Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-04-2013

Giải mã chế độ kiểm duyệt Internet của Trung Quốc

cafeInternet china
Một quán café Internet tại tỉnh An Huy Trung Quốc.
Reuters/Stringer


Dưới tựa đề rất tượng hình : “Trung Quốc và internet : Một cái lồng khổng lồ”, tuần báo Anh Quốc The Economist đã dành một hồ sơ đặc biệt để phân tích về cách thức chính quyền Bắc Kinh vừa phát triển, vừa kiểm soát mạng lưới tin học trên đất nước rộng lớn của họ.

Nhận định của The Economist không một chút mập mờ : Từ một phương tiện được cho là sẽ giúp Trung Quốc dân chủ hóa, internet đã cho phép chế độ chuyên chế này kiểm soát đất nước một cách vững chắc hơn. Câu hỏi tuy nhiên là trong bao lâu nữa ?

Tạp chí Anh Quốc trước hết nhắc lại một hình tượng rất lạc quan mà cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng nêu lên cách nay 13 năm.

Khi nói về cố gắng của Trung Quốc vào thời ấy để kiểm soát internet, ông Clinton cho rằng công việc đó chẳng khác gì « bắt cóc bỏ dĩa », tức là chỉ hoài công vô hiệu.

Vào thời điểm đó, ông Bill Clinton được cho là chỉ nói lên một thực tế hiển nhiên.

Lý do là vì bản chất mạng internet là phân tán, trải rộng khắp nơi, sử dụng rất nhiều kênh khác nhau, nên khó có thể bị chặn. Bên cạnh đó, internet dường như có khả năng mở cửa thế giới cho cả những người ở tận những nơi hang cùng ngõ hẻm.

Người ta nghĩ rằng – tương tự như những phương tiện truyền thông trước đây đã từng giúp lật đổ chế độ độc tài, như điện tín trong cuộc cách mạng Bolshevik ở Nga vào năm 1917, hay phát thanh bằng sóng ngắn trong vụ làm Liên Xô phân rã vào năm 1991 - mạng Internet chắc chắn sẽ làm xói mòn thể chế độc tài tại Trung Quốc nhà nước.

Những kỳ vọng trên đây, theo The Economist, ngờ đâu đã không thành hiện thực.

Không những thể chế độc đoán tại Trung Quốc vẫn tồn tại được, bất chấp sự phổ cập của internet, mà thậm chí nhà nước toàn trị đó còn uốn nắn được công nghệ này vào mục đích riêng của họ, cho phép chính quyền kiểm soát tốt hơn xã hội Trung Quốc và thiết lập một mô hình cho các chế độ chuyên chế khác áp dụng.

Tuần báo Anh phân tích : Để kiểm soát internet, Đảng và Nhà nước Trung Quốc đã triển khai cả một đạo quân gồm công an mạng, kỹ sư phần cứng, chuyên gia phát triển phần mềm, cán bộ giám sát trang web, đồng thời thuê mướn cả một đội ngũ tuyên truyền viên trực tuyến, có nhiệm vụ theo dõi, thanh lọc, kiểm duyệt và hướng dẫn người sử dụng Internet tại Trung Quốc.

Các công ty Internet tư nhân tại Trung Quốc, mà đa số là bản sao chép của các tập đoàn phương Tây, đã được chính quyền bật đèn xanh cho phát triển mạnh, miễn là không đi chệch khỏi đường lối của đảng.

Hồ sơ của tuần báo Anh Quốc rất chi tiết, và đề cập đến hầu như mọi khía cạnh liên quan đến internet tại Trung Quốc, từ việc phân tích các loại máy móc, thiết bị dùng để kiểm soát internet, hệ thống tường lửa vĩ đại được mệnh danh là Vạn lý trường thành tin học, cho đến sự phát triển nhanh chóng của các tiểu blog, hoặc là các hành động coi thường thiên hạ của các tin tặc Trung Quốc…

Mô hình kiểm soát internet của Trung Quốc đang lan rộng

Một trong những bài đáng chú ý nhất liên quan đến sự xuất khẩu của mô hình kiểm soát internet từ Trung Quốc qua các quốc gia khác trong đó có Việt Nam. Dưới tựa đề « Mỗi nước một vẻ », bài báo của tờ The Economist nhận định : « Mô hình kiểm soát internet theo kiểu Trung Quốc đang được chấp nhận ở những nơi khác ».

Theo tờ báo, một hội nghị Liên Hiệp Quốc về quản lý viễn thông ở Dubai cuối tháng Mười hai vừa qua, tập hợp đại diện của hầu hết các quốc gia trên thế giới, đã tranh cãi dữ dội trên vấn đề nên quản lý internet như thế nào.

Các cuộc tranh luận cho thấy một sự phân chia rõ ràng giữa hai khối nước.

Một bên là Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu và các nước phát triển khác, chủ trương để internet được dùng một cách tự do, còn bên kia là các quốc gia như Trung Quốc, Nga, Ả Rập Xê Út, Sudan và một số nước độc đoán khác, ủng hộ cách tiếp cận của Trung Quốc (hoặc một biến thể tại Nga), muốn kiểm soát mạng tin học theo hướng tranh thủ được những lợi ích kinh tế, nhưng đồng thời theo dõi, lọc lựa, kiểm duyệt và kết tội những ai sử dụng quyền tự do ngôn luận trên internet.

Theo ghi nhận của The Economist, nhiều quốc gia châu Á và châu Phi đang sử dụng công nghệ Trung Quốc, vừa để cung cấp dịch vụ truy cập Internet, vừa để kiểm soát việc sử dụng mạng lưới này.

Trong lúc đó, một số nước vùng Trung Á thì dùng công nghệ giám sát của Nga.

Một số rất ít, như Turkmenistan, thì thích mô hình của Bắc Triều Tiên, hầu như cấm mọi người không được dùng internet, hay là Azerbaijan, không làm gì để khuyến khích việc sử dụng internet.

Bà Katy Pearce, chuyên gia thuộc Đại học Washington, đã nhận thấy rằng Azerbaijan chẳng hạn, đã tung ra một chiến dịch hiệu quả chống lại điều bị coi là các tệ nạn của các trang web, gắn liền internet với bệnh tâm thần, tình trạng ly hôn trong xã hôi, nạn mãi dâm và ấu dâm.

Theo chuyên gia này, chỉ có 1/4 dân số Azerbaijan sử dụng internet, và chỉ có 7% là có mặt trên Facebook, một tỷ lệ thấp hơn hẳn so với các láng giềng nghèo hơn.

Tuy nhiên, đối với The Economist, Azerbaijan là trường hợp khá ngoại lệ, còn hầu hết các chế độ độc tài đều đã cho phép internet phát triển nhanh chóng, khi thấy Trung Quốc chứng tỏ được là họ hoàn toàn có thể tiếp thu internet trong khi vẫn giữ mạng lưới này dưới quyền giám sát chặt chẽ.

Tại Kazakhstan chẳng hạn, mặc dù việc truy cập bị kềm chế nghiêm ngặt, hiện có khoảng 50% dân số dùng internet, so với vỏn vẹn 3,3% trong năm 2006.

Các loại vũ khí kiểm duyệt trong tay các chính quyền

Tuần báo Anh cũng đã lập ra danh mục các phương tiện hiện được các chính quyền độc đoán sử dụng để khống chế internet.

Ở Nga, Nigeria, Việt Nam và nhiều nơi khác, chính quyền trả tiền thuê người viết blog và bình luận nhằm tuyên truyền cho đường lối nhà nước.

Chiến thuật này đã được Trung Quốc bắt đầu tiến hành từ năm 2005 với đội ngũ « bình luận viên mạng » hay « Ngũ mao đảng » - báo chí phương Tây gọi là « Đảng 50 xu - Party 50-Cent », tức là các những người được thuê viết bình luận trên các trang web hay diễn đàn để định hướng dư luận theo ý muốn của chính phủ.

Gọi là ’50 xu’ vì mỗi lời bình được nhà nước trả thù lao 50 xu.

Belarus, Ethiopia, Iran và nhiều nước khác thì được cho là sử dụng phương tiện gọi là « kiểm tra chiều sâu » để tìm kiếm các nội dung xấu trong các thông tin liên lạc của người sử dụng internet. Hai tập đoàn viên thông Trung Quốc Hoa Vi (Huawei) và Trung Hưng (ZTE) nằm trong số các nguồn cung cấp phần cứng cho các nước để áp dụng phương tiện kiểm tra này. Hệ quả, theo The Economist, rất rõ ràng.

Một khi biết được là bị theo dõi, người sử dụng internet dễ có khuynh hướng tự kiểm duyệt trước.

Ngoài ra một số quốc gia độc đoán cũng áp dụng phương thức ngăn không cho truy cập các trang web nước ngoài mang nội dung nhạy cảm về chính trị, đồng thời đóng cửa hoặc gây khó khăn cho các trang web đối lập trong nước. Tại một số quốc gia, các trang web đối lập thường là đối tượng của những cuộc tấn công từ chối dịch vụ trên quy mô lớn.

Một kỹ thuật khác, vay mượn từ Nga, là cáo buộc các nhà điều hành trang web dám gây phiền hà vào tội phỉ báng hoặc đi theo chủ nghĩa cực đoan, mà ở một số nước là tội hình sự.

Phương pháp này được Kazakhstan sử dụng, đồng thời với phương thức ngăn chặn một số trang web mà không cần giải thích, như Trung Quốc thường làm…

Theo The Economist, ngày càng có nhiều quốc gia có một màng lưới internet có thể gọi là của riêng họ, với tường lửa bao quanh dày hay mỏng tùy theo ý muốn của chính quyền sở tại.

Họ lập luận rằng các chính phủ phương Tây cũng quản lý internet, cũng kiểm duyệt và đóng cửa các trang web gây tranh cãi, vì vậy phương Tây cũng phải để cho nước khác làm như vậy.

Đấy chính là mấu chốt của các cuộc tranh luận tại hội nghị viễn thông ở Dubai. Nga, Trung Quốc và 87 nước khác nhấn mạnh rằng tất cả các nước cần phải công nhận chủ quyền của nhau trong việc kết nối với Internet theo cách riêng của mình.

Nghị quyết đó không được thông qua, nhưng rõ ràng là mô hình Internet của Trung Quốc đã thu hút được rất nhiều nước.

Việt Nam khuyến khích sinh con gái

Liên quan đến Việt Nam, tạp chí M của nhật báo Le Monde số ra tuần này đã nêu bật phản ứng của chính quyền trước một tình trạng đáng báo động : Gái thiếu, trai thừa.

Theo số liệu được Le Monde trích dẫn, tại Việt Nam hiện nay, cứ 112 bé trai, thì chỉ có 100 bé gái, trong khi mức trung bình của thế giới là khoảng 106 trai cho 102 gái.

Nguyên nhân của tình trạng gái thiếu trai thừa này là việc lạm dụng phương thức phá thai có chọn lọc giới tính của thai nhi, cụ thể là trong trường hợp thai nhi sẽ là con gái. Cho dù bị cấm từ năm 2003, nhưng tệ nạn này vẫn không giảm bớt do tâm lý trọng nam khinh nữ vẫn ngự trị trong xã hội theo phụ hệ.

Trước tình trạng đó, Le Monde ghi nhận là chính phủ Việt Nam đã quyết định đi « ngược dòng của nhiều quốc gia châu Á khác », và khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con gái.

Để đảo ngược xu hướng gái thiếu trai thừa này, Việt Nam dự trù một kế hoạch 96 triệu euro bao gồm các khoản phụ cấp đặc biệt, cung cấp bảo hiểm y tế hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập.

Đối với Việt Nam, theo Le Monde, nếu không có giải pháp nhanh chóng, thì vào năm 2030, đất nước này sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt từ 3 đến 4 triệu phụ nữ.

Cần phải cảnh giác trước thuốc gốc ?

Về làng báo Pháp, các hồ sơ chính chủ yếu xoay chung quanh các đề tài xã hội. Le Nouvel Observateur dành trang bìa cho giới thanh niên Pháp với một hồ sơ phân tích tỉ mỉ về « các điểm đến để thành công » trong việc « Đi học hay làm việc tại nước ngoài », tựa lớn trên trang bìa.

Đáng chú ý hơn tuy nhiên là hồ sơ trên tờ L’Express, tập trung nói về thuốc gốc (médicament générique), tức là các loại thuốc tương đương với thuốc gọi là biệt dược (médicament princeps) của các hãng dược phẩm lớn – mà chúng ta biết đến nhiều hơn - nhưng được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của các hãng đó không còn hiệu lực, nhờ đó thường được bán với giá rẻ.

Dưới tựa đề gây chấn động trên trang bìa « Thuốc gốc : Tiếng báo động của giới bác sĩ », tạp chí Pháp đã công bố một phóng sự điều tra nơi giới bác sĩ tại Pháp về hiệu quả trị bệnh của các loại thuốc gốc giá rẻ so với các loại biệt dược của các tập đoàn dược phẩm, được bán ra với giá cao hơn.

Nguyên do thúc đẩy L’Express đào sâu vấn đề này, đó là vì ở Pháp, chính quyền luôn khẳng định là thuốc gốc có công hiệu tương đương như các loại biệt dược truyền thống, vì thế, kể từ năm 2003 đến nay, khi mua thuốc, bệnh nhân phải chấp nhận thuốc gốc, nếu muốn được bồi hoàn tiền thuốc theo luật định, còn nếu đòi mua thuốc đặc hiệu thì phải tự trả phần chênh lệch.

Chủ trương nói trên của chính quyền, theo L’Express, đã không được nhiều người trong giới chuyên môn tán đồng. Theo tờ báo, đã có đến 42% bệnh nhân, và 50% bác sĩ cho rằng họ đã thấy có khác biệt giữa thuốc gốc và biệt dược.

Một số bác sĩ còn cho rằng khái niệm « tương đương » được chính quyền đưa ra để áp đặt việc dùng thuốc gốc hoàn toàn không có nghĩa là « giống y như nhau ». Thậm chí, trong một số trường hợp, thuốc gốc còn bị cho là có tác động phụ không hay.

Tuy nhiên, tất cả các chuyên gia đều đồng ý với nhau là dù thuốc gốc hay biệt dược, điều quan trọng vẫn là làm sao có được phương tiện trị bệnh hiệu quả nhất. Vấn đề theo tuần báo Pháp, là nhà nước Pháp đã áp đặt định đề thuốc gốc không khác gì biệt dược để buộc mọi người chấp nhận, một định đề mà một số nhà chuyên môn đả kích.

Cùng với phóng sự về Thuốc gốc tại Pháp, L’Express đã công bố trích đoạn một quyển sách sắp xuất bản của ông Sauveur Boukris, một bác sĩ đa khoa tại Paris, trong đó ông tố cáo cái nhìn thuần túy hành chánh tại Pháp về thuốc gốc, xem đấy là « một sự lừa bịp về mặt trí tuệ », « một sự phi lý về mặt kinh tế » và « một mối đe dọa về mặt y tế».

Bên cạnh đó, L’express cũng đăng bài phỏng vấn ông Dominique Maraninchi, Giám đốc Cơ quan Quốc gia về An toàn Dược phẩm, theo đó các loại thuốc gốc không tạo ra một rủi ro nào đặc biệt, và so với biệt dược thì « hiệu quả như nha ».

Trung Quốc : Giấc mơ đô thị

Không hẹn mà gặp, giống như tạp chí Anh The Economist, tuần báo Pháp Courrier International cũng dành hồ sơ đặc biệt cho Trung Quốc, nhưng trong lãnh vực đô thị hóa, với loạt bài theo chủ đề chung là « Trung Quốc : Giấc mơ đô thị ».

Theo Courrier International, giới lãnh đạo mới của Trung Quốc đã cho rằng sự phát triển của thành phố sẽ bảo đảm đà tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Mục tiêu họ đề ra : 60% đô thị vào năm 2020, với gần 20 triệu cư dân đô thị mới mỗi năm.

Để đạt được chỉ tiêu đó, Bắc Kinh đã loan báo các biện pháp cải cách trong đó có việc những người từ nông thôn di dân ra thành thị có thể sẽ không còn bị coi là công dân hạng hai nữa.

Thế nhưng, tạp chí Pháp đã trích dịch một bài phóng sự đăng trên tờ Trung Quốc Chu San để xác định rằng trước mắt, những người dân đó vẫn bị liệt vào diện công dân thứ yếu tại các thành phố lớn ở Trung Quốc. Trong khi chờ đợi cải tổ, đà đô thị hóa vẫn được thúc đẩy với tốc độ ‘phi mã’, và - như một bài viết trên tuần báo Liêu vọng Đông phương Chu san - tiếp tục gặm nhắm đất canh tác, gây thiệt hại cho môi trường và làm gia tăng các vụ xung đột về quyền sở hữu đất đai.

Trong bài xã luận mang tựa đề : « Bong bóng, hố sâu và đám mây », Courrier International đã lấy ví dụ về sự phát triển khủng khiếp của Thượng Hải, thủ phủ kinh tế của Trung Quốc để nêu bật các thách thức mà các đô thị Trung Quốc đang gặp phải.

Theo tạp chí Pháp, ngay từ trước chiến tranh, Thượng Hải, được mệnh danh là Hòn ngọc phương Đông, đã là một thành phố rất đông dân, với 4 triệu con người. Vào năm 2013 này, dân số Thượng Hải đã lên đến 22 triệu người, với các tòa nhà chọc trời, xe cộ đầy đường… và lợn chết ném xuống sông.

Giống như Bắc Kinh, thành phố này của Trung Quốc, đã trở thành biểu tượng của sự đồ sộ quá mức, của một cỗ máy thu hút người nhâp cư từ vùng nông thôn, một nhà máy tạo giấc mơ.

Theo gót hai thành phố cực lớn đó, hàng chục đô thị « triệu phú » về mặt dân số ngày càng nhấm nháp nhiều hơn một chút các vùng nông thôn Trung Quốc. Kể từ năm 1949 đến nay, tỷ lệ đô thị hóa tại Trung Quốc đã tăng từ 10% lên thành 51,3%.

Như thế lại càng tốt : chính quyền Trung Quốc đã phản ứng như vậy vì phát triển đô thị đã trở thành động cơ chính thức của tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong cuộc đua ‘bê tông hóa’ này, Chính phủ Lý Khắc Cường sẽ phải tránh ba cạm bẫy.

Đầu tiên, bong bóng địa ốc đã dẫn đến việc giá của các căn hộ tại hầu hết các thành phố ở Trung Quốc tăng gấp đôi trong vòng năm năm gần đây. Kế đến là tình trạng hố sâu ngăn cách giữa người dân thành phố đã định cư từ lâu và những người mới đến, không có khả năng mua nhà và sinh hoạt.

Dân số đô thị gồm hai tầng này có nguy cơ biến các thành phố Trung Quốc thành vạc dầu xã hội.

Sau cùng, cần phải cẩn thận trước đám mây mù ô nhiễm, sẽ che khuất bầu trời cũng như bịt đường hô hấp của con người, biến cuộc sống thường nhật của khoảng 700 triệu thị dân thành cơn ác mộng.

Phá vỡ bong bóng địa ốc, lấp đầy hố sâu ngăn cách hai loại cư dân, và xua đuổi các đám mây ô nhiễm : đó là ba điều kiện để xây dựng các « thành phố tốt hơn cho một cuộc sống đẹp hơn. ». Đây là một khái niệm rất Trung Quốc bởi vì nó là chủ đề của hội chợ triển lãm thế giới Thượng Hải vào năm 2010.

Tổng thống Pháp sẽ công du Trung Quốc hạ tuần tháng Tư 2013

Cũng về Trung Quốc, nhưng trong quan hệ với Pháp, tuần san M của Le Monde đã tiết lộ rằng Tổng thống Pháp François Hollande sẽ công du Trung Quốc trong hai ngày 24 và 25 tháng tư tới đây.

Thông tin này được Le Monde tiết lộ trong một bài viết về cựu Thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin, người được giới chủ nhân cũng như chính khách Pháp, tả cũng như hữu, tôn làm « đại quân sư » trong địa hạt quan hệ với Trung Quốc.

Từng phát huy vai trò này dưới thời hai Tổng thống cánh hữu Jacques Chirac và Nicolas Sarkozy, ông Raffarin đã tiếp tục được các nhận vật cánh tả tin tưởng và tham khảo ý kiến mỗi khi cần quan hệ với Bắc Kinh, từ bà Nicole Bricq, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương, cho đến Ngoại trưởng Laurent Fabius, hoặc bà Martine Aubry, Đại diện Đặc biệt của Bộ Ngoại giao Pháp về Trung Quốc…

Theo Le Monde, có lẽ chính trong tư cách cố vấn không chính thức này, lại được chính quyền Bắc Kinh tin tưởng, mà ông Raffarin sẽ tháp tùng ông Hollande trong chuyến đi sắp tới đây. Và Tổng thống Pháp sẽ là nguyên thủ ngoại quốc đầu tiên được ông Tập Cận Bình nghênh đón tại Bắc Kinh từ ngày chính thức lên làm chủ tịch nước Trung Quốc.

Trước đó ông Jean-Pierre Raffarin đã có dịp hội kiến với ông Tập Cận Bình khi dẫn đầu một phái đoàn doanh nhân Pháp tham dự Diễn đàn Kinh tế Châu Á mở ra tại Bác Ngao (Hải Nam) từ ngày 06/04/2013.

 

Switch mode views: