World Bank chê công nhân Việt Nam ‘tay nghề yếu’
- Thứ Tư, 14 tháng Mười Một năm 2012 23:13
- Tác Giả: Terri Dinh
VIỆT NAM (NV) - Một phúc trình của World Bank-Ngân Hàng Thế Giới vừa được công bố nói rằng trình độ công nhân Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất kỹ nghệ tân tiến.
Công nhân lao động phổ thông, thiếu khéo léo trong quan hệ ứng xử sẽ khó tìm việc làm trong tương lai. (Hình: VNExpress)
Phúc trình này dựa vào kết quả khảo sát 350 công ty lớn nhỏ đang hoạt động tại Sài Gòn, Hà Nội và các tỉnh phụ cận do Ngân Hàng Thế Giới và Viện Nghiên Cứu Quản Lý Trung Ương thực hiện mới đây.
Theo VNExpress, phần lớn các công ty được khảo sát đều nói “không hài lòng về trình độ chuyên môn, kiến thức” cũng như năng lực giải quyết những vấn đề phát sinh trong việc điều hành, trong việc giao tiếp, ứng xử... của nhân viên và công nhân trực thuộc.
Phúc trình này cho rằng giới nhân viên văn phòng Việt Nam hiện nay thiếu kinh nghiệm giao tiếp, lãnh đạo và năng lực giải quyết các vấn đề liên quan đến phần hành của mình.
Còn các công nhân, kỹ thuật viên thì bị chê thiếu tinh thần làm việc nhóm và kém trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh.
Một số đại diện các công ty cũng nói thẳng rằng họ không hài lòng với cách làm việc của phần lớn kỹ sư và kỹ thuật viên tốt nghiệp các trường đại học ở Việt Nam. Theo họ, kỹ sư Việt Nam, đặc biệt là những người đang làm việc tại các công ty xuất nhập cảng, thiếu sự suy nghĩ độc lập, sáng tạo.
Trong khi đó, ông Christian Bodewig, chuyên viên “phát triển con người” của Ngân Hàng Thế Giới tại Việt Nam đổ trách nhiệm cho ngành giáo dục bậc tiểu học và trung học, không riêng bậc đại học.
Ông này cho rằng Việt Nam “không nên chỉ lo dạy nghề và truyền bá kiến thức chuyên môn ở bậc đại học.” Bởi vì, theo ông, “tư duy phản biện và kinh nghiệm làm việc nhóm” thường phát triển ở cá nhân khi còn ngồi ở ghế tiểu học và trung học.
Ông này cho rằng các trường đại học và trường dạy nghề chỉ cung cấp kiến thức chuyên môn để một người biết cách thực hiện công việc của riêng mình.
Các chuyên viên Ngân Hàng Thế Giới còn khuyến cáo Việt Nam cần thay đổi nền giáo dục hiện nay.
Ông Christian Bodewig nói thêm: “Nghệ thuật giao tiếp, sự khéo léo trong hành vi ứng xử và tư duy phản biện không bao giờ lỗi thời trong mọi thời đại.”
Cũng theo ông, lâu nay Việt Nam ỷ lại “giá công lao động rẻ,” bất chấp việc nâng cao tay nghề chuyên môn. Nhưng nay, theo ông, “ưu thế” lao động giá rẻ đã mất chỗ đứng trên thị trường thế giới. Nói khác đi, nền kỹ nghệ thế giới hiện nay chỉ cần công nhân, kỹ sư có phẩm chất và giỏi tay nghề. (PL)
Tin mới
- Đời đảo điên - 07/05/2013 15:07
- Ngày Lễ Lao động : châu Á chống bất công, châu Âu chống khắc khổ - 01/05/2013 21:14
- 10 điều Mèo hấp dẫn hơn Cọp - 27/04/2013 15:05
- Mỹ thúc giục Trung Quốc bảo vệ người Duy Ngô Nhĩ - 25/04/2013 20:00
- Sao hôm sao mai - 10/04/2013 23:14
- Tin buồn: NT La Văn Chung qua đời - 05/03/2013 04:37
- Mùa Lá Rụng - 06/01/2013 13:57
- CHỒNG.. - 15/12/2012 14:21
- Trung Quốc ủi đổ nhà không chịu di dời - 02/12/2012 00:29
- Mua sắm mùa lễ hội: Món mình muốn thì người khác không tặng - 23/11/2012 15:27