Malaysia: thủ tướng bám quyền bất chấp nghi án tham nhũng
- Thứ Sáu, 12 tháng Hai năm 2016 14:13
- Tác Giả: Trọng Thành
Phong trào dân sự Bersih biểu tình phản đối thủ tướng Najib, Chủ nhật 30/08/2016, sau khi thông tin về vụ 1MDB phát lộ.
REUTERS/Athit Perawongmetha
Nghi vấn tham nhũng liên quan đến thủ tướng Malaysia khiến chính trường quốc gia Đông Nam Á rúng động từ hơn nửa năm nay.
Báo Libération hôm nay, 12/02/2016, có bài tổng thuật về diễn biến của vụ việc.
Bài « Malaysia chìm ngập trong một bê bối tài chính » nhấn mạnh : Vụ việc chưa từng có tại quốc gia quân chủ 30 triệu dân, kể từ năm độc lập 1957, làm rung chuyển quyền lực của thủ tướng Najib Razak, « cho dù hối lộ trong chính trị là một chuyện thường ngày » tại Malaysia.
Diễn biến mới nhất của nghi án tham nhũng này là việc tư pháp Thụy Sĩ vào cuộc. Ngày 29/01/2016, Thụy Sĩ yêu cầu Malaysia hỗ trợ điều tra về khoản 4 tỷ đô la mất tích khỏi tài khoản của một quỹ đầu tư Nhà nước Malaysia 1MDB (Malaysia Development Berhard).
Quỹ - do thủ tướng « Najib » (tên thường gọi của lãnh đạo Malaysia) lập ra năm 2009 và đồng thời là chủ tịch – hiện đang thâm hụt tới 10 tỷ euro.
Theo các nhà điều tra Thụy Sĩ, tài khoản của tổ chức nói trên đã bị « biển thủ một cách hệ thống, nhờ các kỹ thuật tài chính tinh vi.
Cuộc điều tra đã cho phép khẳng định một phần của quỹ đã được đưa vào các tài khoản của một số nhân viên nhà nước Malaysia tại Thụy Sĩ, và một số tài khoản của nhiều giới chức của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất ».
Ba ngày hôm sau, trong bối cảnh cáo giác gây chấn động công luận, phía Thụy Sĩ phải nói rõ người đứng đầu chính phủ Malaysia « không nằm trong số các quan chức bị điều tra ».
Thật khó tin thủ tướng Malaysia không biết
Tổ chức bảo vệ nhân quyền và cải cách luật pháp Lawyers for Liberty (LFL), có trụ sở tại Malaysia, có quan điểm ngược lại. Giám đốc của LFL, luật gia Eric Paulsen nhắc lại rằng : Thủ tướng Malaysia là người đứng đầu Quỹ, ông « có những quyền hạn rất lớn nhờ được nền hành chính bảo vệ và nhiều thế lực liên đới hậu thuẫn và bảo vệ ».
Theo Libération, « thật khó tin là thủ tướng chính phủ, đồng thời là bộ trưởng Tài Chính, lại không biết gì về sự tồn tại của cả một hệ thống biển thủ » công quỹ như vậy.
Theo nhà chính trị học Sophie Lemière, một chuyên gia về Malaysia, nạn tham nhũng đã rất phổ biến và được phát triển dưới thời nguyên thủ tướng Mahathir (1981-2003), mọi thành phần chủ chốt của đảng cầm quyền đảng Tổ Chức Dân Tộc Mã Lai Thống Nhất (UMNO) đều tham nhũng, nhưng phải nói là tham nhũng của thủ tướng đương nhiệm đã vượt quá mọi giới hạn.
Libération điểm lại khởi nguồn của đại nghi án tham nhũng này : Ngày 03/07/2015, khi tờ Wall Street Journal và Sarawak Report, một trang mang điều tra, có trụ sở ở Luân Đôn, tiết lộ thủ tướng Malaysia đã nhận vào tài khoản cá nhân 681 triệu đô la, hồi đầu năm 2013, khi đang gặp khó khăn trong tranh cử.
Một nhóm điều tra Malaysia đã phát hiện tiền đến từ một tổ chức đăng ký tại đảo Virgin, lãnh thổ hải ngoại của Anh Quốc, tại vùng vịnh Caribe, Trung Mỹ (khu vực từng được coi là « thiên đường trốn thuế »).
Trung gian chuyển tiền là một ngân hàng Thụy Sĩ, thuộc một quỹ của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.
Cáo buộc tham nhũng tại quỹ nhà nước do thủ tướng Malaysia đứng đầu trở thành tâm điểm hành động của xã hội dân sự.
Cuối tháng 8/2015, ít nhất 50.000 người biểu tình tại thủ đô Kuala Lumpur chống lại « hệ thống Najib », với sự điều phối của liên minh Bersih (trong tiếng Mã Lai có nghĩa là « trong sạch »).
Những người đòi thủ tướng Najib từ chức bất ngờ được cả sự ủng hộ của cựu thủ tướng Mahathir, vốn là đối thủ của phong trào Bersih.
Theo đồng chủ tịch của liên minh Bersih, luật sư nổi tiếng người Mã Lai, bà Ambiga Sreenevasen, « đối với bất cứ nền dân chủ thực sự nào », trong bối cảnh như vậy « thủ tướng đáng lẽ đã phải từ chức ngay lập tức ».
Tuy nhiên, thủ tướng Najib quyết bám lấy quyền lực, bất chấp sự phản đối ngay trong hàng ngũ đảng cầm quyền.
