Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chống Bình Nhưỡng, Donald Trump biểu dương đồng thuận với Shinzo Abe

trump-asia-japan 3

Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và thủ tướng Nhật Shinzo Abe lúc thư giản trước buổi ăn làm việc. Ảnh tại dinh Akasaka, Tokyo, ngày 6/11/2017.
REUTERS/Jonathan Ernst

Trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Shinzo Abe tại Tokyo ngày 06/11/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump xác định tinh thần liên đới với Nhật Bản, trên tuyến đầu đối phó với Bắc Triều Tiên.

 Nhưng với « văn hóa » doanh nhân, chủ nhân Nhà Trắng không quên mục tiêu chính « nước Mỹ trước đã ».

Tại Nhật Bản, chặng công du đầu tiên qua năm nước châu Á, tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm hai động tác gây nhiều phê phán : một là chỉ hơi cuối đầu chào hoàng đế và hoàng hậu Nhật Bản khác với thái độ tôn kính của người tiền nhiệm Barack Obama.

Thứ hai, ông đã tỏ ra thiếu kiên nhẫn khi cùng thủ tướng Nhật rải thức ăn cho cá chép.

Ngược lại, trong lãnh vực an ninh quốc phòng, tổng thống Mỹ hoàn toàn ủng hộ đồng minh trước sự đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Trong cuộc họp báo chung, Donald Trump nhấn mạnh đến nhu cầu siết vòng vây « cô lập » Bình Nhưỡng : « giai đoạn kiên nhẫn chiến lược đã sang trang, các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên đe dọa hoà bình và ổn định quốc tế ».

Tổng thống Mỹ không quên xác quyết bảo vệ an ninh của đồng minh trước mối đe dọa của Trung Quốc và trong bối cảnh Bắc Triều Tiên hai lần phóng tên lửa bay ngang đảo Hokkaido kèm theo lời hăm dọa « đánh đắm » quần đảo Phù tang.
 Donald Trump cũng dành thời giờ trao đổi với thân nhân của những công dân Nhật bị Bình Nhưỡng bắt cóc từ thập niên 1970.

Về phần Nhật Bản, thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố ủng hộ « không chút do dự » những biện pháp của Mỹ « đã được chọn » và từ nay, Nhật « sẵn sàng » bắn hạ tên lửa của Bắc Triều Tiên.
Giới phân tích một lần nữa cho rằng Donald Trump « tháu cáy » Bình Nhưỡng bằng lá bài xung đột vũ trang.

Tuy nhiên, những lời tuyên bố kế tiếp cho thấy chủ nhân Nhà Trắng không quên thông số « nước Mỹ trước đã » trong các phương trình đối ngoại từ quân sự cho đến kinh tế.
Sau khi ca ngợi « liên minh bền vững Mỹ Nhật », thân mật gọi ông Shinzo Abe « là bạn», tổng thống Mỹ thúc giục Tokyo phải nghĩ đến quyền lợi của Mỹ trong trao đổi thương mại.

Mức thâm thủng vào khỏang 69 tỷ đôla hàng năm, mà phần lớn là từ xe hơi và hàng điện tử « made in Japan ».

Bằng cách nào ? Donald Trump đề nghị Tokyo mua thêm vũ khí của Mỹ từ chiến đấu cơ F-35, tên lửa và hệ thống lá chắn chống tên lửa, vừa « bảo vệ an ninh cho Nhật Bản vừa tạo công ăn việc làm cho Hoa Kỳ ».

Thủ tướng Nhật không phải là tay vừa. Ông cho biết hải quân Nhật sẽ trang bị thêm tên lửa Aegis nhưng lưu ý tổng thống Trump là phần lớn xe Nhật bán trên thị trường Hoa Kỳ được sản xuất từ các hãng ở nước Mỹ và sử dụng 850.000 lao động Mỹ.
Toyota và Mazda cũng đang gây sức ép để được Mỹ trợ giúp 1 tỷ đôla nhằm mở thêm hãng tại Mỹ, theo lời hứa lúc tranh cử của…Donald Trump.

Cũng trong lãnh vực thương mại, Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương TPP một lần nữa bị ông Trump chỉ trích là « không có lợi ».
Tuy nhiên, cho dù Hoa Kỳ rút chân và trong khi tổng thống Mỹ chê bai ở Tokyo, thì tại Chiba, 11 thành viên còn lại của TPP với cường quốc Nhật Bản đầu đàn, tiếp tục hoàn chỉnh hiệp định tự do thương mại đa phương này, từ hôm nay cho đến thứ Tư.

Nếu dự tính của Nhật thành tựu thì ngày thứ Sáu tới tại Đà Nẵng, nhân thượng đỉnh APEC, tổng thống Trump sẽ được mời xét lại quyết định để trở lại TPP.
Giới lãnh đạo Nhật Bản cho biết là họ đặt Washington trước hai lựa chọn : hoặc trở lại hiệp định thương mại đa phương hoặc thương thuyết lại hiệp định song phương.

Nếu tại Tokyo, tổng thống Mỹ cư xử như một doanh nhân đối với đồng minh thân thiết, thì trong những ngày tới, khi đến Bắc Kinh, không rõ nhà tỷ phú địa ốc sẽ sử dụng chiến thuật con buôn như thế nào với Tập Cận Bình để làm giảm nhập siêu lên đến 347 tỷ trong năm 2016 ?

Switch mode views: