Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-04-2016
- Thứ Năm, 21 tháng Tư năm 2016 00:54
- Tác Giả: Phương Nga
Mékong Stories, chân dung tuổi trẻ Sài Gòn cuối thập niên 90
Sông Mekong được chọn là bối cảnh của bộ phim " Mékong Stories" của đạo diễn Phan Đăng Di
Reuters
LHQ ghi nhận thất bại trong cuộc chiến chống ma túy, các tài khoản của giới lãnh đạo Palestine trong vụ Panama Papers, phần mềm Nation Builder dùng trong chiến dịch tranh cử, tình trạng thiếu vắng cán bộ y tế tại các bệnh viện công của Pháp, cuộc thăm dò dư luận trước việc nước Anh ra khỏi Liên hiệp Châu Âu, mức lương tổi thiểu hay luật lao động tại Pháp là các chủ đề được trang nhất các nhật báo Pháp hôm nay đưa tin.
Nhật báo Le Monde cũng như một số báo Pháp khác hôm nay đều dành nhiều giấy mực để giới thiệu đến độc giả bộ phim dài của đạo diễn trẻ Việt Nam Phan Đăng Di, đã từng được đề cử tranh giải Gấu bạc tại Liên hoan phim Berlin 2015.
Nếu như trước đây điện ảnh Việt Nam hầu như hoàn toàn vắng bóng tại các liên hoan phim quốc tế, hoặc các hình ảnh về đất nước mà khán giả thấy được chỉ được sử dụng đơn thuần như làm phông nền mà không hề liên quan gì đến thực tế, thì bộ phim « Mékong Stories » của Phan Đăng Di (với tên cũ là « Cha, Con và những câu chuyện khác ») lần này thực sự mang lại một luồng gió mới cho điện ảnh.
Bộ phim kể về những gian truân của một nhóm thanh niên mới lớn ở Sài Gòn, phải đối mặt với những vấn đề của tuổi trưởng thành qua những trải nghiệm mưu sinh, yêu đương, dục tính và bạo lực trong bối cảnh Việt Nam những năm cuối thập niên 1990.
Những thanh niên đó là Vũ (do Lê Công Hoàng thủ vai), học điện ảnh, lang thang khắp thành phố để chụp ảnh ; Vân (do Đỗ Thị Hải Yến đóng), một vũ công trong một quán bar ; Thăng, làm công việc pha chế tại một quán bar ; Cường, một công nhân làm việc trong một nhà máy ngột ngạt, nóng bức. Cả 4 người tụ thành một nhóm và sống chen chúc trong ngôi nhà nổi chật hẹp trên dòng sông Cửu Long. Cả đám sống như vậy, trông chờ vào mấy đồng tiền ít ỏi mà ông Sáu, cha của Vũ cung cấp. Bản thân ông này cũng phải mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau : trồng lúa, buôn gạo, dẫn mối các cô gái trẻ từ nông thôn ra thành phố làm giúp việc hay buôn bán máy ảnh Nhật.
Cũng như trong bộ phim « Bi, đừng sợ » đã từng tham gia "Tuần lễ các nhà phê bình phim" tại Cannes năm 2010, đạo diễn Phan Đăng Di một lần nữa thành công trong việc chuyển tải được qua hình ảnh của bộ phim cái nóng, cái ngột ngạt của một thành phố vừa duyên dáng, nhưng cũng ẩn chứa đầy những bạo lực, tranh giành.
Những cảnh của bộ phim dẫn dắt khán giả bước vào một cuộc sống đầy những thăng trầm, với nhân vật tên Vân và giấc mơ về những show diễn mang hơi hướng phong cách Mỹ, trong khi mà ngoài kia, những người bán rong chỉ trông chờ kiếm đủ tiền ăn qua ngày ; với nhân vật Vũ đồng tính và đang gắng ép bản thân sống cuộc sống bình thường như những người khác, hay nhân vật Cường, bất chấp tất cả để mua được cho mình một chiếc điện thoại di động.
Những thước phim của đạo diễn Phan Đăng Di được đánh giá mang nhiều nét thẩm mỹ trong việc khắc họa bức chân dung khắt khe và cũng mang đầy tính mỉa mai của cuộc sống nơi đô thành, cũng như mong muốn được thoát ra khỏi tính gia trưởng của người cha trong gia đình của nhân vật chính trong phim.
Cũng trong lĩnh vực điện ảnh, nhật báo Le Monde và Le Figaro cũng giới thiệu cho độc giả bộ phim của đạo diễn Christophe Honoré, với những lời đánh giá rất cao trong khâu dựng cảnh, phối hợp ánh sáng, phục trang, v.v… Bộ phim làm sống lại nhân vật cô bé Sophie (do Caroline Grant 5 tuổi thủ vai) tinh nghịch của bá tước Ségur, nữ nhà văn nổi tiếng với những mẩu chuyện dành cho thiếu nhi, vừa hóm hỉnh, vừa mang tính giáo dục cao. Bản thân cuốn chuyện có tựa đề tiếng Pháp « Les malheurs de Sophie » cũng đã được dịch ra tiếng Việt với tựa đề « Những trò tinh nghịch của cô bé Sophie ».
Về thời sự quốc tế, trang nhất báo Le Monde chạy tựa : « Liên Hiệp Quốc ghi nhận thất bại trong cuộc chiến chống ma túy »
Hôm qua, 19/04/2016, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc họp phiên bất thường, kéo dài cho đến ngày 21/04/2016 để bàn về các biện pháp chống nạn buôn ma túy. Báo Le Monde cho biết là dự thảo sẽ được bỏ phiếu tại Đại Hội Đồng đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến này, vì chú trọng hơn đến khía cạnh y tế, xã hội thay vì chỉ tập trung vào trấn áp.
Sau khi thừa nhận là kế hoạch hành động 2009-2019 không đạt được các kết quả, giới chuyên gia quốc tế đã chuẩn bị một dự thảo nghị quyết mới từ hồi tháng Ba, chỉ nói đến « một xã hội không có mọi lạm dụng về ma túy », thay cho khẩu hiệu ảo tưởng được đưa ra trước đây là « một thế giới không có ma túy ».
Dự thảo mới nhấn mạnh chính sách phòng ngừa, chăm sóc chữa trị và đề cao các chính sách, biện pháp tư pháp « phù hợp », cũng như việc sử dụng chất Naloxone trong trường hợp người nghiện dùng ma túy quá liều.
Theo Le Monde, đây là một sự thay đổi triệt để về quan niệm, phương pháp trong cuộc chiến chống ma túy. Trong bối cảnh chính quyền của tổng thống Mỹ Richard Nixon, vào đầu những năm 1970, tiến hành « chiến tranh chống ma túy », khóa họp đặc biệt của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc năm 1998 đã đề ra khẩu hiệu « Một thế giới không có ma túy : Chúng ta có thể đạt được ».
Từ đó đến nay, hàng năm, khoảng 1000 tỷ đô la được chi ra trên phạm vi toàn thế giới để chống lại thảm nạn này. Riêng Hoa Kỳ chi tới 50 tỷ đô la. Thế nhưng, nạn buôn lậu ma túy vẫn phát triển và có doanh thu hàng năm vào khoảng 300 tỷ đô la, chỉ đứng sau doanh thu của lĩnh vực buôn bán vũ khí.
Chính sách cấm đoán vừa không mang lại hiệu quả, vừa gây ra những tác động tiêu cực trong lĩnh vực y tế công, bằng chứng là số trường hợp lây nhiễm HIV tăng vọt tại Nga. Từ vài năm nay, nhiều nước như Bồ Đào Nha, Uruguay, Canada đã áp dụng thí điểm các biện pháp chú trọng vào phòng ngừa và chăm sóc. Bài viết của Le Monde có ảnh chụp áp phích quảng bá cho chính sách phòng ngừa tại Việt Nam nói đến việc dùng « Methandone, cơ hội cho người nghiệm ma túy xây dựng cuộc sống mới và phòng tránh HIV ».
Trong dòng sự kiện, nhật báo Le Figaro dành mối quan tâm của mình cho việc người dân Châu Âu muốn giữ chân nước Anh ở lại với Liên hiệp Châu Âu
Trong khoảng thời gian từ 04 đến 14/04/2016, tờ báo này cho mở cuộc thăm dò dư luận có tên viết tắt là TNS, tiến hành với hơn 5731 người trên 18 tuổi tại 5 nước Châu Âu : Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Ba Lan và Anh. Trong đó đối với Pháp và Anh, các câu hỏi dưới dạng trực tuyến, còn đối với Đức, Tây Ban Nha và Ba Lan, câu hỏi qua điện thoại.
Ba câu hỏi đó như sau :
1- Đối với bản thân, bạn muốn nước Anh ở lại hay ra khỏi Liên hiệp Châu Âu ?
2- Trong cuộc trưng cầu dân ý tới đây, bạn nghĩ rằng người dân Anh sẽ bỏ phiếu ủng hộ việc nước Anh ở lại hay ủng hộ việc nước Anh ra khỏi Liên hiệp Châu Âu ?
3- Nếu nước Anh ra khỏi Liên hiệp Châu Âu, bạn nghĩ rằng kinh tế nước Anh sẽ : … tốt hơn ?, kém hơn ? , không thay đổi gì cả ?, không biết ?
Nhìn chung phần lớn số người được hỏi phản đối Brexit – tức là việc nước Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
78% người Đức, 67% người Tây Ban Nha, 59% người Pháp và 54% người Ba Lan ủng hộ việc nước Anh ở lại Liên Hiệp Châu Âu. Đối với bản thân người dân Anh, các ý kiến cũng đa chiều : 38% đồng tình, 34% phản đối và 28% không có ý kiến.
Kết quả của cuộc thăm dò ý kiến này cũng phù hợp với kết quả của các cuộc điều tra khác đã được tiến hành tại Anh. Theo cuộc thăm dò dư luận mới đây của ORB, được đăng trên The Telegraph hôm qua, 19/04/2016, tỷ lệ số người ủng hộ việc nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu tụt giảm, còn 41%, trong khi đó 53% người được hỏi mong muốn nước Anh ở lại.
Nếu đi sát hơn nữa vào cuộc thăm dò dư luận TNS nói trên được tiến hành với người dân nước Anh liên quan đến việc đất nước họ ra khỏi Liên hiệp Châu Âu, có đến 25% số người được hỏi trong độ tuổi từ 18 đến 24 đồng tình, trong khi con số này ở độ tuổi trên 55 là 42%. Nếu xét trên góc độ giới tính thì có 38% đàn ông đồng tình, và 31% phụ nữ phản đối. Số lượng người dân muốn nước Anh ở lại Liên hiệp Châu Âu đông hơn cả là ở Scotland với 53% và ở Luân Đôn là 52%.
Theo ông Edouard Lecerf, tổng giám đốc phụ trách TNS Sofres, người trực tiếp tiến hành cuộc điều tra tại Pháp, có « hai mối nguy hiểm tiềm tàng » trong kết quả của cuộc điều tra này.
Mối nguy hiểm thứ nhất, đó là sự thờ ơ. Đặc biệt đối với Đức và Pháp, phần lớn những người được hỏi đều cho rằng việc ra đi của nước Anh chẳng làm thay đổi gì đến tình hình kinh tế của Liên hiệp Châu Âu. Trong khi đó, đối với người dân Ba Lan hay Tây Ban Nha, họ nghĩ rằng nếu điều đó xảy ra sẽ có những hậu quả tiêu cực.
Trước việc một nước thành viên rời khỏi Liên hiệp Châu Âu - một sự việc chưa từng xảy ra trong lịch sử, thái độ bình thản của Pháp và Đức có thể hiểu là do mức độ gắn bó với cộng đồng này. Ba Lan được biết đến là nước có đến 82% người dân cảm thấy được hưởng nhiều điều thuận lợi từ Liên hiệp, trong khi đó mức trung bình của 28 nước thành viên chỉ là 60%. Về mặt này, bản thân nước Anh cũng là ngoại lệ : có tới 51% người dân Anh cho rằng được hưởng lợi từ Liên hiệp Châu Âu, 38% thì tin rằng việc ra đi của họ sẽ khiến người dân của Liên hiệp Châu Âu sẽ phải gánh chịu những hậu quả kinh tế nặng nề.
Mối nguy hiểm thứ hai cũng đang bị chỉ trích, đó là thái độ « lây truyền ». Người dân Hà Lan vừa mới lên tiếng phản đối hiệp định ký kết giữa Liên minh Châu Âu và Ukraina thông qua cuộc trưng cầu dân ý, rồi tổng thống Hungary Viktor Orban cũng dự trù tiến hành thăm dò ý kiến người dân nước mình và đảng cực hữu Mặt trận quốc gia Pháp thì lại đang mơ về một cái gọi là « Franxit », theo khuôn mẫu của nước Anh.
Ông tổng giám đốc phụ trách TNS Sofres Edouard Lecerf cũng nhấn mạnh rằng cuộc thăm dò này cũng chứng tỏ người dân Pháp cảm thấy « rất liên quan » trong cuộc tranh luận về Brexit (tức là ủng hộ việc nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu). Khác với thái độ lưỡng lự của 39% người dân Ba Lan và 26% người dân Tây Ban Nha, 74% thanh niên Pháp trong độ tuổi 18-24 mong muốn nước Anh ở lại Liên Hiệp Châu Âu, trong khi đó 53% người dân Pháp độ tuổi hơn 55 thì lại muốn nước Anh ra đi.
Liên quan đến xã hội, Libération có bài viết khá dài liên quan đến những người hồi giáo tại Bỉ. Sau một loạt khủng bố đánh bom tại Bruxelles, những tín đồ đạo Hồi vẫn cảm thấy hòa nhập với nơi đây hơn so với Pháp.
Vẫn trên Libération, độc giả được biết thêm thông tin liên quan đến các khóa giảng dạy giáo dục công dân ở Pháp, mà học viên của các khóa học này không ai chính là các đối tượng đã từng phạm những vụ án nhỏ lẻ, chẳng hạn như xúc phạm nhà cầm quyền hay có các hành vi bạo lực hay trộm vặt. Khóa học như thế này đã được bộ trưởng Tư pháp Dominique Perben thông qua năm 2004 trong chính phủ của Raffarin.
Tin mới
- Tổng thống Obama sẽ điều thêm binh sĩ tới Syria - 25/04/2016 10:29
- Sản xuất tiến sĩ như gà đẻ: Mỗi ngày một ‘tiến sĩ’ - 24/04/2016 10:18
- ‘Độc tố cực mạnh’ làm cá chết hàng loạt ở Việt Nam - 24/04/2016 10:05
- Du khách Mỹ với áo thung mang Cờ Vàng 3 Sọc Đỏ đi vào Việt Nam - 23/04/2016 15:07
- Hơn 170 nước ký thỏa thuận khí hậu lịch sử - 23/04/2016 10:15
- Ban nhạc Viet Cong chính thức đổi tên vì phản ứng công luận - 23/04/2016 10:09
- Ông Nguyễn Tấn Dũng đi chùa sau khi về hưu - 22/04/2016 10:25
- Ông Tập Cận Bình nắm chức Tổng tư lệnh quân đội Trung Quốc - 22/04/2016 10:15
- VN phản đối Tướng TQ thăm Trường Sa - 21/04/2016 11:07
- Tự do báo chí ở Việt Nam vẫn xếp hạng 175/180 - 21/04/2016 10:59
Các tin khác
- TQ bác đề nghị của Anh liên quan đến vụ kiện bản đồ lưỡi bò - 20/04/2016 18:15
- LHQ: 500 di dân có thể đã chết đuối ở Địa Trung Hải - 20/04/2016 18:10
- Biển Đông: Nga-Trung đối đầu với Mỹ - 19/04/2016 20:31
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-04-2016 - 19/04/2016 20:30
- Mỹ cung cấp phi cơ trinh sát cho Philippines theo dõi Biển Đông - 19/04/2016 13:49
- Tổng thống Obama: Iraq có thể chiếm lại Mosul vào cuối năm nay - 19/04/2016 13:45
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-04-2016 - 19/04/2016 03:32
- Nghị trình Obama tại Việt Nam? - 18/04/2016 08:04
- Trung Quốc: Hạm đội Nam Hải tập trận với tình huống lâm chiến thực - 17/04/2016 15:38
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-04-2016 - 17/04/2016 15:34