Thủ tướng Malaysia trấn áp nội bộ
Nhân vật số hai của chính phủ, và một lãnh đạo chủ chốt của đảng cầm quyền, ông Muhyiddin Yassin, bị cách chức, vì đã « đòi hỏi minh bạch và khuyên Najib từ chức ».
Bộ trưởng Tư Pháp cũng bị hạ bệ, « vì lý do sức khỏe ».
Nguyên bộ trưởng Tư Pháp Abdul Gani Patail chính là người đã tham gia vào cuộc điều tra Quỹ 1MDB của thủ tướng.
Chính quyền của ông Najib tìm mọi cách để ngăn chặn việc phổ biến các thông tin về vụ bê bối của 1MDB.
Nhiều báo bị đình bản, các blogger bị đe dọa. Nhiều thành viên đảng cầm quyền UMNO – muốn đưa thông tin ra ngoài - thậm chí bị cấm xuất ngoại, bị bắt bớ.
Tại Đại hội của đảng cầm quyền hồi tháng 12/2015, thủ tướng Najib khẳng định không chịu thua.
Trước 2.000 đại biểu của tổ chức này, ông Najib lên án « những kẻ phản bội », và kêu gọi đoàn kết để kháng cự.
Sau hàng loạt điều tra quốc tế, tại Hồng Kông, Anh Quốc, Singapore, với nhiều tài khoản bị phong tỏa, cá nhân liên quan bị thẩm vấn, phe của thủ tướng Malaysia vẫn quyết trụ lại.
Cuối tháng 1/2016, tân bộ trưởng Tư Pháp đã đưa ra một cách giải thích hoàn toàn mới về vụ 681 triệu đô la trong tài khoản cá nhân của thủ tướng : Đó là « quà tặng riêng của hoàng gia Ả Rập Xê Út », và bản thân khoản tiền này đã được hoàn trả.
Bộ trưởng Tư Pháp Malaysia cũng hứa hợp tác với Thụy Sĩ để điều tra về 4 tỉ đô la mất tích.
Câu giờ, nhưng không dập được lửa
Theo tổ chức phi chính phủ chống tham nhũng « Suaram » của Malaysia (tiếng Mã Lai có nghĩa là « Tiếng nói của nhân dân Mã Lai »), Bộ Tư Pháp Malaysia sẽ không hành động.
Tuy nhiên, hiệp hội Suaram cũng dự đoán « thay đổi chắc chắn sẽ đến từ cuộc chiến nội bộ của đảng cầm quyền UMNO », cho dù « tình hình hiện nay là đáng hổ thẹn và rất khó xử đối với Malaysia ».
Giải thích về sự bất lực của đối lập Malaysia, nhà chính trị học Sophie Lemière nhận xét : Đối lập « không có tầm nhìn dài hạn, không có lãnh đạo, không có sự gắn bó », trong khi « dân chúng mất lòng tin, bởi vì họ không tin tưởng vào một ai đó có thể thay thế được Najib Razak, một người rất giỏi trong nghệ thuật sử dụng nỗi sợ và đe dọa khủng bố » để hù dọa dân chúng.
Bài tổng thuật của Libération dẫn ra một thông điệp chống khủng bố được thủ tướng Malaysia đưa ra hôm qua, thứ Năm 11/02, và khép lại với nhận xét : cách hành xử nói trên « cho phép kéo dài thời gian, nhưng sẽ không thể nào dập được lửa ».
Đại nghi án tham nhũng có thể đe dọa làm sụp đổ « nềnthống trị độc đoán » của thủ tướng Najib Razak, thường tự khẳng đinh là người bảo vệ « cho hòa bình, hài hòa xã hội và an ninh ».
Tin mới
- Little Saigon tưng bừng với diễn hành tết Bính Thân - 14/02/2016 05:07
- Hơn 5.000 phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika ở Colombia - 14/02/2016 00:21
- Tổng thống Pakistan kêu gọi không tổ chức Ngày lễ Tình nhân - 14/02/2016 00:09
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-02-2016 - 13/02/2016 23:05
- Trung Quốc: Anh can thiệp vào vụ chủ tiệm sách Hồng Kông mất tích - 13/02/2016 22:07
- Giáo hoàng và thượng phụ Chính thống giáo Nga kêu gọi đoàn kết - 13/02/2016 21:27
- Arizona: Nổ súng trong trường, hai nữ sinh thiệt mạng - 13/02/2016 00:34
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-02-2016 - 12/02/2016 22:23
- Syria: CIA khẳng định Daech dùng vũ khí hóa học - 12/02/2016 22:09
- Thượng đỉnh lịch sử giữa giáo hoàng Phanxicô và thượng phụ Kirill - 12/02/2016 21:50
Các tin khác
- Chống Trung Quốc tại Biển Đông: Manila lại đóng vai trò xung kích - 12/02/2016 13:51
- Trung Quốc tăng cường chiến dịch đàn áp tôn giáo - 12/02/2016 01:59
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-02-2016 - 12/02/2016 00:27
- Bầu cử tổng thống Mỹ : Hai ứng viên Cộng Hoà bỏ cuộc - 11/02/2016 18:52
- NATO tái bố trí lực lượng ở Đông Âu để răn đe Nga - 11/02/2016 18:44
- Sự im lặng kỳ lạ của thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc - 11/02/2016 18:28
- Thượng đỉnh Sunnylands : Mỹ muốn tăng cường quan hệ với ASEAN - 11/02/2016 17:46
- Bình Nhưỡng ra lệnh toàn bộ người Hàn Quốc rời khỏi Kaesong - 11/02/2016 17:00
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-02-2016 - 10/02/2016 21:32
- Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN : Obama sẽ có thông điệp cứng rắn về Biển Đông - 10/02/2016 17:29