Chiến tranh thương mại : Nhật Bản, nạn nhân sắp tới của Washington ?
- Thứ Hai, 24 tháng Chín năm 2018 18:54
- Tác Giả: Tú Anh
Một tàu chở containeur ở cảng Tokyo, ngày 21/04/2014.
REUTERS/Toru Hanai
Thuế đánh lên xe hơi Nhật Bản bán sang Mỹ sẽ là trọng tâm cuộc thảo luận Donald Trump-Shinzo Abe ngày 26/09/2018 bên lề Đại Hồi Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York.
Trong bối cảnh Washington thẳng tay áp thuế nhập khẩu tổng cộng 250 tỷ đô la hàng Trung Quốc, không kể nhôm thép, liệu Nhật Bản, đồng minh châu Á của Mỹ, có tránh được cơn thịnh nộ của chủ nhân Nhà Trắng?
Tổng thống Mỹ Donald Trump thường than phiền là Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ đã bị Nhật cạnh tranh bất chính và ông dọa sẽ buộc Nhật phải trả giá cho hiện tượng xuất siêu.
Tuy nhiên, trên thực tế, cán cân thương mại Mỹ-Nhật chỉ bất lợi cho Mỹ có 68 tỷ đô la, theo số liệu năm 2017.
Nếu so với các đối tác khác của Mỹ về mức thâm thủng thì Nhật đứng hàng thứ ba, sau Trung Quốc (375 tỷ đô la), sau cả Mexicô (71 tỷ đô la). Trong bảy tháng đầu năm nay, thâm thủng Mỹ-Nhật cũng giảm đi, còn 40 tỷ đô la.
Đập Trung Quốc ...
Đối với Trung Quốc, Hoa Kỳ gần như khiêu chiến.
Nếu tuyên bố của ngoại trưởng Mike Pompeo phản ảnh đúng sự thật thì « Trung Quốc đã tiến hành chiến tranh thương mại chống kinh tế Mỹ từ nhiều chục năm nay… giờ đây, Mỹ quyết tâm chiến thắng và sẽ đánh thắng ».
Mục đích của Mỹ là gì ? Cũng theo tuyên bố của ngoại trưởng Mike Pompeo, đó là « buộc Trung Quốc phải hành xử như một cường quốc thế giới, phải minh bạch trong lãnh vực thương mại và thượng tôn pháp luật ».
Nhật báo kinh tế Les Echos, trong bài phân tích ngày 20/09/2018, cho biết là nhiều người trong chính phủ Trung Quốc nghĩ rằng Donald Trump « đã thắng ».
Theo nhà kinh tế Harumi Taguchi của viện tư vấn IHS Markit, một khi tìm được nhượng bộ của Trung Quốc và Mehicô, Donald Trump sẽ nhìn sang Nhật Bản.
So với Trung Quốc của Tập Cận Bình, Nhật là một quốc gia tự do không khác gì nước Mỹ.
Công nhân có nghiệp đoàn bảo vệ, không cô đơn như công nhân Trung Quốc.
Chính phủ Nhật không can thiệp vào hối suất để bảo trợ xuất khẩu, không sử dụng các biện pháp hành chính nhiêu khê để bảo hộ thị trường, cũng không ép buộc công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ.
Dù vậy, hình ảnh hàng chục triệu xe hơi Nhật tràn ngập đường phố Mỹ làm chủ nhân Nhà Trắng khó chịu, nhất là xe Mỹ bán sang Nhật lại ít người mua.
Khác với chính sách Mỹ, kể từ thời Ronald Reagan, chính phủ Nhật không áp thuế lên xe nhập khẩu để bảo vệ doanh nghiệp nội địa.
Theo giới chuyên gia trong lãnh vực xe hơi, xe Mỹ khó bán vì không hợp với sở thích của người Nhật.
Đuối lý, Donald Trump viện lý do chẳng liên quan gì đến thuế quan : « thanh tra chất lượng » của Nhật quá khắt khe.
... để hù Nhật
Đàm phán Mỹ-Nhật bắt đầu vào tháng 08/2018 tại Washington và đợt hai diễn ra vào thứ Hai 24/09 tại New York.
Tokyo ưu tiên cho một thỏa thuận đa phương và hy vọng kéo được Mỹ trở lại Hiệp Định TPP mới.
Tuy vậy, theo Kyodo, Shinzo Abe cũng sẵn sàng thương lượng một hiệp định song phương Mỹ-Nhật, với điều kiện để khu vực xe hơi qua một bên.
Nếu thất bại và nếu Donald Trump thực hiện lời đe dọa thì cơn ác mộng kinh hoàng nhất của nước Nhật là bị áp thuế xe hơi, vũ khí lợi hại nhất của Washington mà chính quyền Mỹ đang thảo luận với Tokyo.
Nếu bị áp thuế 25%, GDP của Nhật sẽ mất từ 0,4 đến 0,5%, theo bà Harumi Taguchi.
Trong tình huống này, Tokyo có ba phương án để xoa dịu Donald Trump nhưng cái nào cũng bất toàn.
Một là mua thật nhiều vũ khí của Mỹ như máy bay F-35, lá chắn chống tên lửa …nhưng không đủ.
Thứ hai là gia tăng đầu tư sản xuất xe tại Mỹ (từ thời Reagan). Chuyện này khó bởi vì mức cầu có giới hạn : các công ty Nhật đã chế tạo mỗi năm 4 triệu xe và sử dụng 1,5 triệu nhân viên tại Mỹ.
Giải pháp thứ ba là thủ tướng Shinzo Abe chấp nhận một loạt nhượng bộ, đặc biệt là về nông nghiệp.
Nhưng gạo và thịt bò là hai lãnh vực « nhạy cảm » : giới chăn nuôi, trồng trọt là cử tri truyền thống của đảng Tự Do Dân Chủ.
Tin mới
- Chiến tranh thương mại : Bắc Kinh từ chối đàm phán trong thế ''dao kề cổ'' - 25/09/2018 19:04
- Iran : Châu Âu tìm cách « né » trừng phạt Mỹ - 25/09/2018 16:11
- Di dân : Tàu cứu hộ Aquarius muốn cập cảng Pháp - 25/09/2018 16:03
- Nga tăng cường phòng không cho Syria, Israel lo ngại - 25/09/2018 15:33
- Paris mở rộng dự án "Thành phố không xe hơi" - 25/09/2018 00:55
- Ấn Độ hủy cuộc gặp cấp ngoại trưởng với Pakistan - 25/09/2018 00:22
- Hàn Quốc : Cấm cà phê trong trường học để giảm căng thẳng cho học sinh - 24/09/2018 21:48
- Việt Nam : Nan giải chuyện huy động vốn trong dân - 24/09/2018 21:40
- Việt Nam chuẩn bị quốc tang cho cố chủ tịch Trần Đại Quang - 24/09/2018 20:05
- Lần đầu tiên Hồng Kông cấm một đảng đòi độc lập - 24/09/2018 19:29
Các tin khác
- Quân đội Miến Điện : LHQ "không được can thiệp" vào hồ sơ Rohingya - 24/09/2018 18:43
- Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc : Mục tiêu đả kích của Trump sẽ là Iran - 24/09/2018 18:35
- Tân chủ tịch Cuba lần đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ - 24/09/2018 17:54
- Mỹ dọa trừng phạt bất cứ ai cung cấp nhiên liệu cho Bắc Triều Tiên - 24/09/2018 16:59
- Trung Quốc khai trương tuyến đường sắt cao tốc Quảng Châu-Hồng Kông - 24/09/2018 16:41
- Hàn Quốc gây sức ép để Samsung đầu tư vào Bắc Triều Tiên - 21/09/2018 19:08
- Mỹ phạt một cơ quan quân sự Trung Quốc mua vũ khí của Nga - 21/09/2018 18:55
- Di dân : Trump "xúi" Tây Ban Nha xây tường biên giới cắt ngang sa mạc Sahara - 21/09/2018 18:36
- Brexit : Châu Âu cứng giọng với Anh - 21/09/2018 17:55
- Mỹ gây sức ép buộc các tập đoàn Đức ngưng làm ăn tại Iran - 21/09/2018 17:23