Algeri: Boutflika, từ con người của hòa bình đến tổng thống tham quyền cố vị
- Thứ Ba, 05 tháng Ba năm 2019 20:24
- Tác Giả: RFI
Ảnh tư liệu: Tổng thống Algeri, Abdelaziz Bouteflika, đi bỏ phiếu bầu Quốc Hội 04/05/2017 tại thủ đô Anger.
RYAD KRAMDI / AFP
Tình hình chính trị Algerie đang nóng lên từng ngày sau nhiều thập kỷ yên ả. Trung tâm sự kiện là tổng thống Abdelaziz Bouteflika, 82 tuổi.
Được ca ngợi là người mang lại hòa bình cho đất nước, hình ảnh của Boutelika bỗng chốc thay đổi thành một kẻ tham quyền cố vị, bị một bộ phận dân chúng, đa phần là giới trẻ, xuống đường phản đối.
Đất nước Algeri mà ông Bouteflika quản trị thành công trong gần 2 thập kỷ qua giờ đứng trước nguy cơ biến động khó lường.
Mọi sự bắt đầu từ ngày 10/02/2019 khi phủ tổng thống Algeri chính thức thông báo ông Abdelaziz Bouteflika ra ứng cử trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 18/04/2019.
Từ ngày 22/02, hàng chục nghìn người, theo những lời kêu gọi ẩn danh trên mạng xã hội đã xuống đường ở thủ đô Alger và nhiều thành phố khác của đất nước để phản đối ông Bouteflika, già lão bệnh tật nhưng vẫn muốn làm thêm nhiệm kỳ tổng thống thứ 5.
Có thể nói, số phận của Abdelaziz Bouteflika gắn liền với những thăng trầm của đất nước Algeri.
Sự nghiệp chính trị của ông Bouteflika bắt đầu sớm, khi mới 19 tuổi, nhưng phải đến năm 1999 mới đưa ông lên đến đỉnh cao quyền lực, được bầu làm tổng thống Algeri ngay trong lần ra ứng cử đầu tiên.
Liên tiếp các nhiệm kỳ sau đó, Abdelaziz Bouteflika tái đắc cử ngay vòng đầu với số phiếu cao : 2004 (85%), 2009 (90%) và 2014 (81%).
Lần này nếu không có gì biến động cho đến ngày bầu cử 18/04 tới đây, có thể ông vẫn sẽ lại thắng cử nhiệm kỳ thứ 5.
Từ sau vụ tai biến mạch máu não năm 2013, sức khỏe suy yếu, tổng thống Abdelaziz Bouteflika không hề xuất hiện trực tiếp trước công chúng.
Ông chỉ được thấy qua những hình ảnh ngồi trên xe lăn trong một số sự kiện được báo chí chính thức đăng tải.
Từ một ngoại trưởng trẻ nhất thế giới, khôn khéo, năng nổ ngược xuôi khắp nơi đến một vị tổng thống ăn nói khôn ngoan, ra những quyết sách mạnh mẽ mang lại sự ổn định cho Algeri, giờ đây hình ảnh của Abdelaziz Bouteflika là một ông lão bệnh tật đang ở đoạn cuối cuộc đời, không có gì giống một vị nguyên thủ quốc gia có tài trị quốc.
Sinh ngày 2/3/1937 tại Oujda Maroc. 19 tuổi, Abdelaziz Bouteflika gia nhập Quân đội Giải phóng Quốc gia (ALN) chiến đấu chống lại ách đô hộ thực dân Pháp. Năm 1962, Algeri giành độc lập, 25 tuổi ông được giao làm bộ trưởng Bộ Thanh niên Thể thao và Du lịch, một năm sau Abdelaziz Bouteflika trở thành ngoại trưởng trẻ nhất thế giới.
Ông giữ chức vụ này cho đến năm 1979.
Năm 1965, ông ủng hộ cuộc đảo chính của Houari Boumédiène lật đổ tổng thống Ahmed Ben Bella.
Năm 1978, tổng thống Houari Boumédiène, người đỡ đầu chính trị của Abdelaziz Bouteflika qua đời.
Đà thăng tiến của nhà ngoại giao khôn ngoan này cũng dừng lại. Bị chính quyền kế nhiệm không còn tin dùng, ông bị loại ra khỏi chính trường, phải sống lưu vong ở Dubai rồi Genève .
Năm 1987, ông Bouteflika về nước bắt đầu trở lại chính trường Algeri một cách khá dè dặt.
Ông từ chối đề nghị của giới quân nhân muốn đưa ông lên nắm quyền năm 1994.
Không lâu sau, đến kỳ bầu cử tổng thống 1999 ông đắc cử tổng thống Algeri ở tuổi 62.
Bouteflika tỏ ra là một lãnh đạo khôn khéo biết xử lý dàn xếp thỏa hiệp với các lực lượng chống đối trong nước lúc bấy giờ.
Ông được biết đến là người tìm ra con đường hòa giải với các lực lượng Hồi giáo vũ trang, đồng thời dập tắt mọi tiếng nói phản kháng trong chính quyền.
Mặc dù hiếm khi xuất hiện trước công chúng trong những năm qua, ông vẫn là bậc thầy trong nghệ thuật lãnh đạo đất nước, luôn là người « quyết định mọi việc » của Algeri.
Với người Algeri, Abdelaziz Bouteflika hiện thân cho nền hòa bình tìm lại sau hàng thập kỷ đen tối nội chiến, khủng bố đẫm khiến hơn 200 nghìn người chết.
Là nhân vật trung tâm của hòa giải dân tộc, ông đã tạo dựng được một nền hòa bình lâu bền cho dù có phải gượng ép.
Abdelaziz Bouteflika có 16 năm lãnh đạo ngành ngoại giao Algeri đã để lại những dấu ấn lớn trên trường quốc tế.
Một thành công gây tiếng vang của ngoại trưởng Bouteflika, đó là vụ thương thuyết để giải thoát 42 con tin bị khủng bố bắt giữ ngay giữa cuộc họp tại trụ sở của tổ chức xuất khẩu dầu lửa OPEP năm 1972.
Được bầu với sự nhất trí toàn thể làm chủ tịch khóa họp 29 Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc năm 1974.
Abdelaziz Bouteflika lên án mạnh mẽ chế độ Apartheid Nam Phi và tạo điều kiện cho chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Yasser Arafat lần đầu tiên được phát biểu trước cộng đồng quốc tế.
Trong những năm 1960 trong tiếng vang của cuộc cách mạng giải phóng Algeri, ông trở thành như người phát ngôn của thế giới thứ 3, biến Algeri thành thủ đô của phong trào cách mạng thế giới.
Từ khi Algeri được độc lập, Abdelaziz Bouteflika vẫn giữ mối quan hệ đặc biệt với nước Pháp.
Ông luôn là vị khách quý, quen thuộc từ phủ tổng thống đến phủ thủ tướng hay bộ Ngoại Giao Pháp.
Trong thời gian bị thất sủng từ 1969 đến 1987, Bouteflika đã chọn Pháp như là hậu cứ cho các hoạt động chính trị lưu vong.
Chưa có một người tiền nhiệm nào của ông có được mối liên hệ bền chặt với đất nước của những thực dân từng đô hộ mình.
Nhưng Bouteflika không ngần ngại nhiều lần đối mặt trực diện chỉ trích vai trò và trách nhiệm lịch sử của Pháp đối với quá khứ thực dân ở Algeri.
Có điều nghịch lý, con người đã nổi tiếng nhất Algeri nhưng lại vẫn rất bí ẩn.
Bước vào chính trị một cách kín đáo, Bouteflika biết cách dập tắt những đối kháng chính trị.
Cách vận hành bộ máy lãnh đạo đất nước của vị tổng thống 20 năm tại vị này vẫn luôn là bí ẩn.
Người dân Algeri có lẽ sẽ không bao giờ biết được con người ẩn giấu phía sau vị siêu tổng thống này.
Khi trở thành một tổng thống đầy quyền lực, ông Bouteflika áp đặt cải cách Hiến Pháp năm 2008 xóa giới hạn 2 nhiệm kỳ tổng thống để mở đường ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 3.
Năm 2014, dù sức khỏe bị suy sụp sau cơn tai biến mạch máu não trước đó vài tháng, các lực lượng đối lập đã cắm chân trong bộ máy an ninh, ông vẫn chiến thắng ngoạn mục giành nhiệm kỳ thứ 4.
Ngồi xe lăn cầm quyền, nhưng tổng thống Algeri vẫn thể hiện được sức mạnh khi năm 2016, ông cho giải tán Cục Tình Báo và An Ninh sau khi cách chức lãnh đạo cơ quan này của tướng Mohamed Médiène, một người từng được coi là đầy quyền uy, thế lực.
Nhưng nhiệm kỳ thứ 4 của ông Bouteflika cũng đánh dấu sự xuống dốc của kinh tế Algeri kéo theo tình hình chính trị xã hội bắt đầu có dấu hiệu bất ổn.
Làn sóng phản đối Bouteflika ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 của đông đảo giới trẻ Algeri là dấu hiệu cho thấy nền chính trị của đất nước này đã lão hóa.
Tin mới
- Việc làm: Pháp vô địch về "quyền bình đẳng" nam nữ - 09/03/2019 18:39
- Ảnh vệ tinh : Bắc Triều Tiên chuẩn bị phóng một tên lửa - 09/03/2019 15:41
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-3-2019 - 08/03/2019 17:18
- Căng thẳng Biển Đông gia tăng sau vụ Trung Quốc đâm chìm tàu Việt Nam - 08/03/2019 16:39
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-3-2019 - 08/03/2019 01:38
- Venezuela : Bốn "sai lầm chiến lược" của Juan Guaido - 07/03/2019 21:52
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-3-2019 - 06/03/2019 18:38
- Xe hơi chạy điện có thực sự « sạch » ? - 06/03/2019 16:55
- Mỹ lại điều pháo đài bay B-52 đến thị uy trên Biển Đông - 06/03/2019 15:35
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-3-2019 - 06/03/2019 01:12
Các tin khác
- A380, một thất bại của công nghiệp hàng không châu Âu - 05/03/2019 17:29
- Hạ Viện Mỹ mở một cuộc điều tra rầm rộ về TT Donald Trump - 05/03/2019 17:06
- Cánh hữu châu Âu khởi sự thủ tục khai trừ đảng Fidesz của thủ tướng Hungary - 05/03/2019 16:46
- Quan hệ Việt Nam – Anh Quốc sau Brexit - 05/03/2019 00:13
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-3-2019 - 04/03/2019 17:46
- Mỹ và Bắc Triều Tiên đều xem thượng đỉnh Hà Nội là thành công - 04/03/2019 16:59
- Thái Lan : Biểu tình toàn quốc ủng hộ đảng đối lập Thai Raksa Chart - 04/03/2019 02:17
- Cocain: Nguồn sống của quan chức và nền kinh tế Venezuela - 04/03/2019 01:57
- Mỹ-Hàn bỏ tập trận Key Resolve để duy trì đối thoại với BTT - 04/03/2019 00:54
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-3-2019 - 02/03/2019 23:48