Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-05-2015
- Thứ Bảy, 16 tháng Năm năm 2015 02:20
- Tác Giả: Thanh Hà
Mô hình rạn nứt của Singapore
Singapore với những tòa nhà chọc trời hiện đại.
REUTERS/Edgar Su
Đảo chính hụt ở Burundi. Quân đội Pháp tại Trung Phi bị tố cáo hãm hiếp trẻ vị thành niên.
Quân Hồi giáo thánh chiến tàn phá các di tích cổ, đánh cắp di sản văn hóa của nhân loại trên lãnh thổ Irak và Syria.
Ấn Độ, Trung Quốc : Chuyến công du đầu tiên của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trên quê hương Tập Cận Bình.
Đó là những đề tài lớn thu hút làng báo Paris ngày 15/05/2015.
Singapore và tuổi ngũ tuần
Đáng chú ý nhất là bài phóng sự trên tờ Le Figaro nói về Singapore, đảo quốc Sư tử sắp bước vào « cái tuổi ngũ tuần ».
Singapore vừa sang trang những năm tháng Lý Quang Diệu sau khi nhà lập quốc này qua đời hồi tháng 3/2015 và 50 năm sau ngày dành được độc lập.
Singapore, một « đất nước mồ côi » đang « bước vào một thời đại mới, đầy bất trắc », cả về mặt chính trị lẫn kinh tế.
Mô hình của Singapore đang có những vết rạn nứt : kể từ năm 2011 đảng Nhân dân Hành động (PAP) liên tục bị mất phiếu trong các đợt bầu cử.
Đó cũng là lần đầu tiên từ sau nhiều thập niên cầm quyền, đảng do ông Lý Quang Diệu để thất thoát 40 % lá phiếu vào tay đối lập.
Phóng viên của tờ Le Figaro nhận định, các trang mạng xã hội đã đóng một vai trò quan trọng trong sự « đổi đời » trên sân khấu chính trị Singapore.
Thế rồi đến năm 2012, làn sóng biểu tình, chống người nhập cư nước ngoài lại là một bằng chứng mới cho thấy người dân trên đảo quốc Sư tử không còn ngoan ngoãn chấp nhận lệnh từ bên trên truyền xuống.
Đảng PAP của ông Lý Quang Diệu cũng đã bị cả một thế hệ trẻ chỉ trích bóp nghẹt tự do, cai trị đất nước với một bàn tay sắt.
Đặc phái viên của Le Figaro tại Singapore ghi nhận : đây là nơi mà người ta có thể bị đi tù vì đậu xe quá thời gian quy định, nơi mà hàng xóm có thể tố nhau vì đậu xe ẩu, nơi người dân được kêu gọi là nếu có muốn tự sát thì nên chọn một giải pháp "có trách nhiệm", tránh lao vào các đường tàu điện làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng và làm phiền đến người khác …
Một phóng viên quốc tế ghi nhận : Singapore sẽ phải mất cả chục năm nữa mới có thể trở thành một quốc gia « bình thường ».
Theo phân tích của nhà báo Pháp, đương kim thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long, con trai ông Lý Quang Diệu ý thức được rằng uy tín và ảnh hưởng của đảng cầm quyền PAP đang bị đe dọa.
Chính vì thế từ ba năm qua, chính quyền đương nhiệm đã nỗ lực đầu tư vào một số lĩnh vực như địa ốc, giao thông, để xoa dịu dân tình, giới hạn chính sách nhận người lao động nước ngoài.
Đảng Nhân dân Hành động của gia đình họ Lý hy vọng tiếp tục cầm quyền sau cuộc bầu cử được dự trù diễn ra trước tháng 1/2017.
Một thách thức khác đặt ra cho đảng này, là sau các thế hệ Lý Quang Diệu, Lý Hiển Long, tương lai đảng sẽ đi về đâu ?
Trung Quốc - Ấn Độ hai ông khổng lồ bắt buộc phải nói chuyện với nhau
Trở lại với chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, báo kinh tế Les Echos nhấn mạnh : dù có rất nhiều bất đồng, nhưng Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ.
Tổng trao đổi mậu dịch hai chiều lên đến 70 tỷ đô la một năm. Có điều cán cân thương mại lại nghiêng về phía Trung Quốc.
Ấn Độ trong thế nhập siêu khoảng 38 tỷ một năm. Le Monde thì nói tới một mối quan hệ giữa hai quốc gia « kình địch » nhưng « bắt buộc phải là những đối tác của nhau ».
Một trong những hồ sơ nhạy cảm nhất trong quan hệ song phương là tranh chấp ở đường biên giới.
Không hẹn mà cả hai tờ báo kinh tế của Pháp, Les Echos và La Tribune cùng lưu ý độc giả một chi tiết : báo chí ở New Delhi đã phát hiện ra rằng, trong ngày đầu tiên Thủ tướng Modi đến Tây An, đài truyền hình nhà nước Bắc Kinh đã cho công chiếu hình ảnh bản đồ Ấn Độ nhưng trên đó không có hai bang Cachemire và Arunachal Pradesh, cả hai cùng là những vùng đất mà từ lâu nay cả Bắc Kinh lẫn New Delhi cùng khẳng định chủ quyền.
Les Echos đặt câu hỏi : đấy là một sự vô tình hay cố ý của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc ?
Paris-Bắc Kinh, bóng đá và ngoại giao
Trong quan hệ Pháp- Trung Quốc, Ngoại trưởng Laurent Fabius bắt đầu chuyến công tác hai ngày ở Bắc Kinh để quảng cáo cho giải bóng đá Châu Âu Euro 2016 và chiêu dụ người Trung Quốc tham quan nước Pháp.
Báo kinh tế Les Echos tiết lộ huấn luyện viên của đội tuyển bóng đá quốc gia Trung Quốc, Allain Perrin được mời tháp tùng Ngoại trưởng Fabius đến thăm quê hương của Khổng Tử.
Tại đây người đứng đầu ngành ngoại giao của Pháp sẽ gặp nhiều phái đoàn Trung Quốc đặc trách về thể thao, để chào hàng.
Sang năm Paris tổ chức giải bóng đá Euro 2016 và nước Pháp còn rất tự hào với giải quần vợt đất nện Roland-Garros.
Tờ báo nhận xét : ngành ngoại giao của Pháp đang được huy động để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh mang màu sắc thể thao. Bóng đá là một lá chủ bài lợi hại của nước Pháp khi biết rằng con cháu của ông Đặng Tiểu Bình rất mê bộ môn thể thao này !
Bộ Ngoại giao Pháp dự trù bán được 15.000 vé giải vô địch Châu Âu Euro 2016 cho các du khách Trung Quốc.
Con số này tuy nhiên rất khiêm tốn, bởi ban tổ chức kỳ vọng sự kiện thể thao này sẽ thu hút được đến 1 triệu lượt người nước ngoài đến Pháp xem đá bóng nhân dịp này.
Một chút hy vọng cho kinh tế Pháp và Châu Âu
Đến với thời sự của Pháp và Châu Âu, từ lâu lắm rồi các tờ báo Paris mới sử dụng những cụm từ như « tăng trưởng trở lại », « đà phục hồi », hay « Pháp đang tiến triển theo chiều hướng tốt ».
Le Monde bắt đầu bằng một tin vui : hiếm khi nào tỷ lệ tăng trưởng của khối euro lại cao hơn so với Mỹ hay Anh như trong quý 1/2015. GDP của các khu vực đồng tiền chung châu Âu trong ba tháng đầu năm nay tăng 0,4 %.
Le Monde phấn khởi ghi nhận : đây là mức tăng trưởng mạnh nhất từ quý 2/2013. Có điều mức đầu tư của eurozone vẫn còn dậm chân tại chỗ và sự phục hồi nói trên chưa cho phép Châu Âu giải quyết vấn đề thất nghiệp.
Còn tin vui đối với nước Pháp, là đã từ rất lâu nay, Bruxelles mới tỏ ra hài lòng về các biện pháp cải tổ, cắt giảm chi tiêu công cộng của Paris. Ủy ban viên đặc trách về hồ sơ tài chính Châu Âu, Pierre Moscovici tin tưởng, với tỷ lệ tăng trưởng 0,6 % trong quý 1, Paris có nhiều triển vọng thu hẹp bội chi ngân sách xuống còn 3,8 % GDP như đã cam kết.
Báo cộng sản L'Humanité không lạc quan về tình hình kinh tế Pháp như Le Monde khi cho rằng, tỷ lệ tăng trưởng 0,4 % mà chính phủ ca ngợi đó không cho phép nước Pháp tạo thêm công ăn việc làm cho gần 3,5 triệu người thất nghiệp và cũng chưa có dấu hiệu cho thấy đầu tư ở Pháp tăng lên trở lại.
Theo L'Humanité, đây là một sự phục hồi không bền.
Tờ Les Echos cũng không mấy lạc quan, trong bài phân tích nhà báo Eric Le Boucher nêu ra ba mối đe dọa khác đang chờ đợi chúng ta : môi trường chung của thế giới còn nhiều bất ổn và chưa tìm lại được nhịp độ tăng trưởng như trong thời kỳ tiền khủng hoảng 2008.
Châu Âu vẫn bị đe dọa lún sâu thêm vào một cuộc khủng hoảng mới. Đầu tàu quan trọng nhất của Liên Hiệp Châu Âu là nước Đức cũng không tăng trưởng mạnh như Berlin mong đợi và cũng chẳng mấy ai tin tưởng rằng nước Anh của Thủ tướng David Cameron duy trì được đà phục hồi như trong ba năm trở lại đây.
Mối đe dọa thứ ba được nhà báo Eric Boucher của Les Echos nêu lên liên quan đến cơ cấu kinh tế của bản thân nước Pháp.
Trong mắt tác giả, nước Pháp vẫn là một nền kinh tế mà ở đó Nhà nước can thiệp vào quá nhiều và trong đủ mọi phương diện, từ chính sách nhà ở đến công nghiệp
Chính sự can thiệp đó làm thui chột khả năng cạnh tranh của một số ngành nghề, khu vực …. Một cách gián tiếp Eric Boucher quan niệm rằng, ngày nào mà chính phủ Pháp không tháo gỡ được khúc mắc này thì ngày đó, kinh tế Pháp chưa thể thực sự khởi sắc trở lại một cách lâu bền.
Irak nẫu nát vì Daesh
Nhìn sang phần thời sự trong vùng Trung Cận Đông, nhật báo công giáo La Croix có bài phóng sự dài về thảm cảnh của 9 triệu dân Bagdad.
Người dân nơi này đã quá quen sống với tiếng súng, với các vụ tấn công khủng bố xảy ra thường nhật.
Một nhân chứng nói với phóng viên của La Croix : ông đã quá mệt mỏi trông thấy sự sống và cái chết sát cạnh nhau từng giờ.
Bên cạnh đó là hố sâu ngăn cách hai cộng đồng người Shia và Sunni.
Nhiều cặp vợ chồng phải ly dị, chỉ vì bất đồng tôn giáo, cho dù cả hai cùng tin vào Đấng tối cao Allah. Bagdad đã trở thành biểu tượng của sự rạn nứt giữa hai hệ phái Hồi giáo.
Những bức tường trải dài trên hàng cây số đã được dựng lên để ngăn cách hai cộng đồng Sunni và Shia, rồi những vụ bắt cóc, thủ tiêu của phe này chống lại phe kia đã đẩy người dân thủ đô Irak vào cảnh tuyệt vọng.
Trước khi nổ ra chiến tranh, trước khi Hoa Kỳ can thiệp quân sự vào Irak, không mấy ai tưởng tượng ra rằng, một ngày nào đó thanh niên, thiếu nữ tại thành phố Bagdad lại rơi vào cảnh mù chữ và đối với thành phần đó, con đường duy nhất là đi theo phong trào thánh chiến cực đoan mang tên là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Tin mới
- Tàu tác chiến Mỹ-Trung chạm trán trên Biển Đông - 20/05/2015 15:42
- Đức Giáo Hoàng công nhận Quốc gia Palestine - 20/05/2015 00:07
- Mỹ-Nga hạ nhiệt xung khắc vì tình hình thế giới nóMỹ-Nga hạ nhiệt xung khắc vì tình hình thế giới nóng bỏngng bỏng - 19/05/2015 20:40
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-05-2015 - 18/05/2015 21:26
- Biển Đông: Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc - 18/05/2015 15:58
- Dựng tượng Putin với trang phục Hoàng đế La Mã - 17/05/2015 20:03
- Thủ phạm vụ khủng bố Boston bị kết án tử hình - 17/05/2015 04:29
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-05-2015 - 16/05/2015 18:30
- Syria : Quân thánh chiến IS đe dọa di tích khảo cổ Palmyra - 16/05/2015 15:38
- Tham gia TPP : Mỹ đặt điều kiện nhân quyền với Hà Nội - 16/05/2015 14:00
Các tin khác
- Liên hoan điện ảnh quốc tế Cannes 2015 vinh danh phái đẹp - 14/05/2015 17:58
- Nhật lần đầu tiên tổ chức hội chợ vũ khí quốc tế - 14/05/2015 17:31
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-05-2015 - 14/05/2015 17:24
- Việt Nam hoan nghênh Mỹ « duy trì hòa bình » ở Biển Đông - 14/05/2015 15:51
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-05-2015 - 14/05/2015 04:01
- Google xác nhận có 11 tai nạn với xe tự lái - 12/05/2015 23:23
- Vua Saudi Arabia không dự thượng đỉnh Camp David - 12/05/2015 20:54
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-05-2015 - 12/05/2015 14:45
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-05-2015 - 11/05/2015 17:07
- Prince hát cho hòa bình tại Baltimore - 11/05/2015 03:39