Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-06-2014
- Thứ Ba, 17 tháng Sáu năm 2014 15:52
- Tác Giả: Thu Hằng
Quân thánh chiến gây loạn tại Irak
Cảnh khói lửa tại Mosoul -bắc Irak. Ảnh ngày 13/06/2014.
REUTERS
Các cuộc tàn sát đẫm máu và các hành động khiêu khích man rợ của các phiến quân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Trung Đông đang gây phẫn nộ trong khu vực.
Chính phủ Irak tỏ ra bất lực. Còn hai kẻ thù lâu đời, Iran và Hoa Kỳ, quyết định nói chuyện lại với nhau để tìm giải pháp cho tình hình căng thẳng tại Trung Đông.
Trang nhất báo Le Monde và chuyên mục « Quốc tế » của Le Figaro đăng ảnh quân của phe khủng bố đang chĩa súng chuẩn bị hành hình lính Irak bị bắt.
Các bức ảnh được chụp từ video do phe khủng bố thuộc Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Cận Đông đăng tải trên internet thứ 7 ngày 14 tháng 6 vừa qua và được Le Monde phản ánh dưới tựa đề : « Tại Irak, phe Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Trung Đông tăng cường gieo rắc sợ hãi nhờ internet ».
Bài xã luận trên trang nhất của Le Monde nhận định rằng tình hình căng thẳng tại Irak đã khiến hai kẻ thù lâu đời là Iran và Hoa Kỳ nối lại các cuộc thương thảo. Cả hai quốc gia đều nhất trí giúp đỡ chính phủ của thủ tướng Irak, Nouri Al-Maliki, trước sự tấn công mạnh mẽ của phe Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Cận Đông.
Tác giả bài xã luận đặt câu hỏi liệu tình hình đang diễn ra tại Irak hiện nay có tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán về vấn đề hạt nhân với Iran đã được nối lại từ ngày 16 tháng 6 vừa qua ?
Các bên tham gia đàm phán đưa ra thời hạn ngày 20 tháng 7 để đạt được một thỏa thuận về hai vấn đề chính : thứ nhất, đảm bảo chương trình hạt nhân của Téhéran không dẫn đến các mục tiêu quân sự ; thứ hai, dỡ bỏ các trừng phạt kinh tế và tài chính đối với Iran.
Song, cho tới nay, cuộc đàm phán vẫn đang trong ngõ cụt. Nếu vấn đề hạt nhân đạt được thỏa thuận, đây sẽ là cơ hội dẫn tới việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nhà nước Hoa Kỳ và Cộng hòa Hồi giáo Iran. Đó cũng sẽ là một dấu hiệu « hạ hỏa » cho vấn đề Syria. Nó sẽ lay chuyển vết rạn nứt chiến tranh lạnh giữa Washington và Matxcơva: một bên ủng hộ phe nổi dậy dòng Sunni chống lại chế độ Bachar Al-Assad, còn bên kia giúp đỡ Iran bảo vệ Tổng thống Syria.
Cả Hoa Kỳ và Iran đều biết sẽ không có sự ổn định lâu dài tại Irak nếu không có sự ổn định tại Syria. Phải hành động trên cả hai chiến tuyến, vì đó là cùng một cuộc chiến.
Tờ Le Figaro nhận định : « Irak áp đặt vào cuộc khủng hoảng về nguyên tử tại Iran » và tờ Les Echos đánh giá : « Khủng hoảng buộc Iran và Hoa Kỳ xích lại gần nhau » sau 30 năm căng thẳng.
Xung đột tại Irak làm đảo lộn chính sách ngoại giao tại Trung Đông. Liên minh giữa Iran và Hoa Kỳ có thể gây ngạc nhiên. Iran có đa phần người Shia. Quốc gia này có thể có tiếng nói trọng lượng tới chính phủ Irak, cũng thuộc dòng Shia, đẩy lùi ý định của người Hồi giáo dòng Sunni thành lập một nhà nước riêng trên lãnh thổ các nước Irak và Syria.
Tới thời điểm hiện tại, Hoa Kỳ và Iran ưu tiên đường lối ngoại giao. Mọi khả năng hợp tác quân sự bị loại trừ. Cả hai quốc gia trên muốn thuyết phục thủ tướng Irak, Al Maliki, để phong trào Sunni tham gia vào chính phủ mới. Nếu chiến lược này thất bại, các biện pháp quân sự sẽ lại được đưa ra bàn bạc.
Tổng thống Barack Obama kiên quyết phản đối can thiệp thực địa nhưng không loại trừ các khả năng oanh tạc với sự tham gia của các máy bay không người lái.
Tờ La Croix nhìn nhận vấn đề Irak trên khía cạnh của Syria dưới dòng tựa : « Tại Syria, vấn đề Irak có thể có lợi cho Bachar Al-Assad ». Chế độ của tổng thống Syria tin rằng việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo và Cận Đông tiến vào Irak sẽ khiến phương Tây ngừng ủng hộ cho phe đối lập của Syria.
Matxcơva ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraina
Chủ đề này đều được các báo Pháp số ra ngày hôm nay quan tâm, dưới các tựa đề : « Matxcơva sẽ không cung cấp khí đốt cho Ukraina nữa chừng nào Kiev chưa trả tiền trước » trên báo Le Monde, « Nga cắt khí đốt với Ukraina » trên các tờ Le Figaro, Les Echos, Libération và La Croix.
Tổng số tiền nợ của Ukraina lên tới 4,45 tỉ đô la (khoảng 3,29 tỉ euro). Matxcơva yêu cầu 1,9 tỉ đô la phải được trả trước 9 giờ sáng thứ hai. Thanh tra về năng lượng của châu Âu đã đề xuất Kiev sẽ thanh toán ngay 1 tỉ đô la, số còn lại sẽ được thanh toán từ giờ tới cuối năm. Ngoài ra, ông cũng đề nghị giá khí đốt mùa đông và mùa hè phải khác nhau.
Báo Le Figaro nhận định căng thẳng song phương leo thang và quyết định ngừng cung cấp khí đốt của Nga nhằm trừng phạt chính quyền mới của Ukraina vì xích gần lại Liên hiệp châu Âu. Nga đã quyết định tăng gấp đôi giá khí đốt, từ 268 đô la/1000 mét khối ở thời điểm cuối năm 2013, dưới thời tổng thổng Viktor Ianoukovitch, lên tới 485 đô la từ tháng 4 vừa qua.
Việc Nga ngừng cung cấp khí đốt diễn ra ngay sau khi những người ly khai thân Nga bị thất bại vào sáng thứ 7 vừa qua. Bài báo kết luận Kiev và Matxcơva khó có thể giải quyết tranh chấp khí đốt khi tình hình tại miền Đông Ukraina vẫn còn căng thẳng.
Báo Libération cho biết tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga ra điều kiện Kiev phải trả trước tiền mua khí đốt. Tờ báo dẫn lại lời của Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev cho rằng : « Chúng tôi đã tạo cho họ mọi điệu kiện thuận lợi. Nhưng họ không chấp nhận, và tạo ra một cuộc khủng hoảng khí đốt giả. Có vẻ như là muốn đe dọa ».
Giám đốc của Gazprom thì khẳng định rằng yêu cầu trả tiền trước của Nga là biện pháp bắt buộc trước thái độ thiếu tính xây dựng của chính phủ Ukraina vì họ không muốn thanh toán nợ và đối với chính phủ này, không còn cách nào để thỏa hiệp nữa.
Báo Les Echos cho biết Liên hiệp châu Âu giảm bớt phụ thuộc vào trạm trung chuyển Ukraina nhờ việc đưa vào hoạt động hệ thống đường ống dẫn dầu đi qua Đức hay Belarus. Ngoài ra, trữ lượng khí đốt tại châu Âu đã đạt tới 2/3 nhu cầu cho mùa đông tới. Tuy nhiên, tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng nếu xung đột vẫn tiếp tục.
Chuyển nhượng tại tập đoàn Alstom
Việc chuyển nhượng Alstom trở thành chủ đề kinh tế chính được các báo Pháp hôm nay quan tâm, sau khi hai tập đoàn Siemens của Đức và Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản chính thức gửi đề xuất mua lại một số mảng của tập đoàn năng lượng và giao thông Alstom của Pháp.
Tờ Le Monde cho biết tham vọng tạo thêm một « Airbus về năng lượng và giao thông » không còn được chú trọng, vì Siemens có vẻ chỉ còn quan tâm tới các tuabin khí của Alstom, ước tính khoảng 4 tỉ euro.
Dù người Đức lo ngại cạnh tranh với tập đoàn General Electric của Mỹ tại châu Âu, nhưng lại không muốn gặp rủi ro trong cạnh tranh. Trong khi đó, tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản có thể mua lại các tuabin hơi nước của Alstom. Các tuabin này trang bị các nhà máy điện hạt nhân của Pháp, và chiếm khoảng 10% vốn.
Báo Le Figaro đăng : « Alstom : giờ lựa chọn sắp tới ». Hai tập đoàn Mitsubishi và Siemens đã chính thức gửi đề nghị của mình tới Alstom. Thứ hai ngày 23 tháng 6 tới, tập đoàn năng lượng và giao thông của Pháp sẽ phải trả lời chính thức lựa chọn giữa dự án của hai nhà khổng lồ trên hay dự án của General Electric.
Báo Libération phân tích : « Tại sao Mitsubishi không muốn để Alstom vào tay người Mỹ ». Vì đây là cơ hội cho tập đoàn Nhật Bản thâm nhập thị trường châu Âu. Với doanh thu gần 29 tỉ euro, Mitsubishi là nhà sản xuất máy móc và trang thiết bị hạng nặng lớn nhất Nhật Bản.
Thâm nhập vào thị trường châu Âu là cơ hội cho Mitsubishi khi thị trường trong nước bị thu hẹp lại sau thảm họa Fukushima.
Les Echos nhận định « Mitsubishi Heavy Industries và Siemens còn phải thuyết phục Alstom » và công việc này có vẻ sẽ gặp khó khăn vì tập đoàn General Electric của Mỹ đã đề xuất chi 12,5 tỉ euro để mua lại mảng năng lượng của Alstom. Hiện tại, các nhà lãnh đạo của Alstom có vẻ nghiêng về phía đề xuất này.
Châu Á và Mỹ la tinh tăng bán vũ khí
Triển lãm thế giới về Vũ khí Eurosatory lần đầu tiên được tổ chức tại ngoại ô Paris được tờ Le Monde phản ánh trong số ra ngày hôm nay. Ngoài những quốc gia truyền thống chuyên bán vũ khí, tờ báo phân tích sự trỗi dậy của Nhật Bản trong cuộc cạnh tranh đầy lợi nhuận này dưới dòng tựa : « Nhật Bản trở lại cuộc đua bán vũ khí ».
Từ ngày 01 tháng 04 vừa qua, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho nước ngoài có từ năm 1967 trong thời chiến tranh lạnh. Mười bốn doanh nghiệp Nhật Bản có mặt tại triển lãm nhưng không tìm cách mua hay bán vật liệu mà chủ yếu là nối lại các hợp tác với châu Âu.
Bài báo nhận định thời gian gần đây các quốc gia châu Á, khu vực có nhiều bất ổn, như Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ, đã phát triển mạnh ngành công nghiệp quân sự trọng điểm với ngân sách ngày càng cao. Việc các quốc gia đang phát triển tăng cường ngân sách quốc phòng khiến ngân sách giành cho lĩnh vực này trên toàn thế giới tăng 0,6%, đạt tới con số 1547 tỉ đô la (khoảng 1144 tỉ euro).
Nếu như ngân sách quốc phòng của Mỹ ổn định, vào khoảng 582 tỉ đô la, thì tại châu Á, con số này cao hơn gấp nhiều lần, như Trung Quốc tăng 12,2%.
Theo sơ đồ thống kê, trong khoảng thời gian 2006-2011, Mỹ đứng đầu danh sách các nước xuất khẩu vũ khí với 48% thị phần, tiếp theo là châu Âu chiếm 30,4%, Nga đứng thứ 3 chiếm 12% và các nước khác chiếm 10,20%. Pháp đứng vị trí thứ 4 các nước xuất khẩu vũ khí trên thế giới.
Bằng tú tài có phải là thành trì chống thất nghiệp hay không ?
Triết học, môn thi tú tài đầu tiên đã diễn ra ngày hôm qua trong sự hỗn độn của cuộc đình công trong ngành đường sắt Pháp.
Lần đầu tiên trong lịch sử, thí sinh được phép tới trễ một tiếng và được làm bù giờ sau thời gian quy định của môn thi. Nhân dịp kì thi tú tài, báo Le Figaro đặt câu hỏi : « Bằng tú tài có phải là thành trì chống thất nghiệp hay không ? »
Tác giả bài báo khẳng định không bằng tú tài vẫn có thể thành công, và đưa ra dẫn chứng những người nổi tiếng như nhà công nghiệp François Pinault, người dẫn truyền hình Michel Drucker, các ca sĩ Alain Souchon và Vanessa Paradis.
Dù người ta vẫn nói : « bằng tú tài chẳng có giá trị gì, bằng chứng là ai cũng có », song tấm bằng này lại là điều kiện để kiếm được việc làm. Chỉ 7,2% người Pháp có bằng tú tài bị thất nghiệp sau 11 năm lao động.
Trong khi đó, với những người không có bằng, tỷ lệ này lên tới 12,9%. Trước khủng hoảng kinh tế, chưa bao giờ hết bằng tú tài bảo vệ khỏi bị rơi vào nạn thất nghiệp và tạo điều kiện để được học lên cao.
Một nhà nghiên cứu khẳng định : « bằng cấp, không chỉ bằng tú tài, là thành trì vững chắc, như một tấm vé đạt tới trình độ cao hơn cho phép những điều kiện hội nhập tốt nhất ».
Thế nhưng, thế hệ trẻ ngày nay bị ám ảnh bởi bằng cấp và phải sống trong tình trạng bị áp lực thường xuyên, trong khi đó chỉ khoảng 40% người lớn làm theo đúng ngành nghề được đào tạo. Nhiều doanh nghiệp ngày càng cần những khả năng thực thụ chứ không phải ảo ảnh.
Trường tin học của Xavier Niel, hay chương trình « Mooc » (Massive open online course) mở các chương trình đào tạo trực tuyến cho phép mọi người tự do truy cập vào tới các giáo sư nổi tiếng toàn cầu, theo phương pháp đào tạo hiện đại, đang chế nhạo các chương trình giáo dục truyền thống.
Tin mới
- Hoa hậu Việt bị 3 năm tù tội trồng cần sa - 22/06/2014 00:11
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 21-06-2014 - 21/06/2014 23:25
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-06-2014 - 20/06/2014 22:01
- Biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội, 7 người bị bắt - 20/06/2014 20:17
- Trung Quốc sẽ đưa thêm ba giàn khoan đến Biển Đông - 20/06/2014 12:55
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-06-2014 - 19/06/2014 20:09
- Thánh địa Công Giáo tại Iraq thất thủ, Tổng Giám Mục cũng phải bỏ chạy - 19/06/2014 04:44
- Trung Quốc đưa thêm giàn khoan dầu ra Biển Đông - 19/06/2014 00:41
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-06-2014 - 18/06/2014 19:01
- Người được đề cử Đại sứ Mỹ muốn bỏ cấm vận vũ khí Việt Nam - 18/06/2014 18:40
Các tin khác
- Mỹ đưa quân sang Irak bảo vệ tòa đại sứ - 17/06/2014 15:44
- Lãnh đạo cấp cao ngoại giao Trung Quốc sang Việt Nam để đàm phán - 17/06/2014 14:59
- Irak bên bờ nội chiến - 16/06/2014 22:23
- HD-981 : Việt Nam tố cáo hành vi vu khống của Trung Quốc - 16/06/2014 15:32
- Hệ thống điện tại Việt Nam đang bất ổn - 16/06/2014 00:11
- Iran sẵn sàng hợp tác với Mỹ giúp Irak - 16/06/2014 00:00
- Biển Đông : Trung Quốc khởi công xây trường học trong quần đảo Hoàng Sa - 15/06/2014 23:12
- Đội Hà Lan hạ gục nhà vô địch Tây Ban Nha 5-1 - 14/06/2014 22:53
- Irak chuẩn bị phản công, Mỹ không gửi bộ binh - 14/06/2014 22:25
- Cử tri bầu tổng thống vòng 2 bất chấp Taliban đe dọa - 14/06/2014 22:05