Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thử vũ khí mới : Bắc Triều Tiên nắn gân Hoa Kỳ

BTT nuclear report


Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Bắc Triều Tiên trong cuộc diễu binh tại Bình Nhưỡng, ngày 15/04/2017
REUTERS/Damir Sagolj/File Photo

 

Trong bối cảnh đối thoại Mỹ- Bắc Triều Tiên trên hồ sơ hạt nhân bế tắc từ sau thượng đỉnh Hà Nội cuối tháng 2/2019, truyền thông Bình Nhưỡng loan tin đích thân Kim Jong Un "chỉ đạo một cuộc thử nghiêm vũ khí mới" hôm 17/04/2019.

Nhà Trắng và Seoul cùng thận trọng khi xử lý thông tin này và mọi chú ý hướng về Washington chờ đợi phản ứng của Donald Trump.
Từ một chục ngày qua, Bình Nhưỡng liên tục gia tăng sức ép với Washington.

Tuần trước Kim Jong Un gia hạn cho Mỹ từ nay đến cuối năm để tìm ra đồng thuận về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và đòi chính quyền Trump đổi thái độ trước khi tính tới thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ 3.
Gần đây nhất, một quan chức cao cấp trong guồng máy lãnh đạo Bắc Triều Tiên đòi gạt ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo ra khỏi các cuộc đàm phán.

 Bắc Triều Tiên đang tính toán những gì với vụ thử nghiệm một loại "vũ khí chiến thuật quan trọng đối với khả năng chiến đấu của Quân Đội" quốc gia Đông Bắc Á này ?
Tiến trình đàm phán về hạt nhân Bắc Triều Tiên liệu có nguy cơ bị phá vỡ ?

Để trả lời cho câu hỏi thứ nhất, cần nhắc lại đây là vụ thử nghiệm thứ nhì Bình Nhưỡng thực hiện từ khi khởi động "tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân" trên bán đảo Triều Tiên.

Lần trước là vào tháng 11/2018, năm tháng sau thượng đỉnh lịch sử với hình ảnh Donald Trump và Kim Jong Un bắt tay nhau tại Singapore.
Lần này cuộc thử nghiệm diễn ra hai tháng sau thượng đỉnh Hà Nội, mà kết cuộc là phái đoàn Mỹ và Bắc Triều Tiên đã bỏ ra về, không ra được một tuyên bố chung.

Đường giây liên lạc giữa Washington và Bình Nhưỡng từ cuối tháng 2/2019 đến nay bị "đóng băng".
Tuần trước tổng thống Hàn Quốc sang Washington yêu cầu Nhà Trắng giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng, cho phép hai nước Triều Tiên mở rộng hợp tác kinh tế, nối lại một số hoạt động du lịch.

Moon Jae In dường như không thuyết phục được Donald Trump là bao.

Trong bối cảnh đó, truyền thông quốc tế cho biết nguyên thủ Bắc Triều Tiên chuẩn bị hội kiến với tổng thống Vladimir Putin nhân chuyến viếng thăm nước Nga vào nửa cuối tháng Tư.
Cùng với Bắc Kinh, Matxcơva là một điểm tựa quan trọng khác của chế độ Bình Nhưỡng.

Trên thực địa, ảnh vệ tinh của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế trụ sở tại Hoa Kỳ cho thấy bãi phóng tên lửa ở Sohae đã được dựng lại và nhất là cơ sở hạt nhân Yongbyon đã hoạt động trở lại, kể cả "khâu xử lý nguyên liệu nhằm phục vụ các mục tiêu quân sự".

Về câu hỏi vụ thử nghiệm lần này có nguy cơ khai tử đối thoại Trump-Kim hay không, giới phân tích thận trọng cho rằng, vấn đề không đơn thuần là "đen hay trắng".
Trong hai cuộc thử nghiệm "vũ khí mới" hồi tháng 11/2018 cũng như ngày hôm qua, Bắc Triều Tiên đã thử nghiệm loại vũ khí nào ?

Theo thông cáo của hãng tin KCNA, đó là một loại vũ khí "chiến thuật hiện đại", chứ không phải "thử tên lửa" hay vũ khí "chiến lược", tức là không đe dọa an ninh Hoa Kỳ.

Vả lại, tháng 11/2018 Bình Nhưỡng cũng đã cho thử loại vũ khí tương tự, nhưng nguyên thủ Mỹ - Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục đối thoại và thượng đỉnh Mỹ- Bắc Triều Tiên lần thứ nhì đã được tổ chức tại Hà Nội.
Như vậy, tương lai tiến trình đàm phán Mỹ- Bắc Triều Tiên tùy thuộc phần lớn vào "loại vũ khí" mà Bình Nhưỡng tiến hành thử nghiệm.

Điều thứ nhì đáng chú ý là qua cử chỉ vừa rồi Bình Nhưỡng thể hiện nỗi bất bình trước thái độ của Washington và gián tiếp chứng minh cả với Hoa Kỳ lẫn với công luận Bắc Triều Tiên, rằng chính quyền vẫn có khả năng phát triển những loại vũ khí hiện đại và khả năng phòng thủ của quốc gia khép kín này vẫn rất lợi hại.

Tuy nhiên như đánh giá của Lee Jong Seok, cựu bộ trưởng Thống Nhất Hàn Quốc, nguyên thủ Bắc Triều Tiên đã thận trọng không "vượt quá lằn ranh đỏ", không thử tên lửa tầm xa hay bom nguyên tử để Mỹ nhân cơ hội này tăng thêm cấm vận Bắc Triều Tiên.
Bình Nhưỡng cũng tránh chọc giận chủ nhân Nhà Trắng vì hành động đó coi như vĩnh viễn chôn vùi viễn hy vọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Sẽ là một điều bất ngờ nếu như tổng thống Hoa Kỳ không lên tiếng về vụ "ông bạn" Kim Jong Un thử nghiệm vũ khí, và Bình Nhưỡng đòi gạt ngoại trưởng Mike Pompeo ra ngoài các vòng đàm phán về hạt nhân Mỹ- Triều sắp tới đây.
Ngược lại, nếu như Donald Trump có những lời lẽ quá gay gắt thì đây cũng là tín hiệu không hay.

Tuy nhiên có một điều chắc chắn, như ghi nhận của giáo sư Victor Cha, đại học Georgetown, tại Washington : bất luận Bình Nhưỡng vừa thử nghiệm loại vũ khí nào đi chăng nữa, điều hiển nhiên là chế độ Kim Jong Un vẫn tiếp tục phát triển các chương trình quân sự.

 Một chuyên gia Mỹ khác thuộc trung tâm nghiên cứu Center of National Interest nhấn mạnh thêm : đây là một tín hiệu mạnh về tiềm năng quân Kim gửi đến tổng thống Trump, đến dàn cố vấn thuộc cánh diều hâu chung quanh tổng thống Hoa Kỳ.

Bình Nhưỡng không hài lòng với thái độ của Washington khăng khăng đòi Bắc Triều Tiên "phi hạt nhân hóa hoàn toàn".

Nhưng cũng có lập luận cho rằng, cuộc thử nghiệm vừa tiến hành hôm 17/04/2019 trước hết là một thông điệp của Kim Jong Un nhằm trấn an thành phần bảo thủ trong quân đội và trong ban lãnh đạo Bắc Triều Tiên về sức mạnh thực sự của hệ thống phòng thủ quốc gia.

 Đây là quan điểm của cơ quan nghiên cứu về an ninh Mỹ Center of New American Security.

Switch mode views: