Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-12-2017

«Quyền lực bén», vũ khí lũng đoạn thâm hiểm của Trung Quốc

cologne

Lễ hội ánh sáng Trung Quốc tổ chức tại Cologne (Köln), Đức ngày 25/11/2017.
REUTERS/Thilo Schmuelgen

Sau khi ra số đặc biệt về thần tượng âm nhạc Johnny Hallyday vừa qua đời, các tuần báo Pháp vắng bóng trên sạp.
Cả hai tờ Le Courrier International và Le Point phát hành trong tuần này đều dành chủ đề cho Trung Đông.

Riêng tuần báo Anh The Economist đăng ảnh bìa là hình vẽ trái đất với những gai sắt nhọn tua tủa, chạy tựa « Quyền lực bén, một dạng mới của ảnh hưởng Trung Quốc ».

Ở trang trong, tờ báo phân tích cụ thể việc chính quyền Trung Quốc thâm hiểm dùng mọi cách xâm nhập để dẫn dắt công luận và dập tắt những tiếng nói chỉ trích của các nước khác trên thế giới. Phương thức này có thể gọi là « sharp power », tạm dịch « quyền lực sắc bén ».

Úc, New Zealand, Canada, Đức…những nạn nhân của vòi bạch tuộc Trung Quốc

The Economist nhận định, trong năm qua nước Úc đã bị một loạt xì-căng-đan, mà gần đây nhất là vụ Sam Dastyari, một chính khách gốc Iran thuộc đảng Lao Động, đã phải rút lui khỏi Quốc Hội hôm 12/12.
Trong một băng ghi âm, ông Dastyari đã cổ vũ Úc « tôn trọng » yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông, đi ngược lại với chủ trương của chính phủ và ngay cả của đảng mình.
Dân biểu này còn cố ngăn trở người phát ngôn về đối ngoại của đảng gặp một nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông.

Trước đó một năm, Dastyari đã mất chức trưởng ban kinh tế của đối lập, sau khi bị tiết lộ là ông ta đã từng nhận tiền của Hoàng Tương Mô (Huang Xiangmo), một doanh nhân người Hoa có quan hệ chặt với đảng Cộng Sản Trung Quốc, khi có những phát biểu bênh vực sự bành trướng của Bắc Kinh.

Rất nhiều bằng chứng về việc Trung Quốc xỏ mũi vào chính trị và các trường đại học khiến giám đốc tình báo Úc phải cảnh báo rằng đất nước đang đối mặt với sự can thiệp nước ngoài « ở mức độ chưa từng thấy ».
 Những tiết lộ khác cho thấy hai công ty Trung Quốc, trong đó có một công ty của ông Huang, đã tặng 6,7 triệu đô la Úc (5 triệu đô la Mỹ) cho hai đảng chính trong thập niên qua.

Hôm 5/12, chính phủ loan báo cấm nhận những món tiền từ người cho không phải là công dân Úc, và yêu cầu giới lobby chính trị phải khai báo nếu họ làm việc cho nước ngoài.

Không chỉ có nước Úc. Hồi tháng Chín, tờ Financial Times cho biết một dân biểu New Zealand từng giảng dạy trong một trường tình báo Trung Quốc trong nhiều năm trời, nhưng không ghi thông tin này trong lý lịch lúc xin nhập tịch.
Sự kiện trên khiến ngày càng có nhiều lời kêu gọi xem xét kỹ lưỡng về cộng đồng người Hoa tại New Zealand.
Cơ quan tình báo Canada thì đã lo ngại từ lâu : năm 2010 họ đã cảnh báo rằng có nhiều nhân viên chính phủ là người trà trộn gây ảnh hưởng.

Tại châu Âu, cơ quan tình báo Đức tuần này tố cáo Bắc Kinh sử dụng mạng xã hội để liên lạc với 10.000 công dân Đức, kể cả dân biểu và công chức, nhằm « thu thập thông tin và tạo nguồn ».
Có những báo cáo cho biết tình báo Trung Quốc cố gắng dựng lên những chính khách ở Anh, đặc biệt những người có quan hệ làm ăn.
Mới nhất hôm 13/12, một ủy ban của Quốc Hội Mỹ bắt đầu xem xét các âm mưu gây ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh.

sam dastyari
Dân biểu Úc Sam Dastyari phải từ chức vì nhận tiền của Bắc Kinh để ủng hộ "chủ quyền" Trung Quốc trên Biển Đông.
AAP/Mick Tsikas/via REUTERS

Lũng đoạn và gây sức ép khắp nơi

Phương cách của Trung Quốc có thể gọi là « sharp power », quyền lực bén.
Không đến mức như quyền lực cứng thông qua sức mạnh quân sự hoặc kinh tế, nhưng khác với quyền lực mềm thông qua văn hóa, và ma mãnh hơn.

Quyền lực bén là từ ngữ do National Endowment for Democracy (Quỹ Quốc gia vì Dân chủ - NED) sáng tạo, để chỉ loại quyền lực thông qua lũng đoạn và gây áp lực.

Chuyên gia Anne-Marie Brady thuộc trường đại học Canterbury, New Zealand coi sự xâm nhập của Trung Quốc là « một trận chiến toàn cầu » để « lèo lái, mua chuộc hay cưỡng bức để gây ảnh hưởng ».

Rất khó đối phó với quyền lực bén. Trung Quốc dùng sức mạnh kinh tế để bóp nghẹt những chỉ trích từ nước ngoài về hệ thống chính trị, vi phạm nhân quyền, bành trướng trên biển ; nhất là dập tắt những tranh luận về Đạt Lai Lạt Ma, Pháp Luân Công, vụ thảm sát Thiên An Môn.

Từ nhiều năm qua, Bắc Kinh cũng đã cố dập tắt những phê phán qua việc từ chối cấp visa cho không ít nhà báo, giáo sư đại học, các chính phủ và công ty hay chỉ trích Trung Quốc.
Bên cạnh đó là giám sát Hoa kiều, với các phương tiện truyền thông bằng tiếng Hoa và các hội nhóm thân chính phủ.

Quyền lực mềm từ lâu cũng được sử dụng rộng rãi với 500 Viện Khổng tử tại các trường đại học, 1.000 « lớp học Khổng tử » ở các trường trung học trên toàn thế giới, đa số tại các nước giàu.
Không chỉ dạy tiếng Hoa, các Viện này còn cố chứng minh với sinh viên phương Tây về sự « hữu hảo » của chế độ độc đoán Bắc Kinh.

Sự nham hiểm của « quyền lực bén »

« Quyền lực bén » cố xâm nhập vào chính trị, truyền thông và giáo dục để vẽ ra một hình ảnh tích cực của Trung Quốc và bóp méo thông tin.
The Economist nêu ra ba đặc tính của loại quyền lực này : hiện diện khắp nơi, khiến người ta phải tự kiểm duyệt, và rất khó chứng minh có bàn tay của Nhà nước.

Về đặc tính thứ nhất, hầu hết các chính phủ và cơ quan tình báo các nước ngỡ rằng Bắc Kinh chỉ xâm nhập giám sát cộng đồng người Hoa, nhưng họ đã lầm.
Các Viện Khổng tử trở nên « bén nhọn » hơn. Nhiều trường đại học thiếu tiền đã thay thế các chương trình dạy ngoại ngữ của mình bằng chương trình của các viện này, thế là các chủ đề nhạy cảm bị bỏ sang một bên.

Hiệp hội Sinh viên Học sinh Trung Quốc (CSSA) được các đại sứ quán Trung Quốc tài trợ cũng thế.
Một giảng viên đại học Úc cho biết nhiều sinh viên Trung Quốc đã xin được xếp vào các nhóm không có sinh viên người Hoa nào khác để khỏi bị theo dõi.

Tại Hoa Kỳ, thượng nghị sĩ Marco Rubio trong cuộc điều trần tuần này đã tỏ ra thất vọng khi các lãnh đạo chính trị và kinh tế dường như « ngủ quên » trong lúc Trung Quốc xảo quyệt tấn công vào nền độc lập đại học, tự do ngôn luận.

Human Rights Watch tố cáo công an Trung Quốc đến « hỏi thăm » cha mẹ một sinh viên hai ngày trước đó đã nêu ra các « chủ đề nhạy cảm » trong một cuộc hội thảo khép kín tại một trường đại học Mỹ.
Các sinh viên người Hoa bị ngăn trở khi ghi danh vào trường đại học California sau khi Đạt Lai Lạt Ma phát biểu tại đây.
 Ông Rubio nhận định các hoạt động can thiệp của Trung Quốc là « vấn đề địa chính trị hết sức quan trọng ».

Mục đích trước mắt của « quyền lực bén » là sự tự kiểm duyệt.
Hồi tháng Tám, Bắc Kinh đã đòi hỏi nhiều nhà xuất bản bỏ các bài viết về Thiên An Môn, các cuộc nổi dậy của người Duy Ngô Nhĩ ra khỏi cơ sở dữ liệu.

Springer và Cambridge University Press (CUP) đã làm theo, nhưng do bị phương Tây chỉ trích dữ dội, CUP đã phải hồi phục lại.
Tháng 11 vừa qua, một nhà xuất bản Úc đã phải thu hồi cuốn « Sự xâm nhập lặng lẽ » (Silent Invasion), một liên hoan điện ảnh Pháp mùa hè rồi không cho chiếu một bộ phim về Trung Quốc đương đại dưới áp lực của Bắc Kinh.

Năm ngoái 16 dân biểu Mỹ tố cáo tập đoàn Vạn Đạt (Dalian Wanda) - sở hữu một hãng phim Hollywood và hai chuỗi rạp xi-nê ở Hoa Kỳ - kiểm duyệt các đề tài.
Nhiều tổ chức có Nhà nước Trung Quốc đứng phía sau cố tăng cường quan hệ đối tác với các tổ chức tư vấn và trường đại học phương Tây để ngăn họ chỉ trích Bắc Kinh.
Về truyền thông, một cuộc điều tra của Reuters năm 2015 phát hiện đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI) tài trợ cho ít nhất 33 đài tại 14 nước, trong đó có Úc và Mỹ, tạo thành một mạng lưới tuyên truyền các tin tức có lợi cho Bắc Kinh.
Hầu hết phát bằng tiếng Anh, tiếng Hoa, nhưng có cả tiếng Ý, Thái, Thổ Nhĩ Kỳ ; quan hệ với chính phủ Trung Quốc được giấu sau các công ty bình phong.

Tất nhiên là khó thể chứng minh được « bàn tay lông lá » của Bắc Kinh – một đặc tính thứ ba của « quyền lực bén ».
Ngay cả trường hợp dân biểu Úc Dastyari ủng hộ « chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông » như đã nói ở trên cũng thế.

Trung Quốc sẽ thành công với « quyền lực bén » ?

Liệu « quyền lực bén » có phải là một công thức mang lại thành công hay không ? The Economist đặt câu hỏi.
Tập Cận Bình, lãnh đạo quyền lực nhất từ sau Mao Trạch Đông, không chỉ cai trị Trung Quốc bằng bàn tay sắt, mà còn muốn vươn vòi ra kiểm soát khắp các nước.

Bắc Kinh xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo chiếm đóng ở Biển Đông, gởi tàu chiến đi tập trận với Nga ở Địa Trung Hải và biển Baltic, mở căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti.
Song song với quyền lực cứng là « quyền lực bén » để dập tắt chỉ trích, trưng ra bộ mặt cường quốc có trách nhiệm.

Tuy nhiên ít nhất là tại Úc, sự can thiệp trắng trợn của Trung Quốc đã bắt đầu gây phản tác dụng.
Ở nhiều trường đại học, xuất hiện các áp-phích đòi trục xuất Hoa kiều, những chữ « Kill Chinese » tại toa-lét trường đại học Sydney, và có những thanh thiếu niên Trung Quốc bị hành hung tại một trạm xe buýt ở Canberra.

Cuộc « cách mạng độc tài » Philippines và « nền dân chủ phi tự do »

Cũng về châu Á, Le Courrier International dịch lại bài viết của Nikkei Asian Review, nhận định « Philipppines, cuộc ‘cách mạng’ độc tài ».
Nhờ có sự ủng hộ của giới bình dân và sự đồng lõa của chính giới, nền dân chủ lâu đời của Philippines có nguy cơ bị tổng thống Rodrigo Duterte làm sụp đổ.

Ba mươi năm sau khi nhà độc tài Ferdinand Marcos (1965-1986) bị lật đổ, bóng ma của một chế độ toàn trị lại ám ảnh Philippines.
Hôm 30/11, hàng ngàn người đã xuống đường ở Manila để đòi hỏi thành lập một « chính quyền cách mạng ».

Cuộc biểu tình do các nhóm ủng hộ ông Duterte tổ chức, họ muốn đình chỉ Hiến pháp dân chủ, dành ưu tiên cho chế độ độc tài của tổng thống !
Một tháng trước, chính ông Duterte cảnh báo « sẽ không ngần ngại tuyên bố một chính quyền cách mạng cho đến hết nhiệm kỳ », nếu đối lập tiếp tục « gieo rắc hỗn loạn, gây bất ổn ».

Đối với vị tổng thống nổi tiếng thô bạo, không có đối lập hợp pháp, chỉ có « những kẻ phá hoại ».
Trong năm qua, phần lớn chính giới hoặc theo đuôi tổng thống, hoặc giữ thái độ thụ động, chờ thời.

Duterte vừa có được đa số ở Quốc Hội, vừa được Tối cao Pháp viện ưu ái : cho cải táng nhà cựu độc tài Marcos tại nghĩa trang Anh hùng dân tộc (tháng 11/2016), và cho phép ra lệnh thiết quân luật ở Mindanao (tháng 5/2017).

 Những nhân vật hiếm hoi dám chống lại ông Duterte bị đàn áp, thậm chí như nữ nghị sĩ Leila de Lima còn bị tống giam với những lý do mơ hồ.
Nikkei Asian Review kết luận, Philippines đang bước vào một vùng xám, mà một chuyên gia mô tả là « một nền dân chủ phi tự do ».

Ông già Noel Trump tặng quà cho Israel và Trung Quốc

Nhìn sang vùng đất đang nóng bỏng là Trung Đông, Le Courrier International dành chủ đề cho « Jerusalem : Trump đổ dầu vào lửa ».
Tuyên bố của tổng thống Mỹ công nhận Jerusalam là thủ đô của Israel đã gây ra nhiều phản ứng trái ngược trên thế giới.

Trong bài « Đối với Israel, Ông già Noel có thật và tên là Donald Trump » trên tờ New York Times được Le Courrier International dịch lại, tác giả Thomas Friedman cho biết ông viết về ngoại giao Mỹ suốt 30 năm qua, nhưng chưa bao giờ thấy một tổng thống lại nhượng bộ nhiều đến thế cho các nước khác – cụ thể ở đây là Trung Quốc và Israel – mà không hề đòi hỏi « bánh ít đi bánh quy lại ».

Đối với Bắc Kinh và Tel Aviv, đúng là Noel đã đến sớm, với « Ông già Noel » Trump.
Từ khi Israel lập quốc, tất cả các chính phủ nước này đều mơ một ngày nào đó được Hoa Kỳ công nhận Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Do Thái.
Và tất cả các chính quyền Mỹ đều thận trọng không làm điều đó, cho rằng phải trong khuôn khổ một thỏa thuận hòa bình Israel-Palestine.

Theo tờ báo, ông Trump thay vì biếu không món quà quý giá này, cần đòi Israel ngưng xây dựng các khu định cư chẳng hạn.
Còn đối với Trung Quốc, vừa bước chân vào Nhà Trắng, Donald Trump đã quẳng ngay TPP vào thùng rác, mà không hề đòi hỏi Bắc Kinh một nhượng bộ thương mại nào.
Trong khi hiệp định tự do mậu dịch quy mô nhất trong lịch sử này chính là công cụ bằng vàng duy nhất mà Hoa Kỳ có được, để quyết định tương lai địa chính trị khu vực và gây áp lực với Trung Quốc.

Khi Trump từ bỏ TPP, tất cả các đồng minh không còn tin tưởng vào Hoa Kỳ - theo một quan chức cấp cao Hồng Kông.
New York Times cho rằng sở dĩ Donald Trump phung phí tài nguyên và uy tín của Mỹ, không chỉ vì ông ngốc nghếch không biết gì, mà còn vì ông không tự coi mình là tổng thống Hoa Kỳ - chỉ là tổng thống của những người đã bầu ông lên.
Trump coi trọng những lời hứa vô nghĩa hồi tranh cử, hơn là lợi ích của nước Mỹ.

Về phía Israel, trong bài « Vâng, Jerusalem thuộc về chúng tôi » của tờ Yediot Aharonot được Le Courrier International trích dịch, tờ báo cánh hữu nhắc nhở Jerusalem trong lịch sử luôn là thủ đô của người Do Thái.
Jerusalem được Kinh thánh nhắc đến trên 850 lần, còn kinh Coran không hề đề cập đến dù chỉ một lần. Trong những ngày lễ tôn giáo, người Do Thái luôn chấm dứt buổi cầu kinh bằng câu « Sang năm về Jerusalem ».
Và ngày nay, thành phố này là nơi đặt trụ sở Quốc Hội, chính phủ, tư pháp cũng như các định chế quốc gia của Israel.

MBS, ông hoàng trẻ tuổi làm náo động thế giới Ả Rập

Cũng liên quan đến Trung Đông, tuần báo Le Point đăng ảnh thái tử Mohammed Ben Salmane của Ả Rập Xê Út lên trang nhất và chạy tựa « Hồi giáo, Trung Đông, Jerusalem…Ông hoàng có thể thay đổi mọi thứ ».

Trong vòng chưa đầy sáu tháng, Mohammed Ben Salmane, thường gọi tắt là MBS, 32 tuổi, được phong thái tử hồi tháng Sáu, đã làm đảo lộn vương quốc Ả Rập này.
Ông cam đoan « dẹp bỏ những ý tưởng cực đoan » của Hồi giáo, đưa ra quyết định lịch sử cho phụ nữ được lái xe, và tung ra cuộc cách mạng kiểu Thatcher, nhằm đưa đất nước ra khỏi sự lệ thuộc vào dầu lửa.

Năng động và tham vọng, vị thái tử trẻ tuổi chuẩn bị kỹ lưỡng việc lên nối ngôi, tống khứ mọi đối thủ, không từ cả việc nhốt vào khách sạn sang trọng nhất nước.
MBS quyết tâm triệt hạ chân tay của Iran trong khu vực, với sự ủng hộ của Donald Trump – bán cho Ả Rập Xê Út hàng tỉ đô la vũ khí.

 Ông không ngần ngại lao vào cuộc xung đột Yemen đã làm 10.000 người chết, cấm vận nước láng giềng Qatar, thậm chí còn bắt làm con tin thủ tướng của một nước ngoài – ông Saad Hariri của Liban.
Là con của người vợ thứ ba, ái thiếp của quốc vương, tuy không hề du học nước ngoài như ba người anh cùng cha khác mẹ và không giỏi tiếng Anh, nhưng siêng năng và quyết đoán, MBS được vua cha cưng chiều.

Thái tử hiện giữ rất nhiều chức : phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Quốc Phòng, cố vấn đặc biệt của quốc vương, chủ tịch Hội đồng Kinh tế Phát triển.
Có hẳn một đội ngũ tư vấn phương Tây tên tuổi, MBS thường làm việc đến ba giờ sáng, với mong muốn cứu vãn đất nước đang bị giá dầu xuống thấp đe dọa.
Ông rất ghét bị mất thì giờ vì tình hình không cho phép : trong ba năm nữa, dự trữ ngoại hối quốc gia có thể cạn.

Switch mode views: