Cột đá Obélisque : Biểu tượng sức mạnh trên quảng trường Concorde, Paris
- Thứ Sáu, 19 tháng Năm năm 2017 20:56
- Tác Giả: Thu Hằng
Quảng trường Concorde và cột đá Obélisque, quận 8 Paris.CC/Mbzt
Cao 22,37 mét và nặng gần 230 tấn, cột đá Obélisque vươn cao giữa quảng trường Concorde, quận 8 Paris.
Vượt hơn 12.000 km từ đền Luxor thờ thần Amun ở Ai Cập, cột đá Luxor có niên đại khoảng 3.300 năm (thế kỷ XIII, TCN) đến Paris sau hành trình 2 năm và 9 tháng.
Đây cũng là món quà Ai Cập tặng nước Pháp, đồng thời để ghi công nhà nghiên cứu Jean-François Champollion (1790-1832), người đầu tiên giải mã được chữ tượng hình Ai Cập cổ.
Cột đá được đặt trên bệ đỡ cao 9 mét, nằm giữa quảng trường Concorde được quy hoạch lại theo yêu cầu của vua Louis-Philippe I (trị vì 1830-1848).
Tên gọi của quảng trường rộng nhất Paris (8,64 ha) được thay đổi liên tục trong thế kỷ XIX cho thấy sự bất ổn về chính trị và xã hội của nước Pháp trong giai đoạn này.
Từng mang tên Quảng trường Louis XV, rồi quảng trường Cách Mạng, quảng trường Concorde, trước khi được đổi thành quảng trường Louis XVI, quảng trường Charte, để cuối cùng lại được chính thức mang tên quảng trường Concorde vào năm 1835 với mục đích đề cao sự hòa giải dân tộc.
Từ khi triều đại Charles X (1824-1830) sụp đổ, dựng bức tượng đồ sộ một vị vua ở trung tâm quảng trường không còn ý nghĩa như trước.
Có lẽ vì thế, sự kiện cột đá Luxor được đưa về Paris lại là một điều may mắn cho vua Louis-Philippe I. Vì kiệt tác kiến trúc này mang tính trung lập, không gắn liền với bất kỳ khái niệm chính trị nào ngoài biểu tượng cho quan hệ Pháp-Ai Cập.
Đặt cột đá Luxor ở quảng trường Concorde là phương án thứ hai của kiến trúc sư phụ trách quy hoạch Jacques Ignace Hittorff và được Hội đồng Thành phố thông qua ngày 24/04/1835, vì quảng trường gần bến Concorde, nơi con tầu chở cột đá sẽ neo đậu, tiện hơn là đặt trên quảng trường Invalides.
Chính nhờ vị trí này, tháp Luxor trở thành điểm giao giữa hai trục quan trọng. Theo hướng bắc-nam, cột đá nằm giữa điện Bourbon (trụ sở Hạ Viện Pháp) và Hôtel de la Marine (từng là trụ sở của Hải Quân Pháp), nơi quyết định và thực hiện quá trình vận chuyển cột đá từ Ai Cập về Paris.
Đặc biệt hơn, cột Luxor còn nằm trên trục đông - tây lịch sử của Paris (đường hoàng gia - voie royale), từ điện Louvre qua vườn hoa Tuileries đến đại lộ Champs-Elysées và Khải Hoàn Môn.
Đến thời tổng thống François Mitterrand, trục này được kéo dài thêm về phía tây với công trình Grande Arche de la Fraternité (tạm dịch : Tương Ái Môn, thường được gọi là Arche de la Défense hay Grande Arche) và phía đông với Thư Viện Quốc Gia Pháp mới (Bibliothèque nationale de France, BNF).
Tượng vua Louis XV cưỡi ngựa trên quảng trường Concorde. Sau này là vị trí của cột Luxor.
Cột đá Ai Cập : Paris chỉ có 1, Roma có 13
Cột đá Obélisque trên quảng trường Concorde chỉ là một trong số vài chục cột đá có từ thời Ai Cập cổ đại.
Thường được làm theo hình trụ và đỉnh được đẽo thành hình kim tự tháp, những cột “benben” - theo tiếng Ai Cập cổ mang nghĩa “đứng thẳng và tỏa sáng” - tượng trưng cho tia sáng mặt trời hằn trong đá, được dựng lên để thờ thần Mặt Trời Amun Rê.
Vào thế kỷ XIX, chỉ riêng thủ đô Roma (Ý) đã có 13 cột đá Ai Cập nổi tiếng, trong khi Paris chưa có một kiệt tác nào.
Dưới triều đại của vua Louis XVIII (1815-1824), chính quyền Pháp thương lượng với phó vương Ai Cập Méhémet-Ali, người gốc Albani và nổi tiếng muốn hiện đại hóa Ai Cập theo mô hình phương Tây, để có được một trong những cột đá của đền Thoutmosis III ở Alexandria.
Đến năm 1828, nam tước Isidore Taylor (1789-1879), cố vấn của hoàng đế Charles X (1824-1830), tiếp tục cuộc thương lượng.
Trong thư gửi vua Ai Cập, nam tước Taylor cho rằng “Paris, dù có những lâu đài và quảng trường nhưng vẫn chưa đạt đến vẻ lộng lẫy huy hoàng mà Roma có được. Ở đây, người ta không thấy bất kỳ một cột đá nào được chuyển từ Ai Cập về châu Âu”.
Tuy nhiên, nhà Ai Cập học Jean-François Champollion lại không ủng hộ lựa chọn cột đá ở Alexandria mà đề xuất với vua Charles X (ngày 04/07/1829) chọn hai cột Luxor, ít bị hư hỏng hơn và được trang trí nhiều chữ tượng hình hơn.
Champollion thuyết phục phó vương Ai Cập Méhémet-Ali tặng nước Anh một cột đá Alexandria và một cột khác ở đền Karnak mà ông biết rõ là không thể chuyển được về châu Âu.
Quảng trường Concorde khoảng năm 1900 (bưu thiếp).
Hành trình 2 năm 9 tháng từ Luxor đến Paris
Tháng 11/1829, Ủy ban Nghiên cứu Vận chuyển các cột đá Ai Cập về Pháp được thành lập và do bộ Hải Quân chỉ huy.
Theo báo cáo Miêu tả các tháp đá Louqsor trên quảng trường Concorde và Invalides (*), công việc đầu tiên là đóng một con tầu lớn có sàn phẳng, đủ rộng để có thể chở được hai cột đá theo dự kiến.
Ngoài ra, độ sâu của con tầu phải đủ để di chuyển được ngoài biển song cũng có thể xuôi ngược trên dòng sông Nil và sông Seine.
Sau khi bác đề án năm 1829 của một sĩ quan Hải Quân Pháp kiêm giám đốc xưởng đóng tầu Alexandria, Ủy ban quyết định đóng một tầu vận tải chuyên biệt tại cảng Toulon (miền nam Pháp) theo thiết kế của kỹ sư Rolland (1769-1837) và đặt tên là “Luxor”.
Để phân bổ đều trọng lượng của các cột đá, tầu Luxor gồm 5 khoang, dài 42 mét và rộng 9 mét.
Ba cột buồm có thể hạ được để phủ bạt chống nóng tại Ai Cập và tránh những cây cầu bắc qua sông Seine ở Paris.
Quá trình hạ và vận chuyển cột đá được giao cho kỹ sư Hàng Hải Apollinaire Lebas (1797-1873).
Chở đầy lương thực và dụng cụ, con tầu xuất phát từ cảng Toulon ngày 15/04/1831 với 121 thủy thủ đoàn và cập cảng Alexandria ngày 03/05.
Vẫn theo tập Miêu tả các tháp đá Louqsor trên quảng trường Concorde và Invalides, khó khăn thực sự chỉ bắt đầu khi con tầu ngược dòng sông Nil : phải mất 50 giờ mới đi được một hải lý (hơn 5,5 km) dưới cái nóng 38 độ Réaumur (khoảng 47,5 độ C).
Cuối cùng, con tầu cũng đến được khu đền cổ ngày 14/08/1831. Suốt tháng Chín, thủy thủ đoàn xây cơ sở hạ tầng cho đoàn làm việc : lán trại, bếp, cối xay, vườn rau với hạt giống mang từ Pháp và bệnh viện dã chiến vì đúng lúc dịch tả hoành hành.
Không thể chở cả hai cột đá về Pháp, kỹ sư Lebas quyết định chọn cây cột hướng tây, nhỏ hơn nhưng có tình trạng tốt hơn và dễ vận chuyển hơn.
Ngày 31/10/1831, cột đá được hạ xuống nhờ hai hệ thống tời đứng và cần cẩu pa lăng cùng với 200 nhân lực.
Ngay hôm sau, tháp được chuyển xuống tầu Luxor. Thủy thủ đoàn cắt phần đầu tầu và mất khoảng 1 giờ 30 để đẩy tháp lên, sau đó đóng lại như cũ.
Công việc hoàn thành ngày 25/12/1831 nhưng mất 8 tháng chờ nước sông lên. Cập cảng Alexandria ngày 02/01/1833, tận ba tháng sau, tầu Luxor mới bắt đầu hành trình vượt Địa Trung Hải và được móc vào tầu Sphinx chạy bằng hơi nước.
Đến cảng Le Havre, tầu Luxor tiếp tục cuộc hành trình trên sông Seine do một tầu hơi nước nhỏ kéo thay tầu Sphinx.
Khi đến bến Concorde vào tháng 08/1834, cột Obélisque được đặt trên bờ.
Phải hai năm sau, cột đá mới được chính thức dựng trên quảng trường Concorde. Người ta phải sử dụng đến 14, rồi 28 con ngựa để kéo cột đá đến trung tâm. Một con dốc dài 120 mét được dựng lên để kéo tháp lên bệ.
Dựng cột Obélisque Luxor trên quảng trường Concorde ngày 25/10/1836. Tranh mầu nước 1837.
Bảo tàng Hải Quân Quốc Gia Pháp
Ngày 25/10/1836, khoảng 100 nhạc công chơi bản Les mystères d’Isis (tạm dịch : Những bí ẩn của nữ thần Isis) của Mozart cùng với ánh mắt hiếu kỳ của khoảng 200.000 người đổ về quảng trường.
Vào lúc 11 giờ 30, 350 pháo binh được phân công vào 10 chiếc tời để kéo dựng cột Luxor.
Không xuất hiện trước công chúng, vua Louis-Philippe I và hoàng tộc theo dõi từ Hôtel de la Marine sự kiện hiếm có này, vừa vì lý do an toàn, vừa sợ bị thất bại.
Đến 14 giờ 30, cột đá đứng vững trên bệ và lá cờ Pháp phấp phới trên đỉnh tháp. Chứng kiến cảnh này, vua Louis-Philippe I ra hiệu cho người dân hoan hô, lúc đó vẫn còn đang nín thở theo dõi.
Dù không dựng tượng mình giữa quảng trường như những triều đại khác, hình ảnh vua Louis-Philippe I luôn gắn liền với biểu tượng Obélisque giữa quảng trường Concorde.
Năm 1839, một bản tóm tắt quá trình vận chuyển, tên những nhân vật chính tham gia... được khắc dưới chân tháp.
Kiến trúc sư Hittorff tiếp tục quy hoạch quảng trường với hai đài phun nước lớn, 8 bức tượng đại diện các thành phố lớn của Pháp, 18 cột đèn trang trí hình mũi tầu chiến.
Đến năm 1937, cột đá Luxor được xếp hạng di tích Lịch Sử.
Năm 1981, chính phủ Pháp chính thức trả lại cho Ai Cập cột đá thứ hai được tặng, và vẫn ở nguyên trước đền Luxor.
Năm 1998, theo đề xuất của nhà Ai Cập học Christiane Desrochers-Noblecourt, cột Obélisque được dựng thêm phần chóp, hình kim tự tháp, được làm bằng đồng và mạ vàng, theo đúng truyền thống cổ đại.
Ngày nay, cứ vào ngày 14/07 hàng năm, dưới chân Obélisque là khán đài của tổng thống, chính phủ và quan khách để tham dự lễ diễu binh chào mừng Quốc Khánh Pháp.
Quảng trường Concorde nhìn từ trên cao, khoảng năm 1915.
(*) Alexandre de Laborde, Description des obélisques de Louqsor figurés sur les places de la Concorde et des Invalides (Miêu tả các tháp đá Louqsor trên quảng trường Concorde và Invalides), Paris : Chez Bohaire, 1833.
Related news items:
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-05-2017 - 20/05/2017 16:21
- Nhật Bản: Vì chữ tình, công chúa từ bỏ vương vị - 20/05/2017 14:52
- Iran : Tổng thống mãn nhiệm Rohani tái đắc cử vẻ vang với tỷ lệ 57% - 20/05/2017 14:31
- Tân tổng thống Hàn quốc mời linh mục làm phép dinh tổng thống - 20/05/2017 00:17
- Công chúa Mako 'tự lo cuộc sống' sau khi kết hôn - 19/05/2017 23:03
- Năm kịch bản về tương lai của Julian Assange - 19/05/2017 22:35
- Truất phế tổng thống Mỹ : Ảo tưởng hay thực tế qua ba câu hỏi - 19/05/2017 22:24
- Donald Trump lên đường công du để «tránh bão» ở Washington - 19/05/2017 22:12
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-05-2017 - 19/05/2017 21:40
- Syria: Mỹ không kích một đoàn xe quân sự của phe thân Damas - 19/05/2017 21:12
Các tin khác
- Máy bay Trung Quốc đối đầu với phi cơ Mỹ ở biển Hoa Đông - 19/05/2017 18:26
- Rút Dự Luật ‘cho đảng viên cộng sản làm công chức tại California’ - 19/05/2017 02:56
- Tổng thống Hàn Quốc ăn cơm trưa 3 đô la - 19/05/2017 02:45
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-05-2017 - 18/05/2017 23:01
- Con Đường Tơ Lụa: Trung Quốc đưa tuyên truyền đến tận đầu giường - 18/05/2017 13:29
- Mỹ: Tư pháp bổ nhiệm biện lý đặc biệt điều tra về Donald Trump và Nga - 18/05/2017 13:12
- GM. Nguyễn Thái Hợp: Một chuyến đi đau lòng! - 17/05/2017 23:09
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-05-2017 - 17/05/2017 22:13
- Mỹ và Trung Quốc cùng soạn nghị quyết trừng phạt Bắc Triều Tiên - 17/05/2017 19:15
- Trung Quốc bố trí pháo chống người nhái trên Đá Chữ Thập - 17/05/2017 18:57