Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hàng giả, mối thách thức toàn cầu

hang gia

Tháng 05/2015, tập đoàn Kering của Pháp đã kiện Alibaba lên toà án liên bang Manhattan (Mỹ) vì tạo điều kiện cho việc kinh doanh hàng giả.Reuters

 Tại những địa điểm nổi tiếng ở Paris, khách du lịch thường bắt gặp những người bán hàng rong mời chào mua khăn, túi hay kính mắt “nhái” các thương hiệu nổi tiếng.

Vào dịp lễ tết cuối năm, hàng giả, hàng nhái còn chen lấn vào các hội chợ hay chợ Noel ngoài trời, như trên đại lộ Champs-Elysées chẳng hạn.

Hàng “độc”, hàng thủ công hay các sản phẩm dán nhãn “thương mại bình đẳng” (commerce équitable) được các tiểu thương tại đây tận dụng tối đa để thu hút khách hàng.

 Thế nhưng, lẫn trong những mặt hàng thật, không ít sản phẩm giả được một nhóm phóng viên của đài truyền hình France 2 (18/12/2015), đóng vai khách du lịch, phát hiện sau khi đi dạo một vòng quanh khu chợ Noel trên đại lộ Champs-Elysées.

Ví dụ, tại một quầy bán đồ Canada, người bán hàng không ngừng ca ngợi về chất lượng và tính ứng dụng độc đáo của sản phẩm, nhưng trên mác lại ghi “Made in China”… cách Canada tới gần nửa vòng trái đất.

Người bán hàng khẳng định là sản phẩm được thiết kế tại Canada, còn vật liệu là của Trung Quốc. Anh còn quả quyết : “Dù chị có đi một vòng 200 quầy tại đây, cứ thử tìm cho tôi bất kỳ sản phẩm nào mà không có một cái gì đó từ Trung Quốc”.

Anh ta không nói sai. Vì ngay tại quầy bán đồ len từ Peru, nhóm phóng viên phát hiện nhiều nhãn mác trên sản phẩm đã bị cắt bỏ, có nghĩa là không biết xuất xứ của sản phẩm.
Sau vài câu chất vấn, bà bán hàng tại quầy Peru thừa nhận có bán hàng Trung Quốc, bằng giá với sản phẩm truyền thống từ Peru.

Thậm chí, ngang nhiên hơn là một số quầy bán hàng giả, như quầy bán loa. Khách hàng có thể dễ dàng nhận ra đó là hàng nhái vì có cùng logo, chỉ khác một điểm là không ghi tên nhà sản xuất.

Mặt hàng thật được bán với giá 30 euro, trong khi hàng giả có giá 25 euro, không rẻ hơn là bao. Người bán hàng cho rằng có thể nhà sản xuất hàng giả thay đổi một số linh kiện bên trong để không giống hoàn toàn với mác đã đăng ký bản quyền.
Trên đây chỉ là một số ví dụ nhỏ, gần gũi nhất với đời thường.

 Quy mô của hàng giả còn lớn hơn nhiều, mà chúng ta có thể nhận thấy trong chiến dịch tiêu huỷ hàng giả ngày 05/11/2015 do hải quan Pháp tiến hành tại 21 khu vực trên toàn lãnh thổ Pháp.
Cụ thể là 60 tấn hàng giả, gồm 143.510 mặt hàng, bị tiêu huỷ gần cảng Le Havre (Seine-Maritime), hay 4.000 sản phẩm giả tại thành phố Dijon (Bourgogne).

Còn tại vùng Ile de France-Paris, hải quan đã tiêu huỷ 43 tấn cà phê nhái các thương hiệu nổi tiếng, 16.000 áo phông, quần bơi, hay khăn tắm giả có giá trị lên tới 2 triệu euro, ngoài ra còn có hàng chục nghìn bẫy chuột và gián không có nguồn gốc …

Trong vòng 10 năm trở lại đây, số lượng hàng giả bị tịch thu tăng thêm 10% mỗi năm.
Nhật báo kinh tế Les Echos (10/06/2015) trích đăng thống kê các mặt hàng bị làm giả nhiều nhất năm 2014 do trang bán hàng trực tuyến PriceMinister lập, theo đó Samsung là thương hiệu bị làm giả nhiều nhất, vượt qua cả các thương hiệu xa xỉ như Guess, Armani hay Chanel lần lượt đứng ở vị trí thứ 8, 10 và 11.

Năm 2014 là năm “bội thu” của hải quan Pháp : 8,8 triệu mặt hàng giả bị thu giữ, trong đó có 1,5 triệu được gửi qua đường chuyển phát nhanh và đường bưu điện.
 Điều này cho thấy mua bán trên mạng Internet đang trở thành một thách thức lớn đối với lực lượng hải quan.

Không chỉ liên quan đến các thương hiệu nổi tiếng, hiện nay hàng giả lấn sang các mặt hàng tiêu thụ thông thường.
Đứng đầu là các loại tân dược (chiếm 30% tổng số hàng giả bị thu giữ vào năm 2014), tiếp theo là các mặt hàng xa xỉ (quần áo, giầy dép và các đồ phụ kiện thời trang), đồ chơi, điện thoại và linh kiện điện thoại, sản phẩm công nghệ cao, linh kiện ô tô, pin…

Hàng giả ảnh hưởng đến việc làm và kinh tế Châu Âu

Hàng năm, nền kinh tế thế giới bị thiệt hại tới 300 tỉ euro vì hàng giả. Trong khối Liên Hiệp Châu Âu, Đức là nạn nhân lớn nhất, với tổng thiệt hại lên tới 56 tỉ euro hàng năm, theo thẩm định của văn phòng Ernst & Young (Les Echos, 14/12/2015).
 Còn tại Pháp, Hiệp hội các nhà sản xuất Pháp (Unifab) đưa ra con số thiệt hại vào khoảng 6 tỉ euro mỗi năm.

Hàng giả chiếm tới 10% tổng số lượng hàng bán ra tại Liên Hiệp Châu Âu, gây thất thu cho ngân sách của khối và ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của người lao động.
 Ngoài ra, các doanh nghiệp còn bị thiệt hại về vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ, vì họ phải đầu tư nhiều vào thiết kết cũng như nộp bằng sáng chế.

Theo bản báo cáo được công bố ngày 14/12/2015 của Cơ quan điều hoà Thị trường nội địa Châu Âu (Office de l'harmonisation dans le marché intérieur, OHMI), có khoảng 518.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp trong Liên Hiệp Châu Âu có nguy cơ bị hàng giả đe doạ, trong đó khoảng 25.000 việc làm tại Pháp.

Thuốc tân dược giả chiếm một phần quan trọng các mặt hàng bị tịch thu. Nhật báo Le Parisien (05/11/15) cho biết : năm 2014, hải quan Pháp thu giữ 2,6 triệu sản phẩm tân dược giả, chiếm tới 30% tổng số lượng hàng giả các loại.
Trong đó chỉ riêng tại cảng Le Havre, hơn 2 triệu túi thuốc aspirine và thuốc chống tiêu chảy đã bị phát hiện. Đây là kỷ lục chưa từng có tại Châu Âu.

Ngoài ra, còn phải kể tới ngành công nghiệp hàng xa xỉ (quần áo, giầy dép và các phụ kiện thời trang khác).
Theo OHMI, các doanh nghiệp Châu Âu trong lĩnh vực này bị mất khoảng 43,3 tỉ euro doanh thu hàng năm, riêng tại Pháp là khoảng 3,5 tỉ euro.

Vẫn theo đánh giá ngày 14/12 của hiệp hội này, đồ chơi và trò chơi trở thành lĩnh vực lớn thứ ba bị làm giả.
Khối lượng hàng giả bán ra chiếm tới 12,3% thị trường đồ chơi, gây thất thoát 1,4 tỉ euro hàng năm cho các nhà sản xuất Châu Âu và đồng nghĩa với việc 6.150 việc làm trong lĩnh vực bị xoá bỏ.

Đức là nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất của lục địa già, chiếm khoảng 40% thị trường này, và dĩ nhiên là nước bị thiệt hại nặng nhất trong Liên Hiệp.
Hàng năm, các nhà sản xuất Đức bị mất khoảng 327 triệu euro vì đồ chơi giả.

Tiếp theo là các nước Anh, với thất thoát khoảng 240,7 triệu euro, Ý (201 triệu euro), Tây Ban Nha (167 triệu euro) và Pháp (168 triệu euro).
 Năm 2014, trên tổng số 8,8 triệu sản phẩm giả bị hải quan Pháp tịch thu thì có tới 332.000 sản phẩm đồ chơi.

Không chỉ tác động trực tiếp đến ngành công nghiệp, ngân khố các nước trong Liên Hiệp Châu Âu cũng bị thiệt hại khoảng 8,1 tỉ euro từ thuế giá trị gia tăng, thuế kinh doanh và các khoản đóng góp xã hội của các doanh nghiệp. Tại Pháp, con số thất thoát này rơi vào khoảng 370 triệu euro hàng năm.

Người tiêu dùng cũng chịu thiệt thòi khi sử dụng hàng giả, dù họ tham hàng rẻ hay không có khả năng tài chính để mua sản phẩm thật.

Luật Sở hữu trí tuệ Pháp quy định hình phạt 3 năm tù và khoản tiền phạt có thể lên tới 300.000 euro đối với những doanh nghiệp “nhúng tay” vào thị trường hàng giả. Hoặc tới 5 năm tù và 500.000 euro tiền phạt đối với loại tội phạm kinh doanh hàng giả có tổ chức.

Hình phạt này hoàn toàn có thể áp dụng được đối với các cá nhân mua và sử dụng hàng giả.
Từ vài năm gần đây, nhân viên hải quan Pháp được phép lục soát bất kỳ lúc nào nếu thấy có dấu hiệu khả nghi.

Chất lượng và độ an toàn của hàng giả cũng khiến các chuyên gia trong lĩnh vực này lo ngại.
 Theo ông Christian Peugeot, Chủ tịch Unifab, các nhà sản xuất hàng giả không bao giờ tôn trọng các tiêu chuẩn an toàn của Châu Âu.
Họ luôn tìm cách kiếm lợi nhuận nhanh nhất nên sẵn sàng hạn chế tối đa chi phí sản xuất và dĩ nhiên là giảm chất lượng.
 Vì vậy, hàng giả kém chất lượng có thể trở thành một mối đe doạ cho sức khoẻ của người tiêu dùng.

Châu Á : nhà cung cấp hàng giả cho toàn thế giới

Bản báo cáo ngày 14/12 của cơ quan OHMI chỉ rõ : hai phần ba tổng số hàng giả lưu hành tại Châu Âu có nguồn gốc từ Trung Quốc, được cho là nhà sản xuất hàng giả lớn nhất thế giới.

 Theo Les Echos (10/06/15), hàng giả đóng góp tới 8% cho GDP của nước này. Còn Thái Lan nổi tiếng về cung cấp hàng giả cho thị trường linh kiện ô tô và mỹ phẩm. Khu vực Trung Đông chuyên cung cấp thuốc lá và dược phẩm giả.

Đây không phải là lần đầu tiên, Trung Quốc bị chỉ đích danh. Trong bản báo cáo công bố vào tháng 04/15, Văn phòng Cảnh sát Châu Âu (Office européen de police, Europol) đã nhấn mạnh tới trách nhiệm của quốc gia này :

“Các sản phẩm tới từ Châu Á thường xuyên được lắp ráp ngay tại những nhà máy Trung Quốc, ban ngày gia công cho các công ty sản xuất hàng xa xỉ.
Nên dĩ nhiên là hàng giả và hàng thật trông rất giống nhau, vì những kẻ làm hàng giả nắm được phương pháp và vật liệu sản xuất ra mặt hàng thật”.

Còn bài phóng sự của hãng tin AP (18/12/2015) nhấn mạnh tới sự đồng loã của một số nhân viên hải quan Trung Quốc với các nhà sản xuất hàng giả :
“Để phát hiện ra hàng giả, các thương hiệu nổi tiếng thường cung cấp cho phía hải quan những chi tiết giúp họ phát hiện và điều tra.

 Thế nhưng, theo ông Alex Theil (điều hành công ty chống hàng giả Harvest Moon, có trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc, được AP phỏng vấn), các nhà điều tra Trung Quốc nhận hối lộ để tiết lộ các chi tiết và dấu hiệu nhằm phát hiện hàng giả.
Những thông tin này giúp các nhà sản xuất hàng giả tránh được mọi trách nhiệm pháp lý và làm ra mặt hàng có chất lượng tinh xảo hơn khó nhận ra nếu chỉ nhìn bên ngoài”.

Trong vài năm gần đây, các trang bán hàng trực tuyến (e-commerce) và dịch vụ chuyển phát quốc tế bùng nổ khiến việc kiểm soát hàng giả trở nên vô cùng phức tạp.
Tháng 03/2014, các nghị sĩ Châu Âu đã thông qua một dự luật tăng cường cho cuộc chiến chống vấn nạn toàn cầu này.
 Tuy nhiên, cho tới hiện nay vẫn chỉ có duy nhất một nghị định về hàng giả đã được công bố và áp dụng cho 11 nước trong Liên Hiệp.

Về phía Pháp, các nhà đại diện đang cố gắng thương thảo với chính quyền Trung Quốc để phát triển các giải pháp cụ thể trong cuộc chiến chống hàng giả, đặc biệt là làm việc với trang bán hàng trực tuyến khổng lổ Alibaba của nhà tỉ phú Mã Vân (Jack Ma).

Alibaba thường xuyên bị tố cáo “tiếp tay” cho hàng giả, thế nhưng Hoa Kỳ đã rút Taobao, một trang bán hàng điện tử của Alibaba, ra khỏi danh sách đen vào năm 2012, vì cho rằng trang này đã có những tiến bộ trong việc chống hàng giả.

Tuy nhiên, cũng từ thời điểm đó, Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ liên tục đưa ra những lời cảnh báo, mà gần đây nhất là lời đề nghị tập đoàn này “cẩn trọng” hơn trong một bản báo cáo được công bố vào tháng 03/2015.

 Đáp trả lời cảnh báo trên, Alibaba nêu trong bản thông cáo rằng :
“Hàng giả là một vấn đề mà tất cả các công ty bán hàng trực tuyến trên thế giới đang phải đối mặt, và chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để chống tình trạng gian lận này”.

Năm 2015, Alibaba đã tuyển thêm 200 người hỗ trợ cho mạng lưới 2.000 nhân viên chuyên “truy lùng” hàng giả.
Tập đoàn này đã chi hơn 160 triệu đô la từ năm 2013 đến cuối tháng 11/2014 để dỡ bỏ hơn 90 triệu quảng cáo khả nghi (đặc biệt là kể từ khi tập đoàn này niêm yết giá trên thị trường chứng khoán phố Wall vào tháng 09/2014).

Tuy vậy, dường như Alibaba vẫn chưa nỗ lực hết sức vì tháng 05/2015, Gucci, Yves Saint Laurent và nhiều thương hiệu nổi tiếng khác của tập đoàn Kering của Pháp, đã đệ đơn tố cáo lên toà án liên bang Manhattan (Mỹ) trang bán hàng điện tử của Alibaba vì tạo điều kiện cho việc kinh doanh hàng giả và vi phạm luật về bản quyền nhãn hiệu.

Switch mode views: