Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm báo Pháp Quốc Ngày 12-03-2015

Malaysia : Lao động nhập cư bị đối xử như súc vật

laodong-nhapcu


Lao động nhập cư tại Malaysia tạm trú trong các container như thế này. Ảnh chụp ngày 25/6/2010, vùng Meru, ngoại vi Kuala Lumpur.REUTERS/Samsul Said

Quốc hội Pháp hiện đang xem xét một dự thảo luật bắt buộc các doanh nghiệp phải « theo dõi chặt chẽ » điều kiện làm việc tại các xưởng gia công ở nước ngoài.

Đối với Libération (số ra ngày 12/03/2015), đây là một bước tiến đầu tiên, nhưng vẫn chưa đủ.

Với tấm ảnh lớn cho thấy các công nhân đang làm việc tại một xưởng may mặc, tờ báo đưa tít lớn : « Nhà thầu tại Châu Á : Ông chủ ơi, hãy cố gắng thêm một chút nữa đi ».

Đặc biệt, nhật báo có bài phóng sự đề tựa « Tại các nhà xưởng ở Malaysia, ‘chúng tôi bị đối xử như là súc vật’ » do đặc phái viên Arnaud Dubus tường thuật từ Kuala Lumpur và Penang.

Bài viết thuật lại cuộc sống và điều kiện làm việc khắc nghiệt tại khu công nghiệp Bayan Lepas, trên đảo Penang, bắc Malaysia nơi có nhiều xưởng gia công chuyên cung cấp linh kiện điện tử cho các thương hiệu lớn như Panasonic, Sony, Hitachi hay Samsung.

Tại đây có hàng trăm ngàn nhân công nhập cư làm việc, đến từ nhiều quốc gia khác nhau Nepal, Indonesia, Việt Nam và Bangladesh.
Theo lời thuật của một nhân chứng với phóng viên nhật báo, họ đã bị vỡ mộng khi đến làm việc tại đây. Anh này tố cáo « bị đối xử như là súc vật ».

Hợp đồng làm việc không như những gì các hãng tuyển dụng hứa hẹn. Điều kiện sinh sống tồi tệ, hơn một chục người chen chúc nhau trong một căn phòng diện tích có 30m².

Họ gần như bị giam hãm trong các khu cư xá, từ 7 giờ tối hôm trước cho đến 7 giờ sáng hôm sau. Nghĩa là chỉ được phép rời nơi ở vào buổi sáng để đến xưởng làm việc bằng xe buýt của hãng.

Lương bổng bị cắt xén đến 20% cho những khoản chi phí không rõ ràng như phí nhà ở và phí hành chính. Cũng theo nhân chứng trên thì hầu như anh không tiết kiệm được một đồng nào kể từ khi vô làm tại đây. Anh còn cho biết anh không thể bỏ việc về nước do nợ nần và hộ chiếu đã bị chủ hãng tuyển dụng thu giữ.

Lao động nhập cư : nguồn lao động không thể thiếu

Libération cho biết nền kinh tế của Malaysia, quốc gia chỉ có 28 triệu dân lại phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lao động nhập cư. Nếu gộp chung hết mọi lãnh vực ngành nghề, số lao động này chiếm gần 1/3 dân số đảo quốc, tức gần đến 10 triệu lao động nhập cư.

Tình trạng bóc lột nhân công nhiều vô kể và thường xuyên nhất là: không trả lương phụ trội theo mức quy định, giữ hộ chiếu không cho phép tự do đi lại, những « điều kiện không thể dung thứ được » như nhà ở, thiếu biện pháp an sinh xã hội, nhất là trong trường hợp có tai nạn.

Một báo cáo do tổ chức Sự thật của Hoa Kỳ đưa ra hồi năm 2014 cho biết 32% số lao động nhập cư được hỏi có thể xếp vào hạng « nạn nhân của lao động cưỡng bức », nếu căn cứ theo các tiêu chí của Tổ chức Lao động Quốc tế.

Vấn đề ở chỗ, để đến làm việc tại đây, họ phải trả các khoản huê hồng rất đắt cho nhà tuyển dụng. Phần đông trong số họ buộc phải gánh một món khoản nợ rất lớn trong nhiều năm liền.

Cũng theo nội dung bản báo cáo thì « 85% lao động cho hay chừng nào chưa trả xong nợ, thì họ chưa thể rời bỏ chỗ làm (tại Malaysia) ».

Nhưng cũng nhờ vào những hãng tuyển dụng này mà các tập đoàn đại quốc gia có được một nguồn nhân công chịu phục tùng, với một cái giá thách thức mọi đối thủ nhưng đồng thời có thể phủi được cả trách nhiệm.

Gophal Kishman, tổng thư ký nghiệp đoàn lao động Malaysia giải thích : « Do vì chính các hãng tuyển dụng chịu trách nhiệm trả lương, nếu công nhân làm việc 12 giờ/ngày và không được trả đúng giờ phụ trội, doanh nghiệp có thể dễ dàng trả lời : ‘Oh, đó có phải làm lao động của tôi đâu, đó là lao động của các hãng tuyển dụng’ ».

Khi bị bức bách quá và có các hành động phản kháng, « chính người lao động lại bị trừng phạt », như trong vụ bạo động hồi tháng 8/2014.

Bốn mươi người lao động Nepal đã bị phạt tù. Thông điệp đưa ra rất rõ : « Nếu quý vị còn đòi hỏi các quyền, hay xem chuyện gì sẽ xảy ra cho quý vị ».
Câu hỏi đặt ra làm thế nào chính quyền Malaysia lại có thể dung thứ cho những kiểu khai thác người lao động như vậy ?

Cũng theo ông Gophal Kishman : « Các hãng tuyển dụng đó có những quan hệ chặt chẽ với giới chính khách. Cứ mỗi một lao động, họ thu lợi được 1000 đô-la và mỗi hãng tuyển dụng quản lý từ 50.000-100.000 nhân công. Một nguồn lợi quá lớn ».

Ấn Độ Dương : Đấu trường giữa New Dehli và Bắc Kinh

Sau một thời gian dài lơ là các đảo quốc láng giềng, Ấn Độ giật mình thức tỉnh nhận ra rằng từ nhiều thập niên nay, Trung Quốc đang ngấm ngầm xâm nhập vào cái gọi là « sân nhà » của New Dehli. Nhằm duy trì tầm ảnh hưởng lên khu vực đang bị sự bành trướng Trung Quốc đe dọa, Thủ tướng Ấn Độ hôm 10/03 đã bắt đầu chuyến công du năm ngày tại các đảo quốc Seychelles, Maurice và Sri Lanka.

Báo Le Monde cho rằng « Ấn Độ và Trung Quốc cạnh tranh nhau trên Ấn Độ Dương ».

Với 7500 km bờ biển, Ấn Độ có nhiều hàng xóm hải dương hơn là trên bộ. Nằm ngay giữa một vùng đại dương rộng lớn trải dài từ các bờ biển Châu Phi cho đến tận Úc, quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới này sở hữu đến 30% trữ lượng dầu khí của cả hành tinh.

Đây cũng là lối đi qua bắt buộc cho mọi thương thuyền nối liền Châu Âu hay Châu Phi với Châu Á. Vậy mà từ nhiều năm qua, Ấn Độ đã bỏ lửng các hàng xóm đảo quốc và Trung Quốc đã biết tận dụng thời cơ mở rộng tầm ảnh hưởng, theo như nhận định của một nhà ngoại giao Ấn Độ.

Bắc Kinh đã hào phóng chi những khoản tín dụng cho các đảo quốc nhỏ đó để xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng rải rác xung quanh bán đảo Ấn Độ các cơ sở cảng dân sự từ Gwadar của Pakistan cho đến Kyaukpyu ở Miến Điện, đi ngang qua Chittagong của Bangladesh.

Thậm chí vào cuối năm 2013, Bắc Kinh còn hứa rằng sẵn sàng « chia sẻ thịnh vượng » cho mọi quốc gia nào tham gia vào việc thành lập « con đường tơ lụa hàng hải » với gói đầu tư quan trọng 40 tỷ đô-la.

Tuy nhiên, lời hứa « chia sẻ thịnh vượng » đó không xóa tan được mối nghi ngờ của NewDehli. Do bởi song song với việc gia tăng trợ giúp kinh tế, Bắc Kinh còn tăng cường hiện diện quân sự như neo đậu tàu ngầm tại Sri Lanka (10/2014), dùng đảo Seychelles như cảng tiếp liệu cho các tàu chiến tham gia chống hải tặc.

