Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

LHQ: Miến Điện phải trao quốc tịch cho người Rohingya

Rohingya  Coxs Bazar Bangladesh

Ảnh một trại tỵ nạn người Rohingya gần Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 20/10/2017.
REUTERS/Jorge Silva

Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, ông Filippo Grandi, ngày 02/11/2017, đã yêu cầu Miến Điện phải trao quốc tịch cho người Rohingya tị nạn tại Bangladesh và cho phép họ hồi hương.

Người phụ trách Phủ Cao Ủy Tị Nạn nhấn mạnh : « Không thể để những người này mãi không có quốc tịch vì tình trạng này còn khiến họ bị phân biệt và lạm dụng, như từng xảy ra trong quá khứ ».

Bị quân đội Miến Điện trấn áp, hơn 600.000 người Rohingya đã phải trốn sang Bangladesh từ cuối tháng 08/2017.
« Để những người này có thể hồi hương và ổn định cuộc sống, cần phải giải quyết vấn đề quyền công dân của họ, được đánh giá là rất phức tạp », theo phát biểu của ông Grandi trước báo giới tại Hội Đồng Bảo An.

Vẫn theo ông, ngoài việc công nhận quyền công dân, chính phủ Miến Điện còn phải thông qua một chương trình phát triển cho bang Rakhine, một trong những bang nghèo nhất nước này.

Ngoại trưởng Mỹ thăm Miến Điện

Hãng tin AFP cho biết vấn đề người tị nạn Rohingya sẽ là một trong số các chủ đề nghị sự trong chuyến công du Miến Điện của ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, bắt đầu từ ngày 15/11.

Theo một bản thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ, ông Tillerson sẽ gặp gỡ « các nhà lãnh đạo cao cấp » Miến Điện tại thủ đô Naypyidaw để bàn về « các hoạt động trước cuộc khủng hoảng nhân đạo tại bang Rakhine và sự hỗ trợ của Mỹ trong tiến trình quá độ dân chủ tại Miến Điện ».

Trước khi đến Miến Điện, ngoại trưởng Mỹ tháp tùng tổng thống Donald Trump trong chuyến công du châu Á đầu tiên nhân hội nghị APEC diễn ra tại Đà Nẵng và sẽ đến các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.

Khoảng 600.000 người Rohingya vô tổ quốc nằm trong số ít nhất 3 triệu người không có quốc tịch trên toàn thế giới được thống kê trong bản báo cáo công bố ngày 03/11/2017 của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn.

Bản báo cáo ghi nhận một số tiến bộ trong thời gian qua, như tại Thái Lan, khoảng 30.000 người đã được chính phủ cấp quốc tịch từ năm 2012.
Còn tại châu Phi, người Makondés đã được công nhận là một bộ tộc tại Kenya vào năm 2016.

Switch mode views: