Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-10-2016
- Thứ Năm, 06 tháng Mười năm 2016 15:29
- Tác Giả: Thanh Hà
Duterte : Thái độ hàm hồ có tính toán
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (G) tại trường võ bị Manila. Ảnh ngày 04/10/2016.
REUTERS/Romeo Ranoco
Nga Mỹ trở lại thời kỳ chiến tranh lạnh : Chiến tranh trong hòa bình.
Hình bóng Putin trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ.
Jean –Pierre Sauvage, Nobel Hóa Học, niềm tự hào của nền khoa học Pháp.
Tập thơ tình cố tổng thống Pháp François Mitterrand gửi tặng người yêu trong bóng tối, Anne Pingeot.
Sau gần 100 ngày cầm quyền, báo chí quốc tế không kể xiết những lời lẽ thô bạo, hồ đồ, kém văn hóa của tổng thống Philippines và gần như đây là nét đặc thù của ông Rodrigo Duterte.
Không chừa một ai, nhân vật quyền lực nhất tại Manila, thóa mạ từ Đức Giáo Hoàng đến tổng thống Mỹ.
Duterte tự cho mình quyền « chửi tắt bếp » tất cả những ai dám lên tiếng chỉ trích chiến dịch bài trừ ma túy thô bạo mà ông đang tiến hành trên toàn quốc.
Trên một hồ sơ nhạy cảm là tranh chấp Biển Đông, tổng thống Philippines chủ trương « mềm mỏng » với Trung Quốc, khác hẳn với người tiền nhiệm.
Nhưng chúng ta nghĩ gì nếu như những lời lẽ mà báo chí cho là « thô tục » đó, những quyết định bị coi là « hồ đồ » nhất của ông Rodrigo Duterte đều đã được cân nhắc kỹ lưỡng ?
Trích lời giáo sư David Camroux, một chuyên gia về Đông Nam Á của Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế CERI- Pháp, tác giả bài báo cho thấy : phương Tây chỉ tập trung vào chiến dịch bài trừ ma túy của ông Duterte đã làm 3000 người bị thiệt mạng, mà trong đó có tới 2/3 không được xét xử.
Mọi người quên là tháng 08/2016, Manila và lực lược nổi dậy do đảng Cộng Sản lãnh đạo đã đạt được một thỏa thuận ngưng bắn, mở ra viễn cảnh vãn hồi hòa bình cho Philippines.
Lại cũng chính quyền Rodrigo Duterte chìa bàn tay thân thiện với tổ chức Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf - tổ chức đã gieo rắc kinh hoàng ở miền nam.
Có điều khi tập trung quá nhiều vào chiến dịch bài trừ ma túy và đưa ra hình ảnh của một nhà lãnh đạo tính khí thất thường, ông Duterte đã khiến giới đầu tư ngoại quốc nản lòng khi muốn chen chân vào Philippines.
Nhưng đối với công luận trong nước, Rodrigo Duterte được người dân ủng hộ hết mình. Trong 20 năm làm thị trưởng Davao, ông đã « quét dọn » sạch sẽ các tệ nạn xã hội, người dân được sống trong yên bình, các dịch vụ xã hội được cải thiện.
Người dân Philippines kỳ vọng « mô hình Duterte » đó được áp dụng ở quy mô toàn quốc và cũng sẽ hiệu quả như ở Davao.
Thế cân bằng giữa hai siêu cường
Về mặt đối ngoại, trong ba tháng cầm quyền, Rodrigo Duterte đã tỏ ra mềm mỏng với láng giềng Trung Quốc trong cuộc đọ sức ở Biển Đông.
Người tiền nhiệm của ông là tổng thống Benigno Aquino đã nỗ lực tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ.
Ngược lại, ông Duterte « đặt liên minh Mỹ - Phi trước thử thách », như tựa của Le Monde.
Michel de Grandi của tờ Les Echos nhận thấy một lần nữa tổng thống Rodrigo Duterte lại áp dụng chính sách « nhất cử lưỡng tiện » : vừa xoa dịu Bắc Kinh, vừa thu hẹp ảnh hưởng của Mỹ - không chỉ với Philippines mà còn cả với khu vực Đông Nam Á.
Đằng sau tính toán đó là việc Manila không muốn bị trói buộc vào một nguồn cung cấp vũ khí duy nhất là Hoa Kỳ.
Rodrigo Duterte không che giấu ý đồ mua vũ khí của Nga và Trung Quốc.
Tóm lại, chiến lược của ông Duterte gồm ba vế : tái lập trật tự « ở bên trong », từng bước tìm đến con đường hòa giải với các lực lượng nổi dậy, và tìm một thế cân bằng cho Manila giữa các siêu cường.
Bài toán đó đã không khỏi khiến các nước láng giềng và đồng minh của Philippines bối rối.
Nga Mỹ tái bản chiến tranh lạnh
« Washington – Matxcơva trở lại chiến tranh lạnh ». Trang nhất tờ Le Figaro ghi nhận : sau khủng hoảng Ukraina, xung đột Syria khép lại thời kỳ Nga và Mỹ cố gắng xích lại gần nhau.
Vladimir Putin lợi dụng thời điểm Hoa Kỳ đang bận rộn với cuộc bầu cử tổng thống, để áp đặt luật chơi trên hồ sơ Syria và qua đó cắm dùi ở Cận Đông.
Isabelle Laserre chơi chữ trong bài báo mang tựa đề « Washington – Matxcơva, trận đại hàn » nhận định : những nỗ lực của ngoại trưởng Mỹ John Kerry với người đồng nhiệm Nga, Serguei Lavrov trên hồ sơ Syria là cơ hội cuối cùng để cứu vãn quan hệ Nga - Mỹ.
Hy vọng đã tiêu tan, khi lệnh ngưng bắn tại Syria bị vi phạm. Đạn và bom của không quân Nga dội xuống Aleppo đã biến tất cả thành tro bụi.
Tác giả bài báo nêu lên một danh sách khá dài về những bất đồng giữa Nga và Mỹ trên các hồ sơ quốc tế.
Riêng lò thuốc súng Trung Đông, từ năm 2013, đôi bên dường như ngấm ngầm thỏa thuận với nhau là Matxcơva để cho Washington ưu tiên giải quyết vấn đề Irak, còn Nga tập trung vào Syria.
Có điều, ngay từ đầu xung đột Syria, Nhà Trắng và điện Kremlin đã bất đồng sâu rộng về số phận của tổng thống Bachar al Assad.
Trong lúc Putin nghiêng về một giải pháp quân sự, thì ông Obama lại chủ trương tìm một ngõ thoát chính trị cho Syria.
Vẫn theo báo Le Figaro, Matxcơva đã lợi dụng thái độ chừng mực của Washington, xem đó như một sự nhu nhược của Mỹ, để mạnh dạn đi thêm một nước cờ ở Trung Đông.
Đến giờ phút này, khi nhiệm kỳ tổng thống của Barack Obama sắp kết thúc có lẽ đã « quá muộn để Washington đặt điều kiện với Matxcơva » về một giải pháp cho Syria.
Nhưng cuộc đọ sức Nga Mỹ theo quan điểm của tờ Le Figaro không chỉ giới hạn trên hồ sơ Syria, hay ở Trung Đông, mà còn lan rộng tới cả châu Âu.
Putin muốn thu hẹp ảnh hưởng của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương trên Lục Địa Già, gây chia rẽ giữa các nước châu Âu và từng bước khôi phục lại hào quang của Matxcơva tại các nước từng thuộc vòng kềm tỏa của Liên bang Xô Viết xưa kia.
Bóng dáng Putine và bầu cử Mỹ
Cũng trên tờ Le Figaro, tựa đề báo « Bóng dáng Putine trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ » đập vào mắt độc giả cùng với bức ảnh ghép hình hai ông Vladimir Putin và ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa, Donald Trump, hôn nhau thắm thiết.
Ở phía dưới, Philippe Géli, thông tín viên của tờ báo tại Washington ghi nhận : Kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, chưa bao giờ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ lại diễn ra trong bối cảnh Nga Mỹ đang « căng » với nhau như lần này.
Ứng cử viên phó tổng thống đứng liên danh với nhà tỷ phí Donald Trump, Mike Pence đã phải tuyên bố : « Nếu Nga khiêu khích, Mỹ sẽ phải trả đũa » và ông Trump trong cương vị chủ nhân Nhà Trắng sẽ không từ bỏ kế hoạch xây dựng lá chắn chống tên lửa tại Cộng hòa Séc và Ba Lan, cho dù điều đó có khiến ông Putin « sôi ruột ».
Về phía ứng cử viên phó tổng thống của đảng Dân Chủ, Tim Kaine, ông này chủ trương dùng vũ lực giải quyết bế tắc Syria, bất chấp nguy cơ « trực tiếp đối đầu với quân đội Nga ».
Nhưng điều khiến phía Washington lo ngại là khả năng tin tặc Nga thao túng kết quả bầu cử của Hoa Kỳ.
Theo điều tra của báo Time, một nhóm tin tặc đã lấy trộm thông tin của 85.000 cử tri ở bang Illinois, và đã âm mưu đột nhập vào các dữ liệu củ cử tri ở bang Arizona, nhưng kết hoạch đã không thành.
Sauvage, niềm tự hào của nền khoa học Pháp
Với giải Nobel Hóa Học 2016, giáo sư Jean-Pierre Sauvage đi vào lịch sử khoa học của Pháp. Libération nói đến dấu ấn của ông trong ngành ''công nghệ nano''
Nhìn từ phía tờ Le Figaro, « óc sáng tạo » và « trí tưởng tượng phong phú » là chìa khóa giúp giáo sư Sauvage mở được cánh cửa của Viện Hàn Lâm Thụy Điển.
Một điều thú vị là lần sau cùng một nhà khoa học Pháp có tên trên bảng vàng của Ủy ban Nobel trong bộ môn này là năm 1987. Đó là là giáo sư Jean-Marie Lehn. Ông từng là thầy của khôi nguyên năm nay : năm 1971 giáo sư Sauvage đã soạn luận án tiến sĩ dưới sự dẫn dắt của giáo sư Lehn.
Cả hai cùng giảng dậy, nghiên cứu tại đại học Strasbourg. Đâu đó, như Le Figaro ghi nhận : người ta có thể nói tới « trường phái Hóa học Strasbourg » hay đại học Strasbourg là « lò » sản xuất ra những giải Nobel.
« Nhật ký tặng Anne »
Sự kiện văn hóa trong ngày có lẽ là cuốn « Nhật Ký tặng Anne - 1964-1970 » mà tác giả không ai khác là cố tổng thống Pháp, François Mitterrand. Cuốn sách do nhà xuất bản Gallimard ấn hành.
Le Monde có một bài viết giới thiệu về những lá thư, được viết như những bài thơ tình mà cố tổng thống Mitterrand gửi đến người đàn bà đứng trong bóng tối, nhưng là người tình rất lãng mạn của ông : Anne Pingeot.
Mãi sau này khi François Mitterrand qua đời năm 1996, trong tang lễ của ông, công luận Pháp mới được biết mặt Anne Pingeot và cô con gái duy nhất của họ là Mazarine.
Năm 1964, Anne mới vừa 21 tuổi, François đã 47. Ông cựu bộ trưởng đã có vợ, con, và còn đang là thượng nghị sĩ.
Điều thú vị là trong cuốn sách vừa được phát hành, tác giả đã lưu lại những bằng chứng, những vết tích của những giây phút họ bên nhau.
Đó có thể là một lúc thư giãn, hai chiếc bóng tản bộ bên nhau trong một khu rừng, hay một buổi mít tinh mang nặng màu sắc chính trị, một mẩu báo nói về Mitterrand, con người của công chúng, một tấm vé xi-nê, một chiếc lá tình cờ trải trên lối đi … Nhưng cảm động nhất là những hàng chữ rất đẹp, bên cạnh những kỷ vật mà tác giả đề tặng cho Anne.
Trên mỗi trang trong cuối nhật ký ấy, hiện rõ tình yêu vô bờ bến mà một chính trị gia từng trải dành cho một cô con gái nhà lành. Mỗi trang giấy đều phảng phất vị ngọt của tình yêu mà hai tâm hồn trí thức dành cho nhau, và cả sự cảm thông, tâm đầu ý hợp, tình yêu nghệ thuật …
Có hai câu hỏi đặt ra chung quanh sự kiện cuốn « Nhật Ký tặng Anne » : một là làm sao nhà xuất bản Gallimard lại có thể giữ được bí mật này cho đến tận hôm nay, hai là tại sao cuốn sách lại được tung ra vào thời điểm này ?
Theo Le Monde, « Nhật ký tặng Anne » không chỉ đem lại một cái nhìn mới về lịch sự chính trị của Pháp, mà còn là một tác phẩm có giá trị văn học của thế kỷ XX.
Tin mới
- Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo hoạt động theo kiểu mafia ? - 07/10/2016 22:33
- Nhà báo Nga Anna Politkovskaia bị ám sát : 10 năm vẫn chưa sáng tỏ - 07/10/2016 22:16
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-10-2016 - 07/10/2016 21:57
- Báo động 600 tỷ đô la nợ xấu đe dọa ngân hàng Trung Quốc - 07/10/2016 21:43
- HỘI NGỘ MÙA THU KỲ VII - 07/10/2016 21:20
- Chiến hạm Mỹ tập trận « diệt tàu ngầm và phòng không » tại Biển Đông - 07/10/2016 17:19
- Manila thông báo với Mỹ dừng tuần tra chung ở Biển Đông - 07/10/2016 16:17
- Matthew có thể thành bão cấp 4, lớn nhất ở Mỹ 10 năm qua - 07/10/2016 01:27
- Công ty Texas khám phá mỏ dầu lớn ở Alaska - 06/10/2016 19:12
- Mỹ : Bắt một cộng tác viên cho NSA vì đánh cắp dữ liệu « bí mật » - 06/10/2016 17:52
Các tin khác
- Nếu Mỹ rút, Philippines có nguy cơ bị Trung Quốc xâm lấn - 06/10/2016 15:07
- Indonesia: Không tập trận chung với nước khác ở Biển Đông - 06/10/2016 14:56
- Giám mục Giáo phận Vinh: Lãnh đạo phải lắng nghe vì lợi ích dân tộc - 05/10/2016 22:45
- Ba nhà nghiên cứu Pháp, Anh, Hà Lan đoạt giải Nobel Hóa Học 2016 - 05/10/2016 18:27
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-10-2016 - 05/10/2016 17:33
- Chiến hạm Mỹ ghé Cam Ranh lần đầu tiên từ 1975 - 05/10/2016 16:04
- Nga và Trung Quốc thông đồng tại Biển Đông ? - 05/10/2016 13:14
- Ðảng Cộng Sản tìm cách ‘ve vãn’ Công Giáo Việt Nam - 04/10/2016 23:20
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-10-2016 - 04/10/2016 19:12
- Quan hệ Mỹ-Philippines : Washington phớt lờ lời lẽ của ông Duterte - 04/10/2016 18:47