Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-04-2016

Trung Quốc hung hăng, châu Á tái vũ trang

camranh-kilo

Tàu ngầm Việt Nam tại quân cảng Cam Ranh - DR

Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền trên gần hết 90% diện tích Biển Đông.
 Hàng loạt các hoạt động cải tạo bồi đắp đảo thành các đường băng và các cơ sở khác nhau, thậm chí triển khai cả dàn tên lửa trên những bãi đá ngầm đã được tiến hành.

Đây cũng là khu vực trọng yếu cho thương mại thế giới, nơi trung chuyển gần 5.000 tỷ đô la hàng hóa mỗi năm.

 Theo quan sát của Le Figaro ngày 12/04/2016, "Trước những tham vọng của Trung Quốc, châu Á tái vũ trang”.

Lo sợ trước việc Trung Quốc dùng vũ lực thay đổi diện mạo trong khu vực, nhiều nước tại đây đang thắt chặt lại hay tái định hình các mối liên minh.

Philippines đã nối lại hợp tác với cựu đế quốc Hoa Kỳ, khi chấp thuận cho mở cửa lại 5 khu căn cứ quân sự để đón lính Mỹ.
Song song, ngân sách dành cho quốc phòng của Philippines trong năm qua đã tăng thêm 25%, dù vẫn nhận thức được rằng sức mạnh quân sự của mình không thể sánh bằng với các nước khác, nhất là với Bắc Kinh.

Trước đó, năm 2014, Washington và Manila còn ký kết một thỏa thuận quốc phòng. Thỏa thuận hợp tác dự trù cả việc tăng cường các đợt tập trận chung hay hỗ trợ hiện đại hóa quân đội Philippines.

Thái độ hung hăng của Trung Quốc trong hồ sơ Biển Đông còn đẩy Việt Nam xích lại gần hơn với cựu thù Mỹ.
Các tranh chấp về quyền đánh bắt hải sản và khai thác các nguồn dầu khí đã làm gia tăng gay gắt sự đối đầu giữa Hà Nội và Bắc Kinh.

 Le Figaro nhắc lại trong tuần qua, lực lượng tuần duyên Việt Nam đã chặn bắt một tàu chở dầu của Trung Quốc vì cho rằng đã xâm nhập trái phép vào vùng lãnh hải của nước này.
Không chỉ đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt xung quanh các đảo có tranh chấp tại Hoàng Sa, Bắc Kinh còn thực hiện nhiều chuyến bay xâm phạm không phận của Việt Nam đi về hướng đường băng mới vừa được xây dựng trên bãi Đá Chữ Thập ở Trường Sa mà hai bên có tranh chấp chủ quyền.

Hà Nội tố cáo Bắc Kinh đe dọa an ninh khu vực cho là “những chuyến bay này của Bắc Kinh nhằm khẳng định những đòi hỏi chủ quyền của họ trên quần đảo”.

Trước việc Trung Quốc gia tăng những hành động khiêu khích, Việt Nam đã tăng thêm 7,6% cho ngân sách quân sự.
Theo đó, Việt Nam dự định mua 12 chiến đấu cơ Su-35 của Nga cũng như là nhiều máy bay chiến đấu khác của châu Âu và Hoa Kỳ, để tăng cường khả năng phòng ngự.

Về phần mình, Nhật Bản có tranh chấp với Trung Quốc tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Sau nhiều năm liên tiếp giảm chi phí cho quân sự, Tokyo quyết định tăng ngân sách cho quân sự hồi năm rồi, đồng thời cho khởi động một trạm ra-đa giám sát trên Biển Đông, gần với Đài Loan.

Với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á thì sao?
Le Figaro ghi nhận, thường vẫn nằm ngoài các tranh chấp, nay Malaysia bắt đầu lên tiếng phản đối.

Quốc gia láng giềng là Indonesia, tuy không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, nhưng vì lo ngại trước hiện tượng hàng trăm tầu cá ngang nhiên đi vào vùng lãnh thổ của mình đã buộc nước này tăng ngân sách cho quân sự thêm 16%.

Cuối cùng là nước Úc, một cường quốc khác trong khu vực. Canberra công khai bày tỏ các quan ngại của mình trước các động thái hung hăng của Trung Quốc.

Chi tiêu cho quốc phòng của nước này trong vòng 10 năm tới được dự trù tăng thêm 31 tỷ đô la để tăng cường khả năng đối phó với mối đe dọa trên.
Hiện Canberra đang thương thảo với Washington để mua thêm các chiến đấu cơ có tầm hoạt động xa.

 Bên cạnh đó, Úc cũng dự tính thực hiện các cuộc tuần tra trên Biển Đông để bảo vệ quyền tự do lưu thông trong khu vực…
Dẫu biết rằng không quốc gia nào muốn xảy ra điều tồi tệ nhất, nhưng cuộc đua vũ trang này đang làm gia tăng rủi ro làm bùng nổ bất ngờ xung đột.

Biển Đông: Đối đầu Bắc Kinh – Washington

Một hệ quả khác của hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc là làm nảy sinh sự “đối đầu giữa Bắc Kinh và Washington”.
Để trấn an các đồng minh của mình trước những đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông, Washington liên tiếp đưa ra nhiều sáng kiến, khiến Bắc Kinh nổi giận.

Dấu hiệu căng thẳng đang gia tăng giữa đôi bên là việc bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Ashton Carter hủy chuyến thăm Trung Quốc, được lên chương trình từ rất lâu.
Đồng thời, việc Hoa Kỳ gởi nhiều chiến đấu cơ và tàu chiến đến gần những bãi đá ngầm mà Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động bồi đắp gây tranh cãi cũng làm cho Bắc Kinh bực mình.

Lầu Năm Góc còn dự tính trong thời gian sắp tới sẽ tiếp tục các cuộc tuần tra. Thông tin này được tiết lộ ngay sau cuộc gặp giữa tổng thống Barack Obama với nguyên thủ Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong cuộc gặp này, ông Tập Cận Bình đã lên tiếng cảnh cáo không dung thứ bất cứ hành động nào dưới danh nghĩa tự do lưu thông, có nguy cơ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.

Panama Papers: Châu Âu phản công

Liên Hiệp Châu Âu hôm nay có phản ứng mạnh trước vụ tai tiếng Panama Papers liên quan đến nhiều lãnh đạo và ngân hàng tại châu Âu.
La Croix thông báo “Bruxelles gia tăng biện pháp chống lại nạn trốn thuế”. Liên Hiệp Châu Âu muốn nhân vụ tai tiếng này để áp đặt các quy định mới buộc các doanh nghiệp phải minh bạch hơn.

 Một thông tư mới sẽ được trình tại Nghị Viện châu Âu hôm nay. Châu Âu mong muốn được tiếp cận dễ dàng hơn mọi dữ liệu kế toán và thuế của các tập đoàn đa quốc gia.

Bên cạnh đó, Liên Hiệp Châu Âu cũng thiết lập một danh sách đen các thiên đường thuế. Theo đó, trong 6 tháng nữa, Liên Hiệp Châu Âu sẽ công bố danh sách các thiên đường thuế và những quốc gia nào nằm trong danh sách sẽ bị trừng phạt.
Một động thái được bài xã luận của Le Monde đánh giá là “phản ứng tốt”.

Brazil: Nên hay không hạ bệ bà Dilma Roussef?

Đây là câu hỏi La Croix đặt ra với nhà chính trị học Carlos Melo.
Vụ tai tiếng tham nhũng Petrobras đang đặt bà Roussef vào tình thế bất lợi chưa từng có.

Theo quan sát của chuyên gia này, bà tổng thống Dilma Roussef đã mất cả khả năng điều hành lẫn uy tín đối với người dân.
 Gần 70% dân Brazil ủng hộ việc phế truất bà.

Chuyên gia này còn ví nền dân chủ non trẻ của Brazil hiện nay như đang trong giai đoạn “khủng hoảng tuổi dậy thì”.
Và cuộc khủng hoảng đó sẽ chỉ được giải quyết bằng những cải cách chính trị sâu rộng.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh là hiện chưa có một nhà lãnh đạo chính trị nào dám đứng ra thực hiện.

Wallenberg: 71 năm sau mới được khai tử

Libération đặc biệt quan tâm đến định mệnh bi thảm của một nhà ngoại giao Thụy Điển, một người đã cứu sống hàng ngàn người Do Thái trong Đệ Nhị Thế Chiến.
Bài viết phác họa lại hành trình của chàng thanh niên 31 tuổi Raoul Wallenberg làm thế nào cứu sống hàng ngàn người Do Thái khỏi nanh vuốt của Đức Quốc Xã.
Để rồi chính bản thân ông lại rơi vào tay của một “kẻ bạo tàn” khác như nhận xét Ingrid Carlberg, tác giả cuốn tiểu sử về ông.
Ngày 17/01/1945, ông lên xe thẳng hướng Debrecen, cách thủ đô Budapest của Hungary 240 km, để gặp một viên chỉ huy của Hồng quân Liên Xô để thương lượng về nhu yếu phẩm và nước.
Bất hạnh thay đó lại là chuyến đi không ngày về. Ông đã biệt tăm kể từ ngày đó.

Duy chỉ có một nhân chứng duy nhất cho biết tin tức về ông: đó một nhà ngoại giao Đức, người ở cùng phòng giam với ông tại Loubianka, một nhà tù nổi tiếng của công an chính trị Xô Viết.

Nhưng phải đợi đến 12 năm sau ngày mất tích, chính quyền Stockholm mới lên tiếng yêu cầu trả tự do cho ông Wallenberg.
Chính quyền Xô Viết lúc bấy giờ nghi ngờ ông là hạng người theo chủ nghĩa tư bản tồi tệ nhất, và còn là gián điệp cho quân Đồng Minh.

 Washington với một cử chỉ mang tính biểu tượng đã truy tặng danh hiệu hiếm hoi công dân danh dự Hoa Kỳ năm 1981, ngay giữa lòng chiến tranh lạnh.

Theo nguồn tin chính thức, ông có lẽ đã qua đời trong nhà tù ngày 17/07/1947 do nhồi máu cơ tim.
 Sau 71 năm tìm kiếm sự thật về vụ mất tích, nay gia đình mới chính thức yêu cầu khai tử cho ông.

Trang nhất các báo Pháp

Chủ đề trên trang nhất các báo Pháp ngày hôm nay rất tản mạn.
Le Monde vẫn tiếp tục phản ánh những hậu quả sau tiết lộ Panama Papers, với dòng tựa lớn trên trang nhất : " Panama Papers, thủ tướng David Cameron bị yếu thế ngay trong chiến dịch phản đối Brexit ".

Le Figaro quan tâm tới việc các ngân hàng giảm lãi suất giành cho cá nhân và các doanh nghiệp nhờ chính sách mới của Ngân Hàng Trung ương Châu Âu.
Thế nhưng, chính sách này lại khiến các ngân hàng và các công ty bảo hiểm lo ngại xảy ra tình trạng bong bóng tài chính tại một số thị trường.

 Bài xã luận của Le Figaro cho rằng chưa bao giờ tiền lại có giá rẻ như vậy, với ví dụ là lãi suất vay tiền mua nhà trong thời hạn 20 năm chỉ ở ngưỡng 1,5%.

Còn nhật báo kinh tế Les Echos trở lại vấn đề lao động tại Pháp với dòng tựa lớn : " Đánh thuế các hợp đồng lao động có thời hạn : tổng thống Hollande đang vuốt ve xoa dịu cánh tả ".
Mục đích là đánh thuế cao hơn các hợp đồng ngắn hạn để kích thích doanh nghiệp tuyển nhân viên với hợp đồng vô thời hạn.

Trang nhất nhật báo công giáo La Croix là cuộc sống mới của ba trong số 232 thiếu niên di dân nước ngoài không có gia đình đi kèm đang sống tại tỉnh Pas-de-Calais, sau khi trại " Calais " bị cảnh sát Pháp dỡ bỏ và giải tán.

Riêng nhật báo thiên tả Libération quan tâm tới số phận của " Những phụ nữ thoát khỏi vòng tay của Boko Haram ".

Họ là những người bị tổ chức thánh chiến khủng bố đang hoành hành tại châu Phi bắt cóc và may mắn thoát khỏi bàn tay của những kẻ Hồi giáo cực đoan, trong khi đó 200 nữ sinh bị bắt cóc tại Nigeria cách đây hai năm vẫn bặt vô âm tín.

Switch mode views: