Les Echos, tờ báo thiên hữu này cho rằng “sự kế thừa hệ tư tưởng của bà vẫn còn tồn tại trong đời sống chính trị Anh quốc”.

Maragret Thatcher chính là “người phụ nữ đã làm thay đổi cả Anh quốc”.

Đối với cựu thủ tướng Pháp Edouard Balladure “Margaret Thatcher”, còn là một chính khách “dũng cảm và sáng suốt”.

Ngược lại, tờ báo thiên tả Libération lại xem bà là « Một vị Thần chết ». Đối với tờ báo, trong suốt 11 năm cầm quyền, bà đã cai trị đất nước với bàn tay sắt. Để biến đổi đất nước, bà đã áp dụng học thuyết tự do một cách thô bạo bất chấp sự trả giá đắt của người dân.


Switch mode views: