Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-12-2019

Cuba : Ánh hào quang của Fidel Castro tắt dần

 Fidel castro.jpg

 


Một tác phẩm nghệ thuật khắc họa Fidel Castro.
Siegfried Forster / RFI



Trong vô số các bài viết xung quanh việc nước Pháp đang bước vào một tuần mới đầy căng thẳng trong cuộc đọ sức giữa chính phủ và các công đoàn về cuộc cải cách hưu trí, trên trang quốc tế, báo Le Figaro có bài viết « Buổi hoàng hôn của tư tưởng Castro tại Cuba ».

Bài viết cho thấy, 3 năm sau khi Fidel Castro ra đi, các lãnh đạo lịch sử của cách mạng cũng lần lượt qua đời, ảnh hưởng (của Cuba) trong vùng giảm đi.
Bài báo mở đầu bằng câu hỏi « Những đứa con của cách mạng đã quên Fidel Castro chăng ? »

Năm nay, khi La Habana kỷ niệm 3 năm ngày mất của vị lãnh tụ vĩ đại (25/11/2016), « những hoạt động tưởng nhớ đến người cha đẻ của Chủ Nghĩa Xã Hội Cuba diễn ra rất thưa thớt.

Báo chí chính thức chỉ nhắc đến những hoạt động tưởng nhớ trong các trường học hay trong giới y tế đang làm nhiệm vụ ở Venezuela và người ta nhắc đến những thời khắc kỷ niệm mà rất ít nói về những cống hiến ».

Tờ báo nhận xét : « Thời đại con người đó ngự trị như chủ nhân của đất nước dường như đã lùi xa. Chỉ còn lại những tấm áp phích vàng úa theo thời gian của Fidel trong các tòa nhà chính phủ của Cuba, không có gì là phô trương. »
Bài báo cho biết, mặc dù giờ đây, « Fidel vẫn được đông đảo dân chúng kính trọng, nhưng không còn ai sợ hãi khi nhắc đến tên ông ».

Fidel Castro chết đi, nhưng không có nghĩa là tư tưởng Castro cũng mất theo.
Đa số các lãnh tụ lịch sử của cuộc cách mạng cũng đều ở tuổi gần đất xa trời. Nhiều người cũng đã lần lượt ra đi theo ông.

Thế hệ chính trị còn lại bây giờ, tuy là những người được lựa chọn để kế tục sự nghiệp của Fidel Castro, nhưng phần đông họ muốn đất nước có được nhiều đồng đô la hay euro hơn là những bài diễn văn tràng giang đại hải về hệ tư tưởng.
Một dấu hiệu mà tác giả bài viết nhận thấy là, khác với cách đây 5-6 năm, ở Cuba giờ đây ra đường không còn thấy ai gọi nhau bằng « đồng chí » nữa.

Tinh thần quốc tế của Castro cũng chìm xuống. Ở châu Mỹ Latinh, các chính phủ cánh tả từng chịu ảnh hưởng của Cuba cũng lần lượt tan rã hay lâm vào khủng hoảng, từ Bolivia, Nicaragua cho đến Venezuela.

Nga : Một căn hộ cho con những nạn nhân thời Stalin

Theo Le Figaro, Tòa án Hiến pháp Nga, trong phán quyết ra hôm 10/12 đã chấp thuận bồi thường cho con cái những tù nhân của các trại cải tạo Goulag dưới thời Cộng Sản.
Họ sẽ được quyền nhận một căn hộ tại Matxcơva.

Như mọi người đã biết, cuối những năm 1930, Liên Xô dưới thời Stalin, trong cuộc đại thanh trừng đối kháng, hàng trăm nghìn người bị quy kết là « kẻ thù nhân dân » đã bị đưa đi đầy hoặc hành hình.

Phần lớn các cuộc trấn áp này diễn ra ở Matxcơva. Những người bị bắt đi đầy trong các trại tù Goulag đều bị tịch thu tất cả tài sản, nhà cửa.
Những ai sống sót, mãn hạn tù đều bị cấm trở lại sinh sống trong các thành phố mà họ đã bị bắt.

Năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ, một bộ luật để phục hồi nhân phẩm và đền bù cho các nạn nhân đã được thông qua.
Đến năm 2005, điều luật này mới được phổ biến ở các vùng và thành phố Matxcơva.

 

Phải đợi đến bây giờ, Quốc Hội Liên bang Nga mới bắt đầu cho triển khai áp dụng luật.
Theo Le Figaro, có khoảng vài trăm đến vài nghìn người, nay tuổi cũng khá cao, trên lý thuyết có thể được hưởng các quyền lợi đền bù theo luật trên.
Dù sao thì việc đền bù này cũng cho thấy nạn nhân của những năm tháng kinh hoàng dưới thời Stalin cũng đã được thừa nhận.

Hội nghị COP 25 vô ích ?

Một chủ đề thời sự quốc tế khác cũng thu hút sự quan tâm của các báo Pháp : Hội nghị khí hậu toàn cầu COP 25 vừa khép lại tại Madrid cuối tuần rồi với ghi nhận thất bại.

Đáng chú ý là đánh giá của Libération : Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 25 này là kỳ họp lịch sử về khoảng cách giữa những nước dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu và những nền kinh tế lớn không có khả năng về trách nhiệm tài chính theo đúng tầm vóc của họ; khoảng cách giữa những nội dung phát biểu của các chính phủ về tình hình khẩn cấp của khí hậu với thái độ của họ trong các cuộc đàm phán.

La Croix lấy làm tiếc về kết quả đáng thất vọng của COP 25. Tuy nhiên, La Croix cũng ghi nhận dù không đạt được thỏa thuận để cứu khí hậu, « ngoại giao khí hậu dường như đã cố gắng hết sức để cứu vớt những gì còn có thể trong thỏa thuận Paris, vốn đang gặp nhiều khó khăn kể từ khi Hoa Kỳ tuyên bố rút ra.

Đạt được thỏa thuận tối thiểu, COP 25 đã tìm cách cứu vãn trước dư luận ý tưởng cho rằng các cuộc đàm phán không có được tiến bộ đáng kể nào nhưng cũng không đế nỗi vô ích hoàn toàn ».
Tờ báo kết luận : « Các lãnh đạo cường quốc vẫn còn thiếu can đảm và sáng suốt khi bỏ mặc những cảnh báo của các nhà khoa học và những cam kết dấn thân của xã hội dân sự ».

Thương chiến Mỹ - Trung : « Ngừng bắn tạm thời »

Về thời sự quốc tế, hầu hết các báo đều trở lại với thông tin Mỹ -Trung đạt thỏa thuận thương mại sơ bộ trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước đã kéo dài hơn 2 năm nay mà vẫn chưa biết bao giờ mới kết thúc.

Mới chỉ đạt được trên bàn đàm phán, chưa bên nào đặt bút ký, nhưng Washington, đặc biệt tổng thống Mỹ Donald, hôm 13/12 đã hoan hỉ thông báo như vừa giành được thắng lợi to lớn.

Giới quan sát tuy nhiên đón nhận thông tin này một cách thận trọng. Nhật báo Le Monde ghi nhận sự kiện bằng hàng tựa : « Thương mại : Lắng dịu giữa Trung Quốc và Mỹ ».

Theo Le Monde, Bắc Kinh đón nhận bước tiến mới này một cách thận trọng và có chút dè chừng.
Báo chí chính thức Trung Quốc chỉ coi đó là đợt « ngừng bắn tạm thời ».

 

Một chuyên gia kinh tế của China Center for International Economic Exchange được le Monde trích dẫn nhận định : « Cho đến giờ vẫn chưa có dấu hiệu tiến bộ nào về những vấn đề gai góc nhất của đàm phán, như việc Hoa Kỳ đặt lại về vấn đề trợ cấp của Nhà nước Trung Quốc ».
Trong khi đó, tờ báo kinh tế Les Echos đánh giá : « Thỏa thuận đầu tiên mong manh giữa Bắc Kinh và Washington ».

Pháp : Cải cách hưu bổng, cuộc chiến Noel

« Cải cách hưu bổng », « đình công », « phong tỏa », các báo Pháp lại bắt đầu một tuần mới với những từ ngữ như vậy trên khắp các trang báo.
Cuộc đọ sức giữa chính phủ và các công đoàn về chương trình cải cách hưu bổng bước vào một tuần lễ quyết định, trước kỳ nghỉ lễ Noel và đón năm mới, được nhiều báo ví von như là « cuộc chiến Noel ».

Câu hỏi được dư luận Pháp quan tâm nhất hiện nay là đình công có tiếp tục cho đến tận kỷ nghỉ Noel hay không ?
Liệu có tàu trong dịp Noel ?
 Nhật báo le Figaro chạy tựa chính trên trang nhất : « Đình công và phong tỏa Noel : Cuộc chiến dư luận ».

Theo tờ báo, chính phủ đang cố bám vào nguyên tắc ngừng đình công trong dịp lễ cuối năm.
Trong khi đó, đợt biểu tình, đình công thứ 3 dự báo sẽ gây tê liệt hệ thống giao thông vào ngày mai (17/12).

Người đình công dọa tiếp tục huy động trong dịp lễ Noel.
Dựa vào dư luận, chính phủ gia tăng sức ép lên các công đoàn. Đây có thể coi là một chiến lược trong cuộc đọ sức giữa chính phủ và công đoàn.
Theo một thăm dò dư luận của Viện Ifop thực hiện cho le Figaro, 55% người được hỏi coi việc tiếp tục đình công trong dịp Noel là điều « không thể chấp nhận ».

Chính phủ cũng như các công đoàn đều hiểu trận chiến dư luận sẽ là trọng điểm của tuần lễ quyết định trước Noel.
Nếu như mục tiêu là cải cách đến cùng chế độ hưu bổng này thì chính phủ đang có 5 ngày để lật ngược tình thế theo hướng có lợi cho mình.

Xã luận của le Figaro nhận định « Chính bây giờ là lúc cuộc chiến Noel đóng vai trò quan trọng.
Các gia đình sẽ được đoàn tụ như lẽ thường ? » Có lẽ không, nhưng chính phủ và người dân Pháp tiếp tục giằng co.
Trong khi đó, xã luận nhật báo Libération, mang tiêu đề « Đọ sức », bình luận, một nỗi khốn khổ đang thịnh hành trong đời sống người dân Pháp.

Dự báo bầu không khí xã hội tuần mới này cũng sẽ không khác gì tuần trước : Giao thông tiêp tục tê liệt vì đình công, lại chuỗi ngày dài với đi bộ, chen chúc chờ đợi tàu xe.
Bệnh viện, tòa án, cửa hàng buôn bán, doanh nghiệp, cơ quan, không một lĩnh vực hoạt động nào tránh được.
Người dân đã tìm mọi giải pháp tình thế để giảm thiểu ảnh hưởng của đình công biểu tình, nhưng vẫn không tránh được căng thẳng, mệt mỏi.

Tờ báo nhấn mạnh : Với quyết tâm quyết của chính phủ, động thái cứng rắn của các công đoàn, sẽ không có giải pháp bất ngờ nào trong những ngày tới.

Switch mode views: