Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

“Thế lực nước ngoài” kích động dân Hồng Kông “làm loạn” là ai?

HK ngoai bang

Người biểu tình Hồng Kông đòi dân chủ tập hợp trước lãnh sự Anh tại Hồng Kông, ngày 23/10/2019.REUTERS/Umit Bektas



“Thế lực nước ngoài” kích động dân Hồng Kông “làm loạn” là ai ?
 Đâu là nguồn gốc sâu xa của phong trào đòi dân chủ ở Hồng Kông ?

 

Nghị Viện Châu Âu trao giải nhân quyền  Sakharov cho Ilham Tohti, giáo sư kinh tế bị Bắc Kinh kết án chung thân, để thức tỉnh cộng đồng quốc tế về người Duy Ngô Nhĩ.

Bị Mỹ trừng phạt, Cuba cho phép người dân mở tài khoản ngoại tệ.
Người dân Thụy Điển “chê” máy bay, ưu tiên tầu hỏa để bảo vệ môi trường.
Trên đây là những chủ đề chính của tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) có nguy cơ bị thay thế do bất lực trước phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông.
Phải chăng chính quyền Bắc Kinh chuẩn bị có những biện pháp mới, có thể “mạnh tay” hơn, để trấn áp phong trào “đơn thuần là đầy bạo lực”, theo cáo buộc của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 21/10/2019 ?

Trả lời hãng tin AFP nhân chuyến công du Paris ngày 21/10, ông Vương Nghị lên án “những thế lực nước ngoài” giật dây người biểu tình Hồng Kông :
“Có nhiều thế lực nước ngoài cổ vũ kiểu bạo lực đường phố để gây bất ổn cho Hồng Kông và tạo hỗn loạn trong khu vực.

 Mục đích của họ là phá hủy sự thịnh vượng của Hồng Kông, tích lũy từ thành quả lao động của nhiều thế hệ.
Những thế lực nước ngoài này cũng nhằm phá hoại những tiến bộ lịch sử của khu vực từ khi áp dụng chính sách “một quốc gia, hai chế độ”.

Nhà nghiên cứu Philippe Le Corre, chuyên gia về Hồng Kông tại trường Harvard Kennedy School, khẳng định những tuyên bố của ngoại trưởng Vương Nghị là “hoàn toàn vô căn cứ.
Chính quyền Trung Quốc ám chỉ đến “các cuộc cách mạng mầu”, các “mùa xuân Ả Rập” nơi phong trào dân chủ có thể được tác nhân nước ngoài hỗ trợ”.

Mỹ là “kẻ giật dây” số một !

Báo chí chính thống Trung Quốc nêu lên hàng loạt “bằng chứng không thể chối cãi được” và dường như Mỹ là “kẻ giật dây” số một tại Hồng Kông.

China Daily, cơ quan ngôn luận bằng tiếng Anh của đảng Cộng Sản Trung Quốc, nêu cuộc gặp ngày 06/08 giữa bà Julie Eadeh, cố vấn chính trị tại lãnh sự Mỹ ở Hồng Kông, với ba thủ lĩnh phong trào phản kháng Hồng Kông, Lý Trụ Minh (Martin Lee), Trần Phương An Sinh (Anson Chan) và Hoàng Chi Phong (Joshua Wong).

Trước đó vài tháng, vẫn ông Lý Trụ Minh và bà Trần Phương An Sinh, cũng như ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai), chủ tờ Apple Daily, một tờ báo ủng hộ dân chủ Hồng Kông, đã gặp phó tổng thống Mỹ Mike Pence và ngoại trưởng Mike Pompeo ở Washington.

Vẫn China Daily (17/08/2019) cho rằng nhiều tổ chức phi chính phủ Hồng Kông tham gia các cuộc biểu tình đòi dân chủ nhận tiền từ Tổ chức Quốc gia vì Dân chủ (National Endowment for Democracy, NED).

Tổ chức này cũng là… của Mỹ, được thành lập năm 1983 dưới thời tổng thống Ronald Reagan.
Cả Trung Quốc và Nga đều coi NED là bình phong của CIA, trên danh nghĩa tài trợ các khóa đào tạo công dân hoặc bảo vệ nhân quyền, nhưng thực chất là tìm cách thay đổi chế độ.

Cuối cùng, Quốc Hội lưỡng viện Mỹ cũng bị cáo buộc tiếp tay cho phong trào dân chủ Hồng Kông vì đã kêu gọi thông qua Luật về Nhân quyền và Dân chủ ở Hồng Kông (Hongkong Human rights and Democracy Act) năm 2019.

Được hình thành năm 2015 sau Phong trào Dù vàng, đạo luật này quy định việc Quốc Hội Mỹ xem xét hàng năm tình hình Hồng Kông để đánh giá lại quy chế thương mại đặc biệt mà đặc khu hành chính được hưởng.

Nguồn gốc sâu xa phong trào đòi dân chủ ở Hồng Kông

Mọi người đều biết chính dự luật dẫn độ sang Hoa lục là nguồn gốc của phong trào đòi dân chủ hiện nay tại Hồng Kông.
Từ một yêu sách hủy luật dẫn độ, người biểu tình hiện đưa ra năm yêu sách, trong đó có việc trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ chức.

Tuy nhiên, nguồn gốc sâu xa của dự luật dẫn độ lại là một vụ giết người, xảy ra vào tháng 02/2018.
 Chan Tong Kai, một thanh niên Hồng Kông, bị tình nghi giết bạn gái đang mang thai, trong chuyến du lịch Đài Loan.

Chan Tong Kai bị cảnh sát Hồng Kông bắt vì tội giết người nhưng cuối chỉ bị kết án rửa tiền liên quan đến việc quản lý tài sản của bạn gái ở Hồng Kông.
Dù cảnh sát Đài Loan đưa ra những bằng chứng kết tội Chan Tong Kai giết bạn gái, nhưng không thể dẫn độ thủ phạm sang Đài Loan vì Trung Quốc, mà Hồng Kông trở thành đặc khu hành chính từ năm 1997, không công nhận sự tồn tại của tư pháp Đài Loan và không có bất kỳ thỏa thuận dẫn độ nào.

Đến tháng 02/2019, văn phòng an ninh Hồng Kông đề xuất xem lại chế độ dẫn độ của đặc khu nhằm cho phép đưa bất kỳ người đào tẩu nào sang các nước và vùng lãnh thổ không ký thỏa thuận dẫn độ với Hồng Kông, trong đó có Hoa lục, Macao và Đài Loan.

Vụ Chan Tong Kai được sử dụng rõ ràng để lấp “chỗ trống tư pháp”.
Chan Tong Kai được giảm án và ra tù vào sáng thứ Tư 23/10.
Năm ngày trước khi được tha, thanh niên này thông báo ý định sang trình diện tư pháp Đài Loan.

Nhưng có lẽ Chan Tong Kai sẽ còn được tự do dài dài vì phía Đài Bắc đề nghị thảo luận với Hồng Kông để lập “khuôn khổ trợ giúp tương hỗ” trong trường hợp của Chan Tong Kai, nếu không Đài Loan sẽ không nhận thanh niên này.

 

Đối với chính quyền đặc khu hành chính, không có chuyện hợp tác tư pháp với “cấp xét xử không có thẩm quyền”.
Giải Sakharov cho Ilham Tohti để thức tỉnh cộng đồng quốc tế về người Duy Ngô Nhĩ

Giải thưởng nhân quyền danh giá Sakharov của Nghị Viện Châu Âu năm 2019 đã được trao cho Ilham Tohti, giáo sư kinh tế người Duy Ngô Nhĩ tại đại học người thiểu số Bắc Kinh.
Bị bắt vào tháng 01/2014, ông bị kết án chung thân vì tội “ly khai và ủng hộ khủng bố cực đoan”.

Đối với nhà nghiên cứu Marc Julienne, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp (FRS), “việc kết án Ilham Tohti là một sai lầm lớn của Trung Quốc”.
Ông Ilham Tohti chưa bao giờ đấu tranh đòi độc lập mà chỉ muốn người Duy Ngô Nhĩ có thêm quyền tự quyết, theo Hiến Pháp Trung Quốc.

Đây cũng là nhận định với RFI Tiếng Hoa của nhà Trung Hoa học Marie Holzman, chủ tịch hội Tương ái Trung Quốc :
“Ilham Tohti đã báo trước sự tiến triển về tình hình ở Trung Quốc.
Ông từng nói rằng nếu không tôn trọng nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc, tình hình sẽ trở nên tồi tệ.

Ilham Tohti đã làm mọi cách để duy trì sự ổn định, mối quan hệ tốt đẹp giữa tộc người Hán và Duy Ngô Nhĩ.
Ông làm tất cả, chứ không phải là một kẻ khủng bố”.

Ông Dilxat Raxit, chủ tịch Đại hội người Duy Ngô Nhĩ Thế giới, khi trả lời nhà báo của ban Trung Quốc, tỏ ra lo ngại rằng giải Sakharov có nguy cơ khiến Ilham Tohti chịu chung số phận như Lưu Hiểu Ba.

“Giải Sakharov được trao cho Ilham Tohti không chỉ ghi nhận đóng góp của cá nhân ông mà còn nhằm thức tỉnh cộng đồng quốc tế trước phong trào trấn áp mà người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đang phải hứng chịu.

Vì Nghị Viện Châu Âu đã chọn trao giải cho Ilham Tohti, nên Liên Hiệp Châu Âu cũng cần làm tất cả có thể, để chính quyền Trung Quốc, nếu không trả tự do cho ông, thì ít nhất cũng phải cho chúng ta biết thông tin về ông ấy.

Đã hơn hai năm nay, không ai được phép đến thăm nhà đấu tranh và chúng tôi không có bất kỳ thông tin nào về Ilham Tohti.
Chúng tôi rất lo cho tình trạng của ông ấy. Chúng tôi cũng sợ rằng, vì các giải thưởng quốc tế được trao cho Ilham Tohti, trong đó có giải thưởng cao quý Sakharov, mà chính quyền Trung Quốc sẽ lại tăng gấp đôi hành động trấn áp và Ilham Tohti sẽ chịu chung số phận với giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba”.

Bị Mỹ trừng phạt, Cuba cho phép người dân mở tài khoản ngoại tệ

Từ ngày 21/10/2019, người dân Cuba lại được phép mở tài khoản bằng đô la Mỹ tại ngân hàng trong nước.
 Từ giờ, họ cũng có thể thanh toán trực tiếp bằng đô la trong một số cửa hàng và nhận chuyển khoản bằng ngoại hối từ nước ngoài.

Thông tín viên RFI Domitille Piron tại La Habana cho biết thêm :

“Trung bình phải đợi đến 2 tiếng ở ngân hàng để mở tài khoản ngoại hối ở La Habana !
Trong giai đoạn chính phủ Mỹ không ngừng gia tăng trừng phạt Cuba, chính quyền La Habana tìm cách kiếm ngoại tệ nhờ biện pháp này.

Những người nhận được tiền từ nước ngoài không ngại đứng xếp hàng, họ có chung một mối quan tâm, đó là ngay từ tuần tới, họ có thể mua sắm được trong một số cửa hàng quốc doanh, nhưng chỉ được thanh toán bằng thẻ tín dụng.

Cho đến nay, nhiều mặt hàng do tư nhân nhập và được bán với giá ngất ngưởng ngoài chợ đen.
Mickael đã nhắm được một chiếc máy điều hòa có giá 360 đô la ở một cửa hàng trong khu phố cổ La Habana, nhưng còn phải tìm được đô la.

Ông nói : “Ngoài đường, có nhiều người, nhiều cá nhân bán đô la. Vì thế, giá đô la đã tăng lên, phải có 1.020 CUC để mua được 1.000 đô la, thật không chấp nhận được vì trước đây giá đô la thấp hơn đồng CUC”.

Người dân Cuba tìm ngoại tệ bằng mọi cách để tiếp cận được thị trường mới này.
Như vậy, Nhà nước thu về các loại tiền đô la Mỹ, đô la Canada hay đồng euro.

Adonis, đang xếp hàng ở ngân hàng, hiểu rõ điều này. Ông nói : “Tôi nghĩ là đồng CUC chẳng có giá trị gì trên thế giới, nên tôi có cảm giác rằng Nhà nước làm việc này để thu được những ngoại tệ có giá trị trên thị trường thế giới và có thể sử dụng đô la”.
Nhờ đó, các ngân hàng Cuba tăng ngay được lượng tiền mặt.

Và Nhà nước cũng muốn lấy lại thị trường nhập khẩu : chỉ tính riêng ở Panama, người dân Cuba đã chi khoảng 20 triệu đô la mỗi tháng.
Một biện pháp có thể sẽ dẫn đến quá trình đô la hóa nền kinh tế Cuba”.

Thụy Điển : Dân “chê” máy bay, ưu tiên tầu hỏa để bảo vệ môi trường

Về lĩnh vực môi trường, trong khi hãng hàng không Qantas vừa lập kỉ lục mới với chuyến bay thử dài nhất thế giới, hơn 19 giờ nối thẳng New York-Sydney, người dân Thụy Điển lại có xu hướng“xấu hổ vì bay” (flygskam) thay vào đó là tầu hỏa.

Theo thông tín viên RFI Frédéric Faux tại Stockholm, không chỉ mỗi cá nhân, phong trào flygskam hiện được các doanh nghiệp Thụy Điển nhiệt tình ủng hộ :“Lượng vé tầu đi công tác đặt với công ty đường sắt nhà nước SJ đã tăng thêm 13% trong vòng 12 tháng gần đây.
 Năm 2018 là một năm kỉ lục, 2019 sẽ có kết quả tương tự.

Lý do chọn tầu hỏa đối với các doanh nghiệp không muốn mất thời gian, đó là có thể làm việc trong suốt hành trình.

 Lấy ví dụ chặng Stockholm và Goteborg, hai thành phố chính của Thụy Điển, nếu đi máy bay, sẽ mất một tiếng, hành khách chỉ có mỗi mặt bàn nhỏ phía ghế trước để đặt máy tính, ngoài ra phải cộng thêm một giờ để đến sân bay xuất phát, và cũng chừng đó thời gian khi tới nơi. Tổng cộng mất 3 tiếng.

Ba giờ cũng là khoảng thời gian đi tầu hỏa, nhưng nối hai trung tâm thành phố.
Vì thế, trong suốt hành trình, hành khách có một không gian làm việc thực sự với mạng wifi và được phục vụ bữa sáng.
 Mức độ tiện lợi không hề thay đổi ngay cả với những địa điểm xa hơn.

Nếu đi tầu ban đêm, người ta có thể đi xuyên cả Thụy Điển, và tới nơi vẫn tỉnh táo, sẵn sàng cho cuộc hẹn vào sáng hôm sau.
Số lượng đi tầu đêm cũng tăng thêm 37% trong vòng một năm”.

Với khoảng cách xa, máy bay vẫn là giải pháp duy nhất. Nhưng đối với những chặng khác, theo thông tín viên Frédéric Faux, một trong những trở ngại quan trọng nhất để thay đổi, không phải là vấn đề kinh tế hay công việc, mà là tâm lý.

Đi máy bay, đó là dấu hiệu của uy thế, giành cho những người quan trọng và họ không muốn mất lợi thế này, cho dù lượng khí thải CO2, của mỗi người và của mỗi km đi qua, nếu đi máy bay cao gấp 20 lần so với đi tầu hỏa.

Switch mode views: