Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Robot hóa : Mối nguy cận kề của công nhân bậc thấp

robot

Robot "Pepper" được giới thiệu trong một cuộc họp báo tại Tokyo, ngày 20/07/2016.KAZUHIRO NOGI / AFP

Vào năm 2013, hãng thông tấn AP đặt ra câu hỏi : « Chúng ta có chuẩn bị gì khi 50%, thậm chí 70% người lao động thất nghiệp trong những năm tới ? ».

Đối với nhiều nhà kinh tế và công nghệ, đây là một trong những câu hỏi lớn nhất mà loài người phải đương đầu trong tương lai gần.

Cơn lốc robot hóa và tự động hóa hiện nay cho thấy nỗi lo sợ nói trên hoàn toàn có cơ sở : nếu không có mô hình kinh tế xã hội phù hợp, tỷ lệ thất nghiệp cao sẽ tạo ra những bất ổn, loạn lạc, nhất là đối với những quốc gia có hệ thống an sinh xã hội không vững chãi.

Quá trình robot hóa và tự động hóa các quy trình diễn ra nhanh chóng, khiến cho những công việc giản đơn và được trả lương thấp sẽ được thay thế dần bởi các robot và các quy trình tự động hóa ở khắp nơi, trong đó, các nước kém phát triển chịu nhiều ảnh hưởng hơn các nước phát triển.

Cơn lốc Robot hóa và công nghệ

Một số nguyên nhân chính của cơn lốc robot hóa có thể kể ra như sau :

Thứ nhất, công nghệ và trí khôn nhân tạo (Artificial intelligence-AI) phát triển theo cấp số mũ. Nhiều nguồn lực được đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D).

Thứ hai, chi phí đầu tư cho việc tự động hóa ngày càng rẻ, khi mà công nghệ được phổ biến, ngày càng tối ưu hơn, và có nhiều nhà cung cấp hơn.

 Thứ ba, năng suất sau khi robot hóa hay tự động hóa quy trình tăng lên, tỷ lệ sai sót giảm đi, trong nhiều trường hợp còn rút ngắn thời gian sản xuất.

Hiện nay, ngày càng có nhiều minh chứng cho xu hướng robot hóa, tự động quá các quy trình. Chẳng hạn, theo Business Insider, ba trong số mười doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất toàn cầu đang và sẽ thay thế các nhân công của mình bằng robot.

Cụ thể Foxconn, tập toàn gia công chính cho Apple, Google và Amazon đã thay 60,000 nhân công bằng robot.

Tập đoàn bán lẻ Walmart, với 2,1 triệu nhân công, muốn thay thế những nhân viên kiểm hàng trong các kho bằng các máy bay không người lái (drone).
Nơi sử dụng nhiều lao động nhất là Bộ Quốc Phòng Mỹ (DoD), với khoảng 3,2 triệu lao động, cũng ngày càng sử dụng các các cỗ máy thay cho con người.

Chẳng hạn, vào năm 2014, DoD có khoảng 10,000 máy bay không người lái kích thước nhỏ. Số lượng hiện nay chắc chắc nhiều hơn vì những thiết bị như thế này có giá thành hạ trong khi có thêm nhiều tính năng.

Một lãnh đạo cấp cao của McDonald’s, với 1,9 triệu nhân công, đã từng nói với Fox Business rằng, nếu lương tối thiểu ở Hoa Kỳ tăng, chuỗi cửa hàng ăn nhanh này sẽ dùng robot vì theo ông « Đầu tư một cánh tay robot trị giá 35 ngàn đô-la rẻ hơn trả lương 15 đô-la một giờ cho một người đóng gói khoai tây chiên ».

Ngay tại một nước thâm dụng lao động như Trung Quốc, việc sử dụng robot đang diễn ra nhanh chóng. Một công ty công nghệ ở Thành phố Đông Quan, tỉnh Quảng Đông sau khi sử dụng robot, giảm số nhân công từ 650 xuống còn 60, và nhiều khả năng xuống còn 20.

Năng suất của robot gần như gấp ba lần con người ở công ty này, và tỷ lệ sản phẩm hỏng còn dưới 5% so với 25% trước đó.
Năm 2014, Trung Quốc mua mới khoảng 60,000 robot công nghiệp, chiếm 25% số lượng toàn cầu, và dự báo nhu cầu tăng mỗi năm khoảng 25%.

Trong một báo cáo của Citibank và Đại học Oxford vào tháng 01/2016 có tựa « Công nghệ - Việc làm v.2.0 : tương lai không như đã từng », nhiều khả năng 77% việc làm ở Trung Quốc, 72% việc làm ở Thái Lan, và 69% việc làm ở Ấn Độ sẽ được tự động hóa và thay thế bằng robot.

Cũng theo báo cáo này, tự động hóa và sự phát triển của công nghệ in 3D sẽ tác động nhiều nhất đối với những nước có nhiều công xưởng với nhân công giá rẻ, nhất là Trung Quốc.

Để tìm hiểu thêm về mối tương quan giũa robot hóa và thất nghiệp, RFI Việt ngữ có cuộc trao đổi ngắn với GS. Phạm Hi Đức, trưởng khoa tính toán định lượng & tài chính trường kỹ sư ECE Paris, chủ nhiệm chương trình tài chính định lượng tại viện JVN (Tp.HCM), cựu chuyên gia NHTW Pháp.

RFI : Thưa Giáo sư, Giáo sư. có thể cho biết có những hình thức robot hóa nào ?

PHD : Vâng, robot hóa thì chúng ta có thể nói là có ba loại robot hóa. Robot hóa thứ nhất, và cụ thể nhất là máy móc thay người. Ta có thể thấy như xe hơi thay người lái, hoặc các cánh thay nhân tạo trong các xưởng chế tạo lắp ráp xe hơi, sơn xe.

Loại robot hóa thứ hai là trí tuệ nhân tạo, sử dụng máy vi tính để dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác như Google talk.

Và cái robot hóa thứ ba là biến đổi tất cả các quy trình trong một công việc nào đó. Ví dụ ngày xưa chuyển tiền dùng chi phiếu, qua nhiều công đoạn, ngày nay dùng smartphone để gần nhau là có thể thực hiện được việc chuyển tiền cho nhau.

RFI : Như vậy, có phải các nước có trình độ phát triển khác nhau thì ảnh hưởng của robot hóa cũng khác nhau ? Việt Nam thì như thế nào, thưa GS ?

PHD : Robot hóa thứ ba nó ảnh hưởng đến nhiều các dịch vụ ngân hàng tài chính ở các nước phát triển.
Đối với Việt Nam thì liên quan nhiều đến robot hóa thứ nhất, tức là máy móc thay con người và có việc dịch chuyển các công xưởng trong tương lai.

RFI : Theo GS, vì sao có xu hướng dịch chuyển các nhà máy, công xưởng về lại gần các nước phát triển ?

PHD : Có ba yếu tố. Thứ nhất, công nghệ robbot phát triển, khiến giá thành robot ngày càng rẻ hơn nhân công, ngay cả những xứ nhân công không đắt như Việt Nam, Trung Quốc.

Thứ hai, là sức ép chính trị từ những nước đầu tư, muốn đem công việc về lại nước họ chứ không xuất cảng công việc.

 Thứ ba nữa là những nước nhận đầu tư có quan tâm nhiều hơn về môi trường, cũng như vấn đề an toàn lao động. Cho thấy những nước này không dễ chấp nhận làm công xưởng cho thế giới như trước.

RFI : Nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu cho rằng quá trình robot hóa, tự động hóa có thể sớm hoàn tất vì bây giờ người ta đã đề cập nhiều đến cách mạng công nghiệp V.4.0, GS có thể cho biết dự đoán của mình ?

PHD : Vâng, đây cũng chỉ là dự đoán theo các dữ kiện, nhưng không ai có thể biết tương lai như thế nào.
 Có nhiều chuyên gia cho là, cái đó xảy ra trong thập kỷ sắp đến, từ năm đến mười năm nữa.
Nhiều nhà máy sẽ dời về lại xứ chủ cũ của nó. Trong khi đó, loại robot hóa thứ ba nó diễn ra nhanh hơn.

Các dịch vụ văn phòng khi thay đổi thì diễn ra rất nhanh so với trong công nghiệp kỹ nghệ. Trong hai, ba năm nữa sẽ có những thay đổi mạnh mẽ.
Điều này sẽ làm cho nhu cầu nhân lực giảm, đưa đến nạn thất nghiệp không chỉ ở những nước như Việt Nam mà còn ở những nước phát triển.

RFI : Xin cảm ơn Giáo sư về những chia sẻ vừa rồi

Hiện trạng và dự báo của việc làm toàn cầu

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO, 2016), cả thế giới có khoảng 200 triệu người thất nghiệp, đến năm 2020, con số này tăng thêm 11 triệu.

 Số lượng việc làm đòi hỏi kỹ năng thấp (công việc chân tay), lương thấp toàn cầu hiện khoảng 1,5 tỷ chiếm 46% tổng số việc làm.
 Đáng lưu ý là trên 70% lao động ở các nước Nam Á và châu Phi vùng hạ Sahara thuộc nhóm này.

Không những thế, tỷ lệ lao động không chính thức[1] trong lĩnh vực phi nông nghiệp ở các nước như Việt Nam, Ấn Độ, Philippines, Srilanka rất cao, từ 60% đến 80%.

Mặc dù việc làm mới vẫn liên tục được tạo ra, nhưng theo dự báo của ILO, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á sẽ tiếp tục tăng ổn định.
Cụ thể, số lượng việc làm trong một số ngành, không chỉ không có thêm mà còn giảm đi như ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, đánh bắt, khai khoáng, và chế tạo lắp ráp.

Theo dự báo của Martin Ford, một doanh nhân về công nghệ phần mềm, đến cuối thế kỷ này, tỷ lệ thất nghiệp sẽ là 75% vì phần lớn các công việc lặp đi lặp lại do con người làm sẽ bị thay thế bởi máy móc.
Thêm vào đó, Andrew MacAfee and Erik Brynjolfsson (MIT) cho rằng xu hướng này ngày tăng với tốc độ rất nhanh.

 Một nghiên cứu của Frey và Osborne (Đại học Oxford) năm 2013, cho biết, những ngành nghề có lương thấp và yêu cầu ít đào tạo sẽ có nguy cơ cao bị thay thế bởi tự động hóa.

Làn sóng Luddites mới ?

Vào thế kỉ 19 tại Anh Quốc, đã có phong trào Luddites phá hoại các máy dệt vì nhiều công nhân cho rằng máy móc đã đánh cắp việc làm việc làm của họ.
Vào năm 1811, số lượng binh lính Anh huy động để chống lại Ned Ludd và đội quân Luddites còn nhiều hơn cả chống lại Napoleon ở Tây Ban Nha.

Nguy cơ thất nghiệp hàng loạt ngày càng hiện hữu và đến gần.

Nhiều người lo ngại nếu không có sự thay đổi mô hình kinh tế xã hội phù hợp thì những bất ổn sẽ gia tăng do các mâu thuẩn xã hội nảy sinh.
Vì thế, ở những nước phát triển, có người đã nghĩ đến mô hình « thu nhập tối thiểu phổ quát – basic income » để làm cho xã hội hài hòa hơn.

 Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục đào tạo chú trọng đến phát triển nhiều kỹ năng, khả năng thích ứng và học tập liên tục.
Trong khi đó, ở những xã hội kém phát triển hơn, giải quyết vấn đề thất nghiệp hàng loạt là điều rất khó, không khéo sẽ có Luddites v2.0.

Khánh Bình
 TẠP CHÍ KINH TẾ

Switch mode views: