Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-11-2016

 Nga : Dân tin chiến tranh sắp nổ ra

russia-crimea 2



Truyền thông Nga liên tục đưa các cảnh diễn tập quân sự. Ảnh: Một cuộc diễn tập tác chiến trực thăng trên Biển Đen, gần cảng Sevastopol, Crimée hồi tháng 7/2015.
REUTERS/Pavel Rebrov

Trong thời gian gần đây, nhiều thông tin cho thấy nước Nga đang sẵn sàng cho chiến tranh.

Nhật báo La Croix có bài phóng sự mô tả hệ thống tuyên truyền của Matxcơva khiến rất nhiều người dân tin tưởng phương Tây là « kẻ thù của Nga » và tổng thống Putin là « anh hùng vệ quốc ».

Phóng sự mở đầu với tâm sự của một thanh niên người Matxcơva, 25 tuổi. Andre Loumibov thường xuyên lướt internet và rất mê chơi các trò chơi trên mạng, nhưng « về mặt thông tin, anh hoàn toàn tin tưởng… vào các thông điệp của hệ thống truyền hình do điện Kremli chỉ đạo ».

Kể từ nhiều tháng nay, chính quyền Nga liên tục đưa ra một thông điệp rất rõ ràng là : « một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba rất có thể sẽ nổ ra ».

« 50.000 binh sĩ NATO đang sẵn sàng tấn công Nga từ phía tây », « Hoa Kỳ và các đồng minh đang bao vây chúng ta »…
Kể từ cuộc khủng hoảng Ukraina năm 2014, cỗ máy tuyên truyền của điện Kremli hoạt động hết công suất.
Đối tượng của nó là những người dân bình thường, ở các khu phố nghèo hay vùng nông thôn hẻo lánh.

Kể từ khi Nga gia tăng oanh kích tại Aleppo, Syria, các thông điệp về cuộc chiến thế giới thứ ba càng trở nên dồn dập.
Tại Nga, rất ít phóng sự về mức độ tổn thất nhân mạng của cuộc chiến, không hề có tranh luận gì về nguyên nhân của các tổn thất hay về vai trò then chốt của quân đội Nga trong chiến cuộc Syria.

Ngược lại, đại diện của chính quyền liên tục đưa ra các bình luận cho thấy Matxcơva sẵn sàng giáng trả Hoa Kỳ.
 La Croix dẫn lời nhà chính trị học Sergei Markov. Nhân vật thân cận với điện Kremli này nói thẳng : « (Nhiệm vụ của) truyền hình là giúp dân chúng sẵn sàng cho chiến tranh… ».

Theo nhà xã học Natalia Zorkaya, thuộc trung tâm nghiên cứu độc lập Levada tại Nga, việc tuyên truyền rầm rộ cho chiến tranh là một thủ đoạn quen thuộc từ thời Liên Xô, nó « có ảnh hưởng rất mạnh đến những người nào vẫn còn giữ lại lối suy nghĩ trước đây, có nghĩa là rất đông đảo người Nga… ».

Liên quan đến việc Na Uy – một thành viên của NATO và là láng giềng của Nga - đón 330 lính thủy quân lục chiến Mỹ mới đây, theo La Croix, mục tiêu của việc triển khai này là nhằm giúp đỡ quân đội Na Uy trong các hoạt động huấn luyện.
Để trấn an Matxcơva, Na Uy cam kết không tiếp nhận các đơn vị chiến đấu nước ngoài, chừng nào nước này ''không bị tấn công hoặc bị đe dọa tấn công''

Tương lai Syria : Nhà báo đoạt giải Pulitzer dự báo

Về xung đột Trung Cận Đông, Le Figaro có cuộc phỏng vấn với nhà báo Mỹ Joby Warrick, người vừa được trao tặng giải Pulitzer 2016, tác giả cuốn sách « Dưới lá cờ đen.
Điều tra về Daech » ( Đây là lần thứ hai nhà báo Joby Warrick đoạt giải thưởng này). Trong bài phỏng vấn với tựa đề « Sau Mossoul, Raqqa là vấn đề thực sự », phóng viên Joby Warrick của tờ Washington Post dự đoán chiến dịch giải phóng sẽ kéo dài nhiều tháng, tình hình tại Syria phức tạp hơn Irak rất nhiều.

Tái thiết lại quốc gia bị chiến tranh tàn phá gần 6 năm này là hết sức khó khăn, bởi chính quyền gần như không còn tại nhiều nơi, “dân chúng bị chấn thương tâm lý nặng nề” và “rất nhiều trẻ em đã lớn lên dưới ách thống trị của Daech”.
Theo nhà báo Mỹ, vấn đề quan trọng nhất về trung hạn là làm thế nào giải quyết được các mâu thuẫn giữa hai cộng đồng dân cư theo hệ phái Shia và Sunni.

Thổ Nhĩ Kỳ quay lưng với châu Âu

Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục gây lo ngại cho châu Âu. Bài xã luận « Thổ Nhĩ Kỳ quay lưng lại với châu Âu » trên Le Monde nhận định : với tuyên bố tái khẳng định ủng hộ việc khôi phục án tử hình, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đang ngày càng tỏ ra xa rời các giá trị của Liên Hiệp Châu Âu.

Kêu gọi nhanh chóng khôi phục án tử hình của ông Erdogan được đưa ra cùng lúc với một loạt các biện pháp trấn áp cuối tuần trước nhắm vào những người trong bộ máy chính quyền, đối lập và xã hội dân sự, như quyết định sa thải 10.000 viên chức, đóng cửa 15 phương tiện truyền thông…

Tổng thống Erdogan đang tìm cách thâu tóm toàn bộ quyền lực, chỉ còn thiếu 14 ghế tại Quốc Hội, là ông ta có thể yêu cầu trưng cầu dân ý để thay đổi Hiến pháp.
Theo Le Monde, đây là “một tính toán sai lầm của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ”, « bởi một chế độ (độc tài) như vậy chỉ có thể tạo nên nhiều bất ổn hơn, như những gì tại Trung Đông cho thấy ».

Trung Quốc : “Tuần trăng mật” của Tập Cận Bình đã hết

Về chính trị Trung Quốc sau hội nghị trung ương đảng Cộng Sản cuối tháng 10, báo Le Figaro giới thiệu ý kiến của nhà Hán học Jean-Luc Domenach, với tựa đề “Tại Bắc Kinh, thời kỳ thuận lợi của Tập Cận Bình đã hết”.

Giáo sư Jean-Luc Domenach so sánh giai đoạn hiện nay với thời Đặng Tiểu Bình lãnh đạo Trung Quốc những năm 1980, với nhận định Tập Cận Bình đang “đối mặt với những khó khăn tương tự”.

Theo chuyên gia Pháp, Tập Cận Bình đã buộc phải áp dụng “các biện pháp tàn bạo” để bắt buộc bộ máy cầm quyền phải thay đổi theo đường lối của mình, bởi các đòi hỏi hiện đại hóa của lãnh đạo tối cao Trung Quốc không được phần lớn các cộng sự trong chính quyền hưởng ứng.
 Các biện pháp của Tập Cận Bình gây ngờ vực ngay cả đối với nhiều người bắt đầu ủng hộ.

Nhà chính trị học Jean-Luc Domenach nhấn mạnh là “tất cả mọi người tại Trung Quốc đều hiểu rằng chủ trương dân chủ hóa chế độ cộng sản chỉ là một ảo ảnh”.
Quá trình tản quyền tại Trung Quốc hiện nay, cũng như dưới thời Đặng Tiểu Bình, không tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của “một nền dân chủ trong nội bộ” chính quyền như hứa hẹn, mà chỉ giúp các lãnh đạo địa phương gia tăng quyền lực.

Thương mại : Châu Âu lo Anh tiếp tay Trung Quốc

Cũng liên quan đến Trung Quốc, nhưng về quan hệ thương mại giữa Bắc Kinh với châu Âu, Le Figaro nêu ý kiến đầy lo ngại của một giáo sư Học Viện Chính Trị Paris Siences Po, về nguy cơ Anh Quốc ngăn cản các biện pháp tự vệ của Liên Hiệp Châu Âu trước Trung Quốc với bài “Tại sao Luân Đôn ngăn chặn việc châu Âu chống Trung Quốc phá giá ?”.

Theo tác giả, một trong các lý do khiến Anh Quốc có thể sẽ chọn chiến lược rất bất lợi cho châu Âu như vậy là để trả đũa thái độ cứng rắn của Bruxelles, trong quá trình thương thuyết về các điều kiện chia tay với Liên Hiệp, sắp diễn ra.

Thái Lan : Để tang vua quá lâu đe dọa kinh tế

Vẫn về kinh tế châu Á, phụ trương kinh tế Le Figaro có bài « Kinh tế Thái Lan bị đe dọa do việc để tang nhà vua quá lâu ».
Vua Bhumibol qua đời ngày 13/10, cả nước để tang trong vòng 100 ngày.
Toàn bộ các chương trình giải trí trên màn hình bị loại bỏ.
 Truyền hình phải chuyển hoàn toàn sang đen trắng.

Thiệt hại trước mắt là cho ngành quảng cáo, với doanh số sụt giảm 5%.
Theo văn phòng tư vấn IHS, kỳ để tang có thể đánh tụt doanh số của du lịch đến 10%.

Bầu cử Mỹ : Phe Dân Chủ rơi vào thế phòng ngự

Bầu cử Mỹ tiếp tục là tâm điểm thời sự của Le Monde. Ngày 28/10, Cơ quan điều tra liên bang Hoa Kỳ FBI tuyên bố mở điều tra về vụ cựu ngoại trưởng Hillary Clinton bất cẩn trong việc sử dụng thư điện tử.
Sau biến cố này, ứng cử viên Dân Chủ đang ở thế thượng phong đột ngột rơi vào « thế phòng ngự ».

Phe Dân Chủ buộc phải phản công. Hôm Chủ nhật, Harry Reid - lãnh đạo nhóm dân biểu Dân Chủ chiếm thiểu số tại Hạ Viện Hoa Kỳ - gửi thư đến giám đốc FBI Comey, nhắc nhở ông đã vi phạm luật « Hatch Act », cấm sử dụng chức vụ trong chính quyền để gây ảnh hưởng đến quá trình bầu cử.

Lãnh đạo các dân biểu Dân Chủ cũng cáo buộc giám đốc FBI đã « đối xử bất công », khi không tiến hành điều tra về một vụ việc nghiêm trọng khác.
Đó là vụ các tin tặc nước ngoài chiếm đoạt hộp thư của ông Podesta, người phụ trách chương trình tranh cử của ứng viên Hillary Clinton.
Wikileaks sau đó hứa hẹn sẽ công khai toàn bộ 50.000 thư điện tử nội bộ của đảng Dân Chủ.

Công Giáo và Tin Lành hòa giải

Về thời sự quốc tế, Le Figaro với bài « Giáo hoàng chìa tay ra với người Tin Lành » chú ý đến chuyến đi lịch sử của người đứng đầu đạo Công Giáo tới Thụy Điển để tham gia lễ kỷ niệm 500 năm ngày ra đời phong trào Cải Cách, dẫn đến sự đời của đạo Tin Lành.

Đỉnh điểm của chuyến đi này là việc Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Luther ra « tuyên bố chung », chấm dứt hoàn toàn « tình trạng không đội trời chung » giữa hai phía kéo dài từ hàng thế kỷ nay.

Trong tuyên bố này, hai Giáo Hội cam kết phối hợp các hoạt động nhân đạo và « từ bỏ hoàn toàn sự thù hận và bạo lực trong quá khứ và hiện tại, đặc biệt là những gì được thể hiện nhân danh tôn giáo ».

Giáo hội Luther chỉ chiếm 10% tín đồ Tin Lành toàn thế giới, nhưng có vai trò là « hạt nhân lịch sử » của đạo Tin Lành. Chủ tịch Liên đoàn Tin Lành nước Pháp François Clavairoly nhận xét : Sáng kiến của giáo hoàng Phanxicô mở ra viễn cảnh các bên thừa nhận những đóng góp về thần học của nhau.
Ông hy vọng trong tương lai Giáo Hội Công Giáo sẽ thừa nhận các đóng góp của mục sư Luther.

Lãnh đạo Liên đoàn Tin Lành Pháp ca ngợi giáo hoàng Phanxicô đã có một thái độ thân thiện, thay vì tự coi mình là người « bề trên » hay « ở trung tâm » thế giới.

Hai tỉ trẻ em sống tại các vùng ô nhiễm

Trong lĩnh vực y tế, Le Monde chú ý đến báo cáo của UNICEF, công bố hôm qua, 31/10, theo đó 2 tỉ trẻ em sống tại các khu vực mà ô nhiễm không khí vượt quá tiêu chuẩn của tổ chức Y tế Thế giới, trong đó ô nhiễm gây tác hại nghiêm trọng đến 300 triệu trẻ em trên thế giới.

Riêng tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, khoảng 450 triệu trẻ em phải sống các khu vực bị ô nhiễm không khí.

Mỗi năm, theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, ô nhiễm không khí là nguyên nhân tử vong chính của 600.000 em bé dưới 5 tuổi.
 Ô nhiễm không khí tác động đến trẻ em mạnh hơn rất nhiều so với người lớn, do các em nhỏ hít thở nhanh hơn gấp hai lần và lượng khí hít vào so với trọng lượng cơ thể lớn hơn nhiều.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác là hệ thống miễn dịch của trẻ yếu hơn nhiều và não của các em đang còn ở giai đoạn phát triển.
Theo UNICEF, tác động của ô nhiễm bên ngoài trời đến phổi trẻ em nhiều nơi tương đương với việc phải chịu khói thuốc lá trong môi trường kín.
Ngoài các thiệt hại về nhân mạng, ô nhiễm cho sức khỏe gây tổn hại khoảng 0,3% GDP toàn cầu, và con số này đang ngày càng tăng lên, theo tổng giám đốc UNICEF.

Công bố báo cáo một tuần trước Thượng đỉnh khí hậu COP 22 tại Maroc, UNICEF hy vọng thúc đẩy cộng đồng quốc tế gia tăng cuộc chiến chống ô nhiễm, giảm sử dụng các năng lượng hóa thạch, cũng như không xây dựng trường học, sân chơi trẻ em gần các khu vực ô nhiễm.

Switch mode views: