Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Có đáng tin vào Taliban để Mỹ đàm phán về hòa bình cho Afghanistan?

Taliban My Qatar

Cuộc đàm phán giữa phái đoàn Mỹ và phe Taliban, mà chính quyền Qatar đóng vai trò trung gian. Cuộc gặp diễn ra ngày 26/02/2019 tại Doha, Qatar.STRINGER / QATARI MINISTRY OF FOREIGN AFFAIRS / AFP

 

 

Một ngày trước khi Washington và lực lượng Taliban phải trở lại cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm một tiến trình hòa bình cho Afghanistan, một căn cứ quân sự Mỹ tại Afghanistan đã bị phe nổi dậy này tấn công hôm 01/03/2019.

Theo giới chuyên gia, vụ việc đã đặt các nhà đàm phán Mỹ trước một trong những thách thức lớn : phe Taliban có đáng tin cậy hay không ?

 

Vòng đàm phán thứ 5 giữa Mỹ và quân Taliban bắt đầu từ ngày 25/02/2019, tại Doha, thủ đô Qatar, với nội dung chính là việc rút quân Mỹ ra khỏi lãnh thổ Afghanistan.

Điều đáng chú ý và gây quan ngại là chính quyền Kabul hoàn toàn vắng mặt trong các cuộc thương lượng.

Liệu có thể có được một nền hòa bình mà không cần đến sự tham gia của người dân Afghanistan ?
Tại sao sự hiện diện của Mỹ tại Afghanistan lại là một lá bài của Washington để thương thuyết với quân Taliban ?
 Liệu người ta có thể tin tưởng vào phe Taliban hay không ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngày 21/12/2018, tuyên bố muốn hồi hương « một nửa quân số (14.000) lính Mỹ » đang có mặt tại Afghanistan.

Đương nhiên, tuyên bố này không gây ngạc nhiên vì ông chỉ nhắc lại lời hứa trong quá trình vận động tranh cử tổng thống.
Đối với tổng thống Donald Trump, cuộc chiến tại Afghanistan chỉ gây « tốn kém », không mang lại lợi ích gì cho nước Mỹ.

Thực ra, sau 17 năm can thiệp quân sự mà không mang lại kết quả như mong muốn, chính quyền Washington nhận thấy rằng việc tăng cường quân số và tiếp tục dấn thân quân sự tại Afghanistan – mà phần lớn dân Mỹ và những cử tri ủng hộ ông Donald Trump đều phản đối – cũng không thể nào đẩy lùi được quân nổi dậy Taliban.

Afghanistan : Một Việt Nam thứ hai

Từ nhiều tháng nay, Washington và đại diện của phe nổi dậy Taliban, từng lãnh đạo Afghanistan trong giai đoạn 1996 -2001, đã nối lại các cuộc đàm phán, tìm kiếm một thỏa thuận nhằm chấm dứt một cuộc xung đột dài nhất mà Mỹ can dự.

Nếu như cuộc đàm phán hồi tháng Giêng kết thúc với việc đúc kết một « bản phác thảo thỏa thuận » thì nội dung cụ thể các cuộc hiện vẫn còn mập mờ.
Washington thừa nhận đây mới chỉ là bước khởi đầu của một tiến trình dài và còn nhiều trắc trở.

Đặc sứ Mỹ về Afghanistan, Zalmay Khalilzad, dù tỏ ra lạc quan, cho rằng các cuộc đàm phán đều « mang lại kết quả », « có tiến bộ » nhưng vẫn dè dặt tuyên bố còn « nhiều việc phải làm ».
Ông nhắc lại mục tiêu chính của các cuộc đàm phán là tái lập hòa bình cho đất nước Afghanistan.

« Mục tiêu của tôi không phải là đạt được một thỏa thuận về việc rút quân mà là một thỏa thuận tái lập hòa bình, bởi vì thỏa thuận này sẽ cho phép rút quân Mỹ.
Chúng tôi đã đạt được một số thỏa thuận về nguyên tắc với Taliban liên quan đến các khuôn khổ bảo đảm, cơ chế kiểm soát để không cho một tổ chức khủng bố nào lợi dụng các vùng mà chúng kiểm soát tại Afghanistan để chống lại các lợi ích của Hoa Kỳ, các đồng minh và bất kỳ nước nào. »

Tuy nhiên trong vòng đàm phán lần thứ 5, có một dấu hiệu mới thu hút sự chú ý của giới chuyên gia.
Lần đầu tiên, trong phái đoàn của phe Taliban, có sự hiện diện của ông Abdul Ghani Baradar, đồng sáng lập viên phong trào Hồi giáo cực kỳ bảo thủ Taliban.

Từng bị tình báo Mỹ và Pakistan bắt giam và vừa được thả ra khỏi nhà tù của Pakistan hồi tháng 10/2018, vị giáo chủ này có được một sự ủng hộ mạnh mẽ từ các phe phái của Taliban.
Theo giới chuyên gia, sự hiện diện của giáo chủ Baradar được xem như là một sự bảo đảm cho tính khả tín cho phe Taliban trong các cuộc đàm phán.

Sự việc cũng cho thấy Taliban là một phong trào có tổ chức và hoạt động có bài bản.
Việc cho rằng tổ chức này chỉ là một tập hợp các nhóm tản mạn là một đánh giá sai lầm, dẫn đến những thất bại mà NATO từng vấp phải trong quá khứ, như nhận xét của ông Gilles Dorronsoro, giáo sư về Khoa học Chính trị, trường Đại học Paris 1 Panthéon – Sorbonne, trong chương trình Giải Mã đài RFI.

« Taliban là một phong trào có tổ chức trên quy mô toàn quốc, với cơ quan lãnh đạo là Hội Đồng Cố Vấn Shura (Choura).
Chúng ta đều thấy là họ có chiến lược quân sự, chiến lược tuyên truyền, một hệ thống tư pháp…
Do vậy, thật là sai lầm khi cho rằng Taliban chỉ là những nhóm tản mạn, không có phối hợp với nhau như NATO đã từng nêu ra cách nay vài năm.

Đó chính là một trong những nguyên nhân thất bại của NATO vì không hiểu Taliban hoạt động như thế nào.
 Do vậy, vấn đề hiện nay không phải là đặt câu hỏi liệu Taliban có phải là một phong trào có tổ chức hay không. »

Do vậy, chuyên gia Gilles Dorronsoro lưu ý tiếp giáo chủ Baradar chưa hẳn là người có tiếng nói « sau cùng » trong phe Taliban.
Nhân vật này có thể tiến hành đàm phán về một thỏa thuận hòa bình, nhưng không có gì bảo đảm là Taliban thực hiện các cam kết vì còn có nhiều yếu tố khác.

« Ông ta không phải là người quyết định. Đó chỉ là một nhân vật trung gian.
Có hai quy trình quyết định chấp thuận các thỏa thuận.
 Trước tiên là thỏa thuận được đem ra bàn thảo tại Shura và định chế này sẽ thông qua.
Quy trình thứ hai là trong một chừng mực nào đó, phải có sự chấp thuận của Pakistan vì Taliban vẫn nằm trong sự kiểm soát của Pakistan. »

Câu hỏi đặt ra : Vì sao tổng thống Donald Trump lại quyết định đàm phán với Taliban sau nhiều năm đối đầu ?
Và vì sao ông lại phá vỡ điều cấm kỵ mà không một người tiền nhiệm nào dám thực hiện ?

Bà Fahimeh Robiolle, giảng viên trường đại học Paris 3 và đại học Kabul, chuyên gia về thương thuyết và xử lý xung đột trên RFI nhận định :
« Cho đến thời gian gần đây, Mỹ vẫn coi Taliban là những kẻ khủng bố. Thế nhưng, với Donald Trump, thì mọi việc đều có thể xẩy ra.

 Mặt khác, có một điều rất quan trọng trong vòng đàm phán lần thứ 5 : đó là sự hiện diện của viên tướng Mỹ (Austin S.Miller), chỉ huy lực lượng Mỹ và NATO tại Afghanistan.
 Như vậy, Mỹ coi giáo sĩ Abdul Ghani Baradar là một đối tác đàm phán rất đáng tin cậy…
Tôi nghĩ là Hoa Kỳ đã suy nghĩ và nhận thấy là tình hình Afghanistan hiện nay giống như Việt Nam trước đây và đã đến lúc, nước Mỹ phải đưa những đứa con của mình trở về nhà. »

Ông Gilles Dorronsoro nhắc lại đây còn là lời hứa tranh cử của tổng thống Trump và hiện tại nguyên thủ Mỹ đang tận dụng lợi thế là có được một sự đồng thuận trong hồ sơ này từ bộ máy chính quyền cũng như là tầng lớp chính trị gia, dù rằng vẫn còn nhiều nghi vấn xung quanh cách thức đối thoại.

« Đúng. Mọi việc rất rõ ràng. Nhưng điều quan trọng là lập trường rút quân lại có được sự đồng thuận của gần như toàn bộ chính giới Hoa Kỳ.
Không một chính trị gia nào thuộc đảng Dân Chủ có khả năng ra ứng cử tổng thống sắp tới, lại có lập trường khác.

Thậm chí, trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần đây nhất, vấn đề Afghanistan gần như vắng bóng trong các cuộc tranh luận.
Mỹ đồng thuận rút quân về nước vì rút cuộc giới lãnh đạo quân sự Hoa Kỳ đã phải thừa nhận là Mỹ không thể thắng trong cuộc chiến tại Afghanistan.
 Không có giải pháp nào khác và do vậy, phải rút quân. »

Tính khả tín của Taliban ?

Chỉ có điều, trước khi tiếp tục các cuộc thương thuyết cho vòng thứ 5, quân Taliban đã tấn công một căn cứ quân sự Mỹ ở Afghanistan.

Vụ việc đã làm dấy lên nhiều nghi vấn : Liệu quân Taliban có khả năng giữ lời và đưa ra được một sự bảo đảm trong khi mà Hoa Kỳ mong muốn có được một thỏa thuận hòa bình trong dài hạn, đồng thời cho phép Washington rút các binh sĩ ra khỏi lãnh thổ Afghanistan ?

 Hoa Kỳ hiện đang đàm phán gì với quân nổi dậy Taliban ?
Về điểm này, bà Fahimeh Robiolle giải thích :

« Có nhiều nội dung đàm phán. Trước tiên là chuẩn bị một lịch trình rút quân và phía Taliban cam kết chấm dứt tiến hành thánh chiến quốc tế và đưa ra các bảo đảm là các nhóm thánh chiến Daech phải rút khỏi Afghanistan.
Đây là điều rất quan trọng bởi vì trong hàng ngũ Taliban, được coi là tiến hành thánh chiến quốc tế, lại có những chiến binh ngoại quốc.

Số phận những chiến binh này sẽ ra sao, để có thể phác thảo ra được một thỏa thuận hòa bình.
Cả hai bên, Mỹ và Taliban, đều phải có những bảo đảm để tránh lại phải chứng kiến những hành động khủng bố đã xẩy ra trước đó».

Trả lời cho câu hỏi « Liệu Taliban có chấp nhận từ bỏ các tham vọng chính trị, thay đổi hệ tư tưởng để đổi lấy việc Mỹ rút quân ? », ông Gilles Dorronsoro bi quan cho rằng Hoa Kỳ và phương Tây ít có phương tiện để gây áp lực với Taliban.

« Chúng ta không biết chắc chắn nội dung đàm phán mà chỉ biết các chủ đề thương lượng.
Trong các cuộc thương lượng trước đây ở Chantilly, Pháp (12/2012), phía Taliban đã cam kết từ bỏ khủng bố quốc tế.
Như vậy lập trường của Taliban không hề thay đổi.
Vấn đề ở đây là làm thế nào kiểm chứng được.

Có hai điểm có thể kiểm chứng được ngay : Thứ nhất, quân Taliban luôn luôn bị nghi ngờ gián tiếp ủng hộ khủng bố quốc tế. Điều này ai cũng rõ.
Điểm thứ hai là họ thường xuyên đối đầu với tổ chức Nhà nước Hồi Giáo. Không có gì khó khăn để kiểm chứng được việc này.
 Vấn đề mấu chốt cần quan tâm, kiểm chứng là mối quan hệ giữa Taliban và tổ chức khủng bố Al Qaida.

Năm 2014, ngay sau khi Mỹ rút quân, Al Qaida đã lập một trại huấn luyện ở gần Kandaha.
Về việc này, không có gì thực sự là bảo đảm cả.

Một trong những nội dung đàm phán là Mỹ sẽ để lại một căn cứ ở Afghanistan hoặc Pakistan, để can thiệp khi cần thiết.

Câu hỏi đặt ra là Mỹ và phương Tây có những phương tiện nào để gây sức ép buộc Taliban tôn trọng các cam kết, sức ép về viện trợ kinh tế hoặc sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với lực lượng Taliban… »

Kabul bị loại khỏi cuộc chơi giữa Mỹ và Taliban

Điều đáng chú ý là không có sự hiện diện của chính quyền Kabul trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và quân Taliban.
Để trấn an công luận, Washington cho biết vẫn tiếp tục thương lượng thỏa thuận ngừng bắn và khởi động các đàm phán trực tiếp giữa phe Taliban với chính quyền Kabul.

 

Nhưng các nhà đàm phán Mỹ vấp phải sự từ chối kiên quyết của phe nổi dậy khi cho rằng tổng thống Ashraf Ghani là một « con rối » trong tay Mỹ.
Vậy Mỹ thật sự muốn gì ở phe nổi dậy ? Chuyên gia Gilles Dorronsoro phân tích tiếp :

« Đúng là không thể tưởng tượng nào. Nhưng nếu nhìn vào sự sụp đổ dần dần trong hệ thống chính trị Afghanistan, người ta hiểu được lập trường của Mỹ cho dù khó có thể biện minh : đó là uy tín chính trị của tổng thống Afghanistan hiện nay, Ashraf Ghani, gần như là số không.

 

Cuộc bầu cử lập pháp gần như là một thảm bại chính trị. Theo lịch trình, thì Afghanistan sẽ có bầu cử tổng thống vào tháng Bẩy tới, nhưng về mặt kỹ thuật thì khó khả thi.
Trong mọi trường hợp, mức độ tham nhũng lớn đến nỗi khó có một hệ thống chính trị nào hoạt động được một cách nghiêm túc.

Thực ra, vấn đề chính là liệu ai có thể đại diện cho chính quyền Kabul để đàm phán với Taliban.
Câu trả lời rõ ràng của Hoa Kỳ là không có ai cả.
Lý do thứ hai của việc chính phủ Kabul không được mời tham gia đàm phán với Taliban là Hoa Kỳ không đàm phán về tương lai của Afghanistan.

Những vấn đề như dân chủ, nhân quyền không còn là vấn đề của Mỹ nữa, không phải là mối quan tâm của các nhà đàm phán Hoa Kỳ.
 Điều duy nhất Mỹ quan tâm đàm phán là việc rút quân và những bảo đảm mà phía Taliban đưa ra chống lại quân thánh chiến. »

Mười bảy năm can thiệp quân sự, Hoa Kỳ mất nhiều hơn là được. Mỹ đã phải tiêu tốn đến hơn 930 tỷ đô la.
Cuộc xung đột này đã cướp đi gần 2 420 lính Mỹ và hơn 1 140 binh sĩ đồng minh.

Điều này cũng giải thích vì sao tổng thống Trump và chính quyền Washington muốn rút quân về nước.
Nắm bắt được tâm trạng này, Taliban đã làm chủ cuộc chơi và tìm cách áp đặt nhịp độ đàm phán với Mỹ.

Các cuộc đàm phán này mang lại nhiều mối lợi cho Taliban và gây nhiều thiệt thòi cho người dân Afghanistan.

 Vốn dĩ rất gắn bó với những thành quả đạt được từ nhiều năm nay trên phương diện nhân quyền, giờ đây xã hội dân sự Afghanistan lo sợ sự trở về của phong trào Taliban cực đoan, tìm cách tái lập luật Hồi giáo Sharia hà khắc một khi Hoa Kỳ rút quân.

Switch mode views: