Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26-11-2014

Ferguson : Biểu tình phản đối phán quyết của tòa án

MISSOURI-chong phanquyet



Cư dân Ferguson phẫn nộ đập phá đốt xe sau phán quyết của toà - REUTERS /Jim Young

Tất cả các nhật báo Pháp đều thông tin về phán quyết thả cảnh sát da trắng đã hạ sát một thanh niên da màu tại Ferguson hồi tháng 8 vừa qua.

Kết quả này, thêm một lần nữa, buộc người Mỹ gốc Phi xuống đường phản đối tại Ferguson, cũng như tại New York hay California, mặc dù Tổng thống Barack Obama đã kêu gọi phản đối ôn hòa phán quyết của tòa án.

Trên trang nhất, các báo Le Monde và Le Figaro tiếp tục thông tin diễn biến đêm bạo loạn tại Ferguson lần lượt dưới các dòng tựa : « Đêm tức giận sau bản trắng án » và « Ferguson : lò lửa những căng thẳng căn bản của Mỹ ».

Trang trong, Le Figaro nhận định : « Giữa cộng đồng người da đen và cảnh sát, vẫn còn mối nợ nặng nề ». 50 năm sau khi luật dân sự được thông qua, mối quan hệ giữa hai bên vẫn là dấu hiệu của sự ngờ vực sâu sắc. Triệu chứng « HỌ » với « CHÚNG TÔI » vẫn còn ăn sâu trong xã hội.

Bị đối xử làm nô lệ và phân biệt trong nhiều thế kỷ, người da đen luôn nói họ phải đối đầu với sự phân biệt chủng tộc của hệ thống cảnh sát và tư pháp. Và theo một nghiên cứu gần đây của Đại học Chicago, sự phân biệt này vẫn là một thực tế. Bài báo nêu lại một vài bình luận của giới quan sát nước ngoài, cho rằng nước Mỹ vẫn còn gò bó theo hướng cộng đồng, không có khả năng nhìn nhận vấn đề theo một cách khác ngoài góc độ chủng tộc.

Thế nhưng, một nguồn của Pháp nhận định : « Đây không chỉ là vấn đề phân biệt chủng tộc mà là vấn đề gìn giữ an ninh. Việc một cảnh sát bắt 10 phát vào người mà anh ta chất vấn cho thấy văn hóa cảnh sát suy đồi ».

Về sự kiện này, báo Libération đăng dòng tựa lớn : « Bất công » trên trang nhất. Ngoài diễn biến đêm trắng xuống đường lên án sự bất công, bài xã luận của báo nêu lại hàng chục vụ cảnh sát hay những kẻ phân biệt chủng tộc có vũ trang sát hại người da đen từ khi Martin Luther King đấu tranh giành quyền bình đẳng cho người da màu.

Thế nhưng, các vụ này đều không bị trừng phạt. Công bố trắng án cho viên cựu cảnh sát da trắng không đáng là quyết định của ban hội thẩm nhân dân, gồm cả người da trắng và người da màu, mà theo đánh giá của các chuyên gia là những người này đã làm đúng trọng trách của mình.

Các cộng đồng người Mỹ gốc Phi không còn tin tưởng vào luật pháp của nước mình.
Ferguson vẫn còn ở xa với một nước Mỹ hậu chủng tộc mà tổng thống Obama mơ ước.

Tại khu vực ngoại ô tại bang Missouri này, 70% dân cư là người da màu, trong khi đó đa phần là cảnh sát da trắng. Đối với thanh niên da đen tại đây, bị gạt bỏ khỏi xã hội, thất nghiệp, bạo lực của cảnh sát và nhà tù là chân trời không vượt qua nổi.

Một nhà đấu tranh vì quyền công dân đã viết về sự kiện này : « Sự thành lập nền dân chủ Mỹ và tự do của chúng ta, sẽ còn thất bại chừng nào cơ thể da màu của chúng ta còn bị đối xử tệ bạc và không gì làm thay đổi tình hình này ».

Tờ L’Humanité đưa ra lời kết luận dưới dòng tựa : « Nước Mỹ đối mặt với những con quỷ phân biệt chủng tộc » như sau : « Phán quyết này là triệu chứng của nạn phân biệt chủng tộc thông thường, đặc biệt tại Hoa Kỳ. Nó được nuôi dưỡng bởi một chính sách phân biệt luôn hiện hữu, có tổ chức và cấu trúc từ các cơ quan địa phương tới chính quyền liên bang ».

Pháp hoãn giao tàu Mistral vô thời hạn cho Nga

Sau nhiều tháng do dự, hôm qua, người đứng đầu nhà nước Pháp đã công bố sẽ không giao tầu Mistral đầu tiên cho Mátxcơva « cho tới khi có quyết định mới ». Tuyên bố này được các báo đồng loạt đưa tin ngày hôm nay.

Le Figaro dẫn lại lời một quan chức Nga cho rằng : « Uy tín đối tác tin tưởng của Pháp sẽ bị ảnh hưởng » nếu Pháp không thực hiện những lời cam kết của mình.

Bài xã luận của báo cũng đồng tình với nhận định trên khi cho rằng : « Trong quan hệ quốc tế cũng như trong kinh doanh, mức độ tin cậy của một đối tác được căn cứ trên sự tôn trọng lời nói của mình ».

Thừa hưởng hồ sơ gai góc hai tầu chiến Mistral mà Nga đặt hàng từ năm 2011, tổng thống François Hollande do dự từ vài tháng nay giữa hai điều xấu : tôn trọng phần hợp đồng và chịu chỉ trích của đồng minh hay từ bỏ hợp đồng và chịu trả bồi thường cho Mátxcơva.

Cuối cùng, tổng thống đã chọn nỗi đau thứ hai. Cho dù là hoãn vô thời hạn nhưng ngầm hiểu là sẽ hủy hợp đồng với Nga. Bài xã luận đánh giá đây là một quyết định khôn khéo về tâm lý và về chiến lược.

Thực vậy, quyết định này chính thức trả lời hai mối bận tâm : không trang bị vũ khí cho Nga chừng nào quốc gia này còn đe dọa Ukraina và đưa vấn đề an ninh của châu Âu lên trước những thách thức thương mại.

Thế nhưng, tác giả bài báo lại cho rằng quyết định trên của tổng thống Pháp lại là một sai lầm khi cho rằng hủy hợp đồng sẽ khiến tình hình tại Ukraina bớt căng thẳng hơn. Quyết định này chỉ giúp Pháp tránh khỏi những trừng phạt của Liên hiệp, trong khi đó Paris sẽ tự phải xử lý hậu quả, và khiến một nửa thế giới không hài lòng.

Bài báo kết luận, cứ đặt giả thuyết là việc bán tầu Mistral là một sai lầm, thì người ta không sửa sai lầm đó bằng cách phạm thêm một sai lầm khác.

Còn tờ Les Echos, dưới tựa đề : « Nước Pháp lại hoãn giao tầu Mistral cho Nga », cho biết Mátxcơva khẳng định lúc này chưa muốn kiện Pháp.

Nếu như quyết định của tổng thống được Đảng Xã hội hoan nghênh và được Đảng Xanh đánh giá là « hợp lý », thì Đảng Mặt trận quốc gia lại cho là bị Washington sai khiến.

Còn nội bộ Đảng UMP thì bị chia rẽ về quyết định này giữa một bên đánh giá là uy tín của Pháp bị suy giảm còn bên kia cho là quyết định đúng đắn cho an ninh của toàn bộ Âu lục.

Trung Quốc xây đập nước gây nhiều tranh cãi tại Tây Tạng

Trước nhu cầu ngày càng cao về năng lượng, song lại muốn giảm phụ thuộc vào nhiệt điện, Trung Quốc cho xây dựng đập nước thủy điện tại khu vực Brahmapoutre. Thế nhưng, dự án này khiến hai nước láng giềng là Ấn Độ và Bangladesh lo ngại.

Báo Le Monde phân tích tình hình dưới tựa đề : « Trung Quốc xây đập nước gây nhiều tranh cãi tại Tây Tạng ».

Trong khoảng thời gian từ năm 2011 tới 2015, Trung Quốc quyết định đẩy nhanh phát triển các đập thủy điện trên các sông Yarlung, Salouen và Mê Kông. Việc các công trình này được xây dựng trên thượng nguồn gây căng thẳng với các nước láng giềng vì sông Brahmaputra tại vùng Bengale Ấn Độ và tại Bangladesh tạo nên một trong những châu thổ trù phú nhất và là một trong những khu vực đông dân nhất hành tinh.

Phía Ấn Độ, đặc biệt là tại các bang Đông Bắc, lo ngại người láng giềng cạnh tranh chiến lược Trung Quốc kiểm soát dòng chảy của con sông quan trọng này.

Lo ngại này cũng có cơ sở vì trước đó việc xây dựng đập nước ở thượng nguồn sông Mê Kông đã gây hậu quả đối với mực nước tại các quốc gia Đông Nam Á, cũng như tại một số hồ ở các tỉnh Trung Quốc hạ nguồn.

Tại thời điểm đó, năm 1992, nhiều tiếng nói phản đối đã báo động ngay khi công trình khổng lồ này, niềm tự hào của nền công nghệ Trung Quốc, được lên kế hoạch xây dựng. Thế nhưng, mãi tới năm 2011, người ta mới công nhận là cần khẩn cấp giải quyết thực trạng này xung quanh việc tái định cư các hộ gia đình bị di dời, bảo vệ môi trường và dự báo thảm họa địa chất.

Một nhà nghiên cứu cho rằng, việc xây dựng đập nước tại khu vực có hệ sinh thái nhạy cảm như tại Himalaya nên được dựa trên một nghiên cứu chính xác về tác động đối với môi trường, địa chất và lợi ích của các bên liên quan.

Thế nhưng, cho tới hiện nay, chưa một nghiên cứu nào được công bố. Trong khi đó, các chuyên gia thân chính phủ Trung Quốc phản bác New Delhi chỉ trích dự án, vì bản thân Ấn Độ cũng đang tính xây hai đập nước trên sông Brahmaputra tại Arunachal Pradesh.

Một nhà phân tích thì cho rằng cả hai bên hoàn toàn bỏ qua lợi ích của Bangladesh nằm tại hạ nguồn. Bài báo dẫn lời một chuyên gia để kết luận : « Nếu Ấn Độ và Trung Quốc lao mình vào cuộc đua xây đập nước trên dòng sông này, cả hai sẽ kí vào bản tử án ».

Ebola : những hy vọng đúng và sai tại Tây Phi

Trở lại việc virus Ebola vẫn đang hiện hữu tại Tây Phi, báo Le Figaro phân tích những hy vọng đúng và sai tại khu vực này.

Tờ báo khẳng định, mặc dù hai nước Liberia và Guinea đã đưa ra những dấu hiệu nạn dịch đang suy giảm, nhưng các chuyên gia vẫn nghi ngờ kết quả này sẽ còn bị thay đổi. Trong ba nước bị nạn dịch hoành hành, Sierra Leone vẫn giữ kỷ lục buồn về việc lây nhiễm nhanh nhất.

Theo nhận xét của một bác sĩ, dù số người tử vong đã giảm xuống, song tình hình rất khó kiểm soát tại chỗ. Ví dụ, tại Guinea, số lượng ca nhiễm mới đã giảm xuống tại thủ đô Conakry nhưng lại tăng lên tại khu vực có rừng.

Với những tình nguyện viên, đây gần như là nhiệm vụ bất khả thi. Họ cũng lo ngại tình trạng ủ dịch và nạn dịch sẽ kéo dài kinh niên. Ngoài bất cập trên, còn thêm nhiều khó khăn khác như việc tuyển nhân viên nhân đạo. 60% nhân viên của Hội Chữ thập đỏ bỏ cuộc trước sức ép của gia đình.

Ngoài ra, còn phải kể tới nguy cơ chết người và điều kiện làm việc kinh khủng.    

Người béo phì càng dễ mắc bệnh ung thư

Đây là lời cảnh báo trên mục « Khoa học » của tờ Le Figaro. Các nước giầu trên thế giới là những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất và phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới.

Một nghiên cứu của các chuyên gia tại thành phố Lyon cho biết hàng năm, một nửa triệu ca mắc bệnh ung thư là do chứng quá cân hay béo phì.

Trên thế giới, chứng béo phì đã tăng gấp đôi từ năm 1980 : khoảng 300 triệu phụ nữ và 200 triệu nam giới mắc bệnh này. Về tình trạng quá cân, 1,4 tỉ người lớn trên 20 tuổi bị liệt vào dạng thừa cân.

Vai trò của chứng thừa cân đối với việc gây ung thư là không cần phải tranh cãi. Ngoài ra, chứng này còn khiến việc chăm sóc người bệnh gặp nhiều khó khăn trong chuẩn đoán và điều trị và tìm ra liều lượng thuốc phù hợp với trọng lượng của họ.

Về việc chăm sóc người mắc bệnh béo phì, báo Les Echos cho biết : « Nước Pháp chi 54 tỉ euro cho bệnh béo phì ». Và 15% người Pháp bị mắc bệnh này.

Để giảm tỉ lệ trên, một chuyên gia khuyến cáo cần hành động trên nhiều mảng, trong đó có hoạt động thể thao tại trường học, giảm khẩu phần ăn và phải xem xét lại số lượng món ăn trong thực đơn và ghi rõ thành phần thực phẩm.

Ngoài các thông tin trên, các nhật báo Pháp còn phản ánh tới kế hoạch bình đẳng giới tính của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp và tiếp tục đưa tin chuyến công du chớp nhoáng tại Strasbourg của Giáo hoàng Francisco.

Về phần thời sự quốc tế, kế hoạch đầu tư 315 tỉ euro để thúc đẩy châu Âu, chủ yếu dựa trên các quỹ tư nhân, được chủ tịch Ủy ban châu Âu công bố ngày hôm qua và căng thẳng tại Ferguson (Hoa Kỳ) là những tiêu đề chính trên trang nhất của các báo.

Switch mode views: