Ảo tưởng của tiến trình toàn cầu hóa
- Thứ Sáu, 04 tháng Mười Một năm 2016 19:21
- Tác Giả: Thanh Hà
Biểu tình chống hiệp định tự do mậu dịch giữa LH Châu Âu và Canada.REUTERS.REUTERS
Tự do mậu dịch, đầu tư trực tiếp nước ngoài, ổn định tài chính quốc tế : nền tảng của chính sách hội nhập đã bị lung lay.
Tiến trình toàn cầu hóa đang bị đảo ngược ? "La démondialisation- Phi toàn cầu hóa", nhà xuất bản Seuil (2011) của giáo sư kinh tế Jacques Sapir.
Vào lúc Hoa Kỳ vượt qua nhiều thách thức để đạt được Hiệp định tự do mậu dịch TPP với 11 đối tác trong vùng Châu Á Thái Bình Dương và vẫn kỳ vọng nhanh chóng kết thúc đàm phán với Liên Hiệp Châu Âu về Hiệp định tự do mậu dịch Xuyên Đại Tây Dương, thì từ Âu sang Á và ngay cả trên đất Mỹ, chưa bao giờ công luận lại dửng dưng với những hứa hẹn một khu vực « tự do mậu dịch » rộng lớn có thể đem lại.
Trong gần bốn thập niên, kinh tế toàn cầu đã phát triển nhờ tổng kim ngạch trao đổi mậu dịch được nhân lên gấp 10 lần vào cuối thập niên 2010 so với thời điểm đầu những năm 1980.
Trong cùng thời kỳ, một loạt các nước chậm phát triển đã vươn lên để trở thành những « con rồng, con cọp » của châu Á, hay châu Mỹ La Tinh.
Trung Quốc, Brazil ngày càng hội nhập vào các hoạt động kinh tế của thế giới. Bức tường Berlin sụp đổ, kèm theo đó là sự cáo chung của khối Xô Viết … tất cả những yếu tố đó đã cho phép giao thương quốc tế tăng vọt, 600 triệu người thoát khỏi cảnh bần cùng.
Tất cả những thành tựu đó như thể đều chứng minh rằng : thế giới sẽ thịnh vượng hơn khi không còn biên giới, cởi trói cho các hoạt động giao thương là chìa khóa tạo ra tăng trưởng, công việc làm cho nhân loại.
Các định chế đa quốc gia, từ Tổ Chức Thương Mại Thế Giới đến Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Thế Giới hay Ngân Hàng Phát Triển Á Châu … đồng loạt khuyến khích, « tự do hóa, toàn cầu hóa » kinh tế thế giới.
Trong bối cảnh đó, khu vực đồng tiền chung châu Âu ra đời, hàng loạt những hàng rào quan thuế và phi quan thuế đã được rỡ bỏ, Âu Mỹ cũng đã nhanh chóng mở cửa thị trường tài chính để bảo đảm một chính sách « xuyên suốt ».
Nhiều bài tham luận đã nói tới thế kỷ XXI như một « kỷ nguyên của thế giới không biên giới ».
Giấc mơ tan vỡ
Nhưng khủng hoảng tài chính 2007/2008 đã đưa tất cả trở về với thực tế : cởi trói cho thương mại không là chiếc đũa thần bảo đảm tăng trưởng, công việc làm cho người dân hay ổn định tài chính trên thế giới.
Giữa năm 2009, tổng trao đổi mậu dịch trên thế giới giảm 12 % do tác động dây chuyền từ vụ ngân hàng Mỹ Lehman Brothers phá sản.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đã tăng chậm hơn. Nhiều người mong đợi, đấy chỉ là những khó khăn nhất thời.
Có điều sáu năm sau, kinh tế thế giới đã từng bước phục hồi, nhưng các hoạt động thương mại vẫn chưa khởi sắc trở lại.
Trong báo cáo công bố hồi tháng 3/2016, Ngân Hàng Thanh Toán Quốc Tế, Ngân Hàng Thế Giới, Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế, cũng như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đều nhận thấy rằng « thị trường đang bị đặt trong tình thế rất căng thẳng » trước nhiều dấu hiệu báo trước một cơn bão lớn.
Khủng hoảng 2008, phần nổi của tảng băng
Có hai lý do giải thích cho đà sụt giảm của trao đổi mậu dịch trên thế giới : một là trong ngắn hạn, khi kinh tế bị co cụm lại, như là trường hợp sau trận đại hồng thủy ngày 15/09/2008, tổng trao đổi mậu dịch toàn cầu giảm mạnh (-50 %) nhiều tập đoàn trên thế giới do hoảng hốt đã thu vốn về, hoặc đình chỉ các dự án đầu tư ra ngoại quốc.
Nhưng bên cạnh đó, là bản thân kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai toàn cầu đang « chuyển hướng », giảm bớt mức độ lệ thuộc vào ngoại thương, và lấy tiêu thụ trong nước là chủ lực.
Tiến trình chuyển đổi đó chưa được hoàn tất. Năm 2015 tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất từ 25 năm nay.
Chuyên gia kinh tế Jacques Sapir, giám đốc EHESS Paris, giáo sư trường Đại học Kinh Tế Matxcơva, tác giả cuốn La Démondialisation, nhà xuất bản Seuil ( 2011) chứng minh rằng, ý tưởng đẩy mạnh trao đổi mậu dịch tự động đem lại tăng trưởng là một sai lầm cơ bản.
Thêm vào đó, tiến trình toàn cầu hóa tới nay, chủ yếu chỉ có lợi cho Trung Quốc:
« Tôi nghĩ là có một số sai lầm về mặt phương pháp mà chúng ta cần điều chỉnh. Sai lầm thứ nhất là mọi người lầm tưởng rằng, nhờ có phát triển thương mại trên toàn cầu mà thế giới được thịnh vượng hơn.
Tăng trưởng ngoạn mục trong những thập niên 80-90 và cho đến tận năm 2007-2009 có được là nhờ mậu dịch trên thế giới đã được phát triển rất mạnh.
Thực ra thì vấn đề phải được đặt ngược lại. Tức là nhờ có tăng trưởng kinh tế mà người tiêu dùng mới mạnh dạn mua sắm, qua đó sản xuất nội địa và hàng nhập khẩu mới gia tăng, trao đổi mậu dịch trên thế giới mới phát triển.
Và trong giai đoạn thương mại thế giới tăng mạnh đó, thì Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội để trở thành nguồn cung cấp hàng rẻ cho thế giới.
Trước Trung Quốc thì Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã lấy xuất khẩu là lực đẩy để phát triển kinh tế, có điều không một quốc gia nào lại có được những phương tiện hùng hậu như Trung Quốc.
Sai lầm thứ hai nằm ở chỗ, chúng ta đã vơ đũa cả nắm khi đưa ra kết luận rằng tiến trình toàn cầu hóa, là đòn bẩy giúp kinh tế của các nước chậm phát triển đi lên.
Nhìn kỹ vào vấn đề, chúng ta nhận thấy ngay rằng, có rất nhiều khác biệt, và trình độ phát triển trong khối mà chúng ta gọi là nhóm ‘các nền kinh tế đang trỗi dậy’.
Trước tiên tôi xin tập trung nói về những nước cờ của Trung Quốc : trong hơn ba thập niên qua, chúng ta thấy rõ là Trung Quốc đã biến mình thành công xưởng của thế giới, lấy xuất khẩu làm kim chỉ nam để phát triển.
Chiến lược đó thành công nhờ Trung Quốc thu hút được đầu tư ngoại quốc và cả vốn nội địa. Trong trường hợp của Trung Quốc, giao thương với thế giới là con đường ngắn nhất để đưa nước này vươn lên.
Nhưng song song với chiến lược phát triển đó, Trung Quốc luôn ý thức được là cần bảo vệ đồng nhân dân tệ trước những rủi ro tài chính trên thế giới.
Đấy là bài học Bắc Kinh đã rút tỉa từ sau khủng hoảng tài chính Á Châu 1997/1998 – Bởi vì khi đó, các nước Á châu lâm nạn đã đua nhau phá giá đồng tiền, để vượt qua khủng hoảng, Trung Quốc không thể phá giá đồng nhân dân tệ và do đó hàng Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn, xuất khẩu bị chựng lại.
Vì vậy, Bắc Kinh luôn chủ trương tích lũy càng nhiều ngoại tệ càng tốt, nhờ vào xuất khẩu.
Đồng thời, Trung Quốc cũng đã có những biện pháp bảo hộ, và hàng ngoại quốc đã rất khó để cạnh tranh với hàng ‘nội’, trên thị trường rộng lớn với hơn 1 tỷ dân này.
Nói cách khác Bắc Kinh đã khai thác lá bài toàn cầu hóa để có lợi cho mình, nhưng không dễ để các nước khác thâm nhập vào thị trường nội địa.
Nhìn tới trường hợp của một nền kinh tế đang trỗi dậy khác là Brazil, thì quốc gia ở Châu Mỹ này phát triển được là nhờ vào nội lực.
Nga cũng tương tự. Ấn Độ thì cho tới gần đây vẫn chưa thực sự ‘cất cánh’ và ngoại trừ một vài lĩnh vực như tin học, thì Ấn Độ chưa hẳn là một đối tác lớn trên bàn cờ thương mại thế giới ».
Thái độ giả dối
Cũng giáo sư Sapir, trong cuốn La démondialisation đã phát hành lần đầu cách nay 5 năm lên án thái độ giả dối của tất cả những nền kinh tế luôn hô hào ủng hố chính sách « hội nhập » và « mở cửa » :
« Mọi người đã nhận thấy rằng, những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất nhờ giao thương quốc tế không còn biên giới, lại là những quốc gia bảo vệ thị trường nội địa chặt chẽ nhất.
Điển hình là Trung Quốc, nhưng bên cạnh đó thì Brazil hay Nga cũng đã áp dụng những chính sách bảo hộ không kém.
Trong ván bài toàn cầu hóa đó, đừng quên là có rất nhiều nước chậm phát triển bị bỏ lại phía sau.
Chỉ cần nhìn vào ngành dệt may của Tunisia hay Maroc, chúng ta cũng thấy được điều ấy. Tựu chung, để trả lời câu hỏi : toàn cầu hóa có cho phép thúc đẩy tăng trưởng mậu dịch trên thế giới hay không, thì câu trả lời là có.
Nhưng sự thịnh vượng đó đã không được chia sẻ đồng đều và phần lớn những thành tích đạt được đều chảy về phía Trung Quốc hết cả.
Ngược lại những vùng như châu Phi, đại đa số các nước nam Mỹ và kể cả một số quốc gia Á châu vẫn bị gạt ra ngoài tiến trình toàn cầu hóa đó ».
Mầm mống « phi toàn cầu hóa » trong ngành tài chính
Bằng chứng về tiến trình phi toàn cầu hóa trong lĩnh vực thương mại đã rõ ràng, thế còn đối với khu vực tài chính thì sao ?
Giáo sư Jacques Sapir, giám đốc trường Cao Đẳng Khoa Học Xã Hội EHESS Paris trả lời :
« Nhìn từ góc độ của các nhà đầu tư tư nhân, thì chúng ta đã trở về với những khuôn phép của thời kỳ trước khủng hoảng.
Giới ngân hàng lại chứng nào tật nấy, lãnh đạo các tập đoàn ngân hàng vẫn nhận những khoản tiền thưởng khổng lồ khi họ táo bạo đem tiền của người khác ‘đi đánh bạc’ và khối tiền đó được đem đi đầu tư ở khắp mọi nơi trong một thế giới mở rộng.
Một dấu hiệu phi toàn cầu hóa khác đó là nếu như vào thập niên 1990-2000 Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế từng mạnh mẽ bảo vệ chính sách toàn cầu hóa, thì ngược lại, từ gần một chục năm nay, tức là trước khi nổ ra khủng hoảng tài chính 2008, IMF cũng bắt đầu thay đổi khi nhận thấy rằng chính sách toàn cầu hóa trong lĩnh vực tài chính kéo theo nhiều hậu quả tiêu cực.
Thêm một thí dụ thứ ba cho thấy tiến trình toàn cầu hóa trong địa hạt tài chính cũng đã bị chựng lại, là khi các nền kinh tế trên thế giới nhận thấy rằng, họ không thể để cho thị trường tài chính tùy nghi tấn công vào đơn vị tiền tệ để kiếm lời.
Trong bối cảnh đó, từ Hàn Quốc đến Brazil và cả Đài Loan, Trung Quốc, Chilê và trong một chừng mực nào đó là cả Hoa Kỳ đã từng bước gia tăng các biện pháp kiểm duyệt tài chính ngân hàng.
Chỉ riêng có châu Âu là khu vực duy nhất trên thế giới không có những biện pháp để bảo vệ mình.
Từ đó mới dẫn tới những vụ như là đồng euro liên tục bị tấn công khi khủng hoảng Hy Lạp lên tới đỉnh điểm ».
Giấc mơ dùng chính sách hội nhập để xua tan đe dọa xung đột vũ trang trong bốn thập niên qua chưa bao giờ trở thành hiện thực.
Trong công cuộc toàn cầu hóa các nước lớn luôn tận dụng thế mạnh để áp đặt luật chơi để mở ra những cánh cổng trên các thị trường mới.
Related news items:
Tin mới
- Ấn Độ mua máy bay cứu hộ và công nghệ nguyên tử của Nhật Bản - 06/11/2016 23:47
- Indonesia tăng cường lực lượng quân sự ở sát Biển Đông - 06/11/2016 23:12
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-11-2016 - 05/11/2016 21:28
- Clinton, Trump cố thuyết phục những cử tri còn do dự - 05/11/2016 20:52
- J-20: “Bảo bối” mới giúp Trung Quốc tăng xuất khẩu vũ khí - 05/11/2016 20:07
- Người già Trung Quốc cảm thấy bị xã hội bỏ rơi - 05/11/2016 16:46
- Tuyên ngôn chung Công Giáo và Tin Lành Luther - 04/11/2016 22:33
- Dân oan Thủ Thiêm quyết đòi công lý đến cùng - 04/11/2016 21:38
- Emails của Huma Abedin sẽ làm H&B Clinton tù mọt gông? - 04/11/2016 21:22
- Tai họa của Hillary Clinton sẽ bắt đầu nếu bà đắc cử - 04/11/2016 20:51
Các tin khác
- COP21 : Hiệp định khí hậu bắt đầu có hiệu lực - 04/11/2016 19:04
- Hợp tác quân sự Nga-Ấn gia tăng : Vố đau cho Trung Quốc - 04/11/2016 18:44
- Trước mối đe dọa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, “Nhật Bản phải tự vệ” - 04/11/2016 18:28
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-11-2016 - 04/11/2016 17:51
- Mỹ cảnh báo về nguy cơ du khách bị bắt cóc ở Philippines - 04/11/2016 17:24
- Indonesia : Hồi Giáo cực đoan biểu tình chống đô trưởng Thiên Chúa Giáo - 04/11/2016 17:13
- Hàn Quốc : Triển khai lá chắn THAAD vào giữa 2017 - 04/11/2016 17:04
- Tổng thống Philippines bắt đầu nếm "trái đắng" vì gần Trung, xa Mỹ - 03/11/2016 23:53
- Bầu cử tổng thống Mỹ : Ông Trump tin đã thắng cử - 03/11/2016 23:13
- Hàn Quốc : Vụ án « Choi » khơi dậy quá khứ đau buồn - 03/11/2016 21:37