Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-08-2016

 Trung Quốc đang trở thành một nhà nước luật rừng

xi rice

Nhân viên an ninh lập hàng rào chặn báo chí tiếp cận cuộc hội đàm giữa cố vấn an ninh Mỹ Susan Rice và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, 25/07/2016.
REUTERS/How Hwee Young/Pool

Xã luận của Le Point tuần thứ hai tháng 8/2016, với tựa đề « Trung Quốc, phường thảo khấu », nhận định: « Siêu cường kinh tế giờ đây chỉ còn tuân theo các quy tắc của riêng mình. Đến mức sẵn sàng chống lại phần còn lại của thế giới ».

Bài xã luận của Le Point mô tả một loạt dấu hiệu cho thấy chế độ Trung Quốc hiện hành dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình đang ngày càng trở nên thù địch với thể chế pháp quyền.
Cụ thể là tấn công vào giới bảo vệ nhân quyền, vào giới doanh nghiệp, vào nền tự trị của đặc khu Hồng Kông…

Gần đây nhất, về mặt quốc tế, Trung Quốc đã « phản ứng một cách hung hăng » chống lại phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực về vụ kiện Biển Đông của Philippines (ngày 12/07), với đe dọa đơn phương lập vùng nhận dạng phòng không và tuyên bố tập trận với Nga vào tháng tới tại Biển Đông.

Về mặt đối nội, « thái độ hung hăng của Bắc Kinh tương ứng với tình trạng suy yếu của đảng Cộng Sản trong bối cảnh kinh tế chững lại, bất bình đẳng xã hội gia tăng, chất lượng cuộc sống và môi trường suy giảm ».

« Trong lĩnh vực kinh tế, chủ trương của Bắc Kinh là cố sức dành riêng thị trường nội địa Trung Quốc cho các doanh nghiệp địa phương, bằng cách ngăn cản các đối thủ nước ngoài.
Chính quyền Trung Quốc đồng thời lợi dụng cuộc khủng hoảng tài chính của phương Tây để giành được nhiều cổ phần béo bở ».

Còn trên trường quốc tế, « Trung Quốc liên tiếp mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra toàn thế giới, từ dự án Con đường Tơ lụa đến triển khai hải quân ở các vùng biển xa », cũng như phát triển một lực lượng « chiến tranh mạng » hùng hậu trong quân đội nước này.

Phương Tây kháng cự, Pháp bị phê phán

Le Point phê phán phản ứng « vô trách nhiệm » của chính phủ Pháp, khi bỏ rơi sân bay Toulouse, trụ sở Airbus và nhiều cơ sở nghiên cứu của Airbus vào tay các nhà đầu tư Trung Quốc, trong khi Hoa Kỳ có thái độ « từ chối một cách hệ thống việc nhượng các cơ sở hạ tầng quan trọng cho Trung Quốc ».

Và Anh Quốc mới đây đã xét lại hợp đồng đầu tư 21,3 tỷ đô la của Trung Quốc vào một dự án điện hạt nhân của nước mình.
Liên Hiệp Châu Âu cũng phải « thức tỉnh » để quyết định không công nhận kinh tế Trung Quốc đủ tiêu chuẩn « quy chế thị trường », trong bối cảnh công nghiệp thép hay pin mặt trời của châu Âu bị hàng trợ giá của Trung Quốc đè bẹp.

Theo Le Point, « chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh… đã kích động một cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á ».
Một loạt các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc đang gia tăng đầu tư cho quân sự để đối phó với Trung Quốc.
Úc tăng cường hải quân. Hoa Kỳ cũng dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam.

Le Point dự đoán : « Trung Quốc vẫn tiếp tục là quốc gia xuất khẩu số một thế giới… nhưng trong thời gian tới, quốc gia này sẽ không phải là một nhà nước pháp quyền, cũng không phải một nền kinh tế thị trường ».

Bởi tại Trung Quốc, một « hợp đồng » không phải là điều « ràng buộc các bên cam kết ».
Những nguyên tắc tối cao mà Bắc Kinh tôn trọng là « các lợi ích của đế chế Trung Hoa và của đảng Cộng Sản ».

Các lợi ích của chế độ phải được coi là tối cao, bất chấp việc kinh tế Trung Quốc bị ngăn cản trên con đường « chuyển hướng sang một nền kinh tế dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng cao, với nhiều cách tân ».

Tờ báo kết luận, Trung Quốc đã chọn « một chính sách chỉ dựa vào sức mạnh. Bắc Kinh sẽ cứng rắn với những quốc gia nào có ý định chống lại, đứng đầu là Mỹ, và không thương tiếc với những nước yếu hơn, đứng đầu trong số đó có Pháp và châu Âu ».

Thổ Nhĩ Kỳ, « nỗi lo của châu Âu »

Thổ Nhĩ Kỳ sau cú đảo chính hụt tiếp tục là nỗi ám ảnh của châu Âu. « Đất nước khiến châu Âu lo sợ » là tựa trang nhất Le Point.
Ba vấn đề mà Le Point muốn nhấn mạnh là người tị nạn, nền độc tài và tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Trong lúc Bruxelles giải ngân 1,4 tỉ đô la bổ sung để giúp Thổ Nhĩ Kỳ định cư người tị nạn Syria (ngày 28/07), chính quyền Erdogan tiếp tục chiến dịch thanh trừng rộng khắp với hơn 50.000 người bị tịch thu hộ chiếu, 60.000 viên chức bị sa thải…
 Xu thế độc tài của ông Erdogan cũng đặt Hoa Kỳ trước tình thế khó xử.

Bởi Thổ Nhĩ Kỳ từng là « đối tác mẫu mực » của nước Mỹ, quốc gia Hồi giáo đầu tiên mà Barack Obama tới thăm, trụ cột của chiến lược ổn định an ninh trong khu vực của Mỹ, thậm chí mô hình cho các cuộc cách mạng mùa xuân Ả Rập.
Đối với Obama hiện nay, « nổi giận với Erdogan, cũng có nghĩa là tiêu hủy toàn bộ chiến lược quân sự chống lại Daech ».

Le Point cũng ghi nhận, trở ngại trên con đường Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập châu Âu (khởi sự từ 1999) trước hết đến từ nước Pháp thời tổng thống Sarkozy, và tiếp theo đó là Đức, và công luận nói chung.

Còn trong thời gian 5 năm trở lại đây, chính tổng thống Erdogan là người chủ trương kìm hãm các đàm phán.
Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ của Erdogan đã chọn con đường « hoàn toàn không nhân nhượng châu Âu, trong khi hòa giải với nước Nga Putin ».

Trong hồ sơ Thổ Nhĩ Kỳ, Le Point cũng chú ý đến mối quan hệ hết sức mập mờ của chính quyền Erdogan với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech).
Cách đây hai năm, trong bối cảnh Daech đang hoành hành tại Syria, lá cờ đen của tổ chức này được treo công khai tại nhiều cửa hàng ở Istanbul, nhiều bằng chứng cho thấy chính quyền Ankara cung cấp vũ khí cho phe thánh chiến.

« Căn bệnh ung thư thánh chiến Hồi giáo » bắt đầu tác oai tác quái trong một năm trở lại đây tại chính quốc gia này, với các vụ khủng bố tự sát xảy ra liên tiếp. Theo Le Point, sự cắt đứt muộn mằn với Daech là « quá muộn ».

Duyên nợ châu Âu - Thổ Nhĩ Kỳ

Trở lại với lịch sử có thể giúp soi tỏ nhiều bối rối trong hiện tại. Bài « Điều chúng ta mắc nợ Thổ Nhĩ Kỳ » của Le Point điểm lại những cội nguồn lịch sử phức tạp của đất nước nằm ở vị trí bản lề giữa châu Âu và châu Á này.

Theo nhà sử học Nicolas Vatin (đồng tác giả cuốn « Từ điển đế chế Ottoman » (2016), « nếu như đế chế Thổ không thuộc vào châu Âu Thiên chúa giáo, thì đế chế này cũng tham gia vào lịch sử châu Âu ». Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu không chỉ có chiến tranh, đối đầu.

Sử gia Nicolas Vatin điểm lại nhiều mối liên minh giữa một số thế lực châu Âu với đế chế Ottoman. Kể từ thế kỷ XIX, ảnh hưởng văn hóa từ châu Âu gia tăng, khi đối với nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ châu Âu đồng nghĩa với tiến bộ.

 Trong khi đó, bán đảo Anatolia (vùng lãnh thổ trung tâm của Thổ Nhĩ Kỳ) từng là nơi cư ngụ của rất nhiều sắc dân, trong đó có người Hy Lạp (chiếm tới hơn 16% dân số hồi đầu thế kỷ trước). Đạo Hồi tại Thổ Nhĩ Kỳ - chịu ảnh hưởng nhiều của tông phái Sufi – được ghi nhận là cởi mở hơn nhiều so với các truyền thống Hồi giáo bảo thủ như nhánh Wahhabi (thịnh hành tại Ả Rập Xê Út).

Đường ruột tốt, sức khỏe tốt

Những phát kiến mới trong y học là chủ đề chính của tuần báo L’Express, với tựa trang nhất : « Đường ruột đối với sức khỏe chúng ta ».

L’Express cho biết, « một ngành y học mới » đang mở ra nhờ việc nghiên cứu « những quyền năng không thể tin được của hệ vi khuẩn đường ruột » đối với việc phòng ngừa và khắc phục các bệnh tật.

Theo L’Express, một cuộc cách mạng đang đảo lộn nền y học đương đại trong vòng 10 năm trở lại đây.
 Đường ruột chúng ta với gần 100.000 tỉ vi khuẩn ngày càng được khẳng định là có một vai trò hết sức quan trọng đối với sức khỏe, hơn nhiều so với quan niệm chính thống lâu nay (với định kiến coi vi khuẩn là có hại).

Vai trò của vi khuẩn đường ruột trong hàng loạt các bệnh mãn tính đang ngày càng được làm sáng tỏ. Cụ thể là các căn bệnh như ung thư, tim mạch, béo phì, tự kỷ, tiểu đường, dị ứng, parkinson… hay các bệnh tâm lý như tâm thần phân liệt, suy nhược, lo hãi, rối loạn giấc ngủ…

Theo một chuyên gia, cơ thể con người là "nơi cộng sinh giữa các tế bào người và các vi sinh vật… Giữa hai thành phần này liên tục có các đối thoại".
 Cụ thể là « đối thoại » diễn ra giữa hệ thần kinh ruột (với khoảng 100 đến 200 triệu nơ-ron) và trăm nghìn tỷ vi khuẩn nói trên, thông qua hai con đường thần kinh và máu.
"Nếu mối quan hệ cộng sinh bị bẻ gẫy, bệnh tật sẽ xuất hiện".

Các vi khuẩn tốt là cơ sở cho một sức khỏe tốt. Hệ vi khuẩn đường ruột như vậy cũng ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần của mỗi người.

Theo một chuyên gia về lĩnh vực này, trong xã hội phát triển đương đại, có đến 25% dân số thiếu tới 40% lượng vi khuẩn đường ruột, do một loạt tác động xấu, như dùng thuốc kháng sinh, ăn uống không đúng cách, thời gian dùng sữa mẹ giảm mạnh, số lượng con ra đời bằng con đường mổ đẻ gia tăng…
Các hiểu biết mới trong lĩnh vực đường ruột mang lại hy vọng đảo ngược xu thế xấu này.

Kể từ 5 năm nay, trong điều trị chống ung thư, các nhà nghiên cứu đang phát triển « môn trị liệu miễn dịch ».
Cụ thể là nhờ một số vi khuẩn đặc biệt trong đường ruột, mà kháng thể chống tế bào ung thư hoạt động hiệu quả hơn.

Âm hộ đòi bình đẳng

Le Nouvel Observateur tuần này quan tâm đến « Cơ quan sinh dục phụ nữ. Lịch sử một chủ đề kiêng kỵ ».

 Bài « Sự phục thù của âm hộ » của Le Nouvel Observateur điểm lại nhiều cố gắng dũng cảm trong ít năm gần đây, chống lại tập quán truyền thống, để trả lại cho cơ quan sinh dục phụ nữ một vị thế bình đẳng với nam giới.
Từng có được cách nay 35.000 năm, vào thời kỳ đồ đá cũ, khi hình ảnh âm hộ được trang trí trên cửa các hang động hay các đồ vật.

Trong một thời gian rất dài, hình ảnh âm hộ hoặc bị che giấu, hoặc là độc quyền của lĩnh vực mãi dâm.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, chính bản thân rất nhiều phụ nữ cũng chưa từng trực diện cơ quan nhạy cảm này của chính mình.
Trong khi đó, sự thống trị của ngành công nghiệp mãi dâm khiến cho không ít thiếu nữ mặc cảm với hình ảnh âm hộ của bản thân.

Theo một hiệp hội phụ khoa Hoa Kỳ, trong năm 2015, số người muốn phẫu thuật thẩm mỹ âm hộ tăng lên tới 80%.
Mặc cảm, thiếu hiểu biết về cơ quan sinh dục phụ nữ có thể để lại nhiều hậu quả bi thảm.

Nhà phụ khoa Odile Buisson phẫn nộ : « Sự ngu muội thật là khủng khiếp ! Tại sao có thể như vậy, trong khi âm hộ cũng là một bộ phận cơ thể như trái tim, buồng gan ? », « người ta không chấp nhận âm hộ cũng là một cơ quan khoái lạc ».

Câu chuyện tranh nổi tiếng « Cội nguồn thế giới » của Liv Stromquist nhắc lại rằng, vào năm 1973, NASA đã gửi lên không gian phi thuyền Pionner để hy vọng gặp người hành tinh khác, có mang theo một bức họa hai người, một đàn ông, một phụ nữ không quần áo.
Trong khi người đàn ông có cơ quan sinh dục, thì người phụ nữ không.

Bài « Sự phục thù của âm hộ » kết thúc với câu chuyện về bức họa nổi tiếng « Cội nguồn thế giới » của Gustave Courbet – ra đời năm 1866 - trong một thời gian dài đã bị cất kỹ, cho đến cuộc trưng bày năm 1995 tại bảo tàng Orsay, Paris.

Hình ảnh âm hộ trong bức tranh cội nguồn thế giới là một phụ nữ thiếu đầu. Ngày 29/05/2014, nghệ sĩ Déborah de Robertis đã làm sống lại bức họa nổi tiếng này với màn trình diễn âm hộ sống ngay trước bức tranh lịch sử.

Nữ nghệ sĩ Luxembourg tâm sự : khi làm điều này, « tôi nghĩ rằng tôi đang trưng bày không phải cơ quan sinh dục của chính tôi, mà của toàn thể nữ giới ».

Switch mode views: