Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-02-2018

Thế Vận 2018: Seoul-Bình Nhưỡng hòa dịu nhưng khó “đột phá ngoại giao”

moon jeain

Liệu tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In có tạo được đột phá ngoại giao ? Ảnh chụp lễ ông Moon Jae In (phải) nhậm chức tổng thống Hàn Quốc 10/05/2017.
Wikipedia

Chính phủ Pháp phát triển cảnh sát gần dân để bảo vệ an ninh tốt hơn, dự kiến ngân sách quốc phòng 2019-2025 theo hướng gia tăng, 500 doanh nghiệp năng động nhất đóng góp cho tăng trưởng nước Pháp là một số chủ đề lớn trang nhất báo Pháp hôm nay, 09/02/2018.

Tuy nhiên, chủ đề thu hút nhiều giấy mực nhất vẫn là Thế Vận Hội Mùa Đông, khai mạc hôm nay, với sự tham gia của Bắc Triều Tiên, đang bị Liên Hiệp Quốc trừng phạt về chương trình hạt nhân.

 Le Figaro có bài phân tích : « Giai đoạn hòa dịu Olympic giữa hai miền Triều Tiên », nhấn mạnh là chế độ Bình Nhưỡng đã tận dụng tối đa giai đoạn hòa hoãn này để đạt được một số nhân nhượng từ Seoul và quốc tế, nhưng cơ hội cho một « đột phá ngoại giao » là rất mong manh.

Một trong những bất ngờ lớn nhất của « giai đoạn hòa hoãn » Thế Vận Hội này là việc Bình Nhưỡng cử em gái của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, bà Kim Yo Jong, trạc 30 tuổi, đến dự lễ khai mạc.

Tối nay, em gái của Kim Jong Un – một đối tượng trừng phạt của chính quyền Mỹ (do vai trò của nhân vật này trong bộ máy kiểm duyệt thông tin) - ngồi trên khán đài chính, chỉ cách phó tổng thống Mỹ Mike Pence vài mét.

Theo Le Figaro, việc bà Kim Yo Jong hiện diện tại Hàn Quốc, vào đúng dịp này, chẳng khác nào một hành động chọc tức Washington khá ngoạn mục.

Việc thành viên đầu tiên trong gia tộc họ Kim tới Hàn Quốc kể từ khi cuộc chiến Triều Tiên kết thúc (1950-1953), trên thực tế, chỉ được chính thức quyết định « vào phút chót », khi Bình Nhưỡng hoàn tất danh sách gần 300 thành viên phái đoàn tham dự Thế Vận.

Seoul hoan nghênh quyết định này, coi như « một dấu hiệu mới cho thiện chí của Bình Nhưỡng », mang lại hy vọng sẽ có « một đột phá ngoại giao bên lề các cuộc tranh tài thể thao », kéo dài đến ngày 25/02.

Hàn Quốc muốn tranh thủ cơ hội thoát khỏi bóng Mỹ

Theo nhà nghiên cứu Kim Ji Yoon, viện tư vấn độc lập Asan Institute ở Hàn Quốc, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In thuộc cánh trung tả – đắc cử tháng 5/2017 - muốn tranh thủ thời cơ hòa hoãn, để thoát khỏi cái bóng của nước Mỹ, nhằm khởi sự một cuộc « đàm phán trực tiếp » với lãnh đạo Bắc Triều Tiên.

Nếu xảy ra, đây sẽ là « lần đầu tiên » lãnh đạo hai miền đối thoại trực tiếp, kể từ 10 năm nay, tức là từ khi phe bảo thủ lên nắm quyền.

Hàn Quốc đã có một loạt nhân nhượng trong dịp Thế Vận, như yêu cầu Hội Đồng Bảo An hủy bỏ một số quy định trừng phạt Bắc Triều Tiên trong thời gian sự kiện thể thao này.

Việc ông Choe Hwi - một quan chức cao cấp Bắc Triều Tiên bị cấm ra nước ngoài, do trừng phạt của Hội Đồng Bảo An – đến Hàn Quốc được coi là « một thắng lợi ngoại giao » của Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, về triển vọng biến các cơ hội hòa hoãn ngoại giao thành giải pháp đột phá, nhà phân tích Tertitsky của kênh truyền thông Mỹ NK News – chuyên về Bắc Triều Tiên, có trụ sở ở Hàn Quốc – cho rằng cơ hội không nhiều, bởi Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ rất đối kháng trong vấn đề hạt nhân, và những nhà chiến lược có quan điểm thực tế ở Bình Nhưỡng cũng hiểu rõ là « không thể bẻ gẫy trục hợp tác Seoul-Washington ».

Dù sao, Le Figaro nhấn mạnh là, đằng sau hậu trường, tổng thống Hàn Quốc vẫn hết sức nỗ lực để môi giới cho các cuộc gặp trực tiếp giữa phái đoàn Bắc Triều Tiên và phó tổng thống Mỹ, thậm chí một cuộc gặp giữa em gái Kim Jong Un và con gái tổng thống Mỹ, Ivanka Trump, dự kiến sẽ tham gia lễ bế mạc.

Một trắc nghiệm cho thấy có đột phá ngoại giao hay không đó là vấn đề : Liệu các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, được đẩy lùi đến cuối tháng 3, theo đề nghị của tổng thống Hàn Quốc, có một lần nữa được hoãn lại hay không ?
Giai đoạn hòa hoãn trên bán đảo Triều Tiên có thể sẽ « nhanh chóng chấm dứt » là ý kiến của nhà nghiên cứu Barthélemy Courmont, Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS) trên La Croix.

Kim Jong Un – « Người làm chủ cuộc chơi »

Về chiến lược tận dụng thời kỳ hòa hoãn của Bắc Triều Tiên, báo Libération có cái nhìn lạc quan hơn, với hàng tựa trang nhất : « Kim Jong Un, người làm chủ cuộc chơi », trên nền hình ảnh ông chủ Bình Nhưỡng trong trang phục vận động viên trượt băng nghệ thuật, nghiêng mình trong một vòng lượn trên băng, với nụ cười hoan hỉ.

Theo Libération, giai đoạn hòa hoãn « chưa từng có » lần này là do « thiện chí bất ngờ » của ông Kim Jong Un, muốn biến cơ hội này thành dịp quảng cáo cho chế độ.

Ông Pierre Rigoulot, một « chuyên gia về các chế độ cộng sản » có bài phân tích trên Le Figaro mô tả chiến thuật truyền thống, « đã được minh chứng » của chế độ Bắc Triều Tiên, đó là luân phiên đe dọa với đề nghị hòa bình.

Le Monde có bài « Trò chơi hai mặt của Kim Jong Un ».
Cũng Le Monde, có nhận định của nhóm ba chuyên gia làm việc cho một số định chế khoa học Hàn Quốc, lưu ý : « Hạt nhân Bắc Triều Tiên cũng là một mối đe dọa với châu Âu ».

Thế Vận Hội mùa đông: Thể thao của các nước giàu

Về phương diện thể thao, theo Libération, Thế Vận Hội mùa đông lần này tại Hàn Quốc, tuy được sự tham gia của 92 đoàn thể thao các nước, nhưng trên thực tế chỉ là nơi đua tài của khoảng 20 quốc gia. Khoảng 10 quốc gia – trong đó đứng đầu là Canada, Thụy Sĩ, Nga, Hoa Kỳ và Đức – chiếm đến hơn 80% trong tổng số 3.000 vận động viên tham dự.

Nhận xét của Libération là, trái với Olympic Mùa Hè, Thế Vận Hội Mùa Đông chủ yếu vẫn là sự kiện thể thao « của các nước giàu, nhiều hơn là các nước có địa hình núi non ».

 Đoàn thể thao nước Anh nhiều gấp 8 lần so với nước Chili, một quốc gia ôn đới, nhiều núi. Con số quốc gia đoạt huy chương trong lần Thế Vận trước là 26, điều mà Thế Vận Mùa Hè đã làm được từ những năm 1920.

Tranh cử tổng thống Nga: Putin rút cục chỉ có 8 « đối thủ »

Về thời sự quốc tế, Le Figaro chú ý đến cuộc tranh cử tổng thống Nga chính thức khởi sự hôm qua. Theo Ủy ban bầu cử Nga, rút cục chỉ có 8 ứng cử viên được chấp nhận ra đấu với tổng thống mãn nhiệm Putin, trong số 64 người nộp đơn lúc khởi sự.
« Một ngọn núi hy vọng của xã hội, chỉ sinh ra có một con chuột nhắt », tờ báo ví von châm biếm.

Le Figaro điểm mặt phía những người cầm chắc thất bại, trong cuộc đọ sức với tổng thống Nga cầm quyền từ 18 năm nay, có « nhà báo đối lập Ksenia Sobtchak, có cha là người đỡ đầu ông Putin về chính trị ».

Theo Vtsiom, cơ quan điều tra dư luận của Nhà nước, cơ sở duy nhất được phép tiến hành các thăm dò, tổng thống Nga sẽ được 71% phiếu bầu trong cuộc bầu cử 18/03 tới.

Nhà chính trị học Mark Ournov nhận xét, điều chủ yếu là chính quyền « loại trừ mọi ứng cử viên, tỏ ra là nguy hiểm với ông Putin ».

Nhiều nhà phân tích độc lập lưu ý đến tính chất trình diễn của cuộc tranh cử tổng thống Nga, nơi các ứng cử viên được chọn thành từng cặp, để các phe dân tộc chủ nghĩa, phe cộng sản, phe tự do tự đối đầu và triệt tiêu lẫn nhau.

Về cuộc tranh cử tổng thống Nga, báo Le Monde có bài mô tả, với nhiều vẻ hài hước, nhận xét là, chắc chắn giành thắng lợi, tổng thống Nga liên tục có các chuyến đi để quảng bá hình ảnh của mình, nhưng từ chối các tranh luận.

Trong lúc một trợ lý truyền thông của tổng thống Nga cho báo chí biết cương lĩnh tranh cử của tổng thống đang được chuẩn bị, thì một tình nguyên viên khác cho rằng, tổng thống Putin không cần cương lĩnh.
« Cương lĩnh chính là ông ấy ! ». Người này chỉ lên một loạt các bức ảnh Putin, Putin với các vận động viên, với giới trẻ, với binh sĩ, với các nhạc sĩ…

Truyền thông Nhà nước và truyền thông thân chính quyền đóng vai trò lớn cho các ảnh hưởng « sâu sắc và thực sự » của ông Putin tại Nga.

Chỉ số Dow Jones lao dốc: Thêm dấu hiệu cáo chung của chính sách tín dụng 30 năm dễ dãi ?

Trong lĩnh vực kinh tế, báo Le Monde đặc biệt chú ý đến một số dấu hiệu cho thấy có thể có những thay đổi lớn trong chính sách cho vay dễ dãi của ngân hàng trung ương của các cường quốc.
Đầu tuần này, chỉ số chứng khoán Mỹ Dow Jones lao dốc đến 4,6%.

Bất chấp dấu hiệu trên, nhiều chuyên gia như ông Paul Jackson (Invesco PowersShares) tỏ ra lạc quan là các nền kinh tế châu Âu và Mỹ hiện nay đều « khỏe mạnh », và đây đơn giản chỉ là một triệu chứng « tiêu hóa kém », sau gần hai năm liên tục tăng trưởng.

Thế nhưng, theo Le Monde, « các rung chấn » nói trên là một dấu hiệu rõ ràng mới cho thấy chính sách cho vay với lãi suất hết sức thấp của các ngân hàng trung ương đang bước vào giai đoạn cáo chung.

Le Monde điểm lại chính sách Nhà nước Mỹ, hồi năm 1987, can thiệp trực tiếp vào thị trường tài chính, với việc bơm tiền ồ ạt để cứu thị trường Wall Street, mất giá hơn 20% trong vòng hai tháng.

Nhờ can thiệp của chính quyền, thị trường đã phục hồi, nhưng chính sách can thiệp được tiến hành liên tục từ đó đến nay cũng đi kèm với việc lãi suốt cho vay liên tục sụt giảm trong ba thập niên qua, từ 10% vào cuối những năm 1980 đến chỉ còn 1,3% hồi giữa năm 2016.

Lãi suất rất thấp có hệ quả là khuyến khích vay mượn tràn lan, đầu mối dẫn đến các bong bóng địa ốc chẳng hạn. Đó là mầm mống của cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế năm 2008.

Việc vay nợ tràn lan cũng làm gia tăng sự bất bình đẳng giữa các thế hệ, với tình trạng nhà ở đang ngày càng trở nên đắt đỏ, giới trẻ càng ít người có cơ hội sở hữu nhà, so với các thế hệ trước.

Theo một điều tra của S&P, công bố hôm ngày 5/2, về 13.000 doanh nghiệp trên thế giới, thì có đến 37% là « nợ nần đầm đìa », với tổng nợ gấp hơn 5 lần so với kết quả kinh doanh).

Gần đây, các ngân hàng trung ương bắt đầu lo sợ hậu quả khủng khiếp của tình trạng vay nợ tràn lan này.
 Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (FED) dần dần điều chỉnh theo hướng lãi suất tăng lên, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (BCE) cũng ngưng dần can thiệp vào thị trường.

Switch mode views: