Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Phát triển mạng 5G: Châu Âu có sự lựa chọn nào khác ngoài Hoa Vi?

huawei usa interdigital us


Logo của Hoa vi mạng 5G. Ảnh minh họa.REUTERS/Dado Ruvic



 Để phát triển mạng điện thoại di động thế hệ 5, châu Âu vừa "cần" và vừa "ngại" Hoa Vi.

Châu Âu tránh nêu đích danh Hoa Vi nhưng báo động các trang thiết bị của tập đoàn Trung Quốc này có thể là một mối đe dọa đối với an ninh của mạng 5G trên Lục Địa Già.

 

Hoa Vi là một trong những đề tài mà thủ tướng Anh đã đề cập đến với tổng thống Mỹ bên lề thượng đỉnh NATO (04/12/2019) tại Luân Đôn.

Từ tháng 5/2019, khi chính quyền Trump tuyên chiến với tập đoàn do ông Nhậm Chính Phi thành lập năm 1987, Hoa Kỳ liên tục thúc ép ba đồng minh thân thiết nhất trong Liên Hiệp Châu Âu là Anh, Pháp, Đức tẩy chay Hoa Vi.

Ngày 10/10/2019 Bruxelles công bố một báo cáo nêu bật một số "đe dọa có thể nhắm vào hệ thống mạng 5G", "khả năng của một số quốc gia hay các nhà cung cấp mạng tiến hành các đợt tấn công liên tiếp và tinh vi đe dọa đến an ninh" mạng điện thoại di động của châu Âu.
Dù vậy, Liên Âu đang cân nhắc việc hợp tác với Hoa Vi để phát triển hệ thống viễn thông đời mới.

Anh, Pháp và Đức đang bị giằng co giữa một bên là mối liên minh chiến lược và quân sự với Washington và bên kia là những lợi ích về thương mại với Bắc Kinh.

Đề cao cảnh giác nhưng không cấm cửa Hoa Vi

Trước mắt, lập trường chung của châu Âu là một mặt kêu gọi "đề cao cảnh giác" trước nguy cơ trang thiết bị 5G do có thể bị "một số Nhà nước hay các nhà cung cấp mạng" sử dụng như những con ngựa thành Troie, dùng để dọ thám đối phương.
Nhưng đồng thời từ Luân Đôn đến Berlin hay Paris đều tuyên bố "không cấm cửa Hoa Vi".

Trả lời đài RFI tiếng Việt, chuyên gia về tin học và kỹ thuật số, Julien Nocetti, cộng tác viên của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp - IFRI nhấn mạnh đến thế kẹt của châu Âu trên hồ sơ nhậy cảm này :

 

"Cho đến nay Liên Hiệp Châu Âu chưa quyết định dứt khoát về trường hợp Hoa Vi. Nhưng đã nhiều lần Ủy Ban Châu Âu thảo luận và nghiên cứu kỹ hồ sơ này.
Đặc biệt là trong những tháng gần đây, câu hỏi Bruxelles có nên cấm cửa Hoa Vi hay không gây nhiều tranh cãi giữa các thành viên, đặc biệt là tại Anh và Đức".

Riêng với nước Anh, hồ sơ Brexit khiến bài toán càng thêm nan giải. Nước Anh sắp chia tay với châu Âu và sẽ cần có những điểm tựa vững chắc như là Mỹ và cả Trung Quốc. Ông Julien Nocetti giải thích tiếp :

"Cái khó đối với Luân Đôn là nước Anh bị giằng co giữa Trung Quốc và Mỹ.
Với Trung Quốc thì lợi ích quan trọng nhất là thương mại, đặc biệt là trong bối cảnh Brexit.
Đồng thời, Vương quốc Anh lại có một mối quan hệ rất đặc biệt với Hoa Kỳ, chủ yếu là về an ninh và chiến lược.
Đó là chưa kể Luân Đôn cũng sẽ rất cần đến Washington trong giai đoạn hậu Brexit".

Tại Berlin, Hoa Vi cũng là một chủ đề gây nhiều tranh cãi. Đức có mối quan hệ gần gũi với Hoa Kỳ từ sau Thế Chiến Thứ Hai. Điều đó không cấm cản Washington cho đặt máy nghe lén điện thoại của thủ tướng Merkel.
Đồng thời, trong số các lãnh đạo phương Tây, bà Angela Merkel là một trong những người thường xuyên công du Trung Quốc nhất.

Chuyên gia Pháp Nocetti nhấn mạnh đến mức độ gắn bó chặt chẽ giữa công nghệ của Đức với Trung Quốc.
Điều đó khiến vấn đề bảo vệ an ninh mạng trong quan hệ với đối tác châu Á này lại càng lớn :

"Trong trường hợp của Đức, vấn đề càng phức tạp hơn. Giám đốc ngành tình báo cho rằng, trang thiết bị của Hoa Vi chưa chắc đã "nguy hiểm" hơn so với của Mỹ.
Ngược lại, thủ tướng Merkel luôn thiên về phía Washington. Tuy nhiên, từ năm 2013 sau vụ tai tiếng Mỹ nghe trộm điện thoại của bà Merkel, Berlin thận trọng hơn với đồng minh Hoa Kỳ.

Cùng lúc, về thương mại và công nghiệp, các tập đoàn của Đức vừa cần đến các đối tác Trung Quốc vừa lệ thuộc vào các hãng của Trung Quốc.
Nguy cơ ở đây là nếu ngả về phía Hoa Vi, Berlin sẽ làm Washington phật lòng và lại càng tăng thêm mức độ lệ thuộc vào các đối tác Trung Quốc.
Dù vậy, tới nay Đức cũng chưa đưa ra quyết định sau cùng là có nên hay không chọn Hoa Vi làm đối tác để phát triển hệ thống 5G".

Riêng Paris, cho đến đầu tháng 12/2019, Pháp tuyên bố "không nhất thiết phải theo đuôi Hoa Kỳ loại Hoa Vi khỏi các dự án xây dựng mạng điện thoại đời mới" nhưng đồng thời Pháp, cách nay vài tháng, vừa thông qua một bộ luật nhằm nâng cao khả năng bảo đảm mức độ an toàn cho mạng 5G, nhưng tránh không nêu tên bất kỳ một nhà cung cấp nào.

Cộng tác viên Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, ông Julien Nocetti, hơi ngạc nhiên về thái độ "kín đáo" của chính phủ Pháp :
"Lập trường được giữ khá kín của Pháp khiến không ít người ngạc nhiên.
Về thực chất, Paris luôn tỏ ra gần với quan điểm của Washington, dù không cực đoan như Mỹ.

Hiện tại, Pháp nói là không loại Hoa Vi, đồng thời kêu gọi tăng cường các chuẩn mực về an ninh mạng và nhất là giành quyền kiểm soát khâu quan trọng nhất trong tiến trình phủ sóng 5G".

Mỹ chơi trò đánh hỏa mù ?

Nói cách khác, trước mắt, Hoa Vi vẫn tự tin là đủ sức thuyết hục châu Âu không về hùa với Mỹ để loại tập đoàn Trung Quốc này.
 Nhất là ngay cả chính Washington, sau khi Nhà Trắng viện lý do an ninh quốc gia, "cấm các công ty Mỹ mua trang thiết bị của Hoa Vi và ZTE", thì trong sáu tháng qua, cũng Washington đã ba lần tạm hoãn lệnh trừng phạt tập đoàn viễn thông Trung Quốc này.

Nhưng điều đó không cấm cản chính quyền Trump vì muốn triệt hạ Hoa Vi đã ngỏ ý "hỗ trợ" hai tập tập đoàn châu Âu là Nokia và Ericsson về mặt tài chính như tin được tờ báo Financial Times loan tải.

Vẫn theo tờ báo tài chính này, một số quan chức Mỹ cho rằng "cần tạo điều kiện" để có một sự "cạnh tranh" trên thị trường cung cấp mạng 5G trong lúc mà từ "nhiều năm qua, Hoa Vi đã được Ngân Hàng Phát Triển Trung Quốc dễ dàng cấp tín dụng để trở thành một ông khổng lồ trong ngành viễn thông của thế giới".

Cần biết rằng China Development Bank là ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc.
Báo Financial Times không quên nhắc lại rằng, Ericsson vừa phải nộp phạt hơn 1 tỷ đô la cho chính phủ Mỹ trong khuôn khổ cuộc điều tra về tội hối lộ, cạnh tranh bất bình đẳng để giành được thị phần tại Việt Nam, Trung Quốc và Djibouti trong thời gian từ năm 2000 đến 2016.

Thực lực của châu Âu ?

Vậy câu hỏi đặt ra là liệu Liên Hiệp Châu Âu thể trông cậy vào hai con chim đầu đàn trong ngành viễn thông của mình là Nokia và Ericsson mà không cần đến Hoa Vi của Trung Quốc hay không ?

Chuyên gia Pháp, Julien Nocetti trả lời :
"Trong ngắn hạn, châu Âu không thể đoạn tuyệt với Hoa Vi. Đây là kịch bản không thực tế chút nào.
Liên Hiệp Châu Âu có nhiều lá chủ bài để phát triển mạng 5G, có một số các công ty đã làm chủ trong lĩnh vực này. Tôi muốn nói tới Nokkia và Ericsson.

Châu Âu vừa có các chuyên gia, vừa làm chủ kỹ thuật này. Tuy nhiên, đừng quên rằng ngay cả các tập đoàn châu Âu là Nokia và Ericsson cũng đang có nhiều dự án với các đối tác Trung Quốc.
Một ngày nào đó, các công ty này tính chuyện thay thế Hoa Vi, thì lập tức Bắc Kinh sẽ trả đũa".

Nhược điểm của châu Âu là vấn đề tài chính, như giải thích của ông Nocetti, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp :
"Nói về phương tiện cần được huy động, quan trọng nhất là vế tài chính. Đây là cốt lõi của vấn đề và cũng là nhược điểm của châu Âu.
Chúng ta thấy rằng, để phát triển mạng công nghệ thông tin đời mới, ngân sách của một vài quốc gia trong Liên Âu là không đủ".

Qua hồ sơ phát triển công nghệ điện thoại 5G, châu Âu nói chung và Pháp nói riêng, rõ ràng là đang bị kẹt giữa hai ông khổng lồ là Mỹ và Trung Quốc.

Trớ trêu hơn cả là châu Âu hay Pháp, Đức, trong một thời gian dài đã dẫn đầu các công nghệ từ tin học đến viễn thông.
Châu Âu đã có rất nhiều lá chủ bài trong tay, từ nhân lực đến kỹ thuật, nhưng chỉ vì thiếu đoàn kết để có được một chiến lược phát triển chung, để rồi Trung Quốc giành lấy được thế thượng phong.

Giờ đây, trên bàn cờ 5G, châu Âu đang bị dồn vào thế thủ. Nếu có tham vọng thoát khỏi cảnh trên đe dưới búa giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, Bruxelles cần "nhanh chóng hành động mà không được phép đi sai một nước cờ", như kết luận của chuyên gia về an ninh mạng, công nghệ kỹ thuật số, Julien Nocetti, cộng tác viên Viện Quan Hệ Quốc Tế - IFRI.


Switch mode views: