Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Aung San Suu Kyi muốn đối thoại với những người đang cầm quyền

Aung San Suu Kyi bis



Chân dung của lãnh tụ Aung San Suu Kyi trên mặt tiền trụ sở đảng đối lập Liên minh Quốc gia vì Dân chủ 09/11/2015 - AFP

Nay đã nắm chắc chiến thắng trong tay sau cuộc tổng tuyển cử tự do ngày 08/11/2015, lãnh đạo đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi kêu gọi đối thoại với những người đang cầm quyền, tức là những người xuất thân từ một chế độ quân phiệt đã từng quản thúc tại gia bà trong suốt hơn 15 năm.

Hôm nay, 11/11/2015, đảng đối lập Liên đoàn quốc gia vì dân chủ công bố nội dung bức thư mà bà Aung San Suu Kyi gởi cho Tổng thống Thein Sein, chủ tịch Hạ viện Shwe Mann, cũng như cho tổng tư lệnh quân đội Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing.

Trong bức thư, nhà đối lập từng đoạt giải Nobel Hòa bình viết : « Các công dân đã bày tỏ ý nguyện của họ qua cuộc bầu cử. Tôi rất muốn mời quý vị thảo luận về hòa giải dân tộc vào tuần tới, vào một thời điểm thuận tiện cho quý vị ».

Kết quả cuộc bầu cử Chủ nhật vừa qua vẫn được công bố theo kiểu nhỏ giọt, nhưng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ cho tới nay vẫn dẫn đầu, bỏ xa các đối thủ.

Theo kết quả kiểm phiếu tính cho đến hôm nay, đảng đối lập đã giành được 56 trên tổng số 61 ghế của Hạ viện. Nhưng dù kết quả chung cuộc là như thế nào đi nữa, thì phe quân sự vẫn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trên sân khấu chính trị Miến Điện.

Từ Rangun, thông tín viên RFI Rémy Favre gởi về bài tường trình :

« Bà đang ở thế mạnh và nghĩ rằng sẽ giành được đa số ở Quốc hội, nên bà muốn mở đối thoại, cuộc đối thoại mà bà đã không thể tiến hành được trước cuộc tổng tuyển cử.
Bà Aung San Suu Kyi đã viết thư cho Tổng thống Thein Sein, chủ tịch Hạ viện Shwe Mann, cũng như cho tổng tư lệnh quân đội Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing.

Nhà đối lập muốn gặp họ để thảo luận về cách thức mà những người đang cầm quyền sẽ thực hiện ý nguyện của người dân.
Nói cách khác, bà muốn bàn về việc chuyển giao quyền lực, một cuộc chuyển giao mà bà muốn diễn ra một cách ôn hòa để thiết lập một chính phủ hòa giải dân tộc.

Trước cuộc bầu cử, bà Aung San Suu Kyi đã nhiều lần tìm cách gặp lãnh đạo quân đội Miến Điện, nhưng vị này không bao giờ đáp ứng.  

Cho dù kết quả cuộc tuyển cử Chủ nhật vừa qua như thế nào, quân đội sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng trên sân khấu chính trị Miến Điện. Phe quân nhân sẽ tiếp tục nắm quyền phủ quyết đối với mọi sửa đổi Hiến pháp.

Tổng tư lệnh quân đội vẫn có quyền kiểm soát trên các bộ quan trọng nhất. Chính viên tướng này, chứ không phải chính quyền, chỉ định bộ trưởng Quốc phòng, bộ trưởng Nội vụ và bộ trưởng đặc trách các vấn đề biên giới. »

Mặt khác, những người ủng hộ bà Aung San Suu Kyi đang lo ngại về phản ứng của phe quân sự trước thảm bại trong cuộc bầu cử vừa qua.
Chiến lược của Liên đoàn quốc gia dân chủ là để cho chính phủ hiện hành có thời gian để « tiêu hóa » kết quả đó, không reo hò ăn mừng chiến thắng, không đổ dầu thêm lửa, vì làm mất mặt đối thủ này sẽ là một sai lầm chiến lược.

Chính vì vậy bà Aung San Suu Kyi kể từ sau bầu cử cho tới nay tỏ ra rất thận trọng, tránh xuất hiện trước công chúng, cũng như đã ra lệnh gỡ màn ảnh lớn và các loa phóng thanh trước trụ sở đảng đối lập.
Những người ủng hộ bà cũng tuân thủ chỉ thị nên ở nhà, không tiếp tục xuống đường ăn mừng chiến thắng.


Switch mode views: