Mỹ bầu tổng thống sau một chiến dịch tranh cử gây chia rẽ
- Thứ Ba, 08 tháng Mười Một năm 2016 14:53
- Tác Giả: Anh Vũ, Trọng Thành
Ứng viên Hillary Clinton trong buổi mít tinh ở Cleveland, bang Ohio, ngày 06/11/216.
REUTERS/Carlos Barria
Hôm nay, 08/11/2016, cử tri Mỹ chính thức đi bỏ phiếu chọn bà Hillary Clinton hay ông Donald Trump làm tổng thống thứ 45 của hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Hai ứng viên của đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đã kết thúc chiến dịch vận động tranh cử kéo dài 18 tháng, với những màn tấn công nhau dữ dội chưa từng có trong lịch sử gây xáo động nước Mỹ.
Đây cũng là kỳ bầu cử tổng thống gây thất vọng nhất cho người dân Mỹ.
Sau khi vượt qua được vòng bầu cử sơ bộ trong mỗi đảng, nhà tỷ phú Donald Trump - đại diện của đảng Cộng Hòa và bà Hillary Clinton, chính trị gia dày dạn kinh nghiệm của đảng Dân Chủ, đã bước vào một cuộc đối đầu trực diện trong một chiến dịch tranh cử dữ dội, nhưng cũng gây chia rẽ nước Mỹ nhất từ trước đến nay.
Nếu như tỷ phú Donald Trump có khẩu hiệu « Hãy làm nước Mỹ mạnh trở lại », " Nước Mỹ là trên hết ", thì bà Hillary Clinton hô hào « Cùng nhau, chúng ta sẽ mạnh hơn ».
Tuy nhiên, trong suốt chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, các chương trình hành động về kinh tế, chính trị - xã hội cho nước Mỹ đã nhanh chóng bị che lấp bởi các vụ lùm xùm bê bối và những màn tấn công nhau không khoan nhượng từ cả hai phe.
Trong ba cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình, cũng như tại hàng loạt các cuộc mít tinh trên khắp các tiểu bang, cử tri Mỹ chủ yếu chứng kiến những cuộc khẩu chiến dữ dằn, có phần thô bạo của hai ứng viên nhằm tấn công vào tư cách của đối thủ.
Dư luận Mỹ nhận thấy đây là kỳ bầu cử gây thất vọng nhất của lịch sử nước Mỹ.
Dù đã huy động hết nguồn lực cho một chiến dịch tranh cử dài hơi, nhưng cả Hillary Clinton và Donald Trump đều không phải là những ứng viên tổng thống lý tưởng đối với đại đa số cử tri Mỹ.
Họ lựa chọn bỏ phiếu cho một trong hai ứng cử viên trong tâm trạng miễn cưỡng nhiều hơn là được thuyết phục.
Trước khi kết thúc chiến dịch tranh cử, hôm qua 07/10 ứng viên Donald Trump đã tăng tốc để thuyết phục các cử tri còn lưỡng lự.
Trong một ngày, ông đã đi tới 5 tiểu bang để diễn thuyết.
Cùng lúc phe Dân chủ cũng huy động tổng lực với cuộc mít tinh của bà Hillary Clinton tại Philadelphia, tập hợp khoảng 40.000 người, với sự tham gia của tổng thống Obama, cả gia đình nhà Clinton và những ngôi sao ca nhạc nổi tiếng của Mỹ như Lady Gaga, Bruce Springsteen, Jon Bon Jovi.
Đến trước ngày bỏ phiếu chính thức, hầu hết các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ứng viên đảng Dân Chủ vượt lên với khoảng trên dưới 2%.
Tuy nhiên, con số chênh lệch này vẫn nằm trong phạm vi sai số của thống kê, chưa có gì khẳng định ai chiến thắng. Cả phe Dân Chủ cũng như Cộng Hòa đều nín thở chờ đợi phán quyết qua lá phiếu của cử tri Mỹ sẽ có trong ít giờ nữa.
Theo dự tính, vào lúc khoảng 3 giờ, giờ quốc tế ngày 09/11, mọi người có thể biết tên người chiến thắng, tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Mệt mỏi vì cuộc tranh cử kéo dài
Sau một giai đoạn tranh cử tổng thống kéo dài, rất căng thẳng và thậm chí rất hung bạo, các cử tri Mỹ nhìn chung đều thở phào nhẹ nhõm khi ngày bỏ phiếu rốt cuộc cũng đã tới.
Từ San Francisco, thông tín viên Carlotta Morteo cho biết tâm trạng của cử tri tiểu bang miền viễn tây nước Mỹ :
« Rời khỏi phòng bỏ phiếu, các cử tri California đều có một quan điểm thống nhất. Một nữ cử tri cho biết bà khá lo ngại về kết quả, nhưng thật mừng là cuối cùng thì mọi sự cũng sẽ sớm kết thúc.
Một nam cử tri nhận xét là cuộc tranh cử tổng thống rất sôi động, nhưng ông cũng mong sớm kết thúc, cuộc tranh cử vừa qua phải nói là rất gây chia rẽ, rất tồi.
Một nam cử khác thì cho rằng đây là một trò hề, một trò lừa đảo khủng khiếp, điều đáng tiếc là người ta đã không thảo luận thực sự về chính trị trong cuộc tranh cử vừa qua.
Thất vọng về tính chất trống rỗng của một cuộc tranh cử chính trị tràn ngập những lời lẽ cực đoan, rất nhiều cử tri Hoa Kỳ cũng bực bội vì tình trạng bội thực thông tin, và khoản tiền 10 tỉ đô la được chi cho quảng cáo.
Một cử tri nói ông hết sức mệt mỏi, vì ngày nào cũng buộc phải nghe đi nghe lại những thông tin như vậy.
Một cử tri khác cũng cùng cảm nhận là ông phải tiếp nhận hàng tấn thông tin, gần như bị bão hòa vì các thông tin dồn dập về bầu cử ; quảng cáo về bầu cử chỉ là những lời lẽ tuyên truyền, chỉ là những lời lẽ mà mỗi người muốn được rót vào tai.
Theo báo The Washington Post, cuộc tranh cử tổng thống Mỹ là món lộc trời cho đối với công nghiệp truyền thông.
Một ví dụ, đó là hãng CNN đã kiếm được một tỉ đô la năm nay, hay New York Times kiếm được thêm 516.000 khách hàng mới ».
Tin mới
- Bầu cử Mỹ: Trump thắng bất ngờ, thị trường thế giới chao đảo - 09/11/2016 19:51
- Chân dung tổng thống tỷ phú của nước Mỹ - 09/11/2016 18:07
- Bầu cử Mỹ: Donald Trump đắc cử, Cộng Hòa vẫn giữ hai viện Quốc Hội - 09/11/2016 17:54
- LỜI ĐẦU TIÊN TIÊN CỦA TÂN TỔNG THỐNG MỸ THỨ 45 : DONALD TRUMP - 09/11/2016 17:42
- Nước Mỹ đi bỏ phiếu chọn tổng thống - 09/11/2016 02:26
- Bà Clinton đại thắng ở đảo Guam - 09/11/2016 00:33
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-11-2016 - 09/11/2016 00:09
- Bầu cử tổng thống Mỹ : Lá phiếu quan trọng của giới trẻ - 08/11/2016 22:22
- Hồng Kông : Hàng trăm luật sư biểu tình phản đối Bắc Kinh - 08/11/2016 22:14
- Trung Quốc : Mô hình dân chủ Mỹ "thất bại" - 08/11/2016 22:06
Các tin khác
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-11-2016 - 07/11/2016 23:14
- Bầu cử Mỹ: Bộ máy tuyên truyền Trung Quốc "vớ bở" - 07/11/2016 02:03
- Biểu tình rầm rộ tại Hồng Kông chống Trung Quốc - 07/11/2016 01:50
- Ấn Độ mua máy bay cứu hộ và công nghệ nguyên tử của Nhật Bản - 06/11/2016 23:47
- Indonesia tăng cường lực lượng quân sự ở sát Biển Đông - 06/11/2016 23:12
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-11-2016 - 05/11/2016 21:28
- Clinton, Trump cố thuyết phục những cử tri còn do dự - 05/11/2016 20:52
- J-20: “Bảo bối” mới giúp Trung Quốc tăng xuất khẩu vũ khí - 05/11/2016 20:07
- Người già Trung Quốc cảm thấy bị xã hội bỏ rơi - 05/11/2016 16:46
- Tuyên ngôn chung Công Giáo và Tin Lành Luther - 04/11/2016 22:33