Khó khăn cho Ấn Độ là không thể chiếm lại tầm ảnh hưởng trên Ấn Độ dương như cách làm của Trung Quốc.

Do đó, Ấn Độ chỉ có thể cam kết hỗ trợ các đảo quốc trên phương diện hợp tác quốc phòng như cung cấp ra-đa và ký kết thỏa thuận quốc phòng với Seychelles, cấp tàu chiến Barracuda và ký kết các thỏa thuận thương mại với đảo Maurice.

Vấn đề đặt ra là New Dehli có tận dụng được hết các cơ hội chính trị đang mở ra trước mắt họ hay không.

Theo quan sát của nhật báo, Ấn Độ khó có thể mà cảm thấy như đang « ở nhà mình » và nắm giữ được tầm ảnh hưởng trong vùng đại dương bao la này nếu không tăng cường sức mạnh cho hải quân của mình.

Trước chuyến công du của ông Modi, chính phủ đã bật đèn xanh cho việc mua thêm 6 tàu ngầm hạt nhân so với hai chiến hiện nay cùng với 7 chiếc tàu chiến mới. Nhưng với đội tàu tuần tra 49 chiếc và đội tàu ngầm 60 chiếc, Trung Quốc vẫn có thể nghiễm nhiên lướt sóng trên Ấn Độ dương mà không chút lo lắng nào, Le Monde kết luận.

« Người dân Trung Quốc sẽ phải làm việc lâu hơn nữa »

Trên đây là nhận định của La Croix. Đối mặt với hiện tượng « dân số già », chính quyền Bắc Kinh thông báo tiến hành cải cách từ từ liên quan đến tuổi về hưu kể từ năm 2017.

Hiện tại Trung Quôc tuổi về hưu của nam là 60, nữ là 55 và 50 cho những ai làm việc trong nhà xưởng. Thế nhưng, dân số tại đây đang già đi. Tuổi thọ bình quân là 75 tuổi.

Theo thống kê vào năm 2014, ba người đi làm tài trợ cho một người về hưu. Tuy nhiên tỷ lệ này có thể sẽ bị sụt giảm xuống còn 1,3 người lao động/người hưu trí vào năm 2050, theo như Bộ trưởng Lao động Trung Quốc.

Đây chính là hệ quả của chính sách một con duy nhất đưa ra vào những năm 1980 để điều chỉnh một dân số đang trên đà bùng nổ.

Còn theo thuật ngữ của các nhà dân số học, Trung Quốc có hình kim tự tháp ngược hay hiện tượng « 4-2-1 ». Nghĩa là : một con duy nhất sẽ phải nuôi dưỡng cả hai bố mẹ và bốn ông bà nội-ngoại.

Tình hình tăng trưởng chậm thúc đẩy Bắc Kinh tiến hành cải cách chế độ hưu trí. Hiện có ba tỉnh đã bắt đầu cạn nguồn quỹ hưu bổng. Ở một số địa phương tỷ lệ người lao động/người hưu trí là 1,4, nhất là ở một số tỉnh phi công nghiệp hóa ở phía đông-bắc.

Việc thuyết phục người dân tiến hành cải cách cũng không phải dễ. Theo một kết quả thăm dò thực hiện vào cuối năm 2013, 70% số người được hỏi phản đối việc kéo dài thời gian đóng góp xã hội. Nhưng một bộ phận đông ủng hộ một hệ thống linh hoạt, để người lao động tự quyết định thời điểm về hưu.

Hiện một số tỉnh thành đã bắt đầu thí điểm một số biện pháp, nhưng La Croix nhận thấy lao động nữ sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên từ cải cách. Tuổi về hưu sẽ dần tiếp cận đến mức 60, tức tuổi về hưu chính thức của nam hiện nay.

Tuy nhiên, giải pháp kéo dài tuổi về hưu hiện đang bị nhiều chuyên gia chỉ trích cho là « một giải pháp tồi ». Theo nhà nghiên cứu Tang Jun, thuộc viện Hàn lâm Khoa học xã hội, chính phủ tốt hơn hết nên chấm dứt chính sách một con duy nhất để loại trừ hiện tượng lão hóa dân số.

Châu Âu lâm nguy ?

Nhìn sang Châu Âu, trong khi phải đối mặt với nhiều mối đe dọa từ khủng bố, làn sóng dân nhập cư, cho đến nguy cơ chiến tranh lạnh với Nga trên hồ sơ Ukraina, các nước tại Châu Âu lại cắt giảm chi tiêu quốc phòng như giảm 30.000 quân của Anh, chi tiêu quốc phòng hạn hẹp tại Đức.

Duy chỉ có Paris cho hay sẵn sàng tăng cường thêm quân tại Châu Phi để chống Boko Haram. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp kêu gọi Châu Âu cùng « chia sẻ gánh nặng ».

Chủ đề này được Le Figaro phản ảnh lại qua hàng tít « Quốc phòng : Châu Âu giải trừ quân bị, nước Pháp cố duy trì nỗ lực ».

Bài xã luận đề tựa « Xiết chặt hàng ngũ » của tờ báo cho rằng « Một phần tư thế kỷ trôi qua kể từ chiến tranh lạnh kết thúc, Châu Âu một lần nữa trở thành một châu lục lâm nguy ». Đó là vì Châu Âu đang phải đối mặt với mối họa khủng bố ngay trên chính mảnh đất của mình, bất ổn của môi trường xung quanh, ở phía đông cũng như ở phía nam, và trước rủi ro làn sóng nhập cư đang diễn ra.

Thái độ hung hăng của Nga tại Ukraina cũng như đối với các nước thành viên thuộc khối NATO, lại nhấn chìm Châu Âu trong một cuộc đối đầu của những khối mà họ cho đã có những tiến bộ. Còn nữa, từ Trung Đông cho đến Châu Phi, Hồi giáo cực đoan có vũ trang đã tuyên chiến với những lợi ích và các giá trị của Châu Âu.

Bài viết giận dữ cho rằng giả như Châu Âu liên kết với các dự án chính trị, đây có lẽ cũng là lúc để xiết chặt hàng ngũ. Đàng này, các đội quân của Châu Âu lại đưa ra những hình ảnh trái ngược, cho thấy hình ảnh một đạo quân rối, bất tuân và rách nát. Đa số các nước thành viên cho giải trừ quân bị, giảm ngân sách quân sự và cắt giảm nhân lực.

Dù Anh quốc đã giữ được mức chi quân sự là 2% của GDP như khuyến nghị của NATO. Đức, mà quân đội trong tình trạng rách bươm, lại đưa ra một ngân sách rụt rè, và sẽ kéo dài trong nhiều năm. Duy chỉ có Pháp, do phải dấn thân vào nhiều mặt trận, đã hạ nhịp độ cắt giảm ngân sách, nhưng cũng không đi lên được thành cường quốc.

Cuối cùng tờ báo cho rằng, « an ninh của châu lục lại phải dựa vào Hoa Kỳ, quốc gia đảm nhận đến 75% ngân sách cho khối NATO ».

Quan hệ Nga-Phương Tây ngày càng lạnh lẽo

Khí trời Châu Âu ấm dần, báo hiệu mùa xuân đang đến. Nhưng quan hệ Phương Tây với Nga lại ngày càng lạnh lẽo như sắp bước vào đông.

Le Figaro đề tựa : « Giữa phương Tây và Nga, một sự xuống cấp mới ».
Vốn dĩ đã xuống cấp kể từ vụ sáp nhập Crimée vào Nga năm 2014, quan hệ giữa Nga với phương Tây tuần này lại bước vào một giai đoạn tồi tệ mới.

Hòa bình lạnh lẽo, chiến tranh lạnh, đối đầu mới Đông-Tây… các chuyên gia không còn từ ngữ nào khác để mô tả mối quan hệ này. Tuy nhiên, theo như nhận xét của Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie tại Matxcơva : « Sự đối đầu mà chúng ta đang tham dự có thể sẽ rất lạnh và có có vẻ nguy hiểm như là cuộc chiến tranh lạnh, ghi đậm dấu ấn các mối quan hệ quốc tế giữa những năm 1940 và những năm 1980 ».

Libération có bài phân tích đề tựa : « Giữa phương Tây và Nga, hơi hướm của chiến tranh lạnh ». Theo bài viết, « Một làn gió lạnh buốt đang thổi trên sườn phía đông Châu Âu, lo lắng về chính sách do Kremly tiến hành tại đông Ukraina, một năm kể từ khi bán đảo Crimée bị sáp nhập vào Nga ».

Một công dân Litva bực bội kêu rằng : « Thế giới dân chủ vẫn thật sự chưa hiểu về sự thay đổi mà chế độ Putin đã tiến hành trong 15 năm qua », lên án Tổng thống Nga « tiếp tục theo đuổi một chương trình rất rõ là hồi phục lại đế chế Xô viết ».

Điện Kremli muốn lấy lại quyền kiểm soát « người thân xa lạ », tức là khối không gian Xô viết cũ xưa. Điều đó được minh chứng rõ qua luận điểm bảo vệ thiểu số dân Nga tại các nước láng giềng của Matxcơva. Chính vì điều đó làm dấy lên nhiều nỗi lo ngại tại các nước như Latvia hay Moldova.

Rõ ràng Nga đang có những giọng điệu của chiến tranh lạnh, Libération nhấn mạnh. Do đó, trên tuyến đầu phải là NATO, chứ không phải là Liên Hiệp Châu Âu. Tờ báo nhắc lại nhận định của ông Dominique David, giám đốc điều hành Ifri cho rằng hơn bao giờ hết khối Liên minh Bắc Đại Tây Dương vẫn là rường cột chính trên phương diện phòng vệ cho khối Châu Âu.

Cuba : Chọn bạn hay thù ?

Trên phương diện ngoại giao, nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến căng thẳng giữa Venezuela và Hoa Kỳ, sau khi Tổng thống Barack Obama đưa ra một số biện pháp trừng phạt mới nhắm vào các nhà lãnh đạo Venezzuela. Sự việc gây khó khăn cho chính quyền La Habana, đang trong quá trình đàm phán nối lại quan hệ với Washington.Tờ báo nhận định: “Cuba kẹt giữa Venezuela và Hoa Kỳ”.

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ thông báo các trừng phạt mới nhắm vào Venezuela, Chủ tịch Cuba Raul Castro đã lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ với những lời lẽ gay gắt “sắc lệnh độc đoán và hung hăng”, “can thiệp nội bộ” hay như quyết định “không cơ sở”.

Theo nhận định của nhật báo, bất chấp những khó khăn về kinh tế, Caracas vẫn là đồng minh chính trị và kinh tế của Cuba, nhất là thông qua chương trình PetroCaribe.

Trên thực tế, chính quyền Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro cung cấp đến 60% nhu cầu nhiên liệu đảo quốc, với những điều kiện vô cùng có lợi. Cho nên lẽ đương nhiên là với danh nghĩa quyền lợi chung, Cuba phải bay đến cứu đồng minh của mình.

Tuy nhiên, theo quan sát của nhật báo, trong lúc ông Nicolas Maduro đang yêu cầu Nghị viện trao thêm cho ông nhiều quyền hạn đặc biệt để đáp trả lại sự hung hăng của “đế quốc Mỹ”, Cuba tỏ ra cẩn trọng không để lẫn lộn hai chủ đề này. Do đó, việc xích lại gần ngoại giao có thể tiếp tục.

Bà Jennifer Psaki, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng tuyên bố rằng: “Các cuộc thưong thuyết về việc khôi phục lại quan hệ ngoại giao với Cuba sẽ tiếp tục như dự kiến” và không đưa ra một bình luận nào khác về tuyên bố của Cuba.

Trang nhất báo Pháp

Đề tài trên trang nhất báo Pháp hôm nay khá phong phú. Chính sách quốc phòng của Châu Âu là mối bận tâm hàng đầu của Le Figaro, bên cạnh đó là tình hình tài chính trong khu vực với hàng tít : « Đồng euro hạ giá đến lúc nào ? ».

Cũng trên lãnh vực này, nhật báo kinh tế Les Echos đề cập đến hiện tượng : « Tiền đầu tư dễ dàng đang hâm nóng các thị trường tài chính Châu Âu ».
Tình hình xã hội nước Pháp là chủ đề chính của nhật báo Công giáo La Croix : « Thế tục : Nước Pháp ngờ vực ».

Tình hình Trung Cận Đông là chủ đề chính trên Le Monde qua hàng tít « Hành trình di tản của những người Công giáo Syria bị Tổ chức Nhà nước Hồi giáo truy sát ».


Switch mode